Monday, January 24, 2011

SECURENCY "ĐÃ HỐI LỘ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG" VIỆT NAM (The Age)

Đăng bởi anhbasam on 24/01/2011

Ngày 24-1-2011

Công ty Securency, đơn vị sản xuất tiền của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), bị cho là đã hối lộ cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy thông qua việc chi tiền cho con trai ông Thúy du học tại một trường đại học dành riêng ở Anh. Thỏa thuận này là một trong những khoản tiền lót tay màu mỡ mà Securency bơm cho quan chức Việt Nam, đổi lấy một hợp đồng theo đó Việt Nam in tiền bằng chất liệu tổng hợp do Securency cung cấp.
Khoản tiền bị coi là hối lộ đó đã giúp Securency giành những hợp đồng khổng lồ cung cấp tiền giấy cho Việt Nam, từ năm 2002 đến năm 2009.
Vụ việc xảy ra ngay dưới mũi các thành viên Hội đồng Quản trị của Securency do RBA bổ nhiệm. Những người này đã để cho Securency tham gia các vụ hối lộ thông qua việc gửi những khoản hoa hồng hàng triệu đôla vào các tài khoản nước ngoài của những nhân vật trung gian, là những người được thuê để giành hợp đồng từ quan chức nước ngoài.
Không ai trong số các cựu giám đốc người Australia của Securency bị quy trách nhiệm về việc Hội đồng Quản trị Securency đã không ngăn cản công ty tham gia hối lộ.
Những tình tiết mới hé lộ này sẽ làm tăng áp lực đối với Cảnh sát Liên bang Australia, buộc họ phải truy tố các quan chức của Securency đứng sau những thỏa thuận với phía Việt Nam, trong một vụ việc sẽ là vụ truy tố đầu tiên ở Australia về tội tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Các nguồn tư pháp xác nhận với The Age rằng tiền của Securency đã được dùng để trả học phí đại học cho một người con của ông Lê Đức Thúy – thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ năm 1999 đến năm 2007.
Ông Thúy hiện vẫn là một quan chức đầy quyền lực, nắm giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ông đã dành cho Securency nhiều hợp đồng trị giá hàng chục triệu đôla. Trước khi trở thành thống đốc ngân hàng, ông là trợ lý của nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười.
Các nguồn tin cho hay, năm 2010, Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) đã thẩm vấn một số nhân viên cấp cao của Securency về khoản học phí nọ. Người ta hiểu rằng Securency đã sử dụng một quỹ bí mật để trả hàng chục nghìn đôla cho con trai ông Thúy du học tại trường Durham, Anh quốc. Quỹ đen này được lập ra từ một phần trong số 15 triệu đôla tiền hoa hồng Securency trả cho nhân viên trung gian người Việt, Lương Ngọc Anh, để đổi lấy các hợp đồng cho công ty.

Theo sự hướng dẫn của ông Lương Ngọc Anh, Securency trả tiền hoa hồng vào các tài khoản ngân hàng, trong đó có một tài khoản ở Thụy Sĩ và một ở Hong Kong. Securency cũng trả một tỷ lệ lớn trong những khoản hoa hồng này cho ông Lương, người được coi là quan chức Việt Nam, mà không có một khoản “bảo hiểm” chống hối lộ nào, cũng không để lại bằng chứng cho thấy người nhận tiền đã làm những việc xứng đáng để được lấy tiền.

Theo xác nhận của các nguồn pháp lý với The Age, Cảnh sát Liên bang Australia ngờ rằng tiền hoa hồng đã được chuyển cho các quan chức Việt Nam hoặc thân nhân, họ hàng của họ để đánh lạc hướng. Các nguồn này cũng cho hay giới quan chức điều hành cấp cao của Securency đã phủ nhận riêng với cơ quan điều tra chuyện họ có liên quan trực tiếp đến việc hối lộ, kể cả chuyện trả học phí cho con ông Thúy.

Theo luật chống tham nhũng của Australia, việc làm lợi cho quan chức nước ngoài để giành được lợi thế trong kinh doanh bị coi là bất hợp pháp. Một công ty có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý khi nhân viên ở nước ngoài của họ dính líu vào hối lộ. Hội đồng Quản trị của Securency, mà một nửa trong đó là người của RBA, đã phê chuẩn những khoản tiền hoa hồng hàng triệu đô cho nhân viên trung gian người Việt (Lương Ngọc Anh).
Thống đốc của RBA và Bộ trưởng Tài chính Liên bang đã từ chối ra lệnh điều tra xem có phải Hội đồng Quản trị của Securency, hoặc chính RBA, đã không có các biện pháp thích đáng để ngăn công ty Securency tham gia vào hối lộ hay không.
—-

Ngân hàng Trung ương Australia phải điều tra Ban Quản trị Securency
Ngày 24-1-2011

Đã đến lúc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) chấm dứt ngồi khoanh tay.
Nếu các ủy ban hoàng gia về chống tham nhũng trong các định chế ở Australia đã dạy được cho chúng ta điều gì, thì đó là: giám sát tồi có thể cho phép tham nhũng bùng nổ.

Hiện tại các lực lượng an ninh trên toàn quốc (Australia) đã thừa nhận rằng, có thể thấy giám sát tồi cũng mập mờ như hành vi tham nhũng mà nó cho phép nảy sinh. Nhiều sĩ quan bây giờ đã công nhận là nếu một viên cảnh sát riêng lẻ tha hóa dưới sự giám sát của lực lượng, thì bản thân họ cũng sẽ như cá nằm trên thớt. Cho nên họ phải tăng cường kiểm soát.
Lĩnh vực nào càng có xu hướng tham nhũng, lĩnh vực ấy càng cần được giám sát. Nhân viên công vụ nào điều tra những khu vực “đèn đỏ” (tức là khu vực có khả năng tham nhũng cao – ND) – chẳng hạn khu Kings Cross ở Sydney – càng phải được theo dõi thêm, thật chặt chẽ .
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Australia thừa nhận là những quy tắc tương tự cũng cần được áp dụng cho giới giám đốc công ty. Tuy nhiên, thực tế không phải luôn như vậy.
Lấy ví dụ như các vị giám đốc của công ty sản xuất tiền Securency thuộc RBA. Công ty Securency này đã bị lôi kéo sâu vào một scandal hối lộ tầm cỡ quốc tế.

Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các giám đốc của Securency – do RBA chỉ định – đã lãnh đạo một công ty, vốn là một hãng kinh doanh quốc tế, tương tự như nhân viên công vụ điều tra ở khu vực Kings Cross kia. Nhưng mọi nỗ lực của Hội đồng Quản trị Securency – nhằm đảm bảo công ty không dùng biện pháp hối lộ để giành hợp đồng – gần như chẳng có gì ngoài việc nghe các nhà quản lý cao cấp diễn thuyết (những người mà từ bấy đến nay cũng đã bị sa thải vì che giấu hành vi tham ô) và đặt niềm tin vào kết quả kiểm toán hời hợt bề ngoài.
Securency kiếm được các hợp đồng tại một số trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Cái kiểu làm kinh doanh của họ là kiểu kích thích tham nhũng.
Công ty đã thuê nhiều nhân viên trung gian, môi giới mà không hề kiểm tra lý lịch của họ một cách thích đáng. Nhiệm vụ của những kẻ trung gian này là thuyết phục các quan chức ngoại quốc dành hợp đồng cho Securency. Để làm được điều ấy, Securency đã trả hàng triệu đôla tiền hoa hồng vào các tài khoản ở nước ngoài của đám nhân viên trung gian.
Nghe có mạo hiểm không? Có, vì bản chất của việc này là mạo hiểm. Những nhân viên trung gian thường là bạn bè hoặc họ hàng, thân nhân của các quan chức ngoại quốc đó. Trong một vụ việc nọ, kẻ trung gian còn là quan chức chính phủ. Theo luật Australia, đưa cho một quan chức nước ngoài, hay thậm chí đại diện hoặc họ hàng của người đó, dù chỉ một đôla, cũng có nguy cơ vi phạm luật chống tham nhũng. Cảnh sát Liên bang Australia ngờ rằng, đó chính xác là điều mà một số nhân viên trung gian của Securency đã làm.

Tháng 11 năm ngoái, Thống đốc RBA Glenn Stevens đã bị dân biểu đảng Tự do Steven Ciobo chất vấn tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Liên bang, về hoạt động giám sát của các nhân vật do RBA bổ nhiệm vào Ban Quản trị Securency.
Stevens đáp rằng ông chưa nhận được bằng chứng nào cho thấy “các giám đốc mà chúng tôi bổ nhiệm hay vị chủ tịch mà chúng tôi chỉ định đã có hành xử không thích hợp, tại bất cứ thời điểm nào”. Thật không? Cũng chính những giám đốc đó đã tán thành cái mô hình kinh doanh “đổi hoa hồng lấy hợp đồng” đầy mạo hiểm, mà không hề đảm bảo rằng công ty đã triển khai thích hợp các biện pháp phòng vệ tham nhũng. Họ cũng nhiều lần liên tiếp bỏ quên các dấu hiệu cảnh báo về những điều bất ổn ở Securency.
Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo như vậy: Khoảng 4 năm về trước, Securency bị báo chí Việt Nam buộc tội đã thuê con trai của thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt Nam vận động ông bố ký hợp đồng in tiền với công ty. Như The Age hôm nay (24-1) đưa tin, những lời buộc tội này chỉ là phần đỉnh của tảng băng chìm khi ta nói tới các hợp đồng có tính chất tham ô, tham nhũng của công ty ở Việt Nam. Nhưng khi tham nhũng xuất hiện, nó cũng chẳng làm cho Ban Quản trị của Securency có hành động nào có ý nghĩa. Cảnh báo số 2 liên quan đến các mối lo ngại trong nội bộ RBA, từ năm 2007, rằng một số nhân viên môi giới đang nhận tiền hoa hồng từ Securency và công ty anh em của nó, Note Printing Australia (Công ty In tiền Úc), và họ kiếm tiền ấy theo một cung cách đáng nghi vấn.
Giải pháp ư? Note Printing Australia đã giải tán hệ thống trung gian, nhưng Ban Quản trị của Securency vẫn cho phép công ty giữ lại các nhân viên môi giới của nó.
Sau đó đã có những khoản thanh toán hàng triệu đôla mà Securency gửi vào các công ty “làm vì” ở quần đảo Bahamas, đảo Man và quần đảo Seychelles. Liệu Ban Quản trị, được biết về những khoản chi này, có hành động gì không?
Kỳ lạ thay, ngay cả sau khi cảnh sát liên bang bắt đầu điều tra Securency, vào năm 2009, Ban Quản trị vẫn cho phép công ty tiếp tục chi thêm một số nữa trong những khoản chi chỉ phải trả thuế rất thấp này. Đây là điểm mà ông Stevens đã bị chất vấn tại Ủy ban của Quốc hội.

Dân biểu Ciobo hỏi ông Stevens, tại sao Hội đồng Quản trị Securency lại cho phép công ty trả 7,25 triệu đôla Úc cho một công ty dạng “mở ra để làm vì” ở quần đảo Seychelles ngay khi cảnh sát liên bang còn đang điều tra xem các khoản đó có phải được dùng vào mục đích hối lộ không (bây giờ dường như mối nghi ngờ lúc đó của cảnh sát là chính xác).
Stevens đáp rằng “Seychelles, như tôi biết, nằm trong danh sách các nước OECD (tức các nước phát triển, thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – ND), nơi mà việc thanh toán như vậy là được phép”, và Securency chỉ đơn giản là đã thực thi “các điều khoản trong hợp đồng” khi họ chi tiền.
“Tôi không nghĩ công ty Securency thấy họ có cơ sở nào để ra quyết định [dừng việc chi trả tiền]” – Stevens nói.
Các quy định căn bản về chống tham nhũng nêu rõ rằng việc thanh toán chỉ có thể được tiến hành đối với các cấu trúc kinh doanh không minh bạch ở nước ngoài trong các trường hợp có những lý do rất xác đáng. Securency chưa bao giờ có được một lý do nào như thế.

Việc Ban Quản trị Securency liên tiếp không hành động gì đã đẩy RBA vào cái thế trở thành tuyến đầu và trung tâm trong một cuộc điều tra tham nhũng quy mô quốc tế. Nếu Stevens nghiêm túc đi đến tận cùng của đám bòng bong này, ông hẳn đã chỉ định một chuyên gia để điều tra và công bố công khai về việc Ban Quản trị Securency đã có vai trò chỉ đạo như thế nào trong vụ việc đang là scandal doanh nghiệp tồi tệ nhất ở Australia. Cuộc điều tra này sẽ phải được tiến hành độc lập với cảnh sát và theo một cách không dính dáng gì tới cảnh sát.
Thay vì thế, Stevens có vẻ như đã quyết định làm theo sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị Securency – chẳng làm gì cả.

Nick McKenzie và Richard Baker là phóng viên điều tra của tờ The Age.

Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011


---------------------------------

Firm 'bribed bank chief' (The Age 23-1-11) - BBC lược dịch: Securency trả học phí cho con ông Thúy? (BBC 23-1-11)
RBA must investigate the Securency board (The Age 24-1-11) - Theo báo Úc thì Securency "hối lộ" ông Thuý bằng cách trả học phí cho con ông Thuý học ở University of Durham (Anh):  Học phí ở Durham University  .
.
.
.

No comments: