Thursday, January 6, 2011

CÁI CHẤT TRỮ TÌNH TRONG THƠ DƯ MỸ (Lương Trung Thư)

Lương Thư Trung
Jan 6th, 2011

(nhà thơ Dư Mỹ (trái) tặng tranh cho nhà văn Lương Thư Trung nhân dịp nhà văn ra mắt tuyển tập Bến Bờ Còn Lại tại Boston tháng 11 2000)

Vào những năm cuối thập niên 1990, tại Boston, thuộc vùng New England, không khí sinh hoạt văn học nghệ thuật vô cùng náo nhiệt với các văn nghệ sĩ như Hoa Văn, Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho, Lâm Chương, Hà Kỳ Lam, Phan Xuân Sinh, Võ Đình Tuyết, Ngô Minh Hằng, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Trung Đạo, Mịch La Phong, Lý Đồng Dao, Quang Nguyên, Hạ Uyên, Phạm Nhã Dự, Nhã Nam, Tuệ Chương, Dư Mỹ và nhiều vị khác nữa . Là một bạn đọc cư ngụ ở đây, nên tôi có dịp chứng kiến các sinh hoạt văn học nghệ thuật vùng Boston này khá đầy đủ; mặc dù tôi là người luôn luôn đứng bên lề của dòng sinh hoạt này; đối với riêng tôi, tôi luôn trân trọng và kính nễ cái tinh thần văn nghệ cùng hướng về cái đẹp, mà tiêu biểu là cái tình thân ái giữa các tác giả với nhau, không có đố kỵ, không có bon chen và đặc biệt không có sự háo danh huyễn ảo . Do vậy, những ngày tháng ấy phải công bằng mà nhận ra rằng sinh hoạt văn học nghệ thuật vùng New England là một thời kỳ đẹp và hưng thịnh nhất…

Riêng nhà thơ Dư Mỹ, với tôi, anh là một nghệ sĩ đa tài. Anh làm thơ, viết nhạc và mê hội hoạ. Nhưng có lẽ anh là người chỉ thuần đam mê các món văn nghệ ấy là vì cái chất nghệ sĩ hơn là muốn trầm mình trôi theo dòng chảy văn học nghệ thuật vùng New England này. Tôi nhớ là dường như anh chưa gởi bài thơ nào đăng báo trên các trang mạng hoặc các báo in dưới đất; nhưng thỉnh thoảng anh vẫn làm thơ. Và rồi anh cũng mê vẻ tranh và mỗi lần nghe anh ôm đàn hát bản “Hát trên chiến trường xưa” của anh, lần nào tôi cũng thấy trong lòng mình dâng lên một nỗi bồi hồi xúc động vô cùng!
Do không gởi bài đăng báo, nên người đọc ít khi được dịp đọc thơ Dư Mỹ . May sao, mấy lúc gần đây bạn Hoàng Hạc trên báo Người Việt Boston đã sưu tầm được vài bài thơ của anh và đăng lên báo; tình cờ được đọc lại thơ anh, tôi nghe như nhớ về một người anh, một người bạn tri âm, tri kỷ khi anh trao tặng tôi bức tranh chiếc xuồng câu nhỏ bên dòng sông cạn mà anh cảm tác từ hai câu thơ của tôi gợi nhớ một bạn nghèo ngày cũ:
“Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới, Chiếc xuồng câu cũ mục rong rêu.”

Thưa anh, hai câu thơ cũ của tôi mà anh cảm tác thành bức tranh, mãi mãi tôi nghĩ rằng đây cũng là lời nhắn gởi của anh dành cho tôi với lời lẽ chân tình của một người anh, một người bạn. Anh không muốn tôi bỏ quên cái nghề hạ bạc thuở cơ hàn. Chính vì vậy, dù lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp về Boston thăm anh, nhưng tôi tự nhủ lòng là thưa cùng anh, tôi vẫn còn mê cái nghề giăng câu, giăng lưới như ngày nào ! Bởi vậy, với dòng đời đang trôi này, tôi mãi mãi là người đứng bên lề dòng sông văn học nghệ thuật nơi Boston hoặc bất cứ nơi nào khác. Tôi chỉ đến đó với niềm vui duy nhất là được đọc và học hỏi những gì hay ho từ các tác giả.
Nhơn dịp giới thiệu cuốn Bến Bờ Còn Lại, tháng 11-2000, nhà thơ Dư Mỹ (trái) trao tặng tôi bức tranh do anh cảm tác từ hai câu thơ:“Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới, Chiếc xuồng câu cũ mục rong rêu ..”
Vừa mới đây, tôi bắt gặp bài thơ “Rót chén xuân sầu” của anh. Bài thơ viết với thể thơ 7 chữ, dài 12 đoạn, gồm 48 câu mà bao quát cả một tấm lòng đối với cố hương, đối với phố cũ, đối với song thân, đối với tình nghĩa phu thê, đối với những người bỏ mình ngoài biển cả trên đường vượt biển, đối với bạn bè còn sống khắp bốn phương trời, những người một thời là chiến hữu, là cố nhân, là cố tri và sau cùng, nhà thơ tự mời chính mình một “chén rượu sầu” như muốn mượn rượu tìm quên thế sự qua giấc ngủ say để rồi sáng mai thức dậy hỏi ai là người tri âm, tri kỷ với mình giữa trời đất bao la mùa bão tuyết giá lạnh trùng trùng vùng Đông Bắc Mỹ . Mỗi đoạn là một nỗi lòng tràn trề tình cảm của tác giả dành cho hết thảy mọi người nên nhịp điệu bài thơ tha thiết mà chân tình, tiếng thơ vang vang mà đầm ấm, nên không cách gì có thể cắt rời mỗi đoạn thơ trong bài “Rót chén xuân sầu” ra khỏi mạch thơ miên man bất tận ấy được . Và nếu có thể cắt được đi chăng nữa, cũng không ai nỡ lòng nào cắt đứt trái tim thơ của một người làm ra những câu thơ chan chứa ân tình ấy ! Thế nên, xin mời bạn cùng đọc lại từng dòng thơ để nghe ra tâm tình của tác giả qua những “chén xuân sầu” giữa mùa Đông tuyết lạnh xứ người này :

Rót chén xuân sầu cho cố hương
Rót đầy trăm nhớ với nghìn thương
Ta đứng giữa trời Đông Bắc Mỹ
Đợi ánh xuân hồng giữa tuyết sương .
Rót chén xuân sầu mời phố cũ
Buồn xưa phong kín tự trăm năm
Cô lái sông Hoài quên gát mái
Đò nghiêng khuấy động ánh trăng rằm .
Rót chén xuân sầu con kính Cha
Mấy thời binh lửa đã kinh qua
Hiến dâng tuổi trẻ cho sông núi
Giờ lại nằm yên với tuổi già .
Rót chén xuân sầu cúng Mẹ hiền
Xin hồn thanh thản cõi vô biên
Tần tảo nuôi đàn con khốn khó
Chợ đời xuôi ngược lắm truân chuyên .
Rót chén xuân sầu mời vợ hiền
Theo chồng theo khốn khổ triền miên
Ly xứ , áo cơm còn lận đận
Vẫn cười,vẫn sống,vẫn hồn nhiên .
Rót chén xuân sầu đổ biển đông
Cúng người dưới mộ biển mênh mông
Gửi theo tiếng sóng câu phổ độ
Cho những hồn oan ấm cõi lòng .
Rót chén xuân sầu ra tám hướng
Khàn hơi mời gọi bạn bốn phương
Viễn xứ điểm danh còn mấy đứa
Khề khà bàn luận chuyện quê hương .
Hãy uống cùng ta chén xuân sầu
Những thằng một thủa ở bên nhau
Nhớ đêm đuổi giặc vui như hội
Nhớ lúc tan hàng thấm nỗi đau .
Nhớ bạn quê nhà rượu chẳng vui
Thằng què chân dìu dắt thằng đui
Đời buồn trĩu nặng trên nạng gỗ
Sống kiếp thương binh lắm ngậm ngùi .
Rót chén xuân sầu vọng cố nhân
Xuân qua xuân lại đã bao lần
Người đi cứ tưởng người quay lại
Vui khúc tương phùng đượm ý xuân
Rót chén xuân sầu mời cố tri
Giận hờn nhau mãi để mà chi
Đời như chiếc bóng câu qua cửa
Một chút hư danh có nghĩa gì .
Rót chén xuân sầu tôi mời tôi
Uống say để ngủ giấc quên đời
Hỏi mai thức dậy ai tri kỷ
Tầm tả bên trời hoa tuyết rơi .”
(Rót chén xuân sầu)

Đến bài “Đêm phố quê nhà”là lúc tâm trạng của người lữ khách sau mấy mươi năm xa cách trở về con phố xưa nhưng sao bóng dáng người xưa nay cũng đã đâu rồi mà chỉ còn lại chiếc bóng gầy của khách lữ hành giữa đêm trăng lạnh cùng vài ngọn đèn hiu hắt buồn nơi xóm vắng để nhớ về một chiều tiễn đưa mà nay cũng chẳng còn ai, hay chỉ còn lại người tình năm nào ?!?:

“Mình ta với phố đêm trăng lạnh
Chiếc bóng trên đường in dấu xưa
Hiu hắt đèn khuya buồn xóm vắng
Vai gầy ướt lạnh giọt sương mưa .
Hoài vọng cố tri chiều tiễn biệt
Chưa xa đã vội ước tương phùng
Biển dâu dời đổi nào ai biết
Chỉ có em và ta thủy chung .”

Nhưng không, cả “con phố nhỏ”, cả “quán bên sông” nào ai hay biết gì người khách cũ quay về; và nỗi buồn dâng đầy lên khi người lữ khách đành phải nhủ lòng nhận quê nhà làm quán trọ cho một lần trở lại chốn cố hương!

“Hồi chuông Phật Học rền tâm giới
Oán hận chưa tàn khỏi cõi mê
Ta tưởng quên dần năm tháng cũ
Mà sao dĩ vãng cứ quay về .
Ngơ ngác tìm qua con phố nhỏ
Đường nhà em đổi họ thay tên
Bởi ta mạc vận thành tay trắng
Đứng giữa quê nhà bị lãng quên .
Ghé quán bên sông tìm cốc rượu
Men nồng sưởi ấm lại tình quê
Xa xứ bao năm mơ hạnh ngộ
Con chim nhớ tổ cũng bay về .
Thôi cứ coi mình như khách lạ
Quê nhà – lữ quán tạm dừng chân
Một mai tiếp bước đời ly xứ
Có nhớ ,xin thầm gọi cố nhân .”
(Đêm phố quê nhà)

Nhà thơ tự nhủ lòng: “Có nhớ, xin thầm gọi cố nhân”, nhưng muốn tìm lại cố nhân đâu phải là chuyện dễ dàng :
“Năm năm một giấc chiêm bao
Cố nhân ơi biết nơi nao mà tìm”
(Em về)

Ở một góc nhìn nào đó, thi sĩ là một nghệ sĩ . Người nghệ sĩ nào cũng mang ít nhiều trong hồn mình chất lãng mạn khi bật ra lời thơ cho một mối tình, cho một buổi chia tay nhiều nhung nhớ. Và cái chất lãng mạn ở Dư Mỹ nó bàng bạc qua các bài thơ, và đặc biệt, những câu thơ anh viết về nỗi nhớ những chiều chia tay hôm nào :

“Giả vùng xuân biển cho em
Ôm khung trời nhớ vào đêm cát buồn
Dã tràng thương chuyện môi hôn
Nghe con sóng nhỏ gọi hồn sao khuya
Tình yêu bỏ nón ra về
Anh – vòng tay nhỏ kéo lê xác đời
Có nghĩa gì đâu em ơi
Còn cô đơn vẫn còn ngôi thánh thần”
(Tạ từ)

Giống như bản nhạc mà anh thường hay hát mỗi lần họp mặt anh em:”Hát trên chiến trường xưa” mà tôi vừa nhắc lúc mới vào bài, thì bài thơ dưới đây ”Người lính già ôm uất hận ra đi” là một tấm chân tình nữa của một chiến hữu tiễn chân một chiến hữu trở về cùng cát bụi nghìn trùng, vô cùng cảm động:

“Gặp lại nhau sau bao năm cách biệt
Người lính già mang uất hận chiến chinh
Đời vô thường sá chi chuyện nhục vinh
Mà sao vẫn bâng khuâng cùng dĩ vãng
Ngựa mõi vó chồn chân theo năm tháng
Bên trời tây ngóng cổ hí trời đông
Nhớ những thằng yên giấc với non sông
Thương những đứa oằn mình theo cơm áo
Rượu tiễn đưa cùng vui câu tiếu ngạo
Hẹn mai về xây giấc mộng Kinh Kha
Lời thề xưa – giờ theo gió thoảng qua
Có tiếc nuối đã là râu tóc bạc
Một thưở chiến chinh – một đời tan tác
Những người lính già lưu lạc tha phương
Ngồi lại bên nhau ngâm khúc hồ trường
Rượu cũng chẳng xóa tan sầu vong quốc
Có thằng bạn sắp trở về với đất
Bảy,tám mươi chưa rũ sạch nợ áo cơm
Cuộc sống cuối đời như tia nắng chiều hôm
Sắp liệm tắt bên trời viễn xứ
Ba lăm năm rồi ,vẫn bài ca hận sử
Hỏi một mai ai xóa nỗi đau này
Để thỏa lòng khi nhắm mắt xuôi tay
Để yên giấc ngậm cười nơi chín suối
Là cát bụi trở về theo cát bụi
Thôi cũng đừng tiếc nuối buổi phân ly
Mày đi trước rồi chúng tau tiếp bước
Những người lính già lần lượt ra đi .”
(Người lính già ôm uất hận ra đi)

Với nòi tình nơi tâm hồn nghệ sĩ ấy, Dư Mỹ luôn luôn nhớ lại những bến bờ ngày cũ, nhừng cố nhân xứ Huế một thời làm hồn thơ nơi anh mang mang nỗi u hoài mà chan chứa men tình nồng ấm:

“Mời em nâng chén cùng ta
Nghĩa gì đâu chút vinh hoa cõi trần
Uống quên những chuyện phù vân
Để hồn thanh thản chín tầng mây cao
Mời em tưởng chén bồ đào
Uống thương ta dưới chiến hào năm xưa
Mời em một chén tiễn đưa
Bao năm bỏ nước đi chưa trở về
Hồn mang trĩu nặng tình quê
Cây đa đầu xóm,con đê cuối đường
Mời em nâng chén thân thương
Uống chút tình nghĩa đồng hương xứ người
Mời em một chén hận đời
Uống thương ta lỡ một thời dọc ngang
Mời em cạn chén đêm tàn
Ta ru tình ái vô vàn trong em .”
(Mời em nâng chén)

Và một buổi chiều nào, nhà thơ của chúng ta trở về Huế để thăm lại người em gái nhỏ năm nao như một “chút tình cho người Hội An gốc Huế”với biết bao yêu mến thiết tha:

Trở về thăm Huế chiều nay
Thương em Tôn nữ tiếc ngày xa xưa
Hoàng thành lặng lẽ trong mưa
Khúc cung oán cũ – âm thừa về đâu
Trường Tiền thổn thức đêm thâu
Trách con nước nỡ đục ngầu s
ông Hương
Áo em trắng buổi tan trường
Làm sao soi bóng dòng Hương lửng lờ
Em nghiêng chiếc nón bài thơ
Tóc bay theo gió thẩn thờ hồn ta
Lạc nhau phố chợ Đông Ba
Mắt mòn mõi đợi qua Gia Hội buồn
Câu hò Vĩ Dạ đầu thôn
Đò em chở nguyệt chập chờn trên song
Ai về qua ngã Kim Long
Nghe chuông Linh Mụ mênh mông gợi sầu
Hỏi em Tôn nữ về đâu
Để ai trước bến Văn Lâu đợi chờ
Muôn đời Huế vẫn là thơ
Ta ôm choàng Huế vào mơ tự tình.”
(Một lần thăm Huế)

Trong bài thơ “Đòi lại vùng xanh”, tác giả như rạo rực trong tim nỗi nhớ về một thời nước non xanh ngắt một màu xanh cây cỏ, đá núi bạt ngàn đá núi tận chân mây, để rồì được cất tiếng hát giữa trời thênh thang bát ngát ấy. Nhưng chàng mục tử ấy cũng đành “ôm cô đơn đi đếm lá giữa giao mùa”:

“Trả lại tôi vùng xanh miền núi đá
Đứng giữa trời độc tấu bản tình ca
Về rừng hoang tìm dấu chân của lá
Cánh chim sầu sợ bủa lưới mù sa.
Trống bập bùng lửa soi hồn tiền sử
Người qua rồi phai dấu vết ngày xưa
Tôi bắt đầu trở thân làm mục tử
Ôm cô đơn đi đếm lá giao mùa.”
(Đòi lại vùng xanh)

Nỗi hoài nhớ và niềm mơ ước có lại vùng xanh xa xưa ấy càng dâng ngập trong lòng như trào dâng bất tận và rồi hồn thơ Dư Mỹ chìm vào những âm điệu trữ tình qua những vần thơ mang mang thương cảm, bồi hồi :

“Lời hò hẹn trên môi em chạy trốn
Tôi xin thua tôi khất nợ ân tình
Thân rêu cỏ tôi cam mang hèn mọn
Bước đi tìm trang tình sử sơ sinh
Tôi trở về lũ chim khuya đứng đợi
Phiến hồn xưa ứa nghẹn chẳng nên lời
Cô gái núi thân lá rừng man dại
Mềm môi hôn xin cảm tạ ơn đời.
Tôi thoát xác ra ngoài vòng tù ngục
Dấu xe đời hằn bờ mắt chiêm bao
Vùng xanh cuộc đời thân tôi gỗ mục
Chờ đêm về đứng ngưỡng vọng trăng sao.”
(Đòi lại vùng xanh)

Cái chất trữ tình trong thơ Dư Mỹ khá đậm đà, dào dạt là nhờ cái tình cảm rất thật trong trái tim tác giả luôn ôm ấp thương cảm về những cảnh đời, những phận người bằng tất cả tấm lòng chân thật của mình, nên thơ anh dễ làm rung động người đọc. Là người cùng thế hệ với anh, cùng cảnh ngộ như anh ở những ngày xa xứ, nên đọc những vần thơ trữ tình của anh lần nào tôi cũng thấy lòng mình xúc động bồi hồi về một nỗi trăn trở của anh về những cảnh đời, về những phận người trải qua biết bao phen chìm nổi . Thơ của Dư Mỹ là một khúc hát của con tim; một khúc hát không nhằm làm nên danh phận gì mà chủ yếu là bộc lộ tâm sự của một con người với một tấm lòng yêu thương quê hương tha thiết và một trái tim chan chứa tình người miên man bất tận vậy !

Houston ngày 06 tháng 01 năm 2011
.
.
.

No comments: