Sunday, January 23, 2011

THÂN PHẬN NGƯỜI RAGLAI Ở KHÁNH HÒA (Thanh Tú)

Thanh Tú
Saturday, January 22, 2011

Trong cái khí hậu lành lạnh của một ngày cuối năm, tôi cỡi trên chiếc xe máy làm một chuyến độc hành đến với Khánh Sơn, một huyện của tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, nơi này là một vùng rừng núi hùng vĩ, rậm rạp, cây cối xanh um tùm, nơi quần cư đông đảo của người dân Raglai.

Tắm giặt bên bờ suối là tập quán sinh hoạt có từ lâu đời và vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Song giờ đây, những thửa rừng xanh được giữ lại làm bề mặt nhằm che đậy cho những việc làm sai trái của con người không giấu được dấu tích buồn do những kẻ phá rừng để lại. Từng đồi núi trọc mọc lên nhan nhản. Nhìn từ xa xa, khoảng đồi núi này như những chiếc áo rách được may đắp bằng những miếng vải với gam màu khác nhau. Có chỗ đã được thay bằng những đồi chuối, bắp và một số loại cây ăn trái khác. Những rẫy đồi do chính người Kinh hay người Raglai khai phá để tìm kiếm miếng ăn vô hình trung đã tác động rất lớn đến việc tạo nên trận lũ lịch sử hồi tháng 11 năm 2010 mà có đến hơn 6,000 dân Khánh Sơn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Dù muốn tiếp tế những chẳng thể nào mang hàng hóa cứu trợ lên vì con đường độc đạo nhiều đoạn bị cắt đôi bởi nước lũ và cát đá.

Thú rừng ngày càng khan hiếm, bên cạnh đó với dụng cụ săn bắn thô sơ, hai người đàn ông Raglai trở về nhưng chẳng có “chiến lợi phẩm” nào.

Khánh Sơn vào hồi năm 2008 là một điểm nóng về nạn phá rừng, bọn lâm tặc được tổ chức, chuẩn bị dụng cụ khai thác một cách bài bản. Bên cạnh đó được sự bảo kê của ông Tô Quốc Hùng là hạt trưởng hạt kiểm lâm Khánh Sơn vào thời đó đã tự do chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn một cách vô tội vạ. Người dân sống dọc theo đường tỉnh lộ 9 hàng ngày vẫn nhìn thấy những chiếc xe chở đầy gỗ từ Khánh Sơn chạy ào ào qua con đường này bất chấp cả nguy hiểm của người qua lại trên đường. Sự tiếp tay, tắc trách của bộ máy công quyền đã làm cho rừng ở Khánh Sơn ngày càng kiệt quệ, nước lũ từ rừng đổ xuống ngày càng mãnh liệt gây không biết bao nhiêu thiệt hại về người và của cho người dân ở vùng xuôi.
Từ sau năm 1975, với việc di dân có tổ chức do chính quyền Việt Nam tổ chức, hàng loạt người dân có gốc ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đổ ào ạt lên các tỉnh Tây Nguyên. Sự di dân đồng loạt này được chính quyền bạo biện nhằm giải quyết tình trạng quá đông đúc, thiếu đất canh tác của vùng Bắc Trung bộ. Nhưng, sự thật chính vẫn là nhằm bảo đảm nền an ninh quốc phòng, đưa người Kinh nhằm sống hòa lẫn với các sắc tộc khác, quy tập những sắc dân vốn có lối sống luân canh, luân cư trở về định cư trong những bản làng do chính nhà nước Việt Nam lập ra.

Những đứa bé Raglai trong ngôi nhà dột nát.

Cũng từ việc di dân lên các vùng Tây Nguyên như thế đã tạo ra sự xung đột về văn hóa. Cũng do đó mà trong khoảng hơn 10 năm đổ lại đây nổ ra hàng loạt vụ bạo động có tổ chức do người sắc tộc chống lại chính quyền, chống lại người Kinh.
Vốn dĩ từ xưa, người Kinh sống ở nơi đồng bằng, tập quán canh tác lúa nước vốn khác biệt với các sắc dân sống ở vùng núi vốn sống dựa vào rừng núi. Bên cạnh đó, người Kinh từ trong họ đã sẵn có sự kỳ thị với những văn hóa, sắc dân khác biệt mình. Sự khó chấp nhận một nền văn hóa khác biệt đã tạo ra sự phân biệt đối xử khi chính những người lãnh đạo địa phương lại là những người Kinh.
Ở Khánh Sơn có đến 75% là người sắc tộc Raglai, còn lại là người Kinh và số rất ít là người Hoa. Rất nhiều trong số người Kinh sinh sống tại đây là cán bộ, kiểm lâm, bộ đội từ miền Bắc vào làm việc, quản lý ở nơi này. Người Raglai ở đây cũng như ở huyện kế bên là Khánh Vĩnh họ không còn giữ được những nét đặc sắc văn hóa mà dần dần mất đi do chính sự giao thoa văn hóa, tập quán sinh sống, canh tác với người Kinh. Cách ăn mặc, lối nói chuyện không còn chứa đựng sự hồn nhiên, ngây thơ mà dần dần trở nên sành sõi. Thật chẳng thể nào đổ lỗi vì sao người Raglai lại mất đi bản chất thật thà cố hữu, chỉ trách vì sao người Kinh lại quá xấu tính, muốn lợi dụng sự ngây thơ, hồn nhiên của người Raglai nhằm trục lợi cho họ. Ðể không phải là nạn nhân của những trò lọc lừa, mánh khóe, lưu manh của người Kinh, người Raglai cũng dần thích nghi, tạo cho mình một “cơ chế phòng thủ”.

Chẳng được quan tâm bảo tồn, ngôi nhà sàn gần trăm năm tuổi sắp trở thành quá khứ.

Trong cái gió lạnh của miền sơn cước, tôi bắt chuyện với một bà lão Raglai đang câu cá trên con đập tràn bắt ngang qua đường. Qua câu chuyện tôi được biết bà đã từng là người tham gia Việt Cộng từ thời còn nhỏ, cái thời còn quá nhỏ và quá dài đến nỗi mà đến khi về lại với cộng đồng Raglai của mình, bà phải học lại những câu bằng tiếng Raglai thông dụng để nói hằng ngày. Bà có hai người con, một trai và một gái, họ là con của hai người đàn ông Kinh trong thời gian bà “tham gia kháng chiến”. Và, những người con của bà chưa bao giờ một lần nhìn thấy mặt người cha của mình. Câu cá với bà bây giờ là một thú vui, bên cạnh đó lại mang về cho bà những bữa cơm đầy đủ hơn. Bà than vãn, mỗi tháng chính quyền có cho bà một hai trăm ngàn gọi là tiền có công tham gia kháng chiến, nhưng số tiền ấy chẳng đủ để bà mua rượu uống chứ đừng nói gì giúp đỡ cho các con bà. Nhìn cái dáng bé nhỏ, ngồi cu rú trước trước từng cơn gió lạnh tạt qua mà lòng khỏi xốn xang.
Người Raglai xưa nay vẫn có truyền thống ở nhà sàn, nó là nơi cả gia đình tụ tập, những đứa bé nghe ông bà kể lại tích xưa cũng như lưu lại những câu chuyện truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Thế nhưng, những ngôi nhà sàn ấy hiện nay không còn nhiều, người Raglai đã chuyển sang ở hẳn trong những nhà bê-tông với mô-tuýp giống nhau do nhà nước tài trợ xây. Họa hoằn lắm mới có những chiếc nhà dài nhưng lại là nhà văn hóa cũng chính do nhà nước xây như để nhắc nhở với người dân rằng, nhà nước có quan tâm bảo tồn văn hóa các sắc tộc.
Có một ngôi nhà sàn dài ở xã Ba Cụm Bắc có gần trăm năm tuổi thế nhưng chẳng được trùng tu. Bao năm tháng trơ xương cùng tuế nguyệt đã làm cho ngôi nhà trở nên xiêu vẹo, rách tươm. Hàng cột kèo vẫn còn tốt thế nhưng những vách tranh, mái lá mục nát nhìn đến thê lương. Với những ai có tính hoài cổ làm sao tránh khỏi cảm giác bồi hồi.
Khánh Sơn cùng với thời gian sẽ thay đổi nhưng sự đổi thay ấy làm sao để gìn giữ được những nét đặc trưng của một vùng miền núi, những sắc nét văn hóa không bị mai một. Nhà cửa, đường sá cơ sở hạ tầng có thể cao hơn, đẹp hơn nhưng đời sống người dân nhất là người dân Raglai ở đây được nâng cao ấy mới là điều quan trọng. Chính quyền lâu nay vẫn chăm chút thay đổi bộ mặt bên ngoài nhưng những yếu tố văn hóa, đặc tính sinh sống cả hàng trăm năm nay của người dân Raglai thì tảng lờ, đó mới là thứ chính yếu để cải tạo đời sống. Người Raglai từ ngàn xưa vẫn sống dựa vào rừng, nhưng với những chính sách định canh định cư của chính quyền đã không mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ về vật chất, họ phải chật vật kiếm sống trên những rẫy đồi cùng năm tháng bạc màu. Những thửa đồi tươi tốt thì bằng cách này hay cách khác bị người Kinh mua lại, đẩy họ vào những vùng sâu và xa hơn. Chính những điều này đã ép người sắc tộc lao vào việc phá rừng tạo một phần không nhỏ vào việc gây lũ lụt, hủy hoại môi trường.
Một vòng luẩn quẩn không có lối thoát cho những người sắc tộc ở miền núi phần nhiều vẫn là do sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo chính quyền. Sự thiếu hiểu biết về tập quán sinh sống, thiếu hiểu biết về học vấn... Chính vì sự thiểu hiểu biết ấy càng ngày tạo ra những cách biệt trong suy nghĩ, từ đó dẫn đến những hành động kỳ thị trong hành động, tạo khoảng cách chia rẽ giữa người Kinh và người sắc tộc trên khắp đất nước Việt Nam, nó đòi hỏi phải có một chính sách mới hơn, bình đẳng hơn, bảo vệ người sắc tộc nhiều hơn nữa mới mong có được sự hòa hợp giữa các sắc tộc với nhau.
.
.
.

No comments: