Thursday, January 20, 2011

NÓI CHUYỆN VỚI LÊ BI, TÁC GIẢ TẬP THƠ "ĐỊA CHỈ CỦA MỘT NGƯỜI" (Nguyễn Mạnh Trinh)

19.01.2011

Trong năm nay, các bộ môn của văn học Việt Nam hải ngoại đều có nhiều khởi sắc. Chúng ta có những cuốn biên khảo khá tốt, có những cuốn truyện ngắn, truyện dài đặc sắc. Và, nhất là ở bộ môn thơ, đã có nhiều tập thơ được trình làng. Có lẽ, ở mốc thời điểm hai chục năm văn học Việt hải ngoại, những người cầm bút đã xác định rõ rệt tấm lòng đam mê văn chương chữ nghĩa của mình.
Bây giờ, mời bạn đọc đi vào cuộc nói chuyện với tác giả Địa Chỉ Của Một Người, nhà Tân Thư xuất bản tháng 9-1996 California, về thơ, với thơ và cùng thơ…
NMT (11-1996)

Phụ chú của Da Màu: Người có bút hiệu Lê Bi bây giờ làm thơ ký tên là
Lê An Thế.

---------------------------------

1
NMT: Sau khi xuất bản Thơ Trích năm 1990, Lê Bi tiếp tục xuất hiện khá đều trên một số các tạp chí ở hải ngoại. Trước hết, có lẽ đây cũng là một tò mò thông lệ, xin anh tự giới thiệu về mình?
LB: Tên thật tôi là Hoàng Chính Nghĩa, sinh năm 1949 tại Thái Bình, di cư vào Nam 1954, đi lính Việt Nam Cộng Hòa lúc 19 tuổi, cấp bậc cuối cùng trung úy. Ở lại với đơn vị cho đến lúc đầu hàng. Chiều 30-4, tôi vượt biển, đến Mỹ tháng 7-1975, sống tại California từ 1976 cho đến nay.
2
NMT: Thế còn sinh hoạt chữ nghĩa? Xin anh cho thêm chi tiết? Về mặt này, hình như anh thuộc về “diện” những người viết sau năm 1975?
LB: Tháng 9-1975, từ trại tị nạn, Camp Pendleton, California, tôi được một nhà thờ Tin Lành bảo trợ về sống ở Fargo, tiểu bang North Dakota. Đến phi trường vào chiều thứ sáu, không một đồng xu, không biết tiếng Mỹ, ngay tối chủ nhật, người trong nhà thờ đã giúp tìm sẵn việc janitor cho tôi tại đài truyền hình thành phố. Lương tối thiểu, nhưng đủ sống. Tôi làm ca đêm, gồm những công việc như đổ rác, hút bụi, giặt thảm, lau chùi, rửa cầu tiêu. Quê hương bị cắt đứt hoàn toàn. Không nói, không nghe được tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ. Ngọng, điếc và nhếch nhác là đặc điểm của hầu hết người Việt thời đó. Giờ rảnh, tôi chỉ uống rượu, nhớ nhà và thỉnh thoảng, khóc. Vài tháng sau, liên lạc được với Hoàng Quốc Bảo, bạn cũ từ Sàigòn, sống ở tiểu bang Illinois, tôi có viết một bức thư dông dài kể về mấy ngày cuối trong đơn vị lính (nằm ngửa nhìn trời đếm tiếng pháo) và cuộc vượt biển của mình. Hoàng Quốc Bảo sau đó dọn về California, có đem bức thư đó cho Du Tử Lê xem, và cả hai rủ tôi về tiểu bang này cho ấm áp, cho gần nhà, nhưng thật ra là để làm báo, vì họ tin tôi có khả năng làm báo… chùa. Sau những cơn mưa tuyết cuối năm đó, vừa có bằng lái xe, mua được chiếc xe cũ 300 đô, tôi đi ngay.
Về Nam California đầu 1976, tôi làm thư ký tòa soạn cho báo Quê Hương của Du Tử Lê. Bắt đầu có thơ đăng báo từ đó. Sau đó có in chung một tuyển tập thơ gồm 4 người là Thục Ngạn, Trần Mộng Tú, Du Tử Lê và tôi, nhan đề Thi Ca và Lưu Đày, có cả phần dịch qua tiếng Mỹ. Cuối năm 1976, tôi đi học ở San Diego, có làm tờ báo Việt Hội, là một đặc san của hội sinh viên Việt Nam trong trường. Cũng ở đây, tôi cộng tác với Đinh Thạch Bích làm tờ Việt Nam Hải Ngoại. Cũng xin kể một chuyện ngoài lề, là có lần, trong một cuộc thuyết trình về cuộc sống của công đồng tị nạn, tôi mang đầy một ba lô gần 100 tờ báo Việt ngữ xuẩt bản khắp nơi trên thế giới, từ vài trang trở lên, in ấn xấu xí, nội dung sơ sài. Cả lớp thầy và trò, hầu hết là Mỹ, họ đều ngạc nhiên, nhưng chúng tôi hiểu, ngay từ thời đó, 1976-77, mỗi người Việt Nam đều có thể là một… tờ báo.
Đầu năm 1977, tôi cùng Hoàng Khởi Phong, Hoàng Quốc Bảo chủ trương nhà xuất bản Bố Cái, có ấn hành được Tuyển Tập Thi Ca 1975-77, gồm 8 người là Trần Mộng Tú, Thi Thạch, Giang Hữu Tuyên, Hoàng Phú Hoan, Nguyễn Nam An, Cao Tần và tôi, có cả phụ bản nhạc của Hoàng Quốc Bảo, rồi tuyển tập tùy bút Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng với Hoàng Khởi Phong, rồi tập thơ Thơ Tình Cùng Trời Đất ký tên Hoàng Đông Quải. Nhà xuất bản cạn tiền, tôi chán nản, bỏ hết, vì lúc bấy giờ, văn chương lưu vong của chúng tôi chỉ gắn chặt với quá khứ, than vãn, u uất. Cho tới khi có những biến động của công nhân Ba Lan từ thập niên 80, đã làm sự suy nghĩ của tôi thay đổi rất nhiều. Đây là một cuộc đấu tranh chống lại chính quyền xã hội chủ nghĩa, mà lực lượng chính lại là giai cấp công nhân, với sự ủng hộ của trí thức văn nghệ sĩ và giáo hội Công Giáo. Từ trước cho đến lúc ấy, các cuộc nổi dậy, đòi hỏi tại các quốc gia cộng sản, đều bị đàn áp thẳng tay. Một mặt, ở các nước Đông Âu, cả quần chúng lẫn nhà nước, đều sợ sự can thiệp trực tiếp bằng xe tăng Liên Xô như ở Ba Lan năm 1956, ở Tiệp năm 1968. Nhưng những mục tiêu của những người đấu tranh đã tự giới hạn lại, kiên nhẫn, khả thi và từng bước. Tóm tắt, đây là một cuộc đấu tranh xây dựng xã hội dân sự (civil society), tách chính quyền ra khỏi những sinh hoạt bình thường văn hóa, xã hội, tôn giáo, báo chí của… quần chúng. Liên Đoàn Công Nhân Liên Đới Ba Lan được chính thức công nhận, rồi, liên tiếp sau đó, 1989, một năm có những biến cố sững sờ, như Liên Đoàn Công Nhân Liên Đới Ba Lan nắm chính quyền qua bầu cử, các biến cố ở Thiên An Môn, rồi sự sụp đổ bất ngờ của bức tường Bá Linh… tôi bắt đầu có lại niềm tin.
Trong thời gian đó, tôi có cơ hội đọc sách báo rất nhiều từ trong nước. Tôi thu mua được khá nhiều, từ Tạp Chí Cộng Sản, Sông Hương, Văn Nghệ cho đến các sách chính trị, văn học. Sau kỳ Đại hội 5 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nghị Quyết 5, 1986-89, đã nở rộ những sáng tác mới, văn học trong nước đã không còn là một khu vườn đầy hoa cúc nữa. Những người phía “bên kia,” họ vẫn còn đầy khát vọng về tự do, hạnh phúc. Con đường “độc lập, tự do, hạnh phúc” mới đi được một phần ba. Họ cũng có những bức xúc như tôi. Không khác. Câu hỏi, là tại sao có một thời, xem nhau hơn cả kẻ thù.
Tôi như kẻ đầu thai lại. Thành người Việt. Không còn vướng bận bên này hay bên sông Bến Hải nữa.
Không còn là người quốc gia cũng chẳng là người cộng sản. Tôi trở thành một con người Việt Nam, đơn giản, phổ quát và thế thôi.
Ngay sau đó, tôi tham dự vào việc thực hiện quyển Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương (1990), nhà xuất bản Trăm Hoa 1991, tạp chí Hợp Lưu cuối năm 1991, rồi năm 1992, tạp chí Đối Thoại. Nhưng tôi chưa hề gia nhập một đoàn thể, tổ chức hoặc đảng phái nào. Tôi vẫn còn quan tâm đến chuyện xã hội, nên gắn bó với tờ Đối Thoại hơn vì đây cũng là trách nhiệm chính trị của mình. Đây là một tờ báo có chủ trương rõ ràng về mục tiêu cũng như phương pháp. Mục tiêu là dân chủ và phát triển Việt Nam. Phương pháp là bất bạo động, đối thoại và tôn trọng tất cả các khuynh hướng chính trị khác nhau.
3
NMT: Như vậy, anh vừa chủ trương xuất bản, vừa thực hiện tạp chí, vừa biên khảo, vừa viết đoản văn, vừa làm thơ. Rồi việc kiếm sống nữa chứ! Và, công việc nào anh thích nhất?
LB: Cho đến giờ phút này, tôi chưa hề được trả một đồng nào cho ngòi bút, kể cả những chuyện như đánh máy, trình bày, thực hiện, gởi báo bưu điện hoặc gởi báo ngoài chợ vân vân. Tất cả đều làm chùa, và thường thì phải bỏ thêm tiền túi ra ủng hộ. Tôi vẫn đi làm nuôi thân, giúp bố mẹ ở Việt Nam, và một gia đình 2 con nhỏ. Tôi không thích làm báo, vì cần nhiều nỗ lực, giao tế, kiên nhẫn, là những đặc điểm tôi rất kém. Biên khảo và văn xuôi mất nhiều công sức. Nên tôi thích làm thơ. Tự do và ít tốn thời giờ. Một mình một thế giới. Tờ giấy trắng là vương quốc mới của mình. Rồi bỏ đi. Đó là những lúc gần thượng đế hơn cả.
4
NMT: Tại sao, với anh, làm thơ là có thể gần thượng đế? Hình như anh có lúc nhận mình là vô thần?
LB: Thơ là chuyện mơ màng. Là cánh cửa. Là khoảng trống. Không cần rõ ràng. Thượng đế là một con đường vô tận. Nhưng thơ và thượng đế đều không phải là tôn giáo của tôi.
5
NMT: Thế còn việc nhà xuất bản Trăm Hoa, rồi từ Hợp Lưu, nhảy qua Đối Thoại mà anh vừa nói là gắn bó nhất? Tôi nghe Đối Thoại đã gây tiếng vang về với trong nước, và được chính quyền xếp vào hạng âm mưu “diễn biến hòa bình” của đế quốc vân vân và vân vân.
LB: Sau khi quyển Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương xuất hiện, chúng tôi bị chống đối và được ủng hộ rất nhiều. Hầu như mọi người tham dự đều bị chửi bới, từ ngây thơ, trở cờ, thân cộng cho đến tay sai cộng sản. Đôi khi bị cả hăm dọa bằng võ lực. Tôi cũng bị một người bạn đồng ngũ của mình trước đây, có đi học tập cải tạo một thời gian, vượt biển, có đến tìm và chỉ thẳng vào mặt tôi: “Nếu tao có bằng chứng mày theo cộng sản, thì chính tay tao sẽ bắn mày.” Tôi thông cảm, hiểu và ngay cả thương sự suy nghĩ đó. Cũng vì tình bạn cũ, tôi chỉ trả lời: “Nếu trước 1975, tôi đã không là cộng sản, thì sau 1975 tôi lại càng không thể là cộng sản. Còn nếu có bằng chứng rõ ràng, thì cứ bắn.” Còn những chuyện như chửi bới trên báo của cộng đồng, hoặc thậm chí, tổ chức đốt hoặc kéo lê sách “hoa hồng xám” khắp Bolsa, kiểu… Ngô Đình Diệm kéo lê máy chém đi khắp miền Nam, thì không đủ để tôi sợ.
Sau đó, khoảng giữa 1991, tôi tiếp tục, và chủ trương nhà xuất bản Trăm Hoa. Có in được một tuyển tập nhiều người trong và ngoài nước về xã hội, văn hóa, chính trị Những Vấn Đề Việt Nam, rồi Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, Việt Nam, Khủng Hoảng và Lối Ra của Nguyễn Kiến Giang, một tuyển tập gồm những bài viết của Đoàn Viết Hoạt… vân vân. Lúc đó, một người tôi vừa quen vài năm qua các quán café và bàn nhậu, là Khánh Trường, có viết một quyển sách, ký tên Tống Ngọc, cấm trẻ em dưới 18 tuổi, kiểu 3 chữ XXX, bán rất chạy, tái bản nhiều lần. Khánh Trường là cựu lính Nhảy Dù, đã bị thương nhiều lần ngoài mặt trận, trong người vẫn còn mảnh đạn, chịu uống, chịu chơi và dám trả tiền cho người khác, được một số tiền lớn, chừng vài ngàn, quyết định bỏ hết số tiền này để thực hiện một tờ tạp chí văn học, cho cả trong và ngoài nước, không kiêng kỵ quá khứ. Khánh Trường có rủ một số người trong vùng như Nhật Tiến, Phan Tấn Hải, Đỗ Hữu Tài, Lê Thứ và tôi để bàn về tờ báo. Khánh Trường chỉ yêu cầu là chúng tôi ủng hộ về tinh thần và vật chất, mổi số mỗi người đóng 200 đôla, chỉ cần từ một đến hai năm, những chuyện còn lại, Khánh Trường sẽ lo tất cả. Chúng tôi đồng ý ngay, rồi họp hành liên miên, hàng tuần, ban đầu mọi người đều đồng ý lấy tên là Giao Lưu, nhưng ngay trước khi báo ra, Nhật Tiến, giữa đêm, có điện thoại đề nghị lại, lấy tên là Hợp Lưu, theo ý của người em Nhật Tiến là Nhật Tuấn, còn ở trong nước. Chúng tôi thấy hợp lý hơn, hay hơn và bớt khiêu khích hơn, nên cái tên Hợp Lưu phát sinh từ đó. Sau đó, một số các thân hữu ở xa, như Lê Thị ThấmVân, Thụy Khuê, Trần Vũ, Trương Vũ… cũng cộng tác đóng góp bài vở và tiền bạc như thế. Khánh Trường là chủ nhiệm kiêm chủ biên, có Phan Tấn Hải và Phạm Việt Cường phụ tá, Hoàng Sử Mai và Đỗ Hữu Tài phụ trách nghiên cứu lý luận, với một số cộng tác có thể đầy hơn một trang báo.
Nhưng Hợp Lưu ra đời, mỗi số chỉ có một bài biên khảo, thiên về văn và triết hơn là các bài xã hội, chính trị, nên sau một vài số, tôi thấy có một nhu cầu một tờ tạp chí chuyên, tập họp nhiều khuynh hướng khác nhau (Khánh Trường hay chọc là… nghiêm và buồn), viết một bức thư ngỏ gởi đi, và được sự hưởng ứng trực tiếp của 15 người. Tờ Đối Thoại ra đời, tôi được bầu làm chủ biên, thực sự đó chỉ là công việc chọn bài, thực hiện, đánh máy, sửa chữa chính tả, liên lạc, đứng tên trước pháp luật, phát hành báo vân vân, đôi khi rất lặt vặt và tốn nhiều thời giờ. Đây cũng là một nỗ lực về mặt nội dung và kinh tế của rất nhiều người. Vừa ra được hai số, phấn khởi thì có chuyện Đặng Phong, phó tổng biên tập báo Giá Cả và Thị Trường ở Hà Nội, qua ngõ giới thiệu của bè bạn bên Pháp qua chơi. Chúng tôi đón tiếp niềm nở. Đặng Phong có tài ăn nói, thuộc nhiều chi tiết cung đình và các nhân vật văn học dưới xã hội chủ nghĩa, và có sức thuyết phục về chuyện đổi mới ở Việt Nam. Tôi mời ông về nhà chơi vài ngày, có đưa đi chơi cả Disneyland lẫn Las Vegas chung với gia đình. Rồi có thể, một lý do nào khác nữa, tôi bất ngờ bị một người trong nhóm viết thư tố cáo tôi đã theo phe “cộng sản bảo thủ.” Tôi không có bằng chứng để cãi lại, phản ứng giận dữ, rút ra khỏi tờ báo, xin trả lại tiền quỹ, môn bài, danh sách độc giả và bài vở, thì những người còn lại không ai đứng ra nhận đi tiếp. Lúc ấy, Trương Vũ, ở Washington DC, nhảy vào nhận chức chủ biên, với điều kiện tôi tiếp tục hoạt động cho đến số 5. Tôi nhận lời, và Đối Thoại đến số 5 thì chết. Tôi chỉ là người sinh hoạt bằng cảm tính, hoặc theo bằng hữu, nên vụ đổ vỡ này, là một khủng hoảng lớn nhất của tôi về mặt bạn bè. Đối Thoại thành hình từ sự tự phát, không có một cơ cấu tổ chức nào cả, tình bằng hữu vỡ, nó rất khó tồn tại. Tôi chán nản, ít giao du và sống trong tình trạng trầm cảm. Chỉ ân hận một điều, là rất nhiều người trong và ngoài nước, đã điện thoại, gởi thư, nhắn tin khuyên tôi bằng mọi giá phải để tờ Đối Thoại sống. Nhưng tôi không khả năng gì hơn được. Cho đến nay, tôi vẫn thấy mình mắc nợ tinh thần với họ. Tôi luôn luôn mắc nợ. Nợ nhà,nợ xe, nợ tín dụng, nợ đàn bà, nợ cơm áo, nợ bè bạn cho đến bây giờ là những món nợ tinh thần. Không bao giờ trả hết.
6
NMT: Thế ngoài ra anh còn nợ những… cái tên khác hay không? Anh có nhiều bút hiệu: Lê Tôn, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Sử Mai, Hoàng Đông Quải… Tại sao lại bị nợ nhiều thế?
LB: Cái tên chỉ là một biểu tượng, không bao giờ là cái thật. Thế mà con đường thơ là con đường đi tìm cái khác, thật hơn, thiên đường hơn. Tôi nghĩ là không bao giờ tới. Cho đến khi nằm xuống. Mãi mãi chĩ là cuộc kiếm tìm. Tôi lại mau chán, kể cả cái tên do chính cha mẹ đặt ra. Tôi hay bị Khánh Trường chọc ghẹo bởi bút hiệu… Lê Bi. Có lần, Mai Thảo, một người tôi rất trọng về nhân cách và phong thái uống rượu, tới nhà tôi chơi, uống rượu, đông người, có cầm thơ tôi lên đọc rồi vất xuống, lắc đầu: “Thơ được, nhưng tên hỏng.” Cao Xuân Huy, một người hay uống rượu nhưng ít đùa, bạn cùng trường trung học Nguyễn Trãi , cũng chọc: “Lê Bi là tên thật, còn Hoàng Chính Nghĩa mới là bút hiệu.” Tôi không giận, vì chỉ thấy tên gì đi nữa, không bao giờ là mình cả.
7
NMT: Bây giờ nói chuyện với Lê Bi, một thi sĩ. Đầu tiên, tại sao anh làm thơ? Để làm gì: vị nghệ thuật hay vị nhân sinh, hay vì một lý do nào khác?
LB: Tôi không thể nghĩ ra là mình vị cái gì, vì đây chỉ là một câu hỏi sau khi làm thơ xong. Tôi chỉ thấy thơ trong tôi, là một nhu cầu, là một khẩn cấp, đôi khi chỉ xuất hiện tình cờ, ngẫu tính. Như lúc mình sinh ra, không có chủ đích gì cả. Sau đó, mọi người, kể cả tác giả, tha hồ diễn giải. Nói theo lối “hậu hiện đại” của tây phương, tác giả đã mất chủ quyền khi sáng tác vừa xuất hiện, và có thể bị cả thực dân hóa nếu các nhà phê bình đụng đến. Văn chương thời nay không nói đến một thế giới thiên đường đồng nhất cho tất cả nữa. Sự hứa hẹn vẫn chỉ dành cho các bản diễn văn và tuyên ngôn chính trị. Trong văn bản của văn chương không còn thông điệp. Nhưng chúng ta vẫn có quyền thốt lên, hoặc lắng nghe những tín hiệu trong chữ nghĩa.
8
NMT: Dù thơ với anh là một tình cờ, ngẫu tính, nhưng có điều gì trăn trở trước khi cầm bút không? Hoặc một tâm sự, hoặc nói với người này, hoặc ai đó về ý nghĩ của mình?
LB: Cần gì phải cầm bút mới trăn trở. Ngay cả đứa bé Việt Nam lên 9 lên 10, cho đến những người già, ai không có những thèm khát, những suy nghĩ riêng, lúc rõ, lúc mờ, khi ẩn, khi hiện. Thậm chí, khi nhìn những con khỉ cha, khỉ mẹ, khỉ con, tôi cũng tưởng tượng đến những băn khoăn nguyên thủy của loài người cách đây cả triệu năm. Nhưng từ bức xúc, cảm hứng, ra thơ, lại là chuyện khác. Có thể là một khoảng cách, chuyên môn hơn. Nếu may mắn nhảy qua được khoảng cách đó, ra thơ, thì tôi cũng không nghĩ đến chuyện thơ từ ai cho ai và bởi ai.
9
NMT: Nói đến tính chuyên môn, khi… nhảy qua mà làm thơ, anh có những ý định tiền chế nào về thể loại cũng như nội dung của bài thơ sắp làm?
LB: Không và có.
Không là khi làm thơ, chữ tìm chữ trên trang giấy, ý tưởng này đẻ ra ý tưởng kia, đôi khi chỉ là cuộc rượt đuổi bất tận. Chỉ cần một hình ảnh, một cảm xúc, một nốt nhạc, một chữ, một bóng hồng… là tưởng tượng bắt đầu, có thể thơ xuất hiện, đôi khi gây cả bất ngờ cho người viết.
Có là tôi vẫn mơ màng ra thể loại, ý tứ, ngắn dài. Nhưng chắc chắn không chuẩn bị rõ ràng như một trận đồ quân sự.
10
NMT: Mơ màng như thế, nhưng khoảng thời gian trước đây, anh hay làm thơ lục bát, hoặc 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ… Bây giờ những bài thơ của anh đều theo thể tự do. Tại sao anh có sự thay đổi như vậy. Có phải là một trận đồ, hình như khá rõ ràng, có chủ đích?
LB: Sau 1975, lúc mới bắt đầu đọc và viết, tôi thấy sự hiểu biết của mình về mọi mặt rất yếu kém. Nên có thể, lúc bắt đầu tôi phải dựa khá nhiều vào khuôn mẫu, niêm luật. Nhưng càng về sau, tương đối làm chủ được sự suy nghĩ cũng như ngôn ngữ, nên tôi cần tự do hơn, cần những khoảng trống hơn, nên một cách tự nhiên, tôi làm thơ tự do. Dù là tự do đấy, thơ vẫn có một số quy luật riêng, nhạc tính riêng. Nhưng, biết đâu sau này, tôi lại quay về với thơ cũ. Rất cũ. Nhìn trăng sau Lý Bạch cả ngàn năm. Nhưng trăng vẫn mới. Vẫn đẹp. Chúng ta chỉ gọi trăng là trăng, nhưng Trịnh Công Sơn lại hát: “từ khi trăng là… nguyệt.” Rất khó chọn một, vì chúng ta vẫn còn quá khứ và vẫn còn phải sử dụng chữ… là.
11
NMT: Anh có băn khoăn nào về thơ mới và thơ cũ?
LB: Xin anh phân biệt cho tôi thế nào là thơ mới và thơ cũ? Thơ của cá nhân hoặc một cái nhìn chung cả văn học?
12
NMT: Câu hỏi của tôi khá rõ ràng, nhưng nếu muốn, xin anh nói về cả hai.
LB: Tập thơ, của tôi thôi, vừa in ra, mùi mực còn nồng, tôi đã thấy nó cũ. Quá cũ. Tôi chỉ muốn bỏ đó mà đi tiếp. Thơ mới của cá nhân tôi, thì chỉ là những điều tôi chưa gặp. Còn về phương diện văn học sử, tôi chỉ là người đọc sau này, thơ mới Việt Nam có thể bắt đầu bằng bài “Tình Già” của Phan Khôi, xuất hiện năm 1932. Một cái tôi lồ lộ, chễm chệ. Già đấy, nhưng vẫn có quyền tình, bây giờ vẫn còn đáng yêu và đáng phục. Tôi xin nhắc là hai năm trước đó, thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu Việt Nam Quốc Dân Đảng và Xô Viết Nghệ Tĩnh, thì cảm tính thơ chăng, nhu cầu giải phóng đất nước phải đi đôi với nhu cầu giải phóng con người. Có nghĩa là giải phóng con người ra khỏi cái cũ, cái truyền thống, cái đặc sản đặc thù, đôi khi chính trị chỉ sử dụng để chèn ép văn hóa và đời thường. Rất tiếc là vấn đề giải phóng đất nước đã xong, nhưng vấn đề của con người vẫn còn đó. Theo tôi, thơ luôn cần mới, mới và mới. Không ngừng được. Nhưng nếu hiểu theo văn học sử, thì từ trước đến nay, thơ chỉ có một dòng, dù đó là thơ văn Lý Trần, thơ tiền chiến, thơ lãng mạn, thơ kiểu Xuân Thu Nhã Tập, thơ yêu nước, thơ hiện thực, thơ miền Bắc, thơ miền Nam, thơ hải ngoại… đều nằm trong đó cả. Chưa đi ra ngoài và cũng không hề vượt qua. Đôi khi đọc thơ thiền Lý Trần, lục bát Nguyễn Du, hoặc thơ nôm Nguyễn Trãi, tôi thấy rất mới, hoặc thấy ngược lại, một số thơ gần đây, dù thể thơ rất tự do. Không biết nên ngừng ở chỗ nào.
13
NMT: Như vậy, mới lạ có phải là yếu tố tiên quyết để thành một bài thơ hay?
LB: Một bài thơ, hay bất cứ một sáng tác nào, cần phải mới lạ, và nếu cần, phải khác cả cái cũ của mình. Nhưng mới lạ chỉ là một trong nhiều yếu tố thôi. Tôi nghĩ là tất cả mọi người đều không thể “nhất trí” về vấn đề này.
14
NMT: Anh chú trọng đến yếu tố nào khi làm thơ: ngôn ngữ, vần điệu, hình ảnh, ý tưởng, chuyên chở…?
LB: Tất cả những điều kể trên, và cả những điều anh chưa nêu ra. Nghĩa là tôi không chú trọng vào các khuôn mẫu có sẵn.
15
NMT: Anh có hay đọc thơ của các thi sĩ Việt Nam và ngoại quốc không?
LB: Tôi thích đọc thơ, thường khi có một tạp chí, tôi thường tìm đọc những bài thơ trước. Đọc thơ Việt, đọc thơ dịch, đọc thơ hay, đọc thơ dở. Những người lãnh đạo miền Nam như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh, không viết sách và không làm thơ nên tôi ít tốn thời giờ với họ. Trừ trường hợp Trần Văn Hương, tổng thống kế chót của miền Nam, tôi nghe kể, có làm câu “Ngồi ruồi, gãi dái dái lăn tăn” hồi mất chức thủ tướng thập niên 60, tôi thấy táo bạo, tìm mãi nhưng không thấy văn bản. Những người lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, không những họ hay viết sách chính trị, mà còn làm thơ nữa. Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Trường Chinh đều có làm thơ. Thơ kiểu “Ta nhất định thắng, Địch nhất định thua…” tôi còn đọc đủ 4 câu nữa mà. Tôi còn thích cả… mua thơ. Có lần Nguyễn Duy, tới nhà tôi chơi, đông đảo, đọc thơ. Tôi có mang tập Cát Trắng, đầu tay của anh, in hồi 1973 ở Hà Nội cho anh xem, thật ra là định xin chữ ký. Nguyễn Duy bất ngờ, nói là chính mình cũng không còn tập này, tìm lại khắp nơi mà không có. Tôi bèn tặng lại tác giả ngay.
Không những đọc thơ trên giấy, tôi lại còn thích nghe người khác đọc thơ. Một lần, khi nghe bài thơ “Tĩnh Dạ Tư” của Lý Bạch, bằng tiếng quan thoại, tôi thấy bài thơ này hay hơn hẳn dù không hiểu gì tiếng Tàu. Thanh âm của thơ, đôi khi có thể xuyên qua khắp người. Có những lúc mình thoát ra ngoài biên giới như vậy. Đối với thơ tây phương, đọc qua các bài dịch, cảm hứng đã giảm, có thể vì những khoảng cách văn hóa, xã hội còn lớn. Ngay cả khi có đủ khả năng đọc trực tiếp bằng tiếng Mỹ, tôi cũng không có nhiều cảm xúc như khi đọc thơ tiếng Việt, kể cả các nhà thơ lớn được các giải văn chương nổi tiếng. Tôi thích thơ của e.e. cummings vì ngữ ảnh đẹp, thơ Carl Sandburg vì tính xã hội, thơ Sylvia Plath vì sự dữ dội, thơ Charles Bukowski vì tính dung tục, thơ Charles Wright, Gary Snider vì chất cô đọng đông phương. Tôi có đọc đầy đủ thơ của Neruda (qua các bản dịch Việt và Mỹ), thấy cũng vậy vậy, nhưng sau khi xem phim The Postman, tôi lại thấy thơ ông này hay thật, được giải Nobel là đúng. Tôi thắc mắc mãi vì chuyện này. Vì trước đây mình chậm hiểu, tâm hồn nhỏ, hay vì màu sắc, âm thanh, cốt truyện, tài tử trong phim tác động. Nhưng thế nào đi nữa, tôi vẫn chịu phép, đứng lại trong biên giới và sự cô độc của một người làm thơ Việt Nam.
16
NMT: Và anh chịu ảnh hưởng từ thi sĩ nào nhất?
LB: Tôi mau chán, hay thay đổi, không có khả năng giữ được cái gì là của riêng mình, nên hay ảnh hưởng tại chỗ những gì vừa đọc. Nhưng có gì của nhân loại không ảnh hưởng từ một cái khác đâu. Đạo Phật chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Ấn Độ Giáo. Công Giáo xuất xứ từ đạo Do Thái. Ngay cả về đời sống thường ngày, chúng ta cũng đã rất tây phương từ cách ăn mặc, suy nghĩ, tổ chức giáo dục, kinh tế, xã hội, quân sự vân vân. Một tay cầm, một đoạn phim, một khúc nhạc, một trang giấy cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Một số người cho thơ tôi, gần đây, có một số bài giống Chế Lan Viên. Nguyễn Mộng Giác hay trêu chọc tôi là Chế Lan… Bi. Điều này khá đúng. Tôi thích thơ ông này, gần như toàn bộ, kể cả những bài thơ… cúng cụ, nhưng đặc biệt là thơ ở giai đoạn sau, vài năm trước khi Chế Lan Viên mất. Khi vừa có được hai tập thơ Di Cảo, tôi đọc một mạch, trang trọng, từ đầu đến cuối. Trong khi đó, mặc dù đọc Kiều hoặc Chinh Phụ Ngâm nhiều lần, tôi chưa bao giờ đọc một mạch.
17
NMT: Tập Địa Chỉ Của Một Người anh hoàn thành trong trường hợp nào và trong thời gian bao lâu?
LB: Sau khi nhà xuất bản Trăm Hoa và báo Đối Thoại chết, tôi quay về làm thơ. Nhưng in thơ bây giờ rất khó. Không ai mua. Các chợ và nhà sách đều từ chối không chịu nhận bán hộ. Tôi chỉ in con số tối thiểu là 500 cuốn. Một người bạn gái hẹn sẽ mua 20 tập nếu tôi chịu in, nên tôi xếp đặt lại thơ mình, từ năm 1990 đến nay. Tôi lại không bao giờ chịu nhờ ai viết tựa, điểm sách, giới thiệu, phê bình, quảng cáo hoặc tổ chức ra mắt sách, nên số 480 cuốn còn lại cho không biếu không cũng không thể hết. Có thể tôi sẽ tự bỏ thơ mình vào thùng rác recycle. Thơ tôi cần kiếp luân hồi.
18
NMT: Tập thơ này có hai phần “Nếu phải tìm mình” và “Đến khi,” tại sao anh bố cục như vậy và có dụng ý gì?
LB: Chỉ là một mở và một đóng của cả tập thơ. Nếu có thể, tôi tạm chia ra làm hai phần, một con người cộng đồng và một con người riêng. Nhưng vẫn không đủ. Vì thật ra, như anh, như tôi, như tất cả chúng ta, đều có nhiều mặt khác nữa.
19
NMT: Có phải hai phần là phần thời thế và phần thơ tình?
LB: Tại sao phải chia lằn ranh như thế? Hai yếu tố này có thể đan kẽ với nhau. Những viên đá ném từ đám trẻ Palestine, những cánh tay của công nhân Ba Lan, những chiếc loa, và lều, của sinh viên Trung quốc ở Thiên An Môn, những nước mắt và máu của đồng bào vượt biển trước hải tặc Thái Lan, những viên gạch đổ xuống của bức tường Bá Linh, hoặc mùi lựu đan từ Hồng Kông, theo tôi cũng đầy cảm xúc, có thể thành tình. Và trong thơ tình, cũng có thể đầy yếu tố thời thế.
20
NMT: Anh có nghĩ là khi làm thơ thời thế, chúng ta có mục đích ở thời điểm ngắn hạn? Còn thơ tình, thì dài hơn, muôn thuở, bởi chúng ta sống là còn phải yêu và còn đọc thơ tình?
LB: Ai dám bảo bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt chỉ nằm ở một thời điểm ngắn hạn, dù đã xuất hiện cách đây cả ngàn năm. Lý Thường Kiệt là một con người văn hóa, một tướng anh hùng và một quan thái giám, có làm thơ tình đâu. Tôi nghĩ đó là tính phổ quát của tác phẩm. Nghĩa là có những cái chung.
21
NMT: Có rất nhiều biến cố chính trị của thế giới tạo thành chất xúc tác cho thơ anh. Anh có còn là thi sĩ Việt Nam hay một con người làm thơ nói chung?
LB: Thế giới đang càng biến thành một cái làng. Những biến động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, di dân đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau. Việt Nam, vẫn còn là một nước nhược tiểu về nhiều mặt, hầu như khó làm chủ được các biến động cho chính số phận mình, mà nhà nước vẫn chỉ mở cửa he hé thôi, nên quê hương vẫn tiếp tục là một cái làng… khác, đôi khi rất Vũ Đại. Tôi cảm thấy rất gần với các cuộc tranh đấu cho nhân quyền, cho dân chủ, cho đổi mới, cho công bằng xã hội ở bất cứ chỗ nào trên mặt đất. Tôi cảm phục Mandela, Walesa, Havel, Gorbachev hơn bất cứ một lãnh tụ chính trị nào của Việt Nam hiện đại. Đó là mặt công dân thế giới của mình. Mặt kia, tôi vẫn Việt Nam, mãi mãi Việt Nam. Tôi không thấy mình mâu thuẫn ở điểm này, mà chỉ sợ hãi tinh thần dân tộc cực đoan, một hiện tượng nghịch lý ở cuối thế kỷ 20.
22
NMT: Có phải thơ trí tuệ hợp với sự chuyên chở những suy tư về thời thế?
LB: Không nhất thiết. Thời thế cũng phải gây cho ta những cảm xúc, những tứ, những tình. Theo tôi, thơ trí tuệ là thơ của cô đọng, có dẫn giải, có quan sát, có phản đề, có so sánh, rồi cuối cùng đúc kết bất ngờ. Nhưng cần gì phải thời thế, đôi khi chiếc lá vàng, tiếng mưa rơi, con chim bói cá, một hạt sương vỡ cũng có thể làm ta triết lý vụn về đời sống. Người đọc chạy theo tấm bảng chỉ đường của thi sĩ, dù nhiều khi, một tấm bảng chỉ đường… trật lất. Còn nếu thơ chỉ thuần suy tư về thời thế, nếu không có ý, tứ, tình trong đó, nó lại dễ thành biểu ngữ. Khi người làm thơ vẫn còn dính vào những tranh chấp và áp đặt chính trị, thì chắc, biểu ngữ nhiều không kém thơ.
23
NMT: Một số người cho rằng anh có một số bài thơ trí tuệ. Anh có đồng ý với điều trên không? Và anh dùng kỹ thuật nào?
LB: Tôi không thể tự phê bình thơ mình được. Nội dung lẫn kỹ thuật. Chỉ là những dòng chữ ngẫu tính.
24
NMT: Cũng có người nói anh làm thơ khác với dòng thơ Việt hải ngoại, nhưng lại có nhiều điểm giống với dòng thơ trong nước. Anh suy nghĩ sao về nhận xét này?
LB: Tôi không sợ hãi, không quan tâm đến chuyện thơ mình vị ai như hồi nhiều thập niên trước, hoặc thơ mình ở đâu, từ đâu như kiểu Neruda. Tôi đồng ý với Lại Nguyên Ân, ở Hà Nội, cũng có tới nhà tôi chơi vài ngày, là văn học Việt Nam chỉ có một dòng, kéo từ hồi lập quốc, mà trong đó thơ văn Lý Trần, văn học phong kiến, văn học tiền chiến, văn học xã hội chủ nghĩa, văn học miền Nam 1954-1975, văn học người Việt nước ngoài chỉ là những nhánh của mẹ. Không ai có thể tự nhận mình là chính thống mãi được. Một bài thơ hay có thể sống lâu hơn một triều đại lớn. Nguyễn Trãi đã bị triều Lê, Cao Bá Quát đã bị triều Nguyễn tru di tam tộc, thế mà chúng ta, cả trong lẫn ngoài nước bây giờ đều nhận đó là hai nhân vật văn học kiệt xuất. Nếu bảo thơ tôi giống như dòng thơ trong nước cũng tốt thôi. Tôi vẫn mang được quê hương theo mình.
25
NMT: Anh có làm thơ tình nhiều không? Lúc trước năm 1978, anh có in một tập thơ Thơ Tình Cùng Trời Đất ký tên Hoàng Đông Quải. Còn bây giờ?
LB: Làm thơ đã là tình rồi. Một trang giấy cũng đã đầy tình trắng toát. Nhất thiết gì mà phải dành cho ai.
Và anh cũng làm tôi ngạc nhiên, vì đây là người thứ hai nhắc đến tên Hoàng Đông Quải. Người thứ nhất là Nguyễn Tất Nhiên, tôi chỉ quen những năm cuối thập niên 80 (cũng qua các bàn rượu). Những lúc ngà ngà, say say Nhiên hát và đọc thơ rất hào sảng. Thường thì Nhiên chỉ đọc thơ của mình, nhưng một lần Nhiên đọc vài câu thơ, thấy quen quen ngờ ngợ, tôi hỏi thơ ai vậy. Nhiên nói thơ của… Hoàng Đông Quải. Số là sau 1975, Nguyễn Tất Nhiên thấy không còn thơ thẩn gì được, tuyệt vọng, mấy năm sau, lúc vượt biên, ở trại tị nạn, tình cờ đọc được vài bài thơ trên báo của Hoàng Đông Quải. Nhiên kể là rất mừng vì vẫn còn người tiếp tục làm thơ, dù có Nhiên hay không, nên vẫn còn nhớ cái tên đó. Một người trong buổi rượu mới chỉ Hoàng Đông Quải là tôi, Nhiên đứng dậy vỗ tay tôi (Oh! Man, give me five). Càng về sau này Nguyễn Tất Nhiên càng hoang tưởng, ngoài gia đình ra, có lẽ người nhịn và chịu đựng nhất là Khánh Trường, và có lẽ Nguyễn Tất Nhiên là người duy nhất được Hợp Lưu trả tiền nhuận bút… thơ. Có lần, Khánh Trường trả 10 đôla cho một bài thơ của Nhiên, Nhiên chê ít. Khánh Trường phải xùy ra 20 đôla rồi (dĩ nhiên) chửi thề: “Đụ mẹ, đủ rồi, chịu không?” Tôi thấy mình nợ Nguyễn Tất Nhiên từ những bài thơ phổ nhạc nghe khắp các quán café Việt Nam thập niên 70, cho đến những tháng cuối cùng gặp đôi lần, Nguyễn Tất Nhiên đã gần như hóa dại, lang thang không nhà cửa, mà không cách nào làm khác hơn.
Bây giờ, Nguyễn Tất Nhiên đã chết.
26
NMT: Thế còn bài “Giao Thừa” thì sao? Nó nằm trong phần thơ tình đấy. Anh không nhắc đến tên một người, chữ người viết hoa đó ư?
LB: Tôi đã qua giai đoạn làm thơ cho một ai đó rồi. Nếu bắt buộc phải nói, thì bài “Giao Thừa” cũng đầy sự cố, đánh dấu một giai đoạn riêng tư. Đây là thời gian Trần Vũ từ Pháp qua Mỹ chơi, có ở nhà tôi vài tuần. Chúng tôi tập họp, nhậu nhẹt, đùa giờn, ca hát. Có Mai Thảo, Khánh Trường, Cao Xuân Huy, Hoàng Xuân Giang… khá đông. Hoàng Xuân Giang, nhạc sĩ, tôi mới gặp đôi lần, thấy dễ mến, nên rủ về nhà chơi. Giang đàn hay, hát khỏe, nhớ nhiều bài của cả hai miền, có thể hát liên tục nhiều tiếng. Chúng tôi hát, từ bài “Cờ Bay,” “Lính Mà Em” cho tới “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây,” “Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân”… Đến nửa đêm, Cao Xuân Huy đứng dậy bỏ về… sớm. Huy kéo tôi ra ngoài nói: “Nếu không nể vì nhà này của… vợ ông, thì tôi đã đánh thằng này (Giang) rồi.” Tôi hỏi tại sao. Huy trả lời: “Mình hát nhạc miền Nam thì đùa giỡn thôi, còn khi hát bài miền Bắc thì nó hát thật quá. Nghe một số thì còn chịu được, nhưng đến ‘Bác Cùng Chúng Cháu…’ Tôi phải điên tiết lên chứ!” Huy vốn sắn máu du côn từ thời trung học, có thời gian chung đơn vị lính với tôi vài tháng 1970 ở Pleiku, chống cộng nhưng không cực đoan, và cũng là người đánh máy trình bày quyển Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, tôi hơi bất ngờ, nhưng cũng không ngán: “Tôi cũng nể… bà chủ nhà lắm, nên ông muốn thì cứ đánh, tôi hứa sẽ… không can.” Sau những lúc ồn ào như thế, bè bạn về hết, tôi và Hương, người… chủ nhà, vẫn thức, uống rượu tiếp. Cho đến sáng. Trong sự im lặng kỳ lạ, ngổn ngang của chai lọ chén dĩa ghế bàn.
Bây giờ Hoàng Xuân Giang đã chết.
27
NMT: Trong Địa chỉ Của Một Người, anh thích bài nào nhất? Và ngược lại?
LB: Tôi xin đi ngược trước. Tôi không thích khi đọc lại thơ mình. Tôi cũng không thuộc nó. Ngay cả thơ của tôi đã từng in trên sách báo, tôi cũng không giữ lại một cuốn nào. Luôn luôn tôi cảm giác thơ mình thừa, sáo, đôi khi xấu hổ. Về phần thích, thì chỉ lúc lấy tập thơ vừa ở nhà in ra, tôi thích 2 bài kế chót nhan đề “Tưởng Tượng Không Có Ngôn Ngữ” và “Thức Giấc.” Lý do là khi đánh máy và trình bày, tôi có điện thoại hỏi Chân Thuần, chủ nhà in Kim, họ in khổ lớn, gấp lại thành 16 trang, thành thử tôi phải thêm vài trang trống cho đủ số 224. Tôi bèn đánh máy làm thơ tại chỗ cho đủ số. Sau quên khuấy. Cả tháng sau, lúc lấy sách ra, đọc lại, thấy như hai bài thơ mới. Tôi thú vị vì tưởng tượng ra Lê Bi đã là một người khác.
28
NMT: Anh có tên trong ban chủ trương tạp chí Thơ. Anh nghĩ thế nào về sự cổ động một phong trào làm mới thơ? Thơ hậu hiện đại? rồi đặc biệt là thơ “tân hình thức”? Và anh có nghĩ rằng đã có sự hăng say quá mức trong vấn đề này?
LB: (cười) Anh đặt tôi vào một việc khó nói. Anh cũng là một người làm thơ, xin trả lại câu hỏi cho anh.
29
NMT: Nhưng tôi là người phỏng vấn?
LB: Sau khi nhà xuất bản Trăm Hoa và tạp chí Đối Thoại chết, tôi khá rảnh, thì Khế Iêm có rủ tôi vào tạp chí Thơ, tôi vào ngay vì vẫn còn tính ham vui và cả nể. Tôi góp bài và đóng tiền ủng hộ. Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện chọn lựa và biên tập. Lúc báo ra, tôi mới biết nội dung. Khế Iêm đã đóng góp rất dũng cảm, tối thiểu là cho dòng văn học hải ngoại, vì so ra, ở trong nước, với cả một Hội Nhà Văn đông đảo hội viên dường ấy, cho đến nay, tôi chưa thấy có một tạp chí nào chuyên về thơ cả. Tôi vẫn nghĩ tạp chí Thơ là của Khế Iêm như Hợp Lưu của Khánh Trường, tạp chí Văn của Mai Thảo, tạp chí Triết của Nguyễn Hữu Liêm, tạp chí Văn Học của Nguyễn Mộng Giác.
Còn làm mới thơ là một chuyện luôn cần thiết, là bức xúc thường trực của thơ và của các bộ môn sáng tạo khác. Có đi quá đà cũng không sao, thời gian sẽ chọn lại. Thơ dada, siêu thực, tương lai (futurism bên Ý hồi thập niên 1910), thơ mới vân vân đều đã xuất hiện từ đầu thế kỷ. Nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng đã thử nghiệm ở Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Ở Mỹ, các nhà thơ được xếp vào “hậu hiện đại” (post-modernist) đã bắt đầu từ thập niên 50. Không theo một quy luật nào cả. Một rừng hoa bằng… chữ, đủ kiểu và màu. Một số thơ của Hannah Weiner, chữ hoa, chữ thường, chữ nghiêng, chữ thẳng đứng cứ rối cả lên. Hoặc thơ của Clayton Eshleman, Ed Sanders có vẽ cả hình. Hoặc thơ của John Cage, như một bản mục lục. Nhiều bài thơ khác, như của Gertrude Stein chứa nhiều chữ lập đi lập lại, ngắt ra liên tục. Tôi cảm phục, tôi tò mò, dù nhiều lúc không thích và không hiểu. Theo tôi hiểu, “hậu hiện đại” chỉ để giải thích tình trạng đã và đang xảy ra, chứ không phải là chủ trương đường lối. Những người Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước, tôi ít thấy ai nhắc đến chữ “hậu hiện đại,” ngoại trừ một bài viết công phu của Nguyễn Văn Khoa, đăng trong tạp chí Triết số 2, xuất bản ở San Jose, về vấn đề Phật Giáo. Nhưng dù là thơ hậu hiện đại, tôi chưa thấy thơ tìm cách bỏ được chữ. Bài thơ “Bàn Cờ Tướng” của Nguyễn Hoàng Nam, chỉ là một tấm hình chụp nguyên một bàn cờ tướng, tôi vẫn đọc được một số chữ… Hán, vì hồi nhỏ mê chơi cờ tướng, vẫn còn nhớ được một số mặt cờ. Tôi nghĩ đó là một bài thơ… hóm hỉnh. Theo tôi, trong thơ phải có chữ. Dù chúng ta có nói trong thơ có nhạc, trong thơ có họa, thì thơ vẫn là thế giới của ngôn ngữ. Thơ mà bỏ chữ, chẳng khác họa bỏ hình thể màu sắc, nhạc bỏ âm thanh. Nghĩa là có thể dẫn tới một thứ hư vô chủ nghĩa hình thức. Trong tạp chí Thơ, có người tình nguyện ra đi về nơi sóng gió như kiểu con tàu say của Rimbaud, nhưng đó vẫn nằm ở thời hiện đại, nghĩa là vẫn còn tìm một thế giới hứa hẹn hơn. Thế giới hậu hiện đại không còn ra đi nữa, không nhất quán, nhiều chiều, lắm tầng, ngẫu tính, phi lịch sử, cắt thời gian, đôi khi chủ thể và bên ngoài đều gẫy vụn. Ở tạp chí Thơ số 7, tôi thấy Trần Như Mai có nói được nội dung của hậu hiện đại, nhưng không hiểu sao, lại cho đó là hiện đại. Tôi rất ấn tượng về bài “Bức Bưu Thiếp” của Nguyễn Đăng Thường, là bài thơ gợi được sự tưởng tượng về thời gian và nơi chốn khác, những thứ mà không ít thì nhiều, tôi sống cho.
Còn về thơ “tân hình thức,” là một văn xuôi, ngắt câu nửa chừng, xuống hàng, xếp thành từng đoạn đều. Nhưng hình thức của loại thơ này đã có từ nhiều thập niên trước ở Mỹ. Trong một số các tạp chí văn học hiện đại, vẫn có một số bài dùng kỹ thuật này. Hoặc một bài dài, thỉnh thoảng có một đoạn, hoặc đôi đoạn ngắt câu như thế. Nhưng tôi không thấy họ gọi là tân hình thức, hoặc là mới hoặc là duy nhất. Ngoại trừ một số bài của Lưu Hy Lạc, mạnh, gợi hình và liên tục, tôi vẫn thấy mình không thích hợp, vì đã tự sức mọc cánh rồi, không thể chui đầu vào một hình thức trại lính như thế. Nhưng trên phương diện thơ, mới và can đảm, theo tôi tạp chí Thơ đã là thành công trên mặt tiếng vang rồi.
30
NMT: Ở hải ngoại còn rất nhiều người viết nữa chứ, cả thơ lẫn văn, anh có ý nghĩ gì về văn học Việt hải ngoại cũng như trong nước?
LB: Văn học hải ngoại có rất nhiều tiềm lực. Cuộc sống lưu vong và vấn đề cơm áo cũng đầy u uất. Có thua gì ai. Những người làm văn chương hải ngoại có nhiều cơ hội tiếp cận với văn chương thế giới hơn, lại có nhiều… tự do hơn. Như anh thừa biết, ở đây chúng ta hầu như muốn viết gì thì… viết, có tiền thì cứ việc in. Chẳng sợ ai và chẳng cần ai. Đã không bị kiểm duyệt, chèn ép như văn chương trong nước, họ lại còn thoải mái hơn cả những người viết bằng tiếng Mỹ. Những nhà xuất bản, tạp chí lớn ở Mỹ rất khắt khe trong vấn đề biên tập, về cả chất lượng lẫn thị trường. Ngay cả những người đã nổi tiếng như Ernest Hemingway, Raymond Carver… hoặc như sách vật lý của Stephen Hawking đều bị biên tập cắt xén, sửa chữa nhiều lần, thậm chí nhiều chục lần. Còn những văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, rất khó được sáng tạo tự do hoàn toàn. Ngay cả vấn đề tiếp cận cũng thiếu thốn. Việt Nam đã có sự đổi mới trong thời gian qua, khá giống Trung Quốc, nhưng lại đi sau. Ngay từ đầu thập niên 80, ở Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình, họ đã chủ trương “Không cấm kỵ trong vấn đề đọc.” Nên những sách vở kinh điển tinh hoa của thế giới đều được dịch và phổ biến. Tôi có về Việt Nam vài lần, thấy sự thiếu thốn về thông tin và sáng tạo rất đáng lo ngại. Nếu tình trạng này kéo dài, Việt Nam sẽ không bao giờ phát triển hết tiềm lực của mình. Sự giải phóng con người vẫn là một vấn đề còn nguyên từ gần một thế kỷ qua.
31
NMT: Anh có dự trù trong tương lai nào về thi ca? Về các bộ môn khác?
LB: Tôi đang nghỉ làm thơ. Trầm uất và không có dự tính gì, ngoại trừ việc quay về đọc tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết, tôi thấy tác giả có thể tạo một thế giới hư cấu, tự cắt mình ra, hoặc có thể xuất hiện nhiều mặt khác nhau cùng một lúc.
32
NMT: Cuối cùng, anh có điều gì muốn nói thêm với độc giả?
LB: Không, ngoại trừ sự cám ơn, nếu độc giả có thực.
NMT: Xin cám ơn anh Lê Bi.

(11-1996, California)


Hai bài thơ trích trong  Địa Chỉ Của Một Người

Nếu phải tìm mình

Nếu dân tộc mình cực đoan trong tinh thần độc lập
chắc xưa Lý Thường Kiệt không thể vừa đánh quân Tàu vừa làm thơ
                                                                    bằng chữ Hán
nay con cháu ông quên cả chữ Hán chữ Nôm
họ viết tuyên ngôn
hoặc làm thơ tình
bằng mẫu tự La-tinh từ các ông cố Đạo.
Nếu không ra ngoài biên giới
chắc Nguyễn Du không thể nghe ra tiếng sóng Tiền Đường
ta cũng đâu biết có những câu lục bát đoạn trường
chảy theo đời Thúy.
Nếu ông cha ta khép kín tâm hồn
chắc Khổng tử  đã không thể vào trong Văn miếu
thành tượng đá sống lâu ngàn tuổi
đã đậm đà màu sông núi.
Xưa huyền thoại mẹ cha có trăm con
Nay trăm con không còn là huyền thoại
Đứa vô thần đứa thấm đầy Chúa Phật
Thậm chí, mặc dầu, những kẻ gì đâu
Có chia năm xẻ bảy
Tôi thấy bình thường
Họ cũng là thịt xương mẹ cha mình đấy.
Nếu đất đai mình thuần nhất
Sao vẫn ướt dòng lệ Đồ bàn
Dóng máu ta có thể phát nguyên từ sông Cửu Long sông Hồng Hà
                                                             hay sông Dương Tử
chảy tới những hòn đảo Thái Bình Dương
ta có thể là mảnh Việt, mảnh Thượng, mảnh Kinh, mảnh Thái, mảnh Chàm,
                                                              mảnh Kampuchia, mảnh Mã
Tôi sinh ra là người Việt, sống như người Việt
và mong được chết như người Việt
nhưng căn cước của mình
chẳng bao giờ rõ nét.
Nếu mai này tôi về được hôn vào đất
hôn mẹ cha đã mở mọi đường
tôi sẽ hôn những con đường đi những con đường ở
đất đã ôm hết thảy mọi nhà
đất của lòng dân là khung cửa mở
để cho đời có thể trăm hoa.



Đến khi

Đến khi thơ anh chẳng chở được gì
là lúc trời sao cộng lại.
Nên thơ anh sẽ không ở lại
nó bỏ anh thành con ve
hùa theo những ngọn gió hè
nó bỏ anh thành hạt cát
vùi thân vào sa mạc
nó bỏ anh làm ngọn cỏ
thế kỷ này bận bịu dẫm lên
để anh biết trời sao có ích
giữa cuộc đời anh phải nhìn lên
quên cả phận mình.
Đến khi không phải làm thơ nữa
là cũng không tự xé mình ra.
Nên thơ anh đã là đốm lửa
hóa kiếp từ những sao xa
kẻ đọc thơ chỉ thấy niềm đau quá chậm
điều thấy hôm nay đã chết tự bao giờ.
nó bỏ anh thành hạt muối
biến hình giữa biển xanh
anh còn bao giấc mộng không thành
vác trên vai người mang tội
anh còn bao niềm đau chưa viết
bị từng biến cố bước qua
thôi thì cũng cầu cho những điều anh chưa biết
sẽ mọc mầm hoa.
Đến khi thơ anh không cần anh nữa
là biết trời sao kia đã bớt đơn côi.
.
.
.

No comments: