Sunday, January 23, 2011

SỰ BÍ ẨN CỦA TƯ BẢN (Phần 2) - Tạp Chí PHÍA TRƯỚC

Tạp Chí PHÍA TRƯỚC  số 41
Tháng Một 22, 2011

Vì sao Chủ nghĩa Tư bản huy hoàng tại phương Tây nhưng không thành công tại những nơi khác? Vì sao một phần nhỏ của xã hội tích lũy được tài sản và trở nên giàu có, biệt lập với phần còn lại, như thể họ được một chiếc chuông pha lê che chở? Tại sao việc sản sinh Tư bản lại trở thành một điều bí ẩn? Tại sao các quốc gia giàu có và đầy rẫy những chuyên gia kinh tế lại không giải thích rằng một chế độ sở hữu chính danh là điều sống còn để tạo ra Tư bản?
Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC tiếp tục giới tihệu đến quý độc giả Phần 2 về Sự bí ẩn của Tư bản do nhà kinh tế học người Peru Hernando de Soto biên soạn. Quý bạn đọc có thể xem lại Phần 1 tại đây hoặc qua trang chính tại www.phiatruoc.info.

----------------------------------------

Câu trả lời là vì ngay cả trong một thể chế sở hữu chính danh, cũng rất khó để có thể quan sát được kỹ lưỡng chu trình biến tài sản thành Tư bản. Nó nằm lẫn lộn giữa vô số các điều luật, các nghị định, quy tắc và định chế cấu thành hệ thống sở hữu. Trong cái mê cung luật pháp này, khó lòng để có thể hiểu hết hệ thống sở hữu chính danh thật sự hoạt động sự như thế nào. Cách duy nhất để quan sát, là tìm thấy một điểm lùi cho phép nhìn nhận hệ thống từ một góc nhìn không phụ thuộc vào luật pháp – hướng nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện với phần lớn các công trình của mình.

Thể chế luật pháp chính thức của phương Tây tạo ra 6 ảnh hưởng cho phép các công dân của mình biến tài sản thành Tư bản:

1.     Xác định các tiềm năng kinh tế của tài sản

Tư bản được hiện hữu qua cách con người biểu hiện chúng bằng chữ viết – dưới dạng một chứng từ, hay một giấy tờ khác có tính khế ước – cho phép mô tả những đặc điểm quan trọng nhất của chúng trên bình diện kinh tế và xã hội, chứ không phải trên hình thái vật chất nhận diện được bằng mắt. Việc ghi nhận những đặc điểm kinh tế và xã hội cho phép miêu tả và xác nhận giá trị tiềm năng của Tư bản. Kể từ khi chúng ta quan tâm đến giấy tờ sở hữu ngôi nhà thay vì quan tâm đến ngôi nhà, ta đã đi một bước từ thế giới của vật chất sang thế giới trừu tượng của Tư bản.
Sự sở hữu chính danh chỉ hoàn toàn là một khái niệm trừu tượng. Bằng chứng là khi ngôi nhà đổi chủ, về mặt vật chất, nó hoàn toàn không thay đổi gì. Quyền sở hữu không nằm trong ngôi nhà, mà nằm trong khái niệm kinh tế bao trùm cái hiện hữu vật chất đó. Khái niệm này được thể hiện bằng một sự công nhận pháp lý, không mô tả các thuộc tính vật lý, mà các tiềm năng kinh tế xã hội chúng ta muốn gắn liền với chúng (ví dụ như các khả năng kinh tế khác nhau: cho phép một doanh nghiệp vay tiền mà không cần phải bán nhà nhờ các hình thức thế chấp, đảm bảo, hay dưới dạng một khế ước nào đó). Tại các quốc gia phát triển, sự hiện hữu dưới dạng chứng từ chính danh là một phương tiện đảm bảo quyền lợi các bên khác nhau, đồng thời thiết lập trách nhiệm nhờ chuyển tải toàn bộ thông tin, tham chiếu, quy tắc và các đặc tính khác đi cùng trách nhiệm.
Như vậy là quyền sở hữu chính danh đã đem lại cho phương Tây chu trình sản xuất ra giá trị thặng dư từ những tài sản vật chất. Ngay cả khi chu trình này xảy ra một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, hệ thống sở hữu hợp pháp đã mở ra cho các quốc gia này con đường tiến từ không gian vật chất (các tài sản) về một không gian khái niệm trìu tượng của Tư bản, nơi mà tài sản chỉ hiện hữu dưới dạng các tiềm năng sản xuất.

2.     Tập trung các thông tin dàn trải vào một hệ thống duy nhất

Nếu như CNTB chỉ chói sáng tại phương Tây, và mù mờ tại phần còn lại của thế giới, thì đó là vì phần lớn các tài sản tại các quốc gia phương Tây đều được tập trung vào một hệ thống ghi danh sở hữu duy nhất. Quá trình thống nhất này không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Vào thế kỷ 19, những nhà chính trị, những nhà lập pháp và các quan tòa đã phải làm việc trong nhiều thập kỷ để tập trung vào một hệ thống sở hữu duy nhất tất cả các điều luật và quy tắc khác nhau quy định vấn đề sở hữu tại vô số các thành phố, các làng mạc, nông thôn. Quá trình này – một điểm mấu chốt trong lịch sử các quốc gia phát triển – đã cho phép tạo ra một cơ sở thông tin duy nhất bao trùm lên toàn bộ các dữ liệu và quy tắc công nhận của cải của những người dân – chủ sở hữu. Trước khi nó diễn ra, rất khó có thể tìm thấy các thông tin về sở hữu. Tại các vùng nông thôn, hay các thuộc địa, người ta lưu giữ thông tin và quy tắc sở hữu bằng các hình thức giản đơn, dưới dạng các biểu tượng, hay thậm chí chỉ bằng các lời nói của người làm chứng. Bởi vậy thông tin hoàn toàn bị xé lẻ, bị phân tán, và không thể truy cập được bởi một người bất kỳ vào một thời điểm bất kỳ.
Các quốc gia đang phát triển và các quốc gia XHCN cũ chưa biết cách tạo ra những hệ thống ghi danh sở hữu duy nhất và thống nhất. Trong số tất cả các quốc gia mà chúng tôi đã nghiên cứu, không quốc gia nào có một hệ thống lưu trữ duy nhất. Trong tất cả các trường hợp, chúng tôi tìm thấy một tập hợp các hệ thống, được quản lý chồng chéo bởi vô số các hình thức tổ chức mà một số mang hình thức pháp lý, một số khác còn không hề có tính pháp lý, biến đổi từ những nhóm doanh nghiệp nhỏ xíu đến các tổ chức phân phối nhà cửa. Hậu quả là, việc sử dụng tài sản của công dân các quốc gia này bị giới hạn bởi tầm nhìn của người chủ sở hữu, và thêm vào đó là những người quen biết ông ta. Tại các nước phát triển, nơi thông tin về hàng hóa và tài sản được chuẩn hóa và được hiểu một cách đồng nhất bởi bất cứ một công dân nào nhờ vào một nền tảng pháp lý duy nhất, khả năng sử dụng tài sản của người chủ sở hữu được nhân lên với tư duy tập thể của toàn xã hội.
Những độc giả phương Tây có thể sẽ rất ngạc nhiên rằng phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn chưa tập trung các chứng từ sở hữu không có tính pháp lý vào trong một thể chế hợp pháp duy nhất. Những công dân phương Tây hôm nay chỉ biết một luật pháp: đó là luật pháp chính thức hiện hành. Tuy nhiên, các hệ thống sở hữu không chính danh đã cho phép ghi nhận quyền sở hữu trước đây khắp nơi trên thế giới. Việc phương Tây thông qua một hệ thống sở hữu chính danh thực ra mới chỉ có từ 200 năm. Nếu như khó có thể ngược dòng lịch sử để mô tả nó, là bởi vì quá trình này được thực hiện trong một khoảng thời gian kéo dài, chứ không phải chỉ vào một thời điểm.

3. Gắn liền trách nhiệm với con người

Hòa nhập tất cả các hệ thống sở hữu vào một thể chế hợp pháp duy nhất giúp chúng ta định nghĩa lại khái niệm Quyền sở hữu, trong bối cảnh độc lập với các mối quan hệ cá nhân. Trước khi thể chế được thiết lập, các mối quan hệ này có ảnh hưởng rất lớn lên quyền sở hữu tại cấp địa phương. Quá trình hòa nhập thúc đẩy việc tạo trách nhiệm cho người chủ sở hữu, giúp họ bước ra khỏi cái khung hạn chế của địa phương nơi các mối quan hệ cá nhân bao trùm, và đặt họ vào trong một cái khung mới rộng lớn hơn của xã hội.
Bằng việc biến những người nắm giữ các tài sản thành những cá nhân có trách nhiệm với tài sản của mình, quyền sở hữu chính danh cho phép cá nhân bước ra khỏi đám đông. Người chủ sở hữu không còn cần phải dựa vào những mối quan hệ hàng xóm, hay thông qua các lề luật địa phương, để chứng nhận tài sản của mình. Họ được giải phóng khỏi chuyện đó, và tự do đi tìm kiếm những tiềm năng kinh tế mà tài sản của mình có thể đem lại. Quá trình giải phóng này tuy nhiên cũng có giá của nó. Kể từ khi nằm trong một thể chế hợp pháp chính danh, người chủ sở hữu không còn có thể hiện hữu không danh tính, thay vào đó trách nhiệm của anh ta bị thắt chặt. Những ai không thanh toán những hàng hóa và dịch vụ mình tiêu dùng sẽ bị nhận diện dễ dàng, phải nộp phạt hay chịu những hình thức kỷ luật khác, sẽ thấy lòng tin của người khác vào mình giảm hẳn. Nhà chức trách sẽ có thể biết được đã có những ai không tôn trọng luật pháp và hợp đồng. Họ có thể ngừng việc cung cấp các dịch vụ, hủy các khoản yêu cầu thế chấp tài sản, và rút lại một phần hoặc toàn bộ những ưu đãi mà người chủ sở hữu đang được hưởng.
Việc tôn trọng tài sản sở hữu và các giao dịch tại các quốc gia phương Tây không phải là một đức tính bẩm sinh của người dân nơi đây. Nó bắt nguồn từ sự tồn tại một hệ thống sở hữu chính danh được áp dụng hiệu quả. Thể chế này không chỉ đóng góp bảo vệ tài sản sở hữu, mà còn có vai trò đảm bảo an toàn cho các giao dịch. Từ đó, nó khuyến khích công dân các nước phát triển tôn trọng các chứng từ, tôn trọng các hợp đồng, và quan tâm đến luật pháp. Tôn trọng quyền sở hữu cũng khuyến khích người ta tiến hành các cam kết dễ dàng hơn.
Sự thiếu vắng quyền sở hữu hợp pháp giải thích vì sao công dân các quốc gia đang phát triển và các nước XHCN cũ không thể tiến hành các hợp đồng có lợi với những người mình không quen biết, cũng như không thể xin được tín dụng, bảo hiểm, hay bất cứ dịch vụ công cộng nào. Họ chẳng có khoản thế chấp nghiêm túc nào có thể làm đối trọng cho yêu cầu của mình. Không có chứng từ sở hữu hợp pháp, những người có thể tin vào lời cam kết của họ chỉ có thể là gia đình hoặc hàng xóm. Người chủ sở hữu chẳng có chứng từ – tức chẳng có gì để mất đó – là tù nhân của cái thế giới lạnh lùng không lòng tin giữa những người không quen biết, khi Chủ nghĩa Tư bản chưa thăng hoa.

4.     Giúp các tài sản dễ được nắm bắt hơn

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của thể chế sở hữu chính danh là nó cho phép nắm bắt các tài sản một cách tối đa, nhờ đó chúng ta có thể dễ dàng làm việc với chúng hơn. Khác biệt với các tài sản vật chất, các chứng từ đại diện có thể được kết hợp, hoặc chia tách, được huy động và sử dụng một cách thuận tiện cho việc giao dịch trên thị trường. Nhờ tách rời khía cạnh kinh tế của một tài sản khỏi dạng vật chất định hình cho nó, ta nắm bắt được sự hình thái trìu tượng của Tư bản – hình thái giúp nó có thể thích ứng được với những nhu cầu giao dịch bất kỳ.
Nhờ mô tả tài sản bằng cách phân loại, một thể chế sở hữu chính danh có thể cho phép so sánh 2 ngôi nhà có kiến trúc khác nhau, nhưng được xây dựng với cùng mục đích sử dụng. Nó cho phép phân biệt nhanh chóng và không tốn kém những điểm tương tự cũng như những điểm khác biệt giữa hai tài sản, mà không cần tiến hành kiểm nghiệm cụ thể mỗi tài sản như thể nó là duy nhất.
Mục đích của việc mô tả theo những tiêu chuẩn mô tả định trước cho phép cho việc kết hợp các tài sản thuận tiện. Thể chế sở hữu đòi hỏi các tài sản phải được mô tả, đặc tính hóa theo cách giúp mọi người có thể nắm bắt nhanh nhất những đặc tính của chúng, cũng như nhìn thấy những điểm đồng điệu giữa chúng và các tài sản khác, để có thể mường tượng ra quá trình kết hợp một cách nhanh chóng nhất. Các phương pháp ghi đăng ký được chuẩn hóa cho phép xác định ích dụng của tài sản có khả năng đem lại nhiều lợi ích nhiều nhất khi tài sản được sử dụng.
Các chứng từ đại diện cũng cho phép việc chia tách giá trị của tài sản mà không cần động chạm đến chia tách thật sự tài sản vật chất. Ví dụ như tài sản là một nhà máy mà người ta không thể tách ra để bán nhìn góc độ vật chất, ta có thể chia tách nó từ góc nhìn Tư bản tức là coi tài sản như một khái niệm kinh tế. Công dân của các quốc gia phát triển có thể chia tách tài sản của họ thành các cổ phiếu, sau đó biến các chứng từ này thành tài sản của nhiều người khác nhau, mỗi chứng từ có thể có tạo ra những quyền khác nhau và phục vụ những mục đích khác nhau.
Những chứng từ đại diện cho tài sản cũng có thể được dùng để thay thế cho các tài sản vật chất, cho phép chủ sở hữu và các doanh nghiệp ước tính những khả năng thế chấp nhằm tìm ra các hình thái sinh lợi nhiều hơn. Hơn thế, các chứng từ sở hữu chính thức được lập ra theo cách tạo thuận lợi cho việc đánh giá các thuộc tính của tài sản. Nhờ định chế hóa các chuẩn mức, thể chế sở hữu chính thức phương Tây đã cho phép giảm thiểu chi phí giao dịch liên quan đến huy động và sử dụng tài sản một cách đáng kể.

5. Tạo ra các mạng lưới

Nhờ mô tả các tài sản để chúng trở nên dễ nắm bắt, nhờ gắn liền người chủ sở hữu với tài sản, gắn liền tài sản với các địa chỉ và thuộc tính được luật pháp công nhận, nhờ công bố các thông tin liên quan đến lịch sử các tài sản và những người chủ sở hữu trước đó của chúng, thể chế sở hữu tài sản phương Tây đã biến những công dân của mình thành những thành viên của một mạng lưới tác nhân kinh tế, mà danh tính và trách nhiệm mỗi người đều có thể được xác định. Thể chế sở hữu vậy là đã tạo ra một cơ sở hạ tầng kết nối con người lẫn nhau, cái mà giống như một ga trung chuyển hàng hóa, cho phép đảm bảo trật tự lưu thông tài sản giữa các chủ thể khác nhau. Đóng góp của sở hữu chính danh cho nhân loại không nằm ở chỗ nó bảo vệ quyền sở hữu. Những người vô gia cư, những hiệp hội ủng hộ vấn đề cư trú, mafia, hay thậm chí ngay cả các bộ lạc nguyên thủy cũng đã biết cách bảo vệ tài sản của mình hiệu quả. Sự thay đổi lớn nhất mà thể chế sở hữu đem lại là nhờ nó cải thiện sự lưu thông của thông tin tài sản, cũng như những tiềm năng của chúng. Chúng nâng cao vai trò của người chủ sở hữu.
Thể chế sở hữu phương Tây trao cho các doanh nghiệp những thông tin về tài sản và người sở hữu chúng, những địa chỉ có thể kiểm chứng được, những thông số khách quan về giá trị tài sản, tất cả những chi tiết cho phép khởi tạo sự tin tưởng. Những thông tin này, cũng như sự tồn tại của một nền tảng pháp lý, cho phép quản lý rủi ro dễ dàng hơn, nhờ trung hòa với các công cụ bảo hiểm, cũng như bằng cách góp các tài sản lại cạnh nhau để đảm bảo các khoản nợ.
Hầu như chúng ta không để để ý rằng thể chế sở hữu của một quốc gia phát triển là một hệ thống mạng lưới phức tạp cho phép các cá nhân xây dựng các mối quan hệ với các khu vực công cộng hay tư nhân, và đạt được những hàng hóa và dịch vụ mới (điều này quá hiển nhiên). Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể hiểu được làm thế nào các tài sản có thể làm được nhiều chức năng như thế nếu các công cụ  của thể chế sở hữu không tồn tại.

6. Bảo đảm các giao dịch

Một lý do quan trọng mà thể chế sở hữu có thể hoạt động như một mạng lưới là vì tất cả các giấy tờ đại diện cho quyền sở hữu (chứng từ, giấy sở hữu, tài sản lưu động, hợp đồng mô tả các thuộc tính kinh tế đáng kể của tài sản) được theo sát và bảo đảm một cách liên tục khi chúng được chuyển giao trong không gian và thời gian. Tại các nước đang phát triển, chính quyền là những người canh gác quá trình trung chuyển đó. Chính quyền quản lý các kho lưu trữ nơi lưu giữ tất cả các thông tin mô tả các thuộc tính của tài sản (đất đai, động sản và bất động sản, tàu thuyền, ngành nghề, hầm mỏ, sân bay…). Những hồ sơ thông tin này thông báo cho bất cứ ai muốn sử dụng tài sản những hạn chế hay những thuận lợi khi sử dụng chúng: ví dụ như một số tài sản bị hạn chế vì quyền sở hữu bị nhượng một phần cho mục đích công, một số khác đưởng hưởng quyền đi qua mảnh đất bên cạnh, một số khác nữa gắn liền với các hợp đồng cho thuê, hoặc có các quyền phái sinh từ quyền sở hữu, hoặc trong tình trạng vỡ nợ hay cầm cố. Bên cạnh các hệ thống lưu trữ công cộng, vô số các dịch vụ tư nhân (cửa hàng cầm cố, văn phòng chuyên gia định giá) cũng được phát triển để giúp các bên liên quan có thể xác định, trung chuyển, theo dõi các giấy tờ sở hữu, nhằm thúc đẩy và đảm bảo việc sản xuất giá trị thặng dư.
Mặc dù các thể chế sở hữu phương Tây có chức năng bảo vệ cả quyền sở hữu và các giao dịch đi cùng chúng, mục đích chính thực ra rõ ràng là để bảo vệ các giao dịch. Tạo ra sự an toàn trong giao dịch cho phép người ta tin tưởng vào giao dịch, do đó cho phép mọi người toàn tâm ý nghĩ đến việc bắt tài sản của họ làm việc như là một Tư bản. Sự quan tâm đến bảo vệ an toàn giao dịch cũng đã cho phép các công dân tại các nước phát triển trao đổi một số khối lượng tài sản khổng lồ mà hầu như chỉ tiến hành rất ít giao dịch. Ngược lại, tại các quốc gia đang phát triển, các quyền và các định chế sở hữu vẫn gắn liền với các truyền thống luật thuộc địa hay luật La mã cũ, tức là chỉ nhằm bảo vệ tài sản. Các hệ thống luật này rút cục trở thành những kẻ canh gác cho sự bất động của Tư bản chết.

Kết luận

Việc những người nghèo tại các quốc gia đang phát triển và XHCN cũ không tham dự được vào chu trình biến tài sản thành Tư bản đến chính từ việc họ không được hưởng lợi ích từ 6 ảnh hưởng này của thể chế sở hữu. Câu hỏi đặt ra cho các quốc gia này không phải là làm thế nào để giúp họ sản xuất nhiều hơn ? hay cho họ nhiều tiền viện trợ hơn ? mà chủ yếu phải là giúp họ có nhận thức đúng đắn về các định chế luật pháp, cũng như huy động được các xu thế chính trị cho phép xây dựng một thể chế sở hữu nơi người nghèo cũng có thể dễ dàng hiểu và có khả năng tham gia. Nhà sử học người Pháp Fernand Braudel đã từng không thể hiểu được vì sao CNTB phương Tây, ngay cả vào những thời điểm huy hoàng nhất cũng lại chỉ phục vụ cho một thiểu số người, giống như thể ngày hôm nay nó chỉ phục vụ cho một thiểu số quốc gia.
Vấn đề cơ bản, là làm thế nào để biết được vì sao một phần của xã hội, mà tôi không ngần ngại gọi chúng là những nhà Tư bản, lại sống trong một không gian đóng kín, như một khối u biệt lập trong cơ thể ? Tại sao chúng lại không dễ dàng nhân bản ra khỏi cái tổ của mình, để chinh phục toàn xã hội ? Lý do có thể là, thật ra đó chính là điều kiện để chúng có thể tồn tại. Xã hội của ngày hôm qua chỉ cho phép tích tụ một tỷ lệ lớn Tư bản trong một số ngành nghề, trên một số đối tượng, chứ không thể nhân ra cho toàn thể nền kinh tế thị trường vào mọi lúc”.
Tôi nghĩ rằng câu trả lời cho những nghi vấn của Braudel nằm trong việc một người bình thường bước vào thể chế sở hữu chính danh vẫn còn rất khó khăn, trước đây trong quá khứ của các nước phương Tây, và ngày hôm nay tại các nước đang phát triển và các nước CNXH cũ. Một số nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hiểu lợi ích của sự chính danh đó đang sở hữu Tư bản: tài sản của họ ít nhiều được hòa lẫn với nhau, dễ nắm bắt, chúng được liên hệ với nhau và được bảo vệ bởi một hệ thống sở hữu bằng luật pháp. Nhưng những người này chỉ đại diện cho một tầng lớp thiểu số vô cùng nhỏ trong xã hội – những người có điều kiện thuê cho mình những luật sư giỏi nhất, những người có những quan hệ và biết cách gây dựng quan hệ, những người có kiến thức cũng như sự kiên nhẫn để dạo chơi giữa đại dương những quy tắc hành chính liên quan đến các vấn đề sở hữu. Còn phần lớn người dân, những người không tìm thấy sự hiện diện xứng đáng cho thành quả lao động của mình trong thể chế sở hữu chính danh, đang sống ở phía bên ngoài cái vòng ưu đãi mà Braudel nói tới.
Cái vòng ưu đãi đóng kín đó làm cho CNTB như là một câu lạc bộ chỉ mở cửa cho những người đang có đặc quyền, trong khi thu hút sự thèm khát của hàng tỷ con người không thể đi vào phía bên trong đó được. Cái CNTB phân biệt đối xử đó sẽ còn tồn tại cho đến khi nào mà chúng ta còn chưa nhận ra những yếu kém cơ bản trong hệ thống pháp lý và chính trị của bao nhiêu quốc gia, những yếu kém đang ngăn cản đa số người dân không thể tiếp cận với thể chế sở hữu.
Đã đến lúc chúng ta tìm cách giải thích cho phần lớn các quốc gia chưa thành công cho việc tạo ra một thể chế sở hữu mở. Đã đến lúc chúng ta khoan thủng tấm màn bí ẩn đó, vào thời điểm mà thế giới thứ ba và các quốc gia CNXH cũ đang khát khao tìm cách tái thiết CNTB ở khắp nơi nhưng lại không biết cách làm cho đúng.

Hernando de Soto
Đông A chuyển ngữ
THTNDC – ngày 01/11/2010
©2010 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC


Download TCPT 41 – Bản HD (6.7MB)
Download
TCPT41 – Bản SD (3.7MB)
Download
TCPT41 – Bản Mini (2.5MB)
.
.
.

No comments: