Vo Vu
Thứ Năm, 20/01/2011
Có lẽ tận bây giờ nếu tôi không có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, ngoài cái xã hội Việt Nam nhỏ bé của tôi thì tôi bệnh nặng lắm cái căn bệnh tưởng của mình.
Tôi đã cứ tưởng rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc thông minh nhất nhì thế giới như ngày xưa các thầy cô thường bảo, hay như lâu lâu báo chí cũng nói như thế. Nào là cô A, anh B được học bổng của Hardvard, là học sinh suất sắc nhất Anh, Mỹ...
Tôi đã cứ tưởng rằng người Việt nói tiếng Anh hay nhất khu vực trừ Singapore như những gì những người lớn hơn tôi hay thầy cô thường bảo thế. Tôi cứ đinh ninh như thế vì khi tôi nói tiếng Anh với người Việt tôi thấy thật dễ chịu khi tôi mới học tiếng Anh và tôi thấy cũng tự tin hơn. Nhưng khi tôi tiếp xúc với nhiều người bản xứ thì thật là khó giao tiếp với họ vì cả hai đều khó hiểu nhau. Họ bảo rằng người Việt khi nói tiếng Anh cứ như họ ngậm đá trong miệng. Sau này khi tiếp xúc nhiều với người Việt nói tiếng Anh thi tôi mới biết rằng người Việt thích giọng Mỹ nên cố nói giống họ. Căn bệnh nói giọng Mỹ này cũng đã theo tôi một thời gian như bao người Việt khác. Thậm chí tôi còn nghe thầy cô bản xứ các lớp Anh văn nói rằng nhiều em nhỏ đòi giáo viên phải là Tây và nói giọng Mỹ thì mới học. Chúng ta quên rằng tiếng Anh chỉ là công cụ giao tiếp / làm việc mà thôi, cho nên nói giọng nào là không quan trọng mà quan trọng là diễn đạt và phát âm rõ ràng.
Tôi cũng đã cứ tưởng rằng sống ở Việt Nam là ổn định, là an toàn nhất thế giới vì chẳng bao giờ có biểu tình, chẳng bao giờ có khủng bố như các báo trong nước thường nói. Nhưng khi có cơ hội sống ở các nước khác, có cơ hội so sánh, có cơ hội đọc các báo lề trái tôi mới thấy thương cho mình vì thiếu thông tin. Việt Nam hàng năm vẫn có biểu tình khắp nơi nhưng không được đưa tin trên báo mà thôi. Tai nạn giao thông ở Việt Nam thì số tử vong hàng năm không dưới 10 ngàn người. Nếu làm một so sánh đơn giản thì không có một cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới đạt được con số trên chứ đừng nói là khủng bố. Còn nếu nói xã hội ổn định thì chỉ là cách nói của các nhà chính trị chứ Việt Nam gần đây ngày càng ô nhiễm môi trường, lạm phát cao ngất ngưởng, giáo dục thì chỉ được công nhận trong nước...
Căn bệnh tưởng của người Việt có lẽ còn đeo đuổi lâu dài khi đa số người Việt còn ít cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khi đa số người dân không được tham gia, không có tiếng nói trong các vấn đề quốc nạn của đất nước như giao thông, giáo dục, đầu tư, ô nhiễm môi trường...
.
.
.
No comments:
Post a Comment