Friday, January 7, 2011

THẤT VỌNG VỚI FACEBOOKERS VIỆT NAM (Hải Lý)

Hải Lý
Thứ Bảy, 08/01/2011


Trong thời gian gần đây, cộng đồng Việt trên mạng xã hội Facebook lại một phen xôn xao vì những biện pháp chặn Facebook tại Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ và triệt để hơn. Mạng Facebook bị chặn ở Việt Nam chẳng phải là điều mới mẻ gì, nhưng lần này các Facebookers phải rất vất vả mới “trèo tường” (từ lóng chỉ việc vượt tường lửa firewall để đến được một website nào đó) vào được, gây nản lòng không ít cho những ai muốn tiếp cận thông tin và chia sẻ cùng bạn bè bốn phương.

Mình viết bài này không phải để mổ xẻ nguyên nhân việc chặn Facebook, mà là nói lên cảm tưởng của mình sau khi quan sát những biểu hiện của một số Facebookers Việt Nam.

Nói ngắn gọn chỉ có hai chữ: thất vọng.

1. Rất nhiều Facebookers sau khi vượt tường lửa bằng cách này hay cách nọ đã không dấu diếm sự tự hào: cứ chặn kiểu này thì chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ sản sinh ra những tay chuyên môn về IT hàng đầu trên thế giới.
Mình chia sẻ sự vui mừng của các bạn. Nhưng mình mong các bạn hãy nghĩ lại xem. Những phương pháp, những lập trình hay applications để “trèo tường” mà các bạn đang dùng có phải của chính người Việt Nam viết ra không? Ai tạo ra những Freegate, Psiphon, v.v... ? Phải chăng là những người thuộc giáo phái Pháp Luân Công, hoặc một nhóm nghiên cứu tại đại học Toronto ở Canada, và còn nhiều nhiều nữa? Chúng ta chỉ là những người dùng các software ấy, và từ việc dùng thông thạo một software nào đó cho đến trở thành giỏi hàng đầu trên thế giới về IT có một khoảng cách khá xa. Hơn nữa, cứ cho rằng người Việt giỏi lên về IT từ việc “trèo tường” như thế này đi, đó có phải là điều đáng tự hào như vậy không? Ngay cả từ “trèo tường” chính nó cũng đã mang một ý nghĩa chẳng hay ho gì.

2. Sở hữu được những phương tiện “trèo tường” hữu hiệu như thế thì các bạn đã yên tâm, và còn có thái độ thách thức: các chú các bác cứ chặn, các cháu cứ trèo.
Phải nói, trước nhất mình thích thái độ này của các bạn. Ngang bướng, không chịu khuất phục trước khó khăn, phải như vậy chứ! Nhưng rồi cái vui của mình chẳng được bao lâu, vì mình có cảm tưởng rồi đây các bạn cũng chỉ yên phận với cách “trèo tường” như thế này. Nó cho thấy các bạn chỉ muốn chữa cái ngọn chứ không biết hoặc không muốn đụng đến cái gốc của vấn đề.
Mình lấy ví dụ nhé. Các bạn đi trên một con đường, và con đường ấy có một hố tử thần rất to. Dĩ nhiên thấy cái hố ấy thì các bạn phải đi vòng quanh để tránh nó. Nhưng rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, cái hố vẫn cứ chình ình ra đó và mỗi ngày đi ngang qua các bạn đều phải tránh. Các bạn có tự hỏi mình phải tránh cái hố ấy cho đến bao giờ? Các bạn có tự hỏi mình sự hiện diện của cái hố ấy là hoàn toàn hợp lý, trong khi các bạn là công dân, có đóng thuế đàng hoàng thì phải xứng đáng được hưởng tình trạng đường xá, giao thông tốt nhất?
Cũng vậy, với việc “trèo tường” để vào được Facebook, các bạn có bao giờ tự hỏi mình phải “trèo” cho đến bao giờ? Các bạn có bao giờ tự hỏi cái việc “trèo” như thế là hoàn toàn tự nhiên? Có khoảng 196 quốc gia trên Quả Đất này, và Việt Nam được hân hạnh nằm trong một nhóm nhỏ những nước bị kiểm soát Internet gắt gao nhất như Trung Quốc, Pakistan, CHDCND Triều Tiên, ... các bạn có bao giờ nghĩ tại sao lại như vậy không?

3. Một số bạn lập hội trên Facebook, yêu cầu được vô lại Facebook một cách bình thường vì các bạn không thích cứ phải “trèo tường” như thế này. Nhưng các bạn lại năn nỉ các thành viên là đừng nói chuyện “chính trị nhạy cảm.” Một vài bạn không ngần ngại tuyên bố sở dĩ Facebook bị chặn là vì bọn “phản động,” và bọn này cần phải bị tiêu diệt.
Có tiến bộ đôi chút ở đây, vì cuối cùng các bạn đã chịu nhìn tới cái gốc của vấn đề. Nhưng cách suy nghĩ của các bạn về cái nguyên nhân chặn Facebook làm mình chết cười.

Mình kể cho các bạn nghe một điều nho nhỏ mình chứng kiến tại Canada nhé. Cách đây nhiều năm tỉnh bang Quebec của Canada đòi ly khai khỏi Canada để thành lập một quốc gia riêng. Cực kỳ phản động phải không nào? Thế nhưng đảng phái ủng hộ chủ trương ly khai này vẫn đàng hoàng ra ứng cử, sinh viên ở một số trường đại học khắp đất nước vẫn lập ra những câu lạc bộ tuyên truyền và ủng hộ việc ly khai. Tình hình căng thẳng, kẻ bênh người chống cãi nhau ỏm tỏi trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Nhưng rồi cũng chỉ có thế. Chẳng một người nào phải vô tù, chẳng một website nào phải bị chặn hoặc đánh sập vì đã theo đuổi chủ trương “phản động” này cả.

Xem người lại ngẫm đến ta. Tuổi trẻ các nước khác xem chính trị là việc bình thường, dù nhạy cảm hay không. Tuổi trẻ Việt Nam sợ nói đến chính trị, sợ dính dáng đến những gì bị cho là nhạy cảm, là phản động.

Hỏi các bạn một điều nhỏ. Nhỡ sau này, nhỡ thôi, vào một ngày đẹp trời nào đó, người thân hoặc thân nhất của bạn bị công an đánh hoặc bắn vì trót đi đường mà không mang mũ bảo hiểm (chuyện tương tự đã từng xảy ra rồi nhé) thì các bạn sẽ phản ứng như thế nào? Đấy là chính trị, là nhạy cảm đấy, các bạn có sẽ tiếp tục tự bịt tai, che mắt, dán miệng như các bạn đã và đang làm? Nếu sợ chính trị như thế, có lẽ các bạn nên vào ở một khu rừng sâu hoang dã nào đó cách biệt với thế giới hiện tại, một nơi phi chính phủ, may ra như vậy mới có thể giảm thiểu những sợ hãi của các bạn đối với chính trị.

Facebook bị chặn là liên quan đến bọn phản động nói xấu nhà nước ta, và để vào được Facebook các bạn tránh không dám dính líu gì đến bọn phản động và chính trị nhạy cảm cả. Không những là nhịn, các bạn còn nhường nữa. Nhường quyền tự do ngôn luận tối thiểu của mình, nhường quyền lên tiếng trước những bất công xã hội nhan nhản trước mắt.

Khả năng nhường và nhịn của người Việt Nam, qua biểu hiện của các bạn, quả là một điều đáng nể.

Cách đây khoảng một trăm năm, nhiều học giả như Trần Trọng Kim đã đánh giá là người Việt Nam ta vốn thông minh, nhưng chỉ là khôn vặt, tinh lanh chứ chẳng có tầm nhìn xa. Chúng ta học hành để sau này lo cho bản thân, và hơn nữa là cho gia đình, gia tộc, chứ xã hội vẫn là một cái gì đó xa vời.

Trước phản ứng của các bạn với việc siết chặt các hành động chặn Facebook, phải nói là nhận xét của các cụ về tính cách của người Việt Nam vẫn còn chắc như đinh đóng cột.
Thất vọng.

Hình minh họa từ blog Mẹ Nấm. Blogger Mẹ Nấm đang kêu gọi mọi người ký vào đơn khiếu nại gửi tới các ISP về việc mạng xã hội Facebook bị chặn.
.
.
.

No comments: