Thursday, January 6, 2011

QUYỀN CHỦ QUAN (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 05 tháng 1 2011

Thích hay không thích một tác phẩm văn học hay nghệ thuật nói chung bao giờ cũng là một điều hết sức chủ quan. Không ai có thể tránh được. Nó trở thành một cái “quyền” tự nhiên và khá hiển nhiên của mọi người.

Xin lưu ý là cả các nhà phê bình cũng được hưởng những cái quyền tự nhiên và hiển nhiên ấy. Nghĩa là, các nhà phê bình cũng được quyền yêu thích một số tác giả hay một số tác phẩm nhất định nào đó. Trước đây, khi viết cuốn Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh tỏ vẻ yêu thích đặc biệt đối với một số nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, v.v... Đó là cái quyền của ông. Sau này, trong cuốn Thơ Miền Nam 1954-75, Võ Phiến cũng tỏ vẻ yêu thích đặc biệt đối với một số người như Tô Thuỳ Yên, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, thậm chí, Giản Chi, Đỗ Tấn, Trần Bích Tiên, v.v... Đó cũng là cái quyền của ông. Những cái quyền ấy cần phải được tôn trọng.

Những cái quyền ấy đầy tính chủ quan. Mà phê bình thì không thể không chủ quan. Donald A. Stauffer có lần khẳng định: "nhà phê bình không thể là một nhà phê bình lý tưởng nếu hắn tự cho mình là tiếng nói vô ngã của chân lý; hắn cũng không thể là nhà phê bình lý tưởng nếu mối quan tâm hàng đầu của hắn không phải là tác phẩm nghệ thuật." (1) Không phải ai cũng đồng ý với quan điểm ấy. Một số người, như Northrop Frye, muốn loại trừ tính chất chủ quan bằng cách loại trừ các loại phán đoán giá trị ra khỏi phê bình (2). Nhưng người ta không có cách nào loại hết các phán đoán giá trị được: nó hiện diện ngay ở việc chọn lựa đề tài và chọn lựa tư liệu. Đó là số mệnh của phê bình.

Tính chất chủ quan làm phê bình vĩnh viễn không thể là một lời phán quyết chung thẩm cho bất cứ một hiện tượng văn học nào cả. Mọi hành động phê bình đều là những hành động cô đơn và bất định, ở đó, người ta biết là không có gì bảo hiểm chắc chắn cho việc phát ngôn của mình, trừ kiến thức, kinh nghiệm và quan trọng hơn, trực giác thẩm mỹ của mình.

Có lẽ đây là điểm khác biệt chủ yếu giữa một phán đoán thẩm mỹ và các loại phán đoán khác. Đánh giá ai đó có tội hay không có tội, chúng ta căn cứ vào điều khoản này hay điều khoản nọ trong luật pháp, hoặc, đơn giản hơn, căn cứ vào những nguyên tắc đạo lý phổ quát trong xã hội. Đánh giá một nhận định nào đó có chính xác hay không, chúng ta có thể căn cứ vào luận lý học hoặc các dữ kiện thu thập được từ thực nghiệm hay thực tế.

Còn đánh giá cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học? Chúng ta không có một căn cứ nào vững chắc cả. Không thể căn cứ vào các nguyên lý, các quy luật hay các khuôn mẫu trong lịch sử văn học bởi vì chúng chỉ hiện hữu trong một không gian và một thời gian giới hạn nào đó mà thôi. Cũng không thể căn cứ vào các thành tựu và các giá trị được xem là vĩ đại trong quá khứ và được xem là những điển phạm trong lịch sử vì lý do đơn giản là, những thành tựu, những giá trị và những điển phạm ấy là những gì mọi người cầm bút chân chính đều muốn phủ nhận hoặc muốn vượt qua trong cuộc hành trình sáng tạo của chính họ.

Thành ra, trong thế giới văn học, chúng ta không thể nhân danh ai khác ngoài chính mình. Nhân danh mình, chúng ta yêu tác phẩm này và ghét bỏ tác phẩm nọ. Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, khi cho bài "Ông đồ" là kiệt tác của Vũ Đình Liên, "Gửi Trương Tửu" là kiệt tác của Nguyễn Vỹ, "Màu thời gian" là kiệt tác của Đoàn Phú Tứ, hay khi cho lời văn của Xuân Diệu có cái gì như chơi vơi, đằng sau câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp dường như có một tiếng cười khúc khích, đằng sau câu thơ của Huy Cận có một nỗi buồn rười rượi và đằng sau câu thơ của Thâm Tâm thấp thoáng những nỗi bâng khuâng khó hiểu của thời đại, v.v... Hoài Thanh cũng không nhân danh cái gì khác ngoài trực quan của bản thân ông.

Và chúng ta, khi đồng ý với những nhận định vừa nêu của Hoài Thanh, chúng ta cũng chỉ nhân danh chúng ta mà đồng ý. Bất cứ khi nào chúng ta không nhân danh chính mình mà lại nhân danh một thứ quyền lực nào đó, bất cứ là quyền lực gì, chẳng hạn như danh tiếng hay uy tín của một trào lưu hay một bậc tiền bối, chúng ta đều đi ra ngoài cơ chế sáng tạo và bị rớt vào cơ chế hành chánh của văn học, ở đó, văn học đã bị xơ cứng thành những kiến thức phổ thông, và ở đó, chúng ta không còn là những chủ thể cảm xúc và tư duy nữa mà chỉ là một đơn vị trong một tập thể đã bị điều kiện hoá.

Nói cách khác, ở đó, chúng ta hoàn toàn bị tha hoá. Một cách đọc như thế thực chất là một sự phản bội lại bản chất của văn học, một hình thức sinh hoạt văn hoá tồn tại trước hết là để con người trở về với cái tôi của họ, với thế giới riêng tư và thầm kín của họ.

Phê bình là chủ quan.
Tuy nhiên, tính chất chủ quan ấy phải có giới hạn thì mới có thể có đối thoại, và do đó, mới có thể có phê bình được. Cái giới hạn ấy chủ yếu xuất phát từ hai yếu tố.

Thứ nhất, đối tượng của phê bình: văn học. Một sự yêu thích chỉ có tính văn học khi tác phẩm được đọc như một công trình văn học chứ không phải như bất cứ một thứ gì khác, từ một phương tiện để tuyên truyền đến một phương tiện để giải trí. Ví dụ: chúng ta có thể chấp nhận việc một chị bán hàng đọc truyện để giải trí có quyền yêu thích những tác giả ăn khách và bình dân nhưng chúng ta lại không chấp nhận ở chị cái quyền xem những tác giả ấy là những tác giả lớn. Vì nó đi lạc phạm trù: chị chỉ xem những tác phẩm ấy như những phương tiện giải trí thì chị cũng chỉ có quyền đánh giá chúng như những trò giải trí mà thôi. Một người đọc các tác phẩm văn học như những công cụ tuyên truyền cũng vậy: họ có thể khen những tác phẩm ấy có giá trị tuyên truyền hoặc giáo dục nhưng khi có ý định tán tụng những tác phẩm ấy như những tác phẩm văn học lớn, họ cũng đã đánh lận hai phạm trù khác nhau: phạm trù nghệ thuật và phạm trù chính trị. Những sự lẫn lộn phạm trù như vậy thực chất là một biểu hiện của tính chất thiếu chuyên nghiệp, nơi mọi ranh giới đều nhoà lẫn vào nhau: nhoà lẫn giữa văn học và phi văn học, giữa phê bình và đàm tiếu.

Thứ hai, mặc dù trong các phán đoán thẩm mỹ, người ta chỉ có thể nhân danh chính mình, nhưng cái "mình" mà người ta nhân danh ấy thực chất bao giờ cũng là một cái "mình" tập thể: nó là kết quả của vô số sự tương tác trong quá trình giáo dục và xã hội hoá của từng cá nhân. Không ai có thể thực sự đọc một mình. Đọc bao giờ cũng là cùng đọc với những người khác, trong đó có vô số những người đã chết. Khi chúng ta đọc Truyện Kiều, chẳng hạn, chúng ta luôn luôn "đọc chung" với Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Trương Tửu; hơn nữa, chúng ta còn "đọc chung" với cả những tác giả ngoại quốc, từ những lý thuyết gia Nho học ở Trung Hoa đến các lý thuyết gia thuộc các trường phái hiện thực, lãng mạn, phân tâm học, hiện sinh, hiện tượng luận, Mác-xít ở Tây phương, v.v... Chính những mối quan hệ chằng chịt này làm cho bất cứ cái đọc nào cũng có tính lịch sử, và tính lịch sử này, đến lượt nó, trở thành một giới hạn của tính chủ quan trong phán đoán thẩm mỹ: phán đoán ấy có thể được/bị đánh giá trên cơ sở một sự đối chiếu với những ý kiến đã có.

Tính chất chủ quan làm mọi lời phát biểu của nhà phê bình chỉ nên được xem như những lời đề nghị, một hình thức tiến cử với công chúng và với lịch sử những tác phẩm hắn xem là có giá trị và xứng đáng được bảo tồn. Tính chất tương đối trong những sự chủ quan ấy làm nhà phê bình bị buộc phải đối diện với nhu cầu tăng cường sức thuyết phục cho những phán đoán của mình: trong lúc không thể đoan chắc về tính chính xác của những nhận định ấy, hắn phải tự chứng minh những nhận định ấy là đúng đắn, ít nhất so với một phương pháp luận và một quan điểm thẩm mỹ nào đó mà hắn đã lựa chọn. Điều này có nghĩa là nhà phê bình phải bạch hoá quá trình cảm thụ và đánh giá của mình. Hắn không thể là kẻ nói theo kiểu "thánh phán". Hắn phải có bổn phận, dưới hình thức này hoặc hình thức khác, tự chứng minh cho các luận điểm của mình.

Hành động tự chứng minh ấy là một biểu hiện của tinh thần trách nhiệm. Có thể nói nhà phê bình chỉ vượt lên khỏi tư cách độc giả để thực sự trở thành nhà phê bình khi ít nhiều chứng minh được những gì mình cho là hay, là đẹp. Một độc giả bình thường, trong một lúc ngà ngà men rượu hay men tình, có thể cho một bài thơ nào đó của Nguyên Sa là hay nhất Việt Nam, chẳng hạn. Không sao cả. Nhưng một nhà phê bình thì khác. Bằng sự phân tích, nhà phê bình phải mô tả những cái hay trong bài thơ ấy, và bằng sự so sánh, làm cho người đọc thấy được cái hay ấy quả là một cái hay lớn, hơn nữa, lớn hơn hẳn những cái lớn khác.

Tinh thần trách nhiệm cũng đòi hỏi nhà phê bình phải sẵn sàng bảo vệ các quan điểm của mình. Có lẽ đây là một trong những sự khác biệt giữa nhà phê bình và người sáng tác. Người sáng tác không cần bảo vệ tác phẩm của mình. Một tác phẩm sáng tạo, từ một bài thơ dăm ba câu đến một cuốn tiểu thuyết dày cả hàng ngàn trang, ngay sau khi được xuất bản, có một đời sống riêng, một số mệnh riêng, giữa một công chúng đông đảo và xa lạ, ở đó, nó phải tự giải thích cho nó và tự bảo vệ nó. Tác giả không cần, không nên và thật ra thì không thể nhảy ra phân bua với thiên hạ về những động cơ, những chủ ý hay những điều mình tâm đắc trong quá trình sáng tác. Vô ích. Tác phẩm, nếu hay, tự nó đầy đủ cho nó; nếu dở, càng ồn ào thì càng lố bịch thêm.

Tuy nhiên, một tác phẩm phê bình hay lý luận thì khác.
Khác, ở hai điểm. Một, nó thuộc thế giới của nhận thức mà nhận thức thì cần lý giải, hơn nữa, cần cả sự cọ xát để được toàn diện, hoặc ít nhất, sáng tỏ hơn. Hai, vốn là một sự phát biểu về một tác phẩm, một sự kiện hay một vấn đề văn học gì đó, nó ít nhiều liên quan đến người khác, hoặc như một đối tượng được đề cập hoặc như một đối tượng để tác động, do đó, người phát biểu phải sẵn sàng đứng ra bảo vệ các luận điểm ấy cũng như nhận chịu mọi hậu quả do việc phát biểu ấy mang lại. Khi bị phê phán, người phát biểu không thể chạy tội bằng cách cho là mình chỉ phóng bút theo cảm hứng. Nói thế là vô trách nhiệm. Nói thế là biến phê bình thành chuyện dèm pha tầm phào.

Gắn liền với những sự yêu thích có tính chất cá nhân, tất cả các công trình phê bình đều, trước hết, là một sự phản ánh khẩu vị văn học (taste) của nhà phê bình, sau đó, may ra, với một mức độ nào đó, mới là một sự phản ánh của tình hình sinh hoạt văn học một thời đại. Gắn liền với tinh thần trách nhiệm, mọi công trình phê bình nghiêm túc đều có tham vọng từ vương quốc chủ quan vươn tới vương quốc khách quan, từ những cảm nhận xuất phát từ trực giác và kinh nghiệm đến những phân tích mang tính khái niệm.

Chú thích:
Donald A. Stauffer (biên tập) (1966), The Intent of the Critic, New York: Bantams Books, tr. 5.
Northrop Frye (1957), Anatomy of Criticism, Four Essays, London: Penguin Books, tr. 3-29.

-----------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: