Thursday, January 20, 2011

NGƯỜI VIỆT NAM và CHUYẾN CÔNG DU HOA KỲ CỦA HỒ CẨM ĐÀO (DCVOnline)

DCVOnline – phỏng vấn
20-01-2011 

DCVOnline: Chuyến viếng thăm 4 ngày đến Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu từ ngày 19/01. Trong dịp này, Hồ Cẩm Đào đã được Barack Obama tiếp đãi Quốc Yến tại Tòa Bạch Ốc.
Điều này đã đi ngược lại với thông lệ do người tiền nhiệm, tổng thống Goerge W.Bush đặt ra là Quốc Yến chỉ dành để khoản đãi nguyên thủ của các nước đồng minh, do đó ông đã thay Quốc Yến bằng bữa ăn trưa tại Nhà Trắng trong lần viếng thăm của Hồ năm 2006.
Và điều này cũng gây ra làn sóng dư luận phản đối từ nhiều phía ở Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, việc Hồ được tiếp đãi Quốc yến vào ngày 19/01, là ngày hải quân Trung cộng đã cưỡng chiếm Hoàng Sa hồi năm 1974 đã làm nhiều người Việt Nam trong cũng như ngoài nước bất bình.
Blogger Mẹ Nấm đã tung lên mạng lưới Internet một petition có nội dung kêu gọi Obama hoãn ngày tổ chức đón tiếp Hồ chỉ trong 3 ngày trước, và đến nay đã thu được hơn 700 chữ ký.

Từ Nha Trang, DCVOnline đã trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về vấn đề này như sau…

Người Mỹ gốc Việt và Hu JIntao tại WAshinton DC (19/01) .  Nguồn: vietbao.com

DCVOnline: Những động lực gì đã thúc đẩy bạn viết petition đề nghị tổng thống Barack Obama hoãn việc tiếp đón Hồ Cẩm Đào vào ngày 19/01 này tại Tòa Bạch Ốc trong chuyến công du của Hồ đến Hoa Kỳ?
Blogger Mẹ Nấm: Sơ qua nội dung, tôi có nhắc đến ngày 19/01/1974 là ngày hải quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ tay hải quân của Việt Nam Cộng hòa, và sau khi Saigon thất thủ thì Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa từ đó. Sự thật lịch sử này thì những người ở lứa tuổi như chúng tôi trở xuống thì không được biết trong sách giáo khoa. Thực sự đối với những người trẻ, Hoàng Sa – Trường Sa vẫn còn là một khái niệm rất mù mờ.
Vì vậy khi đọc được tin tổng thống Obama sẽ tiếp đón Hồ Cẩm Đào ở Nhà Trắng vào ngày 19/01 này, và vì Mỹ đã lên tiếng trong cam kết trên biển Đông nên tôi thấy nó thực sự không công bằng lắm với dân tộc mình. Theo tập quán, khi một quốc gia tổ chức những ngày tiếp đón hay lễ hội nào đấy mà nó không phù hợp với truyền thống, lịch sử dân tộc của quốc gia khác, gây ảnh hưởng đến ngoại giao thì người của quốc gia đệ tam này sẽ viết thư kiến nghị đến nước đó và đề nghị họ dời ngày tổ chức ấy lại. Đó là lý do tôi viết thư này.

DCVOnline: Nhưng xuất phát từ những suy nghĩ nào mà bạn lại viết petition này?
Blogger Mẹ Nấm: Thứ nhất là vị trí chiến lược của Hoàng Sa đối với Việt Nam, tôi thấy người dân hoàn toàn không có quyền làm chủ trên một phần đất nước của mình là quần đảo Hoàng Sa này. Từ năm 2009 đến nay ngư dân ra khơi thì bị bắt giữ, bị bắn giết. Ngay tại Hoàng Sa, tôi muốn Trung Quốc phải giữ cam kết trên biển Đông.
Nhà nước Việt Nam không dám nói thì người dân phải lên tiếng, phải có một phần trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đó là lý do chính khiến cho tôi viết thư này.

DCVOnline: Cho đến hôm nay petition này đã thu thập được bao nhiêu chữ ký và chủ yếu là thành phần nào ký vào đấy?
Blogger Mẹ Nấm: Thực sự tôi chỉ có 3 ngày để lấy chữ ký nên tôi chỉ đặt ra mục tiêu là thu được 500 chữ ký. May mắn là tôi đã đạt được 500 chữ ký trước thời hạn, và đến giờ phút này đã có gần 700 chữ ký. Tôi thống kê được những người ghi địa chỉ trong nước khoảng hơn 42%, còn lại chủ yếu là người Việt ở Mỹ và các nước khác. Bên cạnh đó có nhiều bạn bè người nước ngoài quan tâm đến việc phân định chủ quyền và nội dung thư kiến nghị này cũng ký tên.

DCVOnline: Bạn mong muốn sẽ đạt được những điều gì qua bản kiến nghị này?
Blogger Mẹ Nấm: Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị kiến nghị hơn tôi nghĩ người ta sẽ xem xét lại việc tổ chức tiếp đón này, tiếc là thời gian quá gấp gáp. Cho nên tôi nghĩ khả năng cho việc họ thực hiện yêu cầu của mình là thấp. Tuy nhiên, tôi mong muốn rằng đúng ngày 19/01, những người nhận được bức thư này sẽ biết rằng đó là ngày có một biến cố lịch sử đã xảy ra và biến cố đó chứng minh rằng Hoàng Sa là của Việt Nam.
Tôi nghĩ mục đích lớn nhất của tôi chính là muốn nhắc cho mọi người Việt Nam nhớ rằng ngày 19/01/1974 là một ngày không được phép quên trong lịch sử Việt Nam cho dù lịch sử hiện tại đang cố tình để quên ngày đó.

DCVOnline: Câu hỏi ngoài lề, bạn vừa dùng cụm từ “Saigon thất thủ”, là một người sinh sau biến cố 30/04/1975, bạn nghĩ gì và hiểu gì khi dùng cụm từ này?
Blogger Mẹ Nấm: Thực sự cho dù chúng tôi có được dạy như thế nào về chiến thắng 30/04/1975 đi nữa thì với nhìn nhận của tôi đó là một cuộc nội chiến. Trong hoàn cảnh vừa phải chống ngoại xâm là Tàu và vừa phải đánh nhau với người anh em của mình, tôi nghĩ tôi dùng chữ “Saigon thất thủ” là đúng với hoàn cảnh đó.
Cuộc chiến 1975 trong suy nghĩ của tôi thì không có ai là người chiến thắng cả, cả dân tộc này phải trả giá, cho đến tận bây giờ vẫn phải trả giá về điều đó cho nên không có cái gọi là chiến thắng năm 1975 dù chúng tôi được dạy như vậy.

DCVOnline: Cảm ơn blogger Mẹ Nấm đã dành cho DCVOnline cuộc trò chuyện này. Bây giờ là 16:00 (giờ Washington,D.C) ngày 19/01, qua điện thoại, chúng tôi cũng đã liên lạc với ký giả tự do Trần Đông Đức hiện đang có mặt tại Washington, D.C trongđoàn biểu tình. Trần Đông Đức điểm qua một số diễn biến chính…
Trần Đông Đức: Hiện tại công viên Lafayetes trước mặt Tòa Bạch Ốc có khoảng gần 1 nghìn người biểu tình đa số của các tổ chức Tây Tạng, Tân Cương, Độc lập Đài Loan, Dân chủ Tiến bộ Trung Quốc, Pháp Luân Công và người Việt Nam tự do.
Nhóm Dân chủ Tiến bộ Trung Quốc tham gia khá đông đảo do ông Ngụy Kinh Sinh dẫn đầu, yêu cầu trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.Khoảng 13 giờ chiều có những tiết mục sân khấu ngoài trời đặc sắc về văn hóa Tây Tạng, Tân Cương, nói về vấn đề nhân quyền, độc lập, đòi đuổi Hồ Cẩm Đào ra khỏi Washington DC… Nói chung rất đa dạng, nhiều màu sắc.

Rút kinh nghiệm của lần trước đây khi các lãnh đạo Trung Quốc đến Mỹ đều bị chống đối dữ dội, lần này tất cả các vòng ngoài cảnh sát bọc kín hết, chỉ để đúng 1 khoảng nhất định để biểu tình thôi.

DCVOnline: Bạn có thể mô tả chi tiết hơn một số tiết mục văn nghệ này?

Phong trào Falung Gong và đảng CSTQ .  Nguồn: Washington Post

Trần Đông Đức: Ví dụ như họ làm con lân có hình dạng giống ma quái đại diện cho thế lực hắc ám Trung Quốc, con rồng thì không có màu đỏ tươi mà lại có màu rất u ám chẳng hạn. Họ tạo ra những hình ảnh để đưa ra sự biến thái của cộng sản Trung Quốc đang hủy hoại văn hóa, lối sống… của người dân trong nước.

DCVOnline: Những người Việt Nam tham dự biểu tình với số lượng thế nào và họ mang theo những biểu ngữ, hình ảnh… gì?
Trần Đông Đức: Nhóm người Việt Nam tự do xin được giấy phép biểu tình từ 13 giờ đến 17 giờ. Vì thời gian chuẩn bị quá gấp gáp, nên họ không xin được giấy phép để bắt đầu biểu tình sớm hơn.
Hiện từ chỗ quan sát của tôi, tôi thấy đoàn Việt Nam có khoảng trên 100 người với nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ.

DCVOnline: Đoàn Việt Nam có đóng góp gì trong cuộc biểu tình hôm nay?
Trần Đông Đức: Việt Nam có vấn đề hơi khác các nhóm kia, mình chống Trung Quốc theo kiểu mình là một nước riêng biệt, “độc lập”, vị trí cũng khác các nhóm kia. Việt Nam mình năm nay nhân đúng ngày mất Hoàng Sa nên chú trọng kêu gọi ông Obama nhớ lại sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày 19/01
Từ 9 giờ sáng đến 13 giờ các đoàn hò hét hô khẩu hiệu chống đối để hâm nóng bầu không khí
13 giờ là thời điểm để đại diện các nhóm lên phát biểu. Tiếc là thời gian có hạn nên đoàn Việt Nam đã không kịp đọc petition của blogger trong nước là Mẹ Nấm như dự định ban đầu.

DCVOnline: Petition của blogger Mẹ Nấm đã được bên đấy đón nhận thế nào?

Người Tibet chống cuộc thăm viếng Mỹ của Hu Jintao .  Nguồn: Washington Post

Trần Đông Đức: Việt Nam mình chuẩn bị rất gấp gáp khoảng 1 tuần trở lại đây thôi khi biết Obama tiếp Hồ Cẩm Đào vào ngày 19/01 là ngày Hoàng Sa bị Trung cộng cưỡng chiếm, trong khi đó các cộng đồng khác đã chuẩn bị trước đó vài tháng rồi.
Việt Nam chỉ có đến sứ quán Tàu để biểu tình chống Tàu thôi, chứ chưa bao giờ đi biểu tình chống lãnh tụ Trung Quốc trực tiếp như kiểu này hết.
Do đó Petition của blogger Mẹ Nấm trong thời gian quá ngắn nên chưa kịp đăng tin lên báo chí Việt ngữ bên này, chỉ mới ở dạng email thôi. Tuy nhiên có nhiều người bắt được petition này thấy cảm động lắm nên đoàn Việt Nam lấy đó làm chủ đề cho buổi biểu tình của mình luôn. Một số người ở cộng đồng Việt Nam cũng gửi thư đến ủng hộ petition này. Tiếc là chỉ trong vòng vài ngày nên truyền thông tiếng Việt bên này chưa kịp chuyển tải để nhiều người biết hơn nữa.

DCVOnline: Bên ủng hộ Hồ Cẩm Đào hiện đang có những hoạt động gì?
Trần Đông Đức: Bên ủng hộ chủ yếu là các du học sinh Trung Quốc được tòa Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vận động đến Washington DC để tuần hành vào ngày 18 và ngày 20 chào mừng chuyến viếng thăm này của Hồ.
Được biết những du sinh này được sứ quán Trung cộng thông qua các hội sinh viên Trung Quốc ở các trường đại học cung cấp toàn bộ chi phí đi lại ăn ở nếu ở xa đến, đồng thời mỗi sinh viên tham gia tuần hành sẽ được phát 50 USD.

DCVOnline: Còn dư luận Mỹ trước việc tiếp đón này ra sao?

Đảng Dân Chủ Trung Hoa chống cuộc viếng thăm của Hu Jintao (18/01) . Nguồn: Washington Post

Trần Đông Đức: Người Mỹ cũng có xu hướng phản đối việc tiếp đón này trên báo chí. Tôi không thấy nhóm người Mỹ nào ủng hộ Trung Quốc, họ không có, có lẽ họ cũng đã cảnh tỉnh. Năm nay mình thấy nhiều người Trung Quốc đi trên đường đã ủng hộ Lưu Hiểu Ba.
Trên báo chí, những bài báo cho thấy dư luận thấy vấn đề Trung Quốc thì chẳng ai thích rồi, nên đón như đón quốc khách thì đương nhiên họ ghét, họ bảo vừa tốn kém vừa không cần thiết.
Ông Bush đã có đặt ra tiền lệ là chỉ dành Quốc yến cho nguyên thủ các nước đồng minh thôi chứ không phải dành cho những kẻ độc tài nên lúc xưa ông đã từ chối dùng Quốc yến đón tiếp Hồ Cẩm Đào rồi. Bây giờ Obama lại đón như vậy nên dư luận chung họ ghét, và họ nêu nhiều lý do như đang khó khăn mà tiếp đón ăn uống tốn kém không cần thiết chẳng hạn, đấy.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc phải biện hộ cho hành động này, nhận định rằng dù sao Ấn Độ và Trung Quốc cũng là hai cường quốc đang lên, hai vùng quá lớn, mà đã đón Ấn Độ rồi mà không đón Trung Quốc thì không hay. Ngoài ra Tòa Bạch Ốc cũng cam kết rằng sẽ đưa ra trao đổi thẳng thắn với phía Trung Quốc tất cả những vấn đề mọi người quan tâm, trong đó có vấn đề về nhân quyền sẽ được phía Mỹ đưa ra nói thẳng hết.
Quần chúng đương nhiên họ không thích tiếp đón như thế rồi, nhưng những người biện hộ cho rằng nếu Trung Quốc không được tiếp đón thân thiện thì sẽ không tốt trong quan hệ quốc tế. Đón Hồ Cẩm Đào thì đây cũng là cơ hội cuối cùng để Hồ được đón như một quốc khách, vì Hồ chưa bao giờ được đón tiếp như Giang Trạch Dân cả.

DCVOnline: Cảm ơn ký giả tự do Trần Đông Đức đã tường thuật lại cho DCVOnline.

© DCVOnline
.
.
.

No comments: