Monday, January 17, 2011

Ở VIỆT NAM, CHÍNH TRỊ TRÌ TRỆ TRONG KHI TĂNG TRƯỞNG NHẢY VỌT (The New York Times)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Tue, 01/18/2011 - 04:19

Thông điệp chính của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam là sự vắng mặt những vấn đề nóng bỏng mà giới lãnh đạo mới phải giải quyết sau khi bảo đảm được vị thế thống lĩnh nhưng đồng thời cũng bị trói buộc bởi một hệ thống thiếu linh động cũng như những nhóm lợi ích được quyền lực bảo vệ.

Sự thay đổi lãnh đạo sẽ được công bố vào cuối đại hội hôm thứ Tư, bao gồm những thành viên trong nhóm chóp bu đang tranh giành quyền lực dựa trên chính trị hơn là lý tưởng.
Sẽ có một báo cáo chính trị bao gồm những nội dung nhằm tăng cường vai trò của lĩnh vực tư nhân trong một nền kinh tế đang bị trì trệ bởi những doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sắp về hưu đã liệt kê một số khó khăn tồn tại của đất nước trong bài diễn văn khai mạc kỳ đại hội diễn ra năm năm một lần.
"Chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh vẫn còn thấp," ông nói. "Nạn quan liêu, tham nhũng, hoang phí, tệ nạn xã hội, sự đi xuống về đạo đức và lối sống vẫn chưa được ngăn chặn."

Đại hội diễn tra giữa những khó khăn kinh tế vốn đã tạo ra những thảo luận sắc bén về nhịp độ thay đổi trong một đất nước có tỉ lệ tăng trưởng cao nhưng đồng thời cũng có những khó khăn trầm trọng về cơ sở hạ tầng thiếu thốn, một mê hồn trận của thói quan liêu, tham nhũng và tầng lớp lao động kém chất lượng.
"Chính quyền đang đối diện với những thách thức lớn về nhập siêu, thâm thủng ngân sách, thâm thủng tài khoản hiện tại và lạm phát cao, và những khó khăn này không dễ để giải quyết," Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia hàng đầu ở Hà Nội nói.

Ông cũng đề cập đến những khó khăn mà nông dân đang phải lãnh chịu trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước, khi các nhà phát triển thu mua đất đai để xây dựng khu công nghiệp, sân gôn và nhà cửa.
"Chúng ta có một tình trạng hoàn toàn trái ngược so với quá khứ, khi Đảng Cộng sản Việt Nam tịch thu đất đai từ giới địa chủ để phân phát cho nông dân," ông nói. "Giờ đây Đảng Cộng sản và chính quyền lại lấy đất từ nông dân và trao cho thành phần tư nhân."

Chính quyền đã siết chặt việc kiểm soát báo chí và đàn áp mạnh mẽ những người chống đối, đặc biệt là những ai có quan hệ với các chính phủ phương Tây. Đã có một làn sóng bắt bớ trong những tháng vừa qua, việc kiểm soát Internet cũng đã thắt chặt, và người sử dụng đã cho biết rằng họ gặp khó khăn khi truy cập mạng Facebook.
Không rõ là việc đàn áp này, dường như là nhằm để kiểm soát những thảo luận về đại hội, sẽ được nới lỏng trong tương lai hay không.

Năm nay các nhà phân tích chính trị cảm thấy họ phải giảm bớt những trông đợi rằng đại hội sẽ tạo ra những kết quả quan trọng, cảnh báo về cái gọi là "diễn giải quá mức" về những kết quả từ đại hội.
"Sự kiện quan trọng nhất trong đại hội là thời điểm lựa chọn những chức vụ tối cao và thành phần bảo kê," Martin Gainsborough nói, ông là một chuyên gia về Đông nam Á tại Đại học Bristol và là tác giả của cuốn "Việt Nam: Nhìn Lại Chế Độ" xuất bản năm 2010.

"Văn bản chính sách là văn bản chính sách, tuy nhiên hướng đi của Việt Nam lại tuỳ thuộc nhiều hơn vào hàng loạt những yếu tố chính trị," ông nói.

Là sản phẩm của một hệ thống rườm rà với thoả hiệp và đồng thuận, bản báo cáo chính trị chỉ có thể được xem như là một hướng dẫn về chính sách mà hướng đi của nó lại được hình thành trong tương lai bởi những nhóm lợi ích đang tranh giành nhau và những lịch trình chính trị, Martin Gainsborough và những nhà phân tích khác cho biết.
"Khả năng điều hành kinh tế vĩ mô và vi mô của họ thật sự yếu kém vì hàng loạt những nguyên nhân," Tiến sĩ Gainsborough nói. "Vấn đề là liệu đảng sẽ ra tay khi cần thiết hay không, hoặc liệu họ có hành động như từng kêu gọi mọi người hành động hay không."

Ông nói thêm: "Luôn có một ý thức rằng người ta luôn cẩn thận để không làm mất lòng những ai có quyền lực hơn họ."

Một nhà phân tích khác, Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Học viện Đông Dương thuộc Đại học George Mason ở Fairfax, Virginia, cũng tán đồng quan điểm này, ông nói rằng bản báo cáo chỉ sẽ đưa ra những "ý tưởng về chính sách."
"Vấn đề là việc thực thi," ông nói. "Sẽ có chống đối từ những nhóm lợi ích sâu nặng. Nhưng họ cũng cần những nghị quyết của Đảng Cộng sản như là một thứ ô dù để biện giải cho việc tìm cách thay đổi."

Các nhà phân tích nói rằng thay đổi sẽ tiến triển khi thế hệ lãnh đạo với gốc gác từ thời chiến nhường chỗ cho những người có thể từng được đào tạo từ nước ngoài và thoải mái hơn với thế giới của thị trường tự do.

Giới trung lưu thành thị có trình độ hơn và khôn khéo hơn và tầng lớp dân chúng vùng nông thôn mạnh dạn và dám lên tiếng hơn sẽ thay đổi tính chất của xã hội Việt Nam, nếu không cả về cơ chế chính trị.

Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh của châu Á với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức 7% và thu nhập bình quân mỗi đầu người đã tăng đến 12.000 đô la trong quốc gia với 86 triệu dân.
Trong khi giới lãnh đạo đã tuyên bố rõ rằng họ sẽ không chấp nhận việc thảo luận về dân chủ đa đảng, họ cũng đang "dân chủ hoá" cơ chế độc đảng của mình với những thay đổi nhỏ hướng đến một hệ thống bao gồm nhiều thành phần tham gia hơn.

Những thay đổi này có thể bao gồm việc tăng thêm số ứng cử viên trong những kỳ bầu cử địa phương hoặc bầu cử trực tiếp những vị trí lãnh đạo đảng mà trước vốn chỉ được bổ nhiệm.

Thêm vào đó, đại hội được trông chờ là sẽ mời gọi giới doanh nhân tham gia Đảng Cộng sản, hiện đại hoá đảng bằng cách bao gồm "nông dân, công nhân và thương nhân."

Với việc đảng và chính quyền giờ đây đang cam kết chắc chắc với hệ thống thị trường tự do, những thảo luận hiện bao gồm việc diễn giải tính chất xã hội chủ nghĩa trong nguyên tắc dẫn dắt nền kinh tế của quốc gia, "kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa," ông Hùng nói.

"Anh sẽ đi bao xa trong việc cải cách kinh tế?" ông diễn tả về chủ đề thảo luận này. "Anh sẽ thật sự đi sâu hơn vào hệ thống kinh tế thị trường? Và nếu thế, liệu anh sẽ đi trệch hướng xã hội chủ nghĩa? Vì thế sẽ có một số căng thẳng."
.
.
.

No comments: