Sunday, January 23, 2011

CHÀ LÁNG (Võ Phiến)

Võ Phiến
Saturday, January 22, 2011

– A, ông bạn. Mấy hôm nay bận việc hả? Không thấy ghé chơi. Có ý chờ đấy.

– Bảy Ðùng qua D C, ở luôn bên đó với con. Mình với “chả” chơi với nhau lâu năm... chuyện biệt ly... Mà ông chờ tôi có việc gì vậy?


– Ðâu có việc gì. Tán gẫu thôi. Tôi nảy ý muốn đóng góp với bạn về cái dự án nên trình lên Tạo Hóa.

– Tôi hiểu: Ông bạn vừa bật ra một ý kiến, đang muốn phát biểu, náo nức cả người, không kìm hãm được. Thế thì ông cứ tuôn ngay ra đi cho nó nhẹ người.

– Chậc! Ông muốn nghĩ ra sao, tùy! Tôi thấy thế này: Cái đời sống mà Tạo Hóa ban cho ta, nó không thuần là sự sống. Một đời người có ngần ấy thời gian, quí lắm. Lẽ ra phải thuần túy, mỗi một phút giây đều là cáí sống nồng nàn. Phải không? Ðàng này trong ba vạn sáu ngàn ngày có xen vào ba vạn sáu ngàn đêm. Ðêm, để ngủ chứ đâu phải để sống? Ngủ là nghỉ, là ngưng sống. Nếu trong giấc ngủ có chiêm bao, có mơ, thì còn có hoạt động, dù là hoạt động giả. Bảo “Có ai nằm ngủ không mơ”, là nói bậy. Ngủ mùi, ngủ ngon lành thì làm gì có mơ? Cái ngủ như thế gần với cái chết hơn cái sống chứ. Tôi không đồng hóa nó với cái này hay cái kia, tôi bảo nó gần cái này hơn cái kia. Ba vạn sáu ngàn đêm, Trời bớt đi phân nửa đời sống. Êm ru, vô tội vạ. Oan ức chứ. Này nhé: Khi một người nằm chết thẳng cẳng, lạnh ngắt, cứng đờ; lúc bấy giờ có sự sống yếu ớt nào lảng vảng tới, mon men tới làm một giấc mơ của thây ma không? Tại sao trong khi ta đang sống Trời lại ngang nhiên cho một dạng chết chóc mon men tới đều đều...

– Ngủ là bồi dưỡng thể xác để nó tiếp tục sống, tiếp tục quậy. Không có thế, nó gục, còn đâu sự sống? Chẳng qua một vấn đề kỹ thuật, cần thiết...

– Trục trặc kỹ thuật thì trau dồi kỹ thuật. Sai lầm chủ trương: phải chỉnh đốn chủ trương. Trời mà! cái gì làm chẳng được?


– OK. Tôi sẽ chú ý đặc biệt đến ý kiến của ông bạn. Tiếp tục phát biểu mạnh, e động chạm tới Trời. “Ðộng Trời”, không tốt đâu.

– Ông kỹ thế là phải. Tôi đã đến lúc chẳng cần giữ gìn mấy...

– Không cần úp mở: Ông bạn đang định nói về cái gì đấy?

– Ðã nói về cái chết của con người. Tại sao không nói luôn qua cái chết của loài người?

– Chết rụi cả loài?

– Rụi hay không rụi, chưa biết. Chưa tính được kỹ. Nhưng có sống phải có chết, chạy đâu cho khỏi. Trên mặt đất từng có những loài sinh vật to lớn, khỏe mạnh hơn con người rất nhiều, lắm loài đã rụi luôn...

– Lại có những loài khác, bé bỏng, yếu ớt, như kiến, như bọ..., lại không chịu tuyệt chủng...

– Loài người không được may mắn như thế. Có cơ hội tuyệt chủng đấy...

– Á à! Tôi nhớ cách đây vài năm có xem cuốn sách của ông Buchanan nói về cái chết của giống người Âu Mỹ, giống da trắng...

– Buchanan nào? Có phải ông Patrick Buchanan? từng làm cố vấn cho tổng thống...

– Ðấy. Cho ba ông tổng thống Mỹ, không phải chỉ một ông. Lại có mấy lần toan ứng cử, một lần đã ứng cử tổng thống...

– Xem ông ấy phát biểu thế nào?

– Tôi không nhớ được mấy. Qua loa thôi. Rằng các dân tộc Tây phương, dân giàu, nước mạnh, thì không chịu sinh đẻ. Trái lại, giống da đen nghèo đói ở Phi châu, các giống dân Ả rập, dân Trung Ðông lại sinh nở ào ào. Dân Tàu chửa đẻ cũng tưng bừng lắm. Hiện ở Hoa Kỳ có 30 triệu cư dân sinh đẻ từ ngoại quốc, và có khoảng chục triệu dân nhập cư bất hợp pháp. Bên Âu châu, tình trạng sa sút dân số thấy rõ: Vào năm 2050 trên hoàn cầu sẽ chỉ còn độ một phần mười là gốc Âu châu. Và cái phần mười còn lại ấy đa số thuộc lớp già cả, tuổi trung bình cỡ ngũ tuần! Còn nước Nga thì sẽ mất tiêu một phần lớn Siberia và phần đất Viễn Ðông vào tay giống dân Tàu, vốn đông gấp 15 lần dân Nga; trong khi ấy Nga còn bị dân Hồi tràn ngập vào đất Trung Á. Họ khốn đốn tới nơi... Năm chục năm nữa thôi... 1

– Nhưng cái mà ông Buchanan quan tâm, nó... nhỏ lắm. Ông ta chỉ lo cho số phận dân Tây phương da trắng. Da trắng lâm nguy, tuyệt giống, còn mọi thứ da khác cùng sanh đẻ ào ào, tràn ngập quả đất, thì... Cái tôi nói đây là số phận của loài người. Của toàn thể nhân loại.

– Á à. Lớn chuyện đa.

– À. Lớn. Bạn ông đã tiêu trọn một đời vào cái nhỏ, những cái nhỏ như: nhà cửa, con cái, những mua vào bán ra hàng ngày ở một cửa tiệm tạp hóa, những kèn cựa vớí bạn bè, cãi cọ với vợ con v.v... Nhất sinh chìm ngập trong những cái nhỏ, tới lúc này vẫn chúi đầu vào những món linh tinh đó sao? Ông phải cho tôi...

– Tôi cho. Tôi nhiệt liệt thỉnh cụ cứ xông thẳng vào những cái lớn nhất. Ý ông muốn bàn về cái ra đi của toàn thể loài người? ra đi một loạt cái rụp?

– Rất có thể có chuyện như thế, không sao? Vô vàn tinh tú vận chuyển ào ào trong vũ trụ, thỉnh thoảng cái này va vào cái kia, tan nát...

– Phải, phải. Ông lo cuống lên, phải lắm.

– Không. Tôi không hề lo chuyện đụng chạm trăng sao. Tôi không tính nói đến những chuyện như thế bao giờ. Ðừng lo, đừng cuống. Chuyện như thế bất thường, không ngừa được, không tính được. Và xa xôi quá. Hàng triệu năm họa mới xảy ra một lần, nghĩ tới làm chi?

– Cái vụ black hole? Nghe nói...

– Lỗ đen! Lỗ đen ngoài không gian? Cũng xa vời lắm lắm. Nếu ông Bành Tổ còn sống, ổng lo. Tôi với bạn khỏi lo.

– Cái này thì không còn viễn vông: Nội cuối thế kỷ này nhiệt độ trung bình trên quả đất tăng lên ít ra là hai độ bách phân. Nóng nhất từ suốt một triệu năm qua. Nóng thế không đến nỗi chết, nhưng khốn đốn chứ ông. Khốn cho người, cho cây cỏ thực phẩm... Hại vô số... Hại lớn.

– Có lớn, nhưng không đến chết thì nên cố gắng chịu đựng.

Cái đáng nghĩ ngợi, theo tôi, là ý định của ông Trời: Ý định giết ta. Cho sống là ông ấy, bắt phải chết cũng ông ấy thôi. Trong con người có chromosome; cuối mỗi chromosome có cái telomere. Con người lớn lên, phát triển, các tế bào tự chia cắt ra, từ ít phát triển ra nhiều. Ở mỗi tế bào chia cắt, cái telomere bị ngắn thêm. Tới lúc con người già nua, telomere ngắn quá, người già có thể lâm bệnh ngặt nghèo: bệnh Alzheimer, bệnh tim, ung thư, tai biến mạch máu não v.v. Cá nhân như thế, cả loài người cũng thế. Telomere ngắn đến mức nào đó, loài người hết khả năng truyền giống. Ði luôn.

– Nhiều cách chết quá. Người sinh ra chỉ có một nguyên nhân: nam gặp nữ. Mà chết thì do nhiều nguyên nhân quá... Dầu sao rốt cuộc, cái sinh vẫn thắng cái tử: người mỗi ngày mỗi đông thêm.

– Ấy là nói chuyện hiện thời. Ðến đây thì thế, nhưng ngày mai...

– Ngày mai nào? Những cái chết vừa kể ông đều bảo là xa xôi, viễn vông. Ngay đến ý định của Trời cũng còn lâu mới thực hiện: telomere có đòi cụt gấp đâu?,,, Nhưng ông nghiên cứu làm chi nhiều cách hại người vậy?

– Ông bạn có ý định vu cáo gì đấy? Tôi mà nghiên với cứu cái gì. Nghiên cứu là việc của các nhà khoa học. Họ làm việc, họ tính toán, thử nghiệm, mằn mò mãi nên kết quả, đem ra công bố. Có những kẻ tóm tắt nói qua loa cho dễ hiểu; mình hiểu cái được cái mất, đem ra tán gẫu chơi.

– À. Trong những cái ông kể vừa rồi thì chuyện đụng phải trăng sao, chuyện lỗ đen giết người..., những cái như thế không hợp với trình độ tôi. Tôi chú ý nhất tới vụ Trời ghi khắc hẳn vận mạng của loài người vào mỗi chromosome trong người chúng ta đây. Cái ấy khiếp quá. Chromosome, tức cái gọi là nhiễm sắc thể chứ gì? Ai mà khám phá cái án tử hình ấy? Tôi chịu...

– Xem nào... Ðó là ông Stindl bên Âu châu. Hình như Reinhard Stindl, thuộc viện Ðại học Vienna...

– Ðể rồi ông ta tính kỹ coi cái món ấy nó đã mòn tới đâu...

– Ông ấy xa xôi. Chúng ta gần nhau; thú thực với ông: tôi cũng đang có sẵn một nhận định về vấn đề này. Nếu ông bạn chịu nghe chơi, tiện lắm.

– Nghe về cái thuyết tận thế của ông ấy à? Tại sao không?

– Ông bạn đã có thiện ý nghe, tôi xin bảo đảm một điều: “Thuyết” tôi cực đơn giản, cực vắn tắt. Này nhé:

Thứ nhất: Từ khai thiên lập địa đến nay, có bao giờ khí giới giết người được mạnh, có hiệu lực, tiện dụng, có số lượng đầy đủ (đúng ra là thừa thãi) như lúc này? Những kho bom nguyên tử, bom khinh khí, vũ khí hóa học, vi trùng... tích chứa ở Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Ðộ..., một khi tung ra thừa sức giết đi giết lại nhiều lần tất cả loài người, chà láng mặt địa cầu.

Thứ hai: Từ khai lập địa đến nay, có bao giờ giữa người với người cái ý muốn giết nhau mãnh liệt như lúc này? Muốn da diết, không cầm lòng được, tới nỗi đem bom buộc ngay vào chính mình, bấm nút nổ tan xương mình để giết người? Xưa, họa hoằn được một đấng anh hùng vĩ đại dám thí thân giết thù là tha hồ tượng đồng, bia đá, là sử sách truyền tụng nghìn năm vạn năm, truyền rộng khắp thế gian. Bây giờ đàn bà trẻ con, ngày ngày đều làm việc ấy tỉnh bơ như ăn cơm bữa. Kết hợp hai khoản ấy, ông nghĩ sao?

– (Trầm ngâm. Nghĩ ngợi)

– Ông bạn nghĩ sao? Lửa giận thì bốc lên phừng phừng, mà lò thuốc nổ vĩ đại thì sát kề bên cạnh... Ông bạn nghĩ sao, hả?

– E đó là hoàn cảnh không thể có chiến tranh được. Họa có điên rồ mới đánh nhau trong hoàn cảnh như thế.

– Hai cuộc thế chiến xảy ra trước đây đều bắt đầu bằng những xung đột địa phương, xung đột nhỏ. Rồi tự nó bùng ra lớn. Lần này bỗng dưng có yếu tố mới: Bên nào cũng lo rằng nếu không kịp ra tay trước, chắc chắn mình sẽ chết không kịp ngáp. “Nó” bất ngờ ra tay, “nó” tiên hạ thủ là mình tiêu luôn; vì thế không thể không...

– (Trầm ngâm)

– “Úm ba la, chúng ta cùng chết”: Ðó là trường hợp của các cuộc đâm phi cơ vào chúng cư nhiều tầng, đeo bom vào người đi giết kẻ thù. Ðó là chuyện đang xảy ra hàng ngày, lúc này.

– Nguy.

– Thế là ông bạn đồng ý với tôi.

– Nhưng “chúng ta cùng chết”, đã hết đâu? Còn lại những kẻ ngoại cuộc. Còn lại một số nước khác...

– Chẳng qua thưa thớt, ít oi, yếu kém... Vả lại loài người đã muốn giết nhau tha thiết quá, nỡ nào Tạo Hóa dửng dưng? Mười phần chết bảy còn ba: Tạo Hóa chắc chắn sẽ không nề hà dọn dẹp cái phần ba còn sót, lo gì? Tục ngữ một nước nọ có câu “Aide toi, le Ciel t’aidera” (Mày vung tay, Trời sẽ tiếp tay). Con người đã tha thiết, đã vung tay: Tạo Hóa nỡ nào không tiếp trợ, không xóa nốt các chỗ sót lai rai? Ông nghĩ sao?

– (Trầm ngâm) Tôi nghĩ cái thuyết của ông, nó giống một lời nguyền hơn là một cách tính toán.

– Thì tôi đã bảo trước: Tôi có nghiên cứu, có tính toán ra cái gì đâu! Ðã bảo cái “thuyết” của tôi chẳng qua là một nhận xét đơn sơ thôi. Không có tính toán rườm rà. Ông bạn vừa nói ra tiếng “lời nguyền!”. Nếu là lời nguyền rủa thì đó là lời nguyền rủa của Trời. Không phải của tôi nhá.
Người ham giết người, tôi đâu muốn. Tôi chỉ thấy vậy, nhận ra như vậy. Tính hiếu sát, tính ấy do Trời. Nếu rủi tôi nhận định đúng, e chúng ta tiêu tùng đến nơi.

– Tôi nghĩ: Ông sai!

– Nên nói là ông ước, ông cầu mong tôi sai. Chính tôi cũng mong thế.

– (Trầm ngâm).

Tháng 12 - 2005

1. The dead of the West của Patrick Buchanan, 2002.

.
.
.

No comments: