Tuesday, January 4, 2011

NOBEL HÒA BÌNH, BÌNH VỀ NHÂN QUYỀN (Đào Đức Thuấn)

Đào Đức Thuấn  -  thành viên Đảng Vì Dân Việt Nam

Năm nay giải thưởng uy tín về lĩnh vực hòa bình đã được ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc. Và trong lễ trao giải ngày 10 tháng 12, ông đã không thể nào có mặt vì hiện tại ông vẫn đang bị giam giữ tại quê hương của mình.
Và tất nhiên “chiếc ghế trống” bên cạnh ngài Chủ tịch Ủy ban Nobel Na-Uy, ông Thorbjørn Jagland không phải là duy nhất. Ắt hẳn đâu đó trong Hội trường thành phố Oslo cũng có ít nhất một chiếc ghế cho Việt Nam.

Giải thưởng Nobel và tính chính danh của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong con mắt nhà cầm quyền Việt Nam:

Năm 1973, khi hiệp định Paris được ký kết, giải thưởng Nobel hòa bình cùng năm đã được trao cho hai nhà ngoại giao Lê Đức Thọ và Henry Kissinger (1). Vì tình hình chính trị Việt Nam lúc bấy giờ có quan hệ hữu hảo với Liên Xô, và xét trong bối cảnh chính trị thời ấy: Chiến tranh lạnh, nên Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng này. Với sự thù hằn dữ dội với các “đế quốc”,“thực dân” và liên minh của  họ, chính quyền Việt Nam nhìn thế giới bên ngoài với con mắt căm phẫn đan xen thái độ thờ ơ. Chính vì lẽ trên, mà giải thưởng Nobel hòa bình đã được coi là một công cụ chính trị của Hoa Kỳ và các nước Tây Âu.
Khi chiến tranh biên giới xảy ra 1979, và cuộc chiến với Khme đỏ, thì lúc đó Hà Nội lại thay đổi sự căm phẫn lên “người Đồng chí” năm xưa - Trung Quốc. Dưới sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chế độ độc tài Pol Pot, người láng giềng trong phong trào Quốc tế Cộng Sản đã trở về bộ mặt thật của một nước bạo cường.  Điều này đọng lại rất nhiều qua bài hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới":
Toàn dân ta vào cuộc  chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã dày xéo mảng đất quê hương
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp giải biên cương”

Vào cùng thời gian đó, rất nhiều sự lời cổ động tuyên truyền được phát hành trên quy mô quốc gia nhằm bôi nhọ các tổ chức quốc tế: Asian, NATO hay Liên Hiệp Quốc. Coi các tổ chức trên như là “bù nhìn” của chính phủ Hoa Kỳ hay của các “thế lực thù địch” phương Tây.
Các tổ chức quốc tế như: Ân Xá quốc tế, nhân quyền quốc tế đều bị nhà cầm quyền Việt Nam bêu xấu. Và các bản báo cáo hàng năm của các tổ chức này đều bị làm ngơ, nếu có thì cũng là những lời phản đối nhằm làm giảm uy tín của các tổ chức này. Vì chúng thường đề cập đến tình hình chính trị, nhân quyền hay tôn giáo tại Việt Nam và thường đưa ra những lời nhận xét mang tính tiêu cực đối với nhà cầm quyền hiện tại. Và trong một xã hội, khi thông tin bị bưng bít, thì khó có thể mang lại những trang báo cáo đó đến tai người dân, nếu như chúng ta không làm những thủ thuật vượt ra tầm ảnh hưởng của hệ thống  kiểm soát thông tin hiện tại. Mặc dù, như chúng ta đã biết, các tổ chức trên đều là các tổ chức phi chính phủ, có hệ thống minh bạch cao, và hiển nhiên có uy tín tầm cỡ trên nghị trường quốc tế.

Còn đối với các tổ chức phi chính trị như các hiệp hội về kinh tế... đều cũng có bị kiểm soát và lẽ đương nhiên, các thông tin nhạy cảm đều bị kiểm duyệt trước khi đến với người dân.

Vậy Hà Nội nhìn nhận như thế nào về sự danh giá của giải Nobel - giải thưởng quốc tế hằng năm nhằm tôn vinh những tiến bộ về văn hoá, khoa học và hòa bình trong cộng đồng thế giới. Câu trả lời phụ thuộc vào chữ “tuỳ”. Nếu giải thưởng được trao cho Việt Nam với các chủ đề phi chính trị, thuần khoa học  hay văn hoá thì hiển nhiên sẽ được chào đón như một dấu son trong quá trình hội nhập, còn không thì sẽ bị che đậy bởi hệ thống truyền thông được kiểm soát chặt chẽ bởi nhà cầm quyền.
Vậy tính chính danh trong việc hình thành, tồn tại và hoạt động của các tổ chức, các chính phủ trên thế giới đều là cái nhìn chủ quan của nhà cầm quyền hiện tại. Quan điểm chủ quan trên chưa bao giờ thể hiện một cách đúng đắn suy nghĩ của người dân. Và bên cạnh đó, sự lệch lạc trong biểu thị nguyện vọng của quần chúng sẽ mang một hậu quả nặng nề cho tương lai dân tộc.
Tính hợp pháp của chúng luôn được đề cao một cách khác thường khi chính quyền được phỉnh nịnh bằng những lời tán dương. Tuy nhiên, những sự góp ý “cay đắng” luôn được những người tự nhận là đại biểu của dân gạn lọc hoặc loại bỏ một cách kĩ càng trước khi đăng tải chúng.

“Hội nhập để nhập hội”
Bước ngoặt Thiên An Môn 1989 - cuộc nổi dậy đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Lưu Hiểu Ba và sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đã làm chính quyền thay đổi quan điểm, từ chỗ dựa vào người “anh cả” Liên Xô, nay chính quyền phải đối diện với sự “cô đơn” về chính trị và nguy cơ sụp đổ về thể chế. “Thay đổi hay là chết /em>” đó chính là 2 con đường duy nhất mà Việt Nam có thể lựa chọn vào thời điểm đấy.
Sự cải tổ về kinh tế như là cứu cánh cho vận mệnh chế độ đang trên bờ vực thẳm đã diễn ra theo mô hình tập quyền của “kẻ thù xưa”- Trung Quốc. Đó là một hệ thống kinh tế được kiểm soát bằng sự toàn trị của nhà cầm quyền Trung Ương, dưới cái tên gọi mỹ miều nhưng mơ hồ: “nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Việt Nam không còn cách nào khác là giải thoát người dân khỏi “sự nghèo đói”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “ấm no, hạnh phúc”.
Bên cạnh bẻ khoá xiềng xích phương cách làm ăn kiểu “thuần xã hội chủ nghĩa”, nhà chức trách đã không ngần ngại hy sinh các quyền dân sự của người dân để nhằm có thể giữ vững sự cai trị của mình trên đất nước.
Thông tin được lan tỏa một cách mạnh mẽ và dữ dội làm thay đổi hành vi con người chúng ta. Điều này làm thế giới trở nên nhỏ hơn và điều này cũng làm cho nhà cầm quyền Việt Nam phải thích ứng để tránh sự diệt vong. Họ bắt đầu tuyên bố “muốn làm bạn với tất cả các nước”, tất nhiên bao gồm cả các “cựu thù xưa”.
Trung Quốc trổi dậy và trở thành một người “Anh cả thứ hai” của Việt Nam. Sự thành công về phát triển kinh tế với những con số ấn tượng luôn là một động lực cho chính quyền Việt Nam noi gương. Sự đàn áp thành công đối với giới tri thức trong biến cố Thiên An Môn 1989 luôn là một tấm gương đáng học hỏi cho Nhà cầm quyền Việt Nam noi theo, để có thể áp dụng cho những sự kiện tương tự xảy ra trên đất nước mình. Điều này bao hàm cả việc: “cho xe tăng càn quét lên những người dân trong tay không một tấc sắt”.
Sau chiến tranh biên giới 1979, giờ đây tình hữu nghị Việt Trung được củng cố bằng 16 chữ vàng “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. “Tình anh em môi hở răng lạnh” này còn được thể hiện cụ thể bằng hành động nhượng bộ biên giới, biển và hải đảo (Trường Sa, Hoàng Sa) cho Trung Quốc. Và bất chấp sự phản đối mãnh liệt của giai cấp trí thức trong và ngoài nước , Bộ Chính Trị đã cấp phép khai thác Bô xit tại Tây Nguyên cho nhà cầm quyền Cộng Sản phương Bắc. Chủ quyền dân tộc, điều Hà Nội lấy làm tiền đề để giải phóng dân tộc đã bị lãng quên vì lợi ích lãnh đạo.
Việc bình thường hoá quan hệ với tên “đế quốc” năm xưa vào năm 1995, đã mở ra giai đoạn mới trong thời kỳ đầy biến động đối với Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành một thị trường xuất khẩu béo bở cho các doanh nghiệp trong nước. Và không một cách tự nhiên, Hoa Kỳ đã trở thành nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. 
Liên Minh Châu Âu EU, luôn được coi là đồng minh của Hoa Kỳ, ngày hôm nay lại giữ một tỉ trọng cao trong cán cân thương mại hai bên. Đồng minh thân cận của Hoa Kỳ: Hàn Quốc và Nhật Bản trở thành những nhà đầu tư ODA lớn của Việt Nam. Và thật thiếu sót nếu không nhắc những đồng tiền ngoại hối của các “thuyền nhân” năm xưa, đóng vai trò không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt của nước nhà.

“Cải tổ kinh tế, để thế quyền dân”
Kể từ khi đất nước được thống nhất dưới bàn tay sắt của nhà cầm quyền, từ quan điểm chống thế giới bên ngoài một cách quyết liệt, bảo vệ một cách kiên quyết phong trào “nhuộm đỏ thế giới”, Việt Nam đã dần dần thay đổi. Công khai hoá và từng bước đáng giá một cách hợp lý về vai trò của các tổ chức và các chính phủ trên thế giới. Tuy vậy, một cách công tâm, những sự cách tân đều liên quan tới liệu pháp “kinh tế”. Đó là một thứ mô hình dị hợm, một cách sao chép thô sơ giữa “chủ nghĩa tư bản tài phiệt” với mô hình “độc tài toàn trị” được soi sáng dưới danh nghĩa của “triết học Marx-Lenin”.
Thái độ chính trị cởi mở, ít nhất về kinh tế, là một điều tốt, tốt cho cả người dân và người cai trị. Tuy nhiên sự hy sinh về nhân quyền trong thời bình là điều cần suy ngẫm.

“Hòa bình” và “nhân quyền”
Có một mối liên hệ đan xen vô hình và chặt chẽ giữ các cụm từ “hòa bình”, “nhân quyền” và “dân chủ”. Nền hòa bình của một quốc gia có thể được hiểu là một định nghĩa không bao hàm cụm từ “chiến tranh” xảy xa trên quốc gia đó. Tuy nhiên để đồng nhất hai khái niệm “hòa bình” và “không chiến tranh” thì thiết nghĩ là điều thiếu sót. Bởi vì một nền hòa bình thật sự chỉ có thể gặt hái được dựa trên sự tôn trọng nhân quyền mà điều này chỉ tồn tại trên một nền dân chủ đích thực.
Vì sao? 
Một chính thể dân chủ luôn đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi tổ chức hay cá nhân. Điều này góp phần thể hiện nguyện vọng của người dân ở mức độ tối ưu nhất. Vì vậy mà quyền công dân được thực thi ở mức độ đúng mực và phù hợp. Nhân quyền được tôn trọng, như thế nền tảng hoà bình mới được đảm bảo.
Vì khi ấy, quyết định phát động một cuộc chiến sẽ được cân nhắc ở mức độ thận trọng nhất, tránh được những quyết định mang tính chất chủ quan của tầng lớp lãnh đạo, từ đó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Và thậm chí nếu có xảy ra chiến tranh, thì một nền dân chủ chân chính sẽ ngăn chặn cuộc chiến trước khi các nhà cầm quyền nhận ra họ đã sai lầm.
Vì khi ấy, nền hoà bình dùng để phát triển trên diện vĩ mô luôn được coi trọng. Nền tảng nhân quyền sẽ làm cho quá trình hoạt động kinh tế tránh hay giảm thiểu các rủi ro về tham nhũng, lạm quyền hay sai lầm của tầng lớp lãnh đạo. Quá trình tăng trưởng sẽ đạt đến sự bền vững, tránh được tình trạng phát triển nóng và tạo dựng được nền móng vững chắc cho các thế hệ mai sau.
Vì khi ấy, các nền dân chủ của thế giới mới mang lại hoà bình đích thực cho nhân loại. Tình huynh đệ giữa các quốc gia phải được xây dựng trên nền tảng của tính dân chủ. Khi mà cầu nối thật sự giữa các đất nước là tình hữu nghị nhân dân, chứ không phải là các hiệp ước được biên soạn giữa các nhà lãnh đạo. Chúng ta khó có thể xây dựng một tình bằng hữu mà trong các mối quan hệ đó, có xuất hiện “sự chuyên chế” hay “toàn trị”.
Chính vì quan niệm trên, mà uỷ ban Nobel Hoà Bình đã xem xét và công nhận cho ông Lưu Hiểu Ba về “nỗ lực đấu tranh bền bỉ, bất bạo động cho các quyền cơ bản của con người tại Trung Quốc” (1).  Và theo đó mới tạo nên sự bang giao hữu hảo thật sự giữa các quốc gia.

Việt Nam có “hòa bình”?
Trở lại với sự thay đổi của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, kể từ sau ngày thống nhất đất nước, hòa bình đến. Điều đó đúng, ít nhất là nghĩa đen. Có một sự thay đổi đáng kể về bức tranh xã hội. Khuôn mặt tại các đô thị lớn của đất nước trong khoảng 20 năm đã trải qua những sự thay đổi lớn. Tuy nhiên viễn cảnh tươi sáng của đất nước lại không được như vậy. Một bức tranh ảm đạm với vài vệt sáng lấp lánh không đủ để truyền hy vọng cho những người được hoạ trong tranh.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới, một cách ngoại giao, đều công nhận Việt Nam là một nước hoà bình. Và Việt Nam luôn tự hào với sự ổn định về kinh tế lẫn chính trị mà mình đã gặt hái được. Tuy nhiên đã mấy ai công nhận đất nước ta có một nền chính trị dân chủ, nơi mà quyền công dân được bảo đảm như những gì đã ghi trong Hiến Pháp? Chắc là không nhiều, vì nếu có chắc cũng trên đầu ngón tay, và “đầu ngón tay” kia đều rất thân quen, ví dụ như: Trung Quốc, Cuba, Nga, Bắc Hàn.
Vì lẽ trên, rất khó lòng mà chúng ta có thể đạt được một nền hòa bình thật sự nếu phớt lờ các yếu tố về quyền nhân sinh.
Sau 37 năm kể từ cái cự tuyệt của Lê Đức Thọ, Việt Nam lại một lần nữa từ chối tham dự lễ trao giao giải vì yếu tố Trung Quốc. Và đây cũng chính là cái cự tuyệt về sợi dây liên hệ giữ “nhân quyền” và “hoà bình”.
Chiếc ghế trống” ấy, không chỉ đơn giản vinh danh ông Lưu Hiểu Ba vì những nỗ lực phi thường của bản thân ông, nó còn là tiếng chuông cảnh báo những chế độ độc tài: Đừng bao giờ tự hài lòng với “sự ổn định bằng đàn áp”, điều đó sẽ không kéo dài được sự toàn trị của chế độ hay duy trì sự bền vững trong tăng trưởng kinh tế. Quyền được tự do trong suy nghĩ, cơ hội để bày tỏ chính kiến cá nhân và sự tôn trọng tuyệt đối trong tranh luận luôn là nền tảng cốt lõi để đạt đến sự tiến bộ, thịnh vượng dài lâu.
Sự cự tuyệt lời mời của Uỷ ban trao giải Nobel hoà bình sẽ là lời ngầm thú tội của nhà cầm quyền đối với các nhà bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây. Giống như Trung Quốc, Việt Nam luôn coi những người đấu tranh “bằng ngòi viết” này là tội ác. Bằng đủ mọi xảo thuật tinh vi, họ tìm cách để bôi xấu và cầm tù những người này trong con mắt của người dân. Hơn thế nữa, họ thường bác bỏ tính chính danh của các tổ chức quốc tế khi mà hồ sơ nhân quyền của họ bị đụng chạm. Và phải nhấn mạnh lại một lần nữa về điều hết sức nực cười ở đây, là khi có một tổ chức nào đó, phi chính phủ hay chính phủ bày tỏ một lời khen ngợi về một lĩnh vực nào đó , thì họ lại hết sức hoan nghênh, coi đó như lời khen ngợi chân thật và động lực quan trọng hơn để dẫn đến sự tung hô đó là động cơ chính trị bên trong: mị dân nhằm duy trì quyền lực.
Sau suốt hơn 35 năm thống nhất nước nhà, Việt Nam đã biến thù thành đối tác. Từ việc xem thường Asian, nay Việt Nam hết đỗi tự hào khi trở thành Chủ tịch Asian. Từ việc coi thường Liên Hiện Quốc, nay việc trở thành một thành viên không thường trực lại đóng góp một ý nghĩa  lớn lao trong việc Việt Nam hoà mình vào thế giới. Tuy nhiên, từ đàn áp lại trở thành đàn áp tinh vi hơn. Quan niệm nhân quyền của nhà cầm quyềnViệt Nam vẫn không hề thay đổi. Để duy trì chế độ, họ có thể làm tất cả mọi thứ, trừ việc mang lại bầu không khí dân chủ cho nhân dân.
Thế hệ trẻ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa có thể biết nhiều thứ. Họ có thể kể vanh vách về việc Ngô Bảo Châu nhờ công ơn của Đảng mà đạt được trao tặng huân chương Fields trong toán học, tương đương với giải Nobel về lĩnh vực Toán. Họ có thể kể tên lưu loát các những người được nhận giải Nobel trong từ mọi lĩnh vực: vật lý, hoá học, sinh học, văn học kinh tế học và hoà bình. Tuy nhiên họ chắc chắn không muốn nói ai là chủ nhân của giải Nobel hoà bình năm nay - 2010. Quả là một điều "lạ" hoàn toàn không xa lạ!
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của anh Đào Đức Thuấn - thành viên Đảng Vì Dân Việt Nam.
Viết từ Đan Mạch

Nguồn :  
Written by Đào Đức Thuấn (ĐVDVN)   
Tuesday, 21 December 2010 23:50

.
.
.

No comments: