Lá thư Luân Ðôn
Lê Mạnh Hùng
Wednesday, January 19, 2011
Nằm sâu trong tiềm thức người dân Anh, người ta nói là một ảo tưởng thấy được nữ hoàng đến thăm nhà mình và uống trà với mình. Một ảo tưởng vừa đánh vào cái đầu óc hãnh tiến của nhiều người nhưng cũng lập lại một huyền thoại trong lịch sử xã hội Anh với những câu chuyện về các bậc quân vương đi vi hành giữa các thần dân của họ và kết bạn với những kẻ thứ dân.
Thành ra không có gì lạ khi một cuốn phim mới của Anh “The King's Speech,” một cuốn phim về vua George VI, thân phụ của đương kim nữ hoàng Elisabeth, đã hấp dẫn dân Anh đi xem đông nghịt khi vừa ra mắt vào đầu năm nay. Một ông trị liệu viên về luyện giọng tầm thường cuối cùng bị buộc phải thú nhận nhà vua là bệnh nhân và cũng là bạn mình khi bà vợ bỗng thấy hoàng hậu ngồi ở trong phòng ăn của gia đình đang uống trà. Còn gì có thể hấp dẫn hơn nữa.
Cuốn phim nhắc lại một sự kiện có thật, nhưng ít người biết trong lịch sử nước Anh. Hầu hết người Anh, nhất giới trẻ, không biết bao nhiêu về ông vua George VI này ngoài việc ông trị vì trong Thế Chiến Thứ Hai và là thân phụ của đương kim nữ hoàng Elizabeth II. Họ không biết rằng đầu tiên, không có ai, kể cả ông nữa lại nghĩ rằng ông sẽ lên làm vua nước Anh. Cuốn phim mô tả một ông hoàng nhút nhát, nói lắp nặng nề vượt qua khỏi những nhược điểm này với sự giúp đỡ của một trị liệu viên về luyện giọng người Úc kịp thời để lên ngôi quân vương sau khi người anh của mình, Edward VIII thoái vị vì đam mê một bà người Mỹ đã có một đời chồng. Ðặc biệt cuốn phim cho người ta thấy vì sao dân Anh lại trọng vọng Hoàng Hậu Elizabeth (không phải nữ hoàng hiện nay) về tính cách và sự hoạt bát của bà, một điều mà sau này không thấy bao nhiêu trong vai trò của một bà hoàng thái hậu (bà sống đến 101 tuổi mới mất).
Nhưng thành công của cuốn phim không phải chỉ nằm trong khía cạnh của câu chuyện và tài diễn xuất của các diễn viên. Nếu người Anh mê xem phim này là vì nó phản ảnh một phần nào cảm nghĩ của họ về bản chất dân tộc mình.
Về căn bản cuốn phim có hai chủ đề gắn liền với nhau. Một chủ đề dính líu đến quan điểm của người Anh về trật tự xã hội và chủ đề kia nói đến sự hào hùng của người Anh trong thời chiến và việc họ bác bỏ tuyệt đối chủ nghĩa phát xít. Trước hết về trật tự xã hội. Thoạt nhìn cuốn phim có vẻ phản động. Nó cho thấy những hình ảnh xấu xa của sự tin tưởng rằng giá trị của một người tùy thuộc vào gốc gác gia đình và vị thế xã hội. Edward VIII được mô tả như là một dân chơi, cậy thế nhưng lại không có chí khí, hoàn toàn tùy thuộc vào một người đàn bà không có gì là hấp dẫn cả, Wally Simpson.
Ngược lại George VI, vợ ông và hai cô con gái nhỏ được cuốn phim diễn tả như là đóng trọn vai trò mà Walter Bagehot, một nhà chính trị Anh (sáng lập ra tạp chí The Economist) gọi là lý tưởng của “một gia đình trên ngai vàng.” Và điều này đã dẫn đến một vài cảnh thật cảm động. Một trong những cảnh này là khi hai nàng công chúa nhỏ lần đầu tiên thấy thân phụ mình mặc bộ đồ lễ phục của nhà vua - sau một phút ngạc nhiên không biết phải làm gì - đã quỳ chào với một vẻ vừa yêu đương vừa e sợ. Nhưng vào những lúc khác cuốn phim đã quá cường điệu khía cạnh này. Một trong những cảnh khó có thể tin được là có thật là cảnh nhà vua trong bộ lễ phục - áo có đuôi, cravat trắng - làm ra vẻ lết lết trong phòng giả làm một con chim cánh cụt để làm vui cho hai cô con gái trước mắt một cô “nanny.” Chúng ta không biết gì nhiều về đời tư của nhà vua; nhưng với sự kiện là ông băng hà vào năm 1952 và con gái ông, nữ hoàng hiện nay là một con người khá quy tắc, khó có thể tin được là George VI có thể có hành động như vậy. Tương tự như vậy, trong hầu hết cuốn phim chàng trị liệu viên Logue có một thái độ rất thân mật và nhiều khi vô lễ như gọi ông bằng là “Bertie” hay là nhẩy lên ngồi trên ngai vàng để kích thích nhà vua bỏ tật nói lắp. Trên đời thật, theo nhật ký của chính Logue để lại quan hệ giữa hai người có tính cách quy tắc hơn nhiều.
Ðỉnh cao của cuốn phim nằm ở vào gần lúc chót. Nhà vua nhút nhát này cuối cùng gọi Logue một tiếng “anh bạn” (my friend). Và để trả lời, Logue cuối cùng gọi ông “Thưa hoàng thượng” (Your Majesty). Thông điệp được đưa ra một cách thật rõ ràng: chỉ khi nào nhà vua cho thấy rằng ông cũng là con người thì mới đáng được sự tôn sùng. Ðây là một hậu quả tất yếu của tinh thần tôn ti trật tự của xã hội Anh: tôn sùng người trên là một chuyện đúng đắn nếu người ở trên xứng đáng với sự tôn sùng đó.
Quan điểm này chính là quan điểm đã giúp cho xã hội Anh miễn nhiễm với những hấp dẫn của chủ nghĩa phát xít trong những năm 1930. Trong những năm này, hầu hết Âu Châu bị hấp dẫn bởi chủ nghĩa phát xít thì tại Anh, lãnh tụ phát xít Oswald Mosley bị coi như là một thằng hề.
Cuốn phim kết thúc với bài diễn văn nổi tiếng - và cũng là tên của cuốn phim - được đọc khi chiến tranh bùng nổ trong đó người ta thấy George VI, một con người không có tham vọng làm vua, chỉ muốn được yên ổn sống nuôi dạy hai người con - nhắc lại với các thần dân rằng nước Anh, được mô tả như là một hòn đảo xám xịt bần hàn (nhưng với một đế quốc rộng lớn) cũng chỉ muốn sống một cách hòa bình, cho đến khi bị buộc phải đi vào chiến tranh.
“The King's Speech” là một cuốn phim có nhiều đoạn thật cảm động, nhưng lại có nhiều đoạn khác khá dớ dẫn. Nhưng nếu bạn là người Anh hoặc là một người có cảm tình với nước Anh thì đây là một phim rất hấp dẫn. Không có gì ngạc nhiên nếu nó thành công tại Anh như vậy.
----------------------
.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2011/01/110118_baftanominations.shtml
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment