Saturday, January 1, 2011

MỘT THẬP NIÊN KHÓ KHĂN (Nguyễn Hoài Vân)

Nguyễn Hoài Vân
Saturday, January 1, 2011

Với năm 2010 là một thập niên chấm dứt trong không khí đầy lo ngại, trước cảnh tượng hoang tàn của những niềm tin đổ vỡ...

Niềm tin vào một tiến trình phát triển bền vững bất thần gãy đổ từ năm 2008. Như ra khỏi một giấc mơ đẹp, mọi người nhận thấy họ đã sống trong một sự sung túc giả tạo, đã tích lũy những tiện nghi và phú hữu dựa trên nợ nần, trên tài sản ảo tưởng, trên những con số xa rời thực tại. Nhiều quốc gia giàu mạnh đã trở thành « ăn mày » quốc tế, với tài sản được đo lường bằng những hố nợ sâu thẳm... Các kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính không giải quyết được gì trong căn bản. Tại Âu Châu người ta trông cậy vào những biện pháp thắt lưng buộc bụng, mặc dù hậu quả của chúng trên tiêu thụ, trên công ăn việc làm, trên nợ nần tư nhân cũng như công quỹ. Ngân sách « an toàn » vừa được quyết định chỉ là một món nợ phụ trội, sẽ không đủ hiệu quả nếu sau Hy Lạp và Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý cũng rơi vào phá sản. Mặc dù mọi cải chính, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu sẽ buộc phải ấn hành thêm tiền... Bên kia bờ Đại Tây Dương, chính phủ Hoa Kỳ đã buộc lòng lùi bước trước những đòi hỏi của giới ngân hàng, chấp nhận giảm thuế cho người giàu, để cho nợ nần tiếp tục chồng chất, và cũng lao vào việc in thêm tiền.

Biến cố 11 tháng 9 đã đem lại một cảm giác bất an ngay cả bên trong những thành trì được bảo vệ kỹ lưỡng nhất. Hậu quả là những phản ứng đi ngược lại với truyền thống bảo vệ tự do cá nhân trong các xã hội dân chủ. Chiến tranh vùng Vịnh, đưa đến việc chiếm đóng Irak với nhiều trăm ngàn người chết, chưa biết sẽ giải quyết ra sao, thì người ta lại thấy cuộc chiến Afghanistan sa lầy trầm trọng, đưa quốc gia vụn nát này vào một màn khói đen có nhiều rủi ro sẽ lan rộng sang các nước lân cận, như Pakistan. Rồi cùng với Pakistan, Iran và Bắc Triều Tiên đều đặn khuấy động những lo ngại về vũ khí hạt nhân tưởng đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Niềm tin vào một thế giới huynh đệ, cùng chia sẻ những giá trị nhân bản, và cùng nắm tay hợp tác trên con đường phát triển, không còn đứng vững. Người ta nhìn thấy những rạn nứt trong một nhân loại toàn cầu hóa, những hố sâu chia cắt dựa trên tinh thần tôn giáo cực đoan, một điều tưởng cũng đã lùi vào quá khứ, trên kiêu hãnh chủng tộc quá khích, trên ngăn cách giàu nghèo.

Vấn nạn giàu nghèo giữa các quốc gia đã chuyển sang một con đường mà các quốc gia phát triển đã không ngờ tới. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các nước đang phát triển bóp nghẹt những lãnh vực công ăn việc làm rộng lớn của các quốc gia giàu có. Với mỗi ngày tháng qua đi, từng khoản một của các kỹ nghệ cơ bản tại các quốc gia Tây Phương rơi vào suy thoái, chưa kể lãnh vực dịch vụ cũng bắt đầu phải chịu những cạnh tranh đáng kể. Nông nghiệp được bảo vệ bởi những món tiền trợ cấp khổng lồ, nhưng trong ngắn hạn cũng sẽ phải quy hàng những sản phẩm rẻ tiền tại các nước cựu « đệ tam thế giới ». Quyền lực tài chính cũng dần dần chuyển sang bờ bên kia của Thái Bình Dương, sau khi được chia sẻ với các quốc gia sản xuất dầu hỏa. Chủ nợ ngày nay là những kẻ « lạc hậu, chậm tiến », mới chỉ vài thập niên trước bị coi là chỉ biết chờ mong công trình « khai hóa » của các nước Tây Phương! Ngày nay, quyền lực tài chính, sức mạnh kỹ nghệ, khả năng sản xuất nằm trong tầm tay họ. Họ chỉ còn yếu kém trên hai lãnh vực: kiến thức khoa học kỹ thuật ở trình độ cao, và thị trường tiêu thụ nội địa tương ứng với đà phát triển của họ. Bảng xếp hạng PISA vừa được công bố cho thấy trên phương diện giáo dục, một số nước Đông Á đang đạt được những thành quả quan trọng (1). Sức mạnh tài chính cũng khiến họ có khả năng mua những công ty lớn của Tây Phương, và thu hút được những chuyên viên có trình độ cao. Việc chuyển nhượng kỹ thuật cũng là một trong những ưu tư của các hợp đồng liên doanh giữa các nước tiền tiến với các nước này, như trong trường hợp các thỏa ước Pháp - Hoa gần đây. Thị trường nội địa của các quốc gia ấy cũng đang từ từ được nâng cao, bằng cách tăng lương, tăng lợi ích xã hội, mặc dù điều ấy đặt họ trước vài mâu thuẫn khó giải quyết, như sự gia tăng giá thành của sản xuất, làm mất đi lợi thế nền tảng của họ.

Mặt khác, cùng với suy sụp niềm tin là sự suy sụp của các giá trị nền tảng. Các vụ tham nhũng, lừa gạt, đầy dẫy trong mọi lãnh vực. Các hành vi vô trách nhiệm của giới cầm quyền được phơi bày hàng ngày trước công luận, không chỉ ở những nước « chậm tiến » ... Tại Pháp, một cựu Tổng Thống, rồi một cựu Thủ Tướng đều sửa soạn ra hầu tòa vì tham nhũng (2). Thủ Tướng Ý Berlusconi chỉ thoát khỏi nhà tù nhờ địa vị và ảnh hưởng vượt bực của mình (3). Sự quản lý các thiên tai và bệnh dịch với những thiếu sót, giấu giếm, đã đem lại nhiều ngờ vực về khả năng và sự thành thật của giới cầm quyền. Thậm chí những biểu tượng cố hữu như Giáo Hội Công Giáo cũng bị hoen ố bởi những tai tiếng khó rửa sạch...

Riêng trường hợp Việt Nam, chúng ta buộc phải nhận thấy là nước ta đã không bắt kịp con tàu phát triển của toàn vùng. Lợi thế quan trọng đến từ cộng đồng người Việt hải ngoại đã không được khai thác. Tiền nước ngoài gửi vào suốt bao thập niên đã không phục vụ được cho lợi ích chung. Trí tuệ của con dân Việt Nam khắp thế giới không được vận động đúng mức. Nước ta vẫn chậm lụt trong lãnh vực sản xuất. Chưa thấy một mặt hàng kỹ nghệ nào của Việt Nam chiếm nổi một thị trường đáng kể trên thế giới. Chúng ta chỉ biết xuất cảng tài nguyên của đất nước, và một chút gặt hái từ ruộng đồng sông biển. Sự yếu kém sản xuất không đáp ứng nổi nhu cầu tiêu thụ của người dân khiến cho một phần quan trọng tiền bạc mà họ có được nhanh chóng chạy vào túi các nhà kỹ nghệ nước ngoài... Hệ thống tín dụng và ngân hàng tăng trưởng quá chậm chạp, phần nào do thiếu vắng tín nhiệm, cùng với hiện tượng đầu tư không đúng chỗ, bao che các vụ làm ăn thua lỗ, khiến cho vốn liếng không được sử dụng một cách hợp lý. Hệ thống giáo dục sau nhiều cải tổ, với chương trình học càng sửa đổi càng nặng nề, vẫn không phù hợp với thị trường công việc làm, không sửa soạn được cho tương lai, và vẫn đào tạo ra một đội ngũ « thất nghiệp cao cấp » đông đảo. Ung nhọt của tham nhũng, lạm quyền, lạm dụng của công vẫn hoành hành... Khi khủng hoảng tràn lan đến vùng Đông Á, vào lúc mà mức tiêu thụ tại các nước tiền tiến giảm sút thêm nữa, khi các nước này thu vốn về để quân bình ngân sách, hay để hướng vào những đầu tư trong nước họ, và bắt đầu quịt nợ bằng cách in tiền, phá giá, thì liệu Việt Nam sẽ ra sao? Có sống sót nổi trước bầy hổ đói chung quanh, nhất quyết tìm một con mồi để thay thế những thị trường đã mất?

Nhìn vào tương lai, người ta không khỏi thấy mình đang để lại cho thế hệ con cháu một gia sản tồi bại. Những món nợ chồng chất, môi trường ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên suy giảm trầm trọng, khủng hoảng và bế tắc trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Viễn tượng một cuộc chiến tranh rộng lớn để xóa bàn làm lại và duy trì thế ưu thắng của Hoa Kỳ và Tây Phương đã được một vài học giả đề ra... Đó là vài đường nét chính của cái thế giới mà những đúa bé sắp sinh ra trong năm 2011 sẽ « được » thừa hưởng.

Khi nhận thấy mọi lãnh vực của đời sống xã hội dường như đều khủng hoảng, thì người ta có thể hình dung hai giả thuyết :

- Khủng hoảng thuộc về cấu trúc của xã hội ấy, và nó sẽ sụp đổ, nhường chỗ cho một mô hình mới. Vấn đề là chưa thấy có mô hình nào thay thế được nó !
- Hoặc giả khủng hoảng chỉ là một hiện tượng có tính cách chu kỳ trong Tư Bản Chủ Nghĩa, và khủng hoảng toàn diện chỉ là một tình cờ.

Trong trường hợp thứ hai này thì cái xã hội trong đó chúng ta đang sống sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường lịch sử, mặc dù những nhấp nhô trồi sụt và những bão táp phong ba...

Để cho chúng ta vẫn có thể an tâm vui vẻ bày tiệc, khui rượu, đón mừng năm mới!
Nguyễn Hoài Vân

30 tháng 12 năm 2010

(1) Dẫn đầu bảng xếp hạng này là Shanghai, Nam Hàn và Singapore, trong khi Hoa kỳ nằm ở hạng thứ 15, 24 và 21 trên ba tiêu chuẩn được nghiên cứu. Thật ra, cần hiểu đây là một vấn đề chính sách : Hoa Kỳ dồn nỗ lực vào nền giáo dục cao cấp, đào tạo những chuyên viên thượng thặng, và bỏ bê giáo dục cấp thấp, dành cho giới thợ thuyền chỉ cần có vài kiến thức cơ bản đủ để làm những công việc đơn giản. Chính sách này có những giới hạn của nó trong trung hạn, vì những nhân công cấp thấp sẽ dần dần bị loại khỏi thị trường công việc làm bởi nhân công các nước đang phát triển.
(2) Thủ tướng Balladur với vụ Karachi, Tổng Thống Chirac với nhiều nghi án đặc biệt là vụ biển thủ công quỹ của Thành Phố Paris. Thêm vào đó, một tiết lộ đến từ Wikipedia được công bố ngày hôm qua cho biết các Tổng Thống Sarkozy và Chirac, đều liên lụy đến một vụ hối lộ đến từ một số chính quyền Phi Châu ...
(3) Xem : http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=343&kind=4
Gần đây, vị Thủ Tướng này còn bị buộc tội nhiễu lạm tình dục gái vị thành niên.

.
.
.

No comments: