Friday, January 21, 2011

NHỮNG CHIA RẼ Ở VIỆT NAM (The Hanoist, Asia Times)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Fri, 01/21/2011 - 12:36

Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS) đã quyết định đi theo con đường cũ bằng các lựa chọn một nhân vật theo tư tưởng Marxist vào chức vụ tổng bí thư mới. Nguyễn Phú Trọng, một cựu tổng biên tập Tạp chí Cộng sản và hiện là Chủ tịch Quốc hội do đảng kiểm soát, là một lựa chọn chung của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 11 vừa bế mạc.

Theo các nhà quan sát địa phương, hai nhân vật quyền lực nhất lọt vào vòng chung kết là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thường trực Ban Bí thư Trung ương ĐCS Trương Tấn Sang . Dũng đã kiểm soát hệ thống chính phủ trong năm năm qua và chính sách cổ vũ các doanh nghiệp nhà nước lớn, được đặt dưới quyền chỉ đạo của văn phòng thủ tướng, đã tạo cho ông quyền kiểm soát chưa từng có về kinh tế.

Nhưng ông cũng đã bị chỉ trích mạnh mẽ trong việc ủng hộ kế hoạch khai thác mỏ bauxite khổng lồ tại Tây Nguyên và thiếu sót trong việc quản lý Vinashin, một công ty đóng tàu nhà nước bị phá sản vì những món nợ chiếm đến 5% tổng sản lượng nội địa. Sang chịu trách nhiệm về những hoạt động hằng ngày của ĐCS trong vai trò tương đương với chức giám đốc điều hành. Ông điều phối nhân sự, tư tưởng trong đảng và những chức năng trọng yếu khác. Một số nhà quan sát về Việt Nam tin rằng Sang đã ngầm dung dưỡng những chỉ trích của công chúng nhắm vào Dũng.

Cả hai đang bước vào tuổi 60 và từng là đối thủ từ khi họ vừa được tiến cử vào Bộ Chính trị ĐCS năm 1996. Theo một bức điện mật của ngành ngoại giao Hoa Kỳ mà WikiLeaks có được: "Dũng và Sang đã gây được ảnh hưởng to lớn không ai sánh kịp trong guồng máy của đảng và chính quyền ở Việt Nam; có thể nói rằng hiện nay họ là hai nhân vật chính trị quyền lực nhất trong nước. Vấn đề là, mặc dù là đối thủ của nhau, Dũng và Sang cũng quá giống nhau - cả hai đều là người miền nam."

Sự cạnh tranh của họ đã tạo ra tranh chấp căng thẳng trong những ngày tiền đại hội. Các đồng minh của Dũng trong hệ thống truyền thông đã cố gắng đánh bóng hình ảnh ông bằng cách xuất bản những bài báo gọi ông là "Nhà lãnh đạo tài giỏi nhất châu Á" theo "báo chí Đức". Các blogger người Việt đã điều tra những tuyên bố này và thấy rằng nguồn tin duy nhất của những bài viết trên đều xuất phát từ một trang web Đức vô danh, www.firmenpresse.de, chủ nhân và người điều hành của trang này rõ ràng là đang tìm cách ký kết hợp đồng làm ăn ở Việt Nam và tự quảng cáo mình như là một "cổng thông tin dịch vụ quan hệ công chúng toàn diện."

Chắc chắn rằng tân Tổng Bí thư ĐCS Trọng cũng có một lực lượng hậu thuẫn. Trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội, ông từng là Bí thư thành uỷ Hà Nội và người củng cố hệ tư tưởng Marxist. Theo nhật báo Asahi Shimbun của Nhật có liên hệ với giới ngoại giao, Trọng cũng có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Dấu hiệu sớm của mối quan hệ mấu chốt sẽ là việc ông sẽ đến thăm Bắc Kinh bao sớm và ông sẽ đối phó với những vấn đề nhạy cảm về những tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển Đông ra sao.

Ở tuổi 67, Trọng đã được đặc miễn để nắm quyền khi quá tiêu chuẩn tuổi hưu và vì thế chắc chắn ông sẽ không giữ chức vụ này hơn một nhiệm kỳ năm năm. Điều này có thể tạo ra tiềm năng của một trận tranh giành vị trí trong một thời gian ngắn tới.

Ai lên, ai xuống

Một quan chức bị mất ghế là bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Ông đã bị loại ra khỏi Uỷ ban Trung ương mới gồm 175 thành viên lẫn Bộ Chính trị gồm 14 người. Bộ Chính trị, vốn là cơ quan quyền lực tối cao của ĐCS, hiện không có đại diện nào từ Bộ Ngoại giao.

Việc vắng mặt này cho thấy sự thiếu vắng quyền lực của ngành ngoại giao Việt Nam tại khối quyền lực chính trị trong nước sau một năm trong đó Việt Nam là chủ tịch khối ASEAN gồm 10 quốc gia và là nước chủ nhà của những hội nghị thượng đỉnh toàn cầu và khu vực. Hiện nay, chỉ có ba thành viên trong Uỷ ban Trung ương được tiến cử từ Bộ Ngoại giao.

Ngược lại, ngành công an đã tăng cường số đại biểu của mình, cho thấy rằng an ninh vẫn là mối quan tâm hàng đầu về chính sách. Các tướng lĩnh công an và quân đội đã chiếm 9 và 19 vị trí trong Uỷ ban Trung ương. Đại diện của công an trong Bộ Chính trị đã tăng từ một lên hai thành viên, trong khi giới quân đội còn nguyên chiếc ghế của mình trong Bộ Chính trị do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nắm giữ.

Có dấu hiệu về việc ĐCS vẫn giữ thói cha truyền con nối trong guồng máy chính trị qua việc các con trai của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư vừa về hưu Nông Đức Mạnh đã được đề bạt vào Uỷ ban Trung ương. Họ cũng gia nhập hàng ngũ của những dòng dõi cộng sản khác đang giữ các chức vụ cao cấp.

Nói chung, việc lựa chọn nhân sự cho thấy một sự tiếp diễn của các chính sách hiện tại cũng như nhiều mâu thuẫn tồn tại của chúng. Về kinh tế, điều này có nghĩa là lĩnh vực tư nhân sẽ tiếp tục chung sống một cách khó khăn với các công ty nhà nước thiếu hiệu quả trong một môi trường chính trị nói chung là không rõ ràng.

Các nhà đầu tư hy vọng có thêm được sự minh bạch và công bình trong thương mại sẽ cảm thấy thất vọng bởi sự thăng tiến của Tổng Bí thư Trọng, người tại đại hội đã cổ vũ "sở hữu tập thể những phương tiện sản xuất". Trong diễn văn nhậm chức, Trọng đã tuyên bố việc tiếp tục cam kết "đưa Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa."

Trong khía cạnh đối ngoại, giới lãnh đạo cộng sản mới sẽ vẫn cần đối trọng với Trung Quốc. Điều này có nghĩa là cần tìm kiếm quan hệ quân sự gần gũi hơn với Hoa Kỳ, ASEAN và những cường quốc khác trong khu vực vì an ninh quốc gia của Việt Nam.

Trong cùng lúc đó, những người có quyền lợi trong đảng sẽ được thúc đẩy bởi những quyền lợi trước mắt - ví dụ như giữ vững an ninh trong nước, bảo đảm tính nhất quán về tư tưởng, và tiến hành những chủ trương mang phong cách xã hội chủ nghĩa - vốn sẽ có chiều hướng thiên Bắc Kinh vì mục đích trường tồn và tính chính danh của chính quyền Hà Nội.

Cuối năm nay, Quốc hội sẽ nhóm họp để thông qua những lựa chọn của ĐCS đối với chức Chủ tịch và Thủ tướng mà nhiều người trông đợi sẽ là Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư Trọng lúc ấy sẽ nắm nhóm tam hùng trong đó hai đồng nghiệp trẻ trên danh nghĩa là dưới quyền của ông lại cho rằng lẽ ra chính họ mới xứng đáng nắm chức Tổng Bí thư, và do đó việc tranh giành vị trí này chắc chắn sẽ không chấm dứt sau lễ bế mạc của đại hội đảng.
.
.
.

No comments: