Tuesday, January 11, 2011

NHÀ THƠ TRẦN VÀNG SAO MÀ LẠI DÍNH TỚI "DANH NHÂN" Ư ? (Ngô Huy Liễn)

10.01.2011

Từ trước đến giờ tôi vẫn yêu nhà thơ Trần Vàng Sao nhưng hôm nay trong bài phỏng vấn “Trần Vàng Sao: nhà thơ mê vẽ” của Phanxipăng, có một câu nói của nhà thơ làm tôi thấy khá... chưng hửng.
“Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao là một bài thơ hay. Tác giả Trần Vàng Sao hài lòng với bài thơ này, và nhiều người đọc nhận ra bài thơ này hay. Vậy là đủ. Thế nhưng khi muốn chứng tỏ đó là một bài thơ hay, nhà thơ Trần Vàng Sao lại nói: “Sách 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX (NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2007) đã in bài này”. Nói thế thì thật là đáng thất vọng.

Vì sao đáng thất vọng? Vì cuốn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX không phải là một tuyển tập thơ có giá trị. Nó đã mắc phải quá nhiều vấn đề trong việc tuyển chọn và giới thiệu. Đặc biệt nó gạt rất nhiều bài thơ thật sự hay ra ngoài, nhưng lại đem vào khá nhiều bài dở, chỉ vì các lý do chính trị, hay vì các quan hệ mang tính cơ hội và “làm ăn”. Những điều này đã được rất nhiều người vạch ra ngay sau khi tuyển tập vừa xuất hiện. Ngay trên báo chí “chính thống”, nhiều nhà phê bình cũng đã công khai vạch ra một số điều bá láp, kể cả sự không chính danh của tuyển tập này. (Xem bài “Danh xưng một tuyển thơ”)

Nhà thơ Trần Vàng Sao nói cuốn này do NXB Giáo Dục xuất bản thì cũng không đúng. Phải nói ngay là nó được cái gọi là “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân” đứng ra xuất bản, tròng thêm cái danh nghĩa NXB Giáo Dục vào cho bớt cái mùi “doanh nhân”, như trong cuốn sách đã ghi rõ là do “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo Dục”.

“Văn hóa Doanh nhân” là cái gì? Là cái gì thì chỉ có ông Lê Lựu, cựu văn sĩ, Giám đốc “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân”, là rành rẽ nhất. Lúc cái “trung tâm” này mới ra lò, ông Lê Lựu tuyên bố:
“Thành lập Trung tâm là ý tưởng của tôi. Bởi tôi nghĩ rằng phải có một đội ngũ văn nghệ để xây dựng nền tảng văn hóa cho doanh nhân, lực lượng nòng cốt xây dựng kinh tế đất nước. Tôi muốn giúp họ làm giàu không chỉ bằng tiền mà còn nhờ trí tuệ, tình cảm, văn hóa. Mặt khác, tôi muốn thay đổi một quan điểm. Đó là nếu đã xác định doanh nhân là dũng sĩ trong xây dựng đất nước thì không nên nhìn người ta như đám con buôn, chụp giật, trốn thuế, lừa đảo. Tất nhiên trên thực tế, cũng có một bộ phận doanh nhân không chịu tu dưỡng, coi tiền là tất cả. Nhiệm vụ của nhà văn là giúp họ ý thức được trách nhiệm làm giàu chính đáng”.

Thì ra cái “trung tâm” này là “một đội ngũ văn nghệ để xây dựng nền tảng văn hóa cho doanh nhân”! Nói cho dễ hiểu, với cái “trung tâm này”, ông Lê Lựu muốn đem thơ văn đàn sáo để trước là mua vui cho các businessmen, sau là làm việc nghĩa -- nghĩa là làm cho các businessmen thành những người không chỉ giàu tiền bạc mà còn giàu “văn hóa”!

Sau 5 năm làm Giám đốc, ông Lê Lựu tâm sự với báo Người Đương Thời:
“Khi chưa làm văn hoá doanh nhân, tôi luôn nghĩ thằng nào mời mình đi uống bia uống rượu là thằng ấy tốt và tử tế. Khi ra làm Trung tâm Văn hoá Doanh nhân rồi tôi mới biết Doanh nhân có người nhiều mưu mẹo, có kẻ chuyên lừa lọc”.

Té ra từ đầu ông Lê Lựu ngây thơ quá! Chỉ muốn trước là mua vui, sau làm việc nghĩa, vậy mà dè đâu cái đám doanh nhân bỏ tiền ra nuôi ông Lê Lựu lại là đám không khá lắm. Báo Người Đương Thời tường thuật thêm:
“Sau mỗi lần bị lừa, Lê Lựu không chỉ rút ra bài học cho mình mà ông càng mong muốn phải xây dựng bằng được văn hoá cho các doanh nhân.”
(Xem bài “Nhà văn Lê Lựu và trung tâm văn hoá doanh nhân”, Người Đương Thời, 13/10/2007)

Tội nghiệp quá! Vậy là sau 5 năm thành lập “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân”, được các doanh nhân bỏ tiền ra vỗ béo, ông Lê Lựu thấy họ vẫn chưa có “văn hóa”, thậm chí còn dám lừa cả ông nữa! Nên ông càng bị lừa chừng nào thì “càng mong muốn phải xây dựng bằng được văn hoá cho các doanh nhân”!
Vậy thì tuyển tập 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX được cái “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân” của ông Lê Lựu in ra, bằng tiền của các doanh nhân, là để “xây dựng bằng được văn hoá cho các doanh nhân” đấy thôi.

Vừa giở cuốn này ra đã thấy ngay cái nét tiêu biểu của cái thứ “văn hóa doanh nhân” mà ông Lê Lựu mong muốn. Trong 100 bài thơ thì có 99 bài là thơ tiếng Việt, chỉ 1 bài “Nguyên tiêu” của ông Hồ Chí Minh là thơ tiếng Hán. Nhưng bài thơ tiếng Hán lại được xếp ngay ở đầu tập. Còn 99 bài thơ tiếng Việt thì đứng sắp hàng sau đó theo thứ tự ABC của tên các tác giả!

Trong 99 bài thơ tiếng Việt đó thì không thấy một bài nào của những nhà thơ xuất sắc nhất ở miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau 1975. Chỉ thấy có 2 bài thơ rất bay mùi “khúc ruột ngàn dặm” của 2 đấng Việt kiều cơ hội!

Riêng bài thơ “Nguyên tiêu” chữ Hán của ông Hồ Chí Minh đứng đầu tuyển tập thì là một bài thơ mang đậm nét “văn hóa gian thương”. Nhà văn Trần Văn Giang đã vạch ra là cả 4 câu thơ chữ Hán của ông Hồ Chí Minh đều là 4 câu thơ “chôm vốn để làm ăn”:

Nguyên tiêu (của Hồ Chí Minh)
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Câu 1 thuổng từ câu “Thanh thảo hồ trung nguyệt chính viên” trong bài “Ngư Ca Tử Kỳ” của Trương Chí Hòa.
Câu 2 thuổng từ câu “Nguyệt quang như thủy thủy như thiên” trong bài “Giang Lâu Thư Hoài” của Triệu Hỗ.
Câu 3 thuổng từ câu “Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” trong bài “Thú Nhàn” của Cao Bá Quát.
Câu 4 thuổng từ câu “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” trong bài “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế.

Cái “văn hóa doanh nhân” kiểu này thì hay ho gì mà ông Trần Vàng Sao, một nhà thơ suốt đời không hề biết “làm ăn”, lại lấy làm vinh dự khi bài “Bài thơ của một người yêu nước mình” của ông được chọn vào cuốn 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX do cái “Trung tâm Văn hóa Doanh nhân” ấy xuất bản?

------------------------

10.01.2011
.
.
.

No comments: