Tú Anh - RFI
Thứ năm 20 Tháng Giêng 2011
Tổng thống Barack Obama đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc bằng lễ nghi long trọng nhất. Phái đoànTrung Quốc đã ký hàng loạt hợp đồng với siêu cường số một lên đến 45 tỷ đô la, nhưng Tổng thống Mỹ cũng đã có lời lẽ rất thẳng thắn trên các hồ sơ tiền tệ, nhân quyền,Tây Tạng. Giới phân tích nhận định lãnh đạo Bắc Kinh đã tỏ ra không còn trịch thượng ít ra là trong bốn ngày công du của ông Hồ Cẩm Đào. Mối quan hệ Mỹ-Trung đã đi đến giai đoạn «thực tế».
Thảm đỏ, hội kiến trong phòng làm việc của Tổng thống Mỹ, dạ tiệc tại Nhà Trắng, họp báo chung, Tổng thống Barack Obama đã tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc bằng lễ nghi long trọng nhất trong ngày thứ hai công du nước Mỹ. Phải công nhận rằng phái đoànTrung Quốc cũng đã ký hàng loạt hợp đồng với siêu cường số một lên đến 45 tỷ đô la và đặt mua ít nhất 200 máy bay Boeing. Tổng thống Mỹ đã có lời lẽ rất thẳng thắn trên các hồ sơ tiền tệ, nhân quyền,Tây Tạng, những vấn đề mà phía Trung Quốc xem là « nhạy cảm ». Giới phân tích nhận định lãnh đạo Bắc Kinh đã tỏ ra không còn trịch thượng ít ra là trong 4 ngày công du của ông Hồ Cẩm Đào. Mối quan hệ Mỹ -Trung đã đi đến giai đoạn « thực tế ».
Trả lời câu hỏi của đài truyền hình Mỹ ABC là « Hai anh khổng lồ của đầu thế kỷ 21 này là bạn hay thù ? » , ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giải thích rằng sở dĩ chính phủ « trải thảm đỏ đón chủ tịch Hồ Cẩm Đào là vì nghĩ rằng chúng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách đi tới ». Bà nói thêm là « Hy vọng hai nước sẽ tạo được quan hệ bình thường ».
Những hợp đồng thương mại khổng lồ lên đến 45 tỷ đôla đã được Trung Quốc ký với Hoa Kỳ trong ngày thứ hai của chuyến « công du cấp nhà nước » của lãnh đạo Trung Quốc mặc dù những hồ sơ « nhạy cảm » đã được Tổng thống Mỹ đề cập trực tiếp, phải chăng là dấu hiệu Bắc Kinh từ bỏ thái độ trịch thượng, đối nghịch xảy ra nhiều lần trong những năm gần đây ? Công luận không quên thái độ của giới lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2008 với vụ rước đuốc Thế vận hội, hay lập trường của Bắc Kinh trong hồ sơ bán đảo Triều Tiên , xung khắc tại Biển Đông và Hoa Đông. Từ tiền tệ, cán cân thương mại, mở cửa thị trường cho đến an ninh quốc phòng, nhân quyền... bất đồng giữa hai bên đều sâu đậm.
Vào đầu năm 2009, khi mới lên nhậm chức, Tổng thống Obama và nội các của ông hy vọng tạo được điều kiện cho hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay cùng làm việc chung với nhau để giải quyết những vụ khủng hoảng trên địa cầu. Nhưng những gì xảy ra trong năm sau, 2010, đã làm cho Washington vỡ mộng đến mức cụm từ G2 đã biến mất trong ngôn ngữ ngoại giao của Mỹ.
Đối đầu giữa hai bên trong vụ Trung Quốc kiểm duyệt thông tin điện tử, thái độ trịch thượng của Bắc Kinh tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Copenhagen, sự khước từ nâng giá đồng nhân dân tệ bất chấp những đòi hỏi liên tục của Mỹ và nhiều quốc gia khác, tranh chấp chủ quyền biển đảo với các lân bang Á châu, chạy đua vũ trang tăng cường tiềm năng quân sự, thái độ thiếu hợp tác trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và Iran , phản ứng theo kiểu «nộ khí xung thiên » khi nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng Nobel hòa bình đã bắt buộc Hoa Kỳ phải xem xét lại chính sách của mình đối với Bắc Kinh.
Theo nhà nghiên cứu Elizabeth Economy thuộc Trung tâm quan hệ quốc tế New York thì « giấc mơ hợp tác để chỉ đạo thế giới vẫn còn » nhưng do thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc mà bây giờ Hoa Kỳ phải « thực tế ». Theo chuyên gia Mỹ này, thì Washington khẩn cấp trấn an các đồng minh tại châu Á đang lo ngại trước hành vi gây hấn của Bắc Kinh.
Để tìm hiểu thêm do những nguyên nhân sâu xa nào mà giới lãnh đạo Hoa Kỳ phải tỏ ra cương quyết với Trung Quốc và vì sao ban lãnh đạo Bắc Kinh có vẻ từ bỏ thái độ trịch thượng, mời quý thính giả theo dõi thêm phần phân tích của Giáo Sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine, Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment