Sunday, January 23, 2011

NGƯỜI PHÁP BẮT ĐẦU SỢ THUỐC TÂY ? (Thư Paris, Từ Nguyên)

Thư Paris
Từ Nguyên
Saturday, January 22, 2011

. Có phải vụ Mediator làm cho người Pháp ghê sợ thuốc Tây? Không hẳn như vậy! Hộp thuốc mang tên là Mediator này chữa bệnh diabète (tiểu đường) cho gần năm triệu người được bày bán từ năm 1976.
Mấy năm sau này, dư luận biết thuốc này đã làm thiệt mạng từ 500 đến 2 000 người nhưng mãi đến 2009 mới bị cấm bán. Theo hãng thăm dò dư luận CSA thì từ nay, nghĩa là sau vụ này, dân Pháp không còn tin một cách “nhiệt tình” vào thuốc Tây như trước nữa...
Cùng một lúc, có đến 76 thứ thuốc khác được cơ quan kiểm soát của ngành Y tế đưa lên... bàn mổ. Có lẽ vì vậy mà 35% người Pháp được hỏi tới, nghĩa là cứ ba người có một người nghi ngờ công hiệu của hộp thuốc mua về. Chấm dứt một thời vàng son, thời mà thuốc như là một vị cứu tinh, (như ở Việt Nam, dầu Nhị thiên đường một thời được tin là “trị bá chứng”!) nhất là đối với lớp người lớn tuổi. Vậy thì làm sao đây, lấy gì để trị bệnh, chữa bệnh?
Cũng theo cuộc thăm dò này, có đến 43% của lứa tuổi 50-65 không còn tin vào thuốc Tây và bắt đầu xa rời... tủ thuốc gia đình. Chuyện ngang trái vì chính những người lớn tuổi này lại phải uống nhiều thuốc hơn là lớp trẻ. Có những viên thuốc phải uống mỗi ngày và phải uống suốt đời...
Một chuyện lạ nữa là dù vậy không ai giảm niềm tin vào lời của thầy thuốc. Trong khi đó, nhiều thầy thuốc đã biên toa thuốc Mediator cho bệnh nhân để uống cho gầy trong khi đây là thuốc trị bệnh tiểu đường. Lời các ông dược sĩ cũng không bị nghi ngờ: Họ vẫn nghe và làm theo lời dặn của các ông, bà bán thuốc.
Trách nhiệm của vụ này, theo cuộc thăm dò, phải là cơ quan Afssaps, lo về an ninh y tế. (Afssaps, viết tắt của chữ Agence francaise de sécurité sanitaire des produits de santé)Thuốc nào được bày bán, thuốc nào bị cấm bán trên thị trường là do cơ quan này đề nghị và Tổng Nha Y tế quyết định.

Phúc trình của Tổng Nha Thanh Tra
Bác Sĩ Morelle ngày 15 tháng 1 đã trình bày phúc trình của Tổng Nha Thanh Tra Y Tế về những sự việc đưa tới điều gọi là “thảm trạng y tế” của trường hợp của thuốc Mediator. Trách nhiệm đầu tiên là của dược phòng bào chế thuốc này tên là Servier. Trong 35 năm, nhà bào chế này đã tích cực vận động thương mãi hóa loại thuốc này. Tổng nha Thanh tra đã thông tri nội dung phúc trình cho tòa án và nội vụ đang ở trước tòa.
Dược phòng Servier ra thông cáo bác bỏ luận điệu này và cho rằng “kết luận của phúc trình không phù hợp với thực tế.”
Cơ quan Afssaps cũng bị trách cứ. “Cơ quan này rườm rà, chậm chạp, phản ứng chậm, nặng về hành chánh... Vì bị quá nhiều công việc chồng chất, thủ tục pháp lý nặng nề và phức tạp nên không giải quyết được gì hết...”
Bản phúc trình không đặt trách nhiệm đối với các bộ trưởng Y tế, kế tục thay đổi từ ngày đó đến nay. Phúc trình ngược lại, ghi nhận rằng các bộ trưởng không được thông báo đầy đủ về những rủi ro nguy hiểm của thuốc Mediator. Dù sao, những người này vẫn có trách nhiệm tinh thần đối với những vụ này nếu không bị ra tòa, cũng sẽ bị các ủy ban điều tra của Quốc Hội chất vấn.

Xavier Bertrand lên tiếng
Sau bản phúc trình, Bộ Trưởng Y Tế Xavier Bertrand tuyên bố trong cuộc họp báo: Dược phòng Servier có trách nhiệm đầu tiên và trực tiếp trong thảm trạng do Mediator gây ra. Nhưng vì sợ giẫm chân lên quyền tư pháp nên ông nói tiếp: Ðúng ra, tôi không được nói như vậy vì nội vụ hiện đang trong tay tòa án, nhưng tôi nghĩ như vậy đó.
Ðây là lần đầu tiên có một bộ trưởng công khai chỉ trích một dược phòng, nhất là dược phòng do Jacques Servier điều khiển, người nhận Légion d'honneur từ tay Tổng Thống Nicolas Sarkozy.
Bộ trưởng thông báo biện pháp cụ thể: Thay thế giám đốc Afssaps để cơ quan này làm việc hữu hiệu hơn. Ông nói: Ðúng ra, Afssaps phải nghe lời báo động của BS Irène Frachon (viết sách tố cáo Mediator) không chờ đợi đến bảy phiên họp!
Ðối với các nạn nhân, Bộ Trưởng Bertrand hứa sẽ bồi thường “nhanh chóng và công bình” và không quên nhắc rằng sẽ bảo đảm bồi hoàn 100% cho những người bệnh do Mediator gây ra. Tất cả những quyết định đó có phục hồi niềm tin... một chuyện phải chờ một cuộc thăm dò dư luận khác mới biết được.

Trong số 59 thuốc thông dụng
Trong số 59 thứ thuốc được đặc biệt theo dõi, có mấy thuốc sau đây (nguy hiểm) theo Le Parisien trước đây được dùng nhiều:
- ACOMPLIA (Sanofi Aventis) trị mập. Ðã thu hồi khỏi thị trường từ ngày 23 tháng 10, 2008.
- ALLI (GSK) giúp giảm cân.
- GARDASIL (Sanofi-Pasteur MSD) thuốc chủng chống ung thư tử cung.
- CERVARIX (GSK) cạnh tranh với Gardasil.
- CHAMPIX (Pfizer) giúp ngưng hút thuốc.
- ELLAONE (HRA Pharma) chống thụ thai.
- INTRINSA (Procter & Gamble) một thứ Viagra cho các bà.
- PREVENAR 13 (Pfizer) bệnh phổi.
- ZYPADHERA (Lilly) bệnh tâm thần.
Danh sách 59 thuốc này được công bố trên báo chương. Bạn đọc cần, xin tham khảo trên các website trên máy.

Một em bé gái nhảy lầu
Lalita, 9 tuổi ở ngoại ô thành Lyon. Vì bị bệnh diabète phải kiêng cữ và thử máu nhiều lần trong tuần, em không chịu được. Em sống chung với hai người chị và mẹ, mẹ vừa ly thân với cha. Một buổi tối đầu tuần này, em nhảy từ phòng ngủ ở lầu năm, tự tử.
Có thể em buồn vì bệnh hay cảnh gia đình. Khu phố, trường học đặt vấn đề và nay họ chú ý hơn việc theo dõi các em học sinh. (Le Parisien)

Sức khỏe
Coi chừng nước bưởi (Pamplemousse)!
Trang Y tế của nhật báo Le Figaro tuần này đề cập đến ảnh hưởng nguy hại của nước bưởi đối với thuốc Tây đang uống, theo bài của Giáo Sư Francois Chast, trưởng phòng trị độc của bệnh viện Hotel Dieu ở Paris. Một vấn đề không phải là mới mẻ nhưng cũng cần được nhắc lại.
Nước bưởi có những chất ích lợi cho cơ thể mà các thứ trái cây khác như cam, quýt, chanh... không có. Thế nhưng coi chừng khi đang uống thuốc: Bưởi không những làm giảm hiệu lực của thuốc hoặc gia tăng một cách nguy hiểm mà còn biến thuốc thành... thuốc độc. Chuyện đó, mới được khám phá chừng vài chục năm nay.
- Thuốc trị bệnh sưng họng (viêm yết hầu) vì nước bưởi có thể làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhức đầu.
- Ðối với các loại nifédipine làm giãn nở mạch máu hay trị tăng huyết áp, cũng như thuốc có chất cortisone, nước bưởi làm tăng hiệu quả mạnh hơn nhiều.
- Những thuốc trị vi khuẩn VIH (như indinavir hay saquinavir) trở thành những độc dược khi trộn lẫn với nước bưởi.
Ðối với hầu hết các thứ thuốc, khi uống chừng hai ly nước bưởi trong hai ngày liền, sẽ thấy rõ biến chứng. Và phải chờ đến từ 3 đến 7 ngày hiệu quả của nước này mới giảm. Vậy thì rõ ràng rằng khi đang uống thuốc thì không nên uống nước bưởi. Nước cam cũng tốt mà không hại.

Nước mưa thì sao?
Mấy tháng vừa qua, Paris mưa nhiều. Những nhà hứng nước mưa tự hỏi có thể để nước này lắng đọng và uống được hay không?
Câu trả lời là không, nếu như nước mưa xuống từ máng xối hay từ mái ngói, chứa đủ những vi khuẩn, nấm, chất hóa học... hại cho sức khỏe. Nước đó dùng được cho những việc khác như tưới cây, rửa xe, chùi nhà...
Khi giữ nước mưa trong thùng phải có nắp đậy và khử trùng để ngăn muỗi, mòng sinh sản và sẽ bay vào nhà vì trong nhà ấm áp hơn.

*
Thời sự chính trị
Marine Le Pen, tân chủ tịch
Marine Le Pen, 42 tuổi, con gái của chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia (Front national, cực hữu) vừa thay cha cầm đầu phong trào này. Cô được bầu với 68% số phiếu của đảng viên, bỏ xa đối thủ là ông Bruno Gollnisch. “Khó khăn bắt đầu đối với Marine,” lời của cha của cô, Jean-Marie Le Pen, 83 tuổi về hưu nhưng vẫn còn giữ chức chủ tịch danh dự của mặt trận.
Cô tuyên bố sẽ cải tổ, củng cố, gây dựng tình đoàn kết và nhất là kiện toàn guồng máy chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. “Chúng tôi bỏ xa giai đoạn chống phá nhau để vào giai đoạn bình thường,” lời của một thành viên bộ chính trị của phong trào này.
Thật sự, Marine Le Pen đã thay thế gần hết nhân sự của tổ chức: 70% của 120 nhân viên là người mới và 2/3 của 42 đại diện toàn quốc ủng hộ Marine. Cơ quan điều hành cũng được cải tổ và thêm nhiều người thân cận, trong số có Louis Aliot, người bạn đời của Marine, là phó chủ tịch trách nhiệm về kế hoạch.
Hoạt động của Marine Le Pen có vẻ hữu hiệu: UMP cũng như đảng Xã Hội bày tỏ nỗi lo ngại trước một đối thủ lợi hại. Ségolène Royal, ứng viên tổng thống đảng Xã Hội nói: Marine Le Pen nghiêm túc hơn cha của cô, nên được nhiều người tin tưởng hơn cho dù chính sách và kế hoạch hoạt động không đổi.
“Cần phải theo dõi hành động của người này thật sát. Bà ta sẽ là ứng cử viên hấp dẫn hơn là Sarkozy trong cuộc tranh cử sắp tới,” lời của Jean-Francois Copé, tổng thư ký đảng UMP.

Kinh tài
Livret A
Như vậy là từ đầu tháng 2, lãi suất của Livret A là 2%. Giới hạn: 15,300 Euro. Thời hạn: Không bị giới hạn thời gian. Khỏi bị thuế trên số lãi thu được. Muốn lấy tiền ra, bỏ tiền vào lúc nào cũng được miễn là không quá 15,300 Euro.

Super Livrets
Ðối với những livret khác
Lãi suất: thay đổi tùy theo ngân hàng. Từ 3% với Axa lên tới 5% (chưa trừ thuế) với Fortuneo và Bforbank.
Mức giới hạn tối đa: Cũng thay đổi tùy theo ngân hàng. Từ 45,000 Euro với Fortineo tới 120,000 Euro với ngân hàng ING.
Trả thuế: Số lãi của các super livrets này bị trả thuế 19%.
Ý kiến của chuyên viên: Những super livret này có vẻ hấp dẫn nhưng trong một thời kỳ ngắn hạn. Sau ba tháng, không còn hấp dẫn nữa. 5% còn thua 2% không bị thuế của Livret A.

Sicav Monetaire
Lãi suất: Thay đổi theo ngày tùy theo thị trường. Năm 2010, lãi hằng năm rất ít, tính ra chỉ 0.2%.
Mức tối đa: Không giới hạn. Không giới hạn thời gian.
Thuế: Nếu số tiền không quá 25,830 Euro, khỏi thuế. Quá số đó, trả thuế 19% trên số lãi.
Ý kiến của chuyên viên: Không còn hấp dẫn.

Comptes A Terme
Lãi suất: Thay đổi tùy theo nhà băng. Từ 1.50% đến 3%. Thời hạn: Từ ba tháng đến bốn năm.
Thuế: Phải trả thuế nhiều khi cao, có thể lên tới 31.2% đối với những số tiền lớn.
Ý kiến của chuyên viên: Giữ được tiền an ninh nhưng trả thuế cao.

Thêm một ngân hàng ở Paris
Thủ đô nào ở Âu Châu cũng đã có quá nhiều ngân hàng quốc gia và quốc tế rồi nhưng... vẫn chưa đủ. Vì chưa có Trung Quốc Công Thương Ngân Hàng (CTNH, tiếng Anh viết tắt là ICBC) nên ngân hàng này phải có mặt. Lý do? Ðây là ngân hàng lớn nhất thế giới! Và là đầu tàu của cuộc bành trướng thương mại của Trung Hoa trên thị trường quốc tế như chiến lược của Nhật Bản trong những năm 1980. Cùng với Paris, đầu năm nay, CTNH có mặt tại Luân Ðôn, Frankfort, Luxembourg, Bruxelles, Amsterdam, Milan, Madrid...
CTNH thành lập từ năm 1998, hiện có vốn là 235 tỷ đô la, có 235 triệu thân chủ, thu lợi 1,8 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm 2010 bỏ xa ngân hàng Tây phương lớn nhất là HSBC của Anh có vốn là 200 tỷ. Ngân hàng đứng thứ nhì trên thế giới cũng là ngân hàng của Trung Hoa tên là China Construction Bank, số vốn là 228.5 tỷ đô la.
Mấy thập niên sau này, người Hoa đầu tư trên thế giới, từ Châu Âu, Mỹ đến Phi ngày càng nhiều. Năm rồi, công ty Geely của người Hoa mua công ty xe hơi Volvo của Thụy Ðiển, Công ty Fusan mua lại 7.1% cổ phần của Club Med (chuyên về du lịch). Một công ty sữa của Tàu rắp ranh mua lại Yoplait của Pháp và công ty Bright Food của Trung Hoa chờ để mua United Biscuits của Anh trước đây đã gồm thâu các công ty của Pháp, Hòa Lan và Ái Nhĩ Lan.
Tại Lục Xâm Bảo, chủ tịch CTNH cho biết mối giao thương của Trung Hoa với Âu Châu gia tăng rất nhiều trong năm 2010. Tăng 33% so với năm trước, với hơn 400 tỷ đô la, cho dù kinh tế của Âu Châu cũng như đồng Euro đang còn gặp khó khăn.
Âu Châu hiện có khoảng 2 triệu rưỡi người Hoa nhưng ngân hàng này không để ý tới số người đó. Ngân hàng này chú trọng tới những nghiệp vụ thương mãi của các công ty quan trọng, mở đường cho những khế ước giữa các tổ hợp với các đại công ty.

Hai ngân hàng lớn thế giới: Trung Hoa
ICBC (Trung Hoa) số vốn 234.9 tỷ đô la, China Construction Bank, 228.5 HSBC (Anh) 199.4 JPMorgan (Mỹ) 175.6 Wells Fargo & Co (Mỹ) 171.9 Bank of America (Mỹ) 153.8 Citi Group (Mỹ) 149, Bank of China (Trung Hoa) 140.4 Agricultural Bank of China (Trung Hoa) 131 Golman Sachs (Mỹ) 94.6 Banco Santander (Tây Ban Nha) 94 BNP Parisbas (Pháp) 83.7 tỷ đô la.

Tàu chế rượu vang
Tàu nổi tiếng với Mai quế lộ hay Hoàng hoa tửu. Nay Trung Hoa bắt đầu lấn vào lãnh vực truyền thống của Âu châu là rượu vang. Các nhà chuyên môn dự đoán: mức sản xuất sẽ tăng từ đây cho tới năm 2014 se có thể lên đến 77%. Một thứ rượu được chú ý ở Thanh Ðảo, gần Bắc Kinh là Château Huadong-Parry do người Anh Michael Parry sản xuất.
Huadong sản xuất một năm 10,000 tấn so với số cao nhất một năm là Chang yu 80,000 tấn. Rượu của Huadong một chai chừng 20 Euro, nhưng những chai đặc biệt như Cuvée spéciale JO de Pekin 2008 phải trả đến 750 Euro.
Vấn đề theo các nhà chuyên môn là: Rượu không đạt tới mức đòi hỏi của thị trường thế giới. “Khi nói tới rượu vang Trung Hoa, phải hết sức cẩn thận. Vì không có sự kiểm soát gắt gao như ở nhiều nước khác, uống rượu Tàu nhiếu khi không đúng như nản hiệu bên ngoài.”

Mười nước dẫn đầu sản xuất
Pháp dẫn đầu với 509 triệu thùng 9 lít, Ý Ðại Lợi 504.67, Tây Ban Nha 446, Hoa Kỳ 342.20 Á Căn Ðình 180, Úc 125, Trung Hoa (xếp hạng thứ bảy) 115, Chili 102.70, Nam Phi 84.43 và Ðức 76 triệu thùng 9 lít.
Người nếm rượu giỏi nhất Pháp năm nay tên là Benjamin Roffet, 29 tuổi, làm trong Trianon Palace ở Versailles, một quán ăn hai sao của Michelin mà chef bếp là người Tô Cách Lan Gordon Ramsay.
.
.

No comments: