Tạp Chí PHÍA TRƯỚC số 41
Bảo Quốc Thông
Tháng Một 9, 2011
Tôi tìm đến thế giới blog khoảng đầu năm 2006. Cũng như các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, tôi vào blog chỉ với mục đích kết nối với bạn cũ, quen bạn mới, chia sẻ và cập nhật thông tin cá nhân trong đời sống thường nhật. Khi ngộ ra nguyên do của những sự bất công và nghịch lý trong xã hội Việt Nam càng ngày càng leo thang, tôi bắt đầu đăng và truyền tải những thông tin “trái chiều” trên blog của mình. Đơn giản vì tôi nghĩ chúng góp phần đục khoét bức tường bưng bít thông tin để những cái sai, cái xấu trong xã hội được phơi bày ra ánh sáng.. Tôi luôn tin rằng thông tin đa chiều sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững và góp tiếng nói cho công bằng xã hội. Với suy luận này, tôi có được động lực đề tiếp tục hoạt động trên blog đến hôm nay.
Chỗ dựa tinh thần
Đối với tôi, blog là nơi dựa tinh thần – mảnh đất nuôi dưỡng tư duy và là công cụ duy nhất hiện nay để tôi chỉa sẻ những quan tâm, thông tin liên quan đến tình hình đất nước đến với bạn bè bốn phương. Đối với tôi, viết blog và đăng tải thông tin trên blog là một quyền để bày tỏ ý kiến rất thiêng liêng và riêng tư.
Các quyền căn bản trên nằm trong các quyền tự do thư tín, tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm mà các điều 12, 18, và 19 trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền2 năm 1948 đã công nhận. Quyền này cũng đã được điều 69 Hiến Pháp năm 1992 của nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo đảm3. Vì vậy, sự duy trì một trang blog là quyền bất khả xâm phạm.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng trang blog của một blogger là do chính người blogger đó tạo dựng, blog server không do nhà nước Việt Nam sở hữu, và mạng lưới Internet thì không có lằn ranh biên giới nên nó thuộc chủ quyền quốc tế. Vì vậy nhà nước Việt Nam không có lý do chính đáng nào để ngăn cản các blogger đăng tải và viết lên những dòng suy tư, góp ý trên cơ sở xây dựng ôn hòa.
Tôi nghĩ rằng nhân loại rất đa dạng. Mỗi người trong chúng ta được sinh ra và lớn lên ở môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, theo quy luật tự nhiên, tiềm thức và ý thức của mỗi người trong chúng ta đều khác nhau ở rất nhiều khí cạnh. Trong đó, việc chúng ta bày tỏ chính kiến trái chiều và chia sẻ thông tin trái chiều là chuyện đáng được tuyên dương.
Tiếc thay, nhà nước Việt Nam hiện nay tương tự như một bà mẹ không bao giờ tiếp thu ý kiến từ các con. Đa phần các ý kiến xây dựng đều được gắn với tội danh “phản động” hay “diễn biến hòa bình”, hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”, v.v… Các điều này nhìn vào cứ ngỡ là hoang tưởng nhưng thực tế thì chẳng xa lạ gì ở Việt Nam! Những người lãnh đạo hiện nay, tuy miệng thì luôn bảo “thương dân như con,” nhưng trong thực tế thì lại tìm cách trù dập và cầm tù những người con bày tỏ các chính kiến trong ôn hòa.
Blogger Anh Ba Sài Gòn (Phan Thanh Hải), blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải), tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, giảng viên Phạm Minh Hoàng, v.v… là những ví dụ sống. Tôi cho rằng những người luôn tranh thủ phần đúng về mình, và luôn tìm cách ngăn cản các tiếng nói ôn hòa là những người ngạo mạng, ngoan cố và ích kỷ. Và chỉ có sức mạnh dư luận mới có thể khiến họ chùn tay. Vì vậy mỗi người chúng ta không thể tiếp tục im lặng để rồi phải hứng chịu biết bao nghịch lý và bất công trong âm thầm. Mỗi người trong chúng ta phải lên tiếng bằng bất cứ hình thức nào có thể nhằm góp và tạo thêm nhiều làn sóng dư luận. Điều này rất thực tế qua việc tạo dựng và duy trì một trang blog.
Tuy nhiên, trong số các bạn blogger của tôi thì có rất nhiều bạn không dám, hoặc không thích bàn luận đến những đề tài “chính trị, nhạy cảm” vì sợ mang hoạ vào thân. Tôi chắc rằng rất nhiều các bạn trẻ khác ngoài đời cũng mắc phải căn bệnh tâm lý trên. Nhưng ngoài các vấn đề liên quan đến chính trị – lên tiếng cho những cái sai, cái xấu trong xã hội là những việc tích cực mà những người thiện cần lưu tâm.
Hãy mạnh dạn…
Các bạn hãy mạnh dạn thành thật viết lên những gì các bạn thích hoặc không thích. Nếu ra đường thấy công an mãi lộ thì bạn cứ phản ảnh sự thật. Nếu đường phố liên tiếp bị ngập và hư hỏng sau bao lần sửa chữa, và điều đấy khiến bạn bực tức, khó chịu thì hãy viết lên vài dòng suy tư để chia sẻ cùng những người quan tâm. Nếu bạn cảm thấy môi trường xung quanh bạn bị ô nhiễm, gây tổn hại đến sức khoẻ, hoặc vật giá leo thang, công ăn việc làm khan hiếm, đồng lương thì rẻ, v.v… thì hãy cùng phản ảnh các điều ấy.
Có rất nhiều đề tài không liên quan đến chính trị mà bạn có thể bày tỏ sự quan tâm để buộc chính phủ phải có trách nhiệm, thay đổi cách làm việc và hiệu quả hơn. Điều cốt lõi quan trọng là chúng ta đừng im lặng! Và đừng sống theo chính sách mackeno (mặc kệ nó) để tự cho phép bạn thụ động và thản nhiên khoanh tay đứng nhìn những cái sai, cái xấu tự do tung hoành quanh bạn. Bời vì nếu các bạn không hành động bây giờ thì sớm hoặc muộn thì chính các bạn cũng sẽ trở thành những nạn nhân. Lúc đó ai sẽ giúp các bạn?
Hiện nay Viêt Nam có trên hai mươi triệu người sử dụng Internet và con số này được dự đoán sẽ vượt trên 30 triệu trong năm 20114. Và số blogger trên các mạng xã hội như Facebook, Multiply, Yahoo, Blogspot, v.v…đã lên đến hàng vạn. Số đông tự nó đã là sức mạnh. Điều cần làm là mỗi người chúng ta, mỗi blogger cùng đồng thanh lên tiếng. Bày tỏ cảm nghĩ và phản ảnh sự thật không hẳn là làm chính trị. Hãy cởi bỏ tâm lý cầu an, và hãy sống đúng theo các bản chất chân, thiện, mỹ của con người bạn.
B.Q.T.
© 2010 Tạp chí Thanh niên
PHÍA TRƯỚC
© 2010 Tạp chí Thanh niên
PHÍA TRƯỚC
Tham khảo:
Bảo Quốc Thông. http://www.facebook.com/profile.php?id=22305665
Tuyên ngôn Quố tế Nhân quyền 1948. Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Truy cập ngày 10/12/2010 tại: http://www.vietnamhumanrights.net/viet/vintbill/phanmodau.htm
Hiến pháp Nước CHXHCNVN 1992. Truy cập ngày 10/12/2010 tại: http://laws.dongnai.gov.vn/2001_to_2010/2002/200201/200201070011
Số người dùng Internet ở Việt Nam tăng 100 lần sau 8 năm. Báo điện tử VNExpress. Truy cập ngày 12/12/2010 tại: http://vnexpress.net/GL/Vi-tinh/2008/09/3BA062A7/
Download TCPT 41 – Bản HD (6.7MB)
Download TCPT41 – Bản SD (3.7MB)
Download TCPT41 – Bản Mini (2.5MB)Đọc thêm …
Download TCPT41 – Bản SD (3.7MB)
Download TCPT41 – Bản Mini (2.5MB)Đọc thêm …
.
.
.
No comments:
Post a Comment