Monday, January 17, 2011

LINH MỤC, VAI TRÒ TÔN GIÁO và CHÍNH TRỊ (1) - Nguyễn Văn Lục

Nguyễn Văn Lục
16-01-2011 
http://nguyenvanloc.dcvonline.net/modules.php?name=News&file=article&sid=8168 Vai trò tôn giáo và chính trị của các giám mục tiên khởi Việt Nam

Hiện nay, hơn bao giờ hết giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam đang ở trong một tình thế cực đoan, bó buộc phải lựa chọn một con đường chính đạo ‒ đi đúng đường hay là chết.

Nghĩa là giáo dân có thể, một là trở nên khí phách, can trường và chấp nhận thử thách, đối đầu; hai là đi lạc hướng như ngày xưa dân Athènes đã đi hay đi vào ngõ cụt như dân Spartes. Hoặc trở thành nhu nhược, hèn yếu, cúi đầu như dân Do Thái trong thời kỳ nô lệ.

Chính ở trong những tình thế cực đoan như hôm nay mà khi nhìn lại gương của các vị tổ tiên, các vị cha ông những người theo thiên chúa giáo, các vị tử đạo ngày xưa, họ đã lựa chọn và đã dẫn dắt con cháu họ đi con đường của Chúa thay vì con đường của thế tục.

Và cha ông họ đã sống xứng đáng không phải hổ thẹn trong suốt lịch sử 500 năm người có đạo và lịch sử trăm năm dưới thời nhà Nguyễn và thực dân Pháp.

Biết bao đắng cay và tủi nhục với những lời nguyền rủa, oán trách lẫn thị phi vì những lựa chọn của họ. Những lựa chọn can đảm ấy là cớ sự cho biết bao hy sinh và chịu đựng.

Lịch sử những năm tháng ấy để lại một bài học duy nhất là giáo hội Thiên Chúa giáo không thể tương hợp (incompatible) với các thế lực như chế độ phong kiến, chế độ thực dân và nay với chủ nghĩa cộng sản từ những thập niên 1930.

Và nay ai còn đặt sự tin tưởng về sự hợp tác, về hòa giải nhất là việc đồng hành với dân tộc thì đó thật ra chỉ là một ảo tưởng tuyên truyền,

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đã có lúc nào tôn giáo có thể thể đồng hành với chính quyền cộng sản?

Bởi vì không có cái gì quyết định là ngày mai chế độ cộng sản sẽ phải tốt hơn hôm nay ! Nên không có bất cứ bảo đảm nào cho phép ta «đồng hành» với họ, dù chỉ là giai đoạn.

Giáo Hội Thiên Chúa giáo sau hơn nửa thế kỷ dưới ách cộng sản cơ hồ đã mất tất cả: mất đất, mất tài sản, mất tất cả các cơ sở hoạt động xã hội, cơ sở giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng bao gồm các đại chủng viện, tiểu chủng viện, quyền tuyển chọn phong chức, bổ nhiệm, v.v…

Với cung cách lãnh đạo của một số giám mục mất bản chất hiện nay có gì bảo đảm quyển kinh thánh còn lại là sẽ còn là vật sở hữu của người Thiên Chúa giáo?

Người cộng sản sẽ không cần thiết triệt tiêu cuốn kinh thánh ấy, nhưng chỉ cần xâm nhập, lũng đoạn từ bên trong đủ để đưa giáo hội biến chất, tiêu vong.

Khi tôi đang viết những dòng này, thì không biết rằng ngày mai, bài viết này có thể tới tay bạn đọc trong nước được không?

Bài viết này dựa trên những biến cố chính trị lớn trong thế kỷ 20, người viết nhìn lại giáo hội Việt Nam thông qua các vị lãnh đạo là các giám mục Việt Nam, đặc biệt 4 giám mục tiên khởi, các giám mục Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục và Lê Hữu Từ.

Tình hình chính trị thế giới

Sau thế chiến thứ nhất và nhất là sau thế chiến thứ hai đã khởi động “xu hướng giải thực”. Nhiều cuộc tranh đấu của các dân tộc bị áp bức đang nổ ra những phong trào giải phóng, dành độc lập diễn ra trên toàn thế giới.

Hơn ai hết, tòa thánh Vatican nhận thức rõ cái ngày tàn của chủ nghĩa thực dân đế quốc không còn xa.

Vì thế, đường lối của Vatican có thay đổi.

Vatican thường có một chính sách ngoại giao được gọi là Ostpolitik, nghĩa là vừa dựa trên những nguyên tắc về giá trị, về đạo đức và thẩm quyền tinh thần thiêng liêng của tôn giáo và vừa dựa trên thực tế thương lượng trong tinh thần tương nhượng.

Quan niệm Ostpolitik này cho phép Vatican xét đến tính chất phức tạp, đa chiều, nhiều mặt của quyền lợi địa phương, quyền lợi chính trị và những thẩm quyền tinh thần của giáo hội qua Vatican.

Cân bằng được quyền lợi từ nhiều phía và đặt trọng quyền lợi giáo hội địa phương là đường lối của Vatican qua hai tông thư sau đây.

Đó là đường lối mà Vatican đã áp dụng để đối đầu với các chế độ thực dân như Pháp trước đây và bây giờ là chế độ cộng cản.

Vì thế, cho đến hiện nay xem ra chính sách ngoại giao Ostpolitik vẫn còn đang được áp dụng ở VN.

Nếu trước đây Vatican phải tìm cách thương lượng với người Pháp cho quyền lợi giáo hội VN theo đối tác một đổi một thì nay phải thương lượng một đổi một với những chòng chéo, từng bước một, từng vấn đề một, từng trường hợp một.

Đó là cái khó tất yếu của hoàn cảnh giáo hội VN bây giờ.

Và trước đây, để giải quyết những dị biệt quyền lợi tôn giáo giữa Vatican với thực dân Pháp ở Việt Nam với giáo hội địa phương, giáo hoàng Benedict XV đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ và thay đổi tận gốc rễ giáo hội VN bản địa bằng hai tông thư. Tông thư thứ nhất Maximum Illud (nói về về việc truyền bá đức tin trên toàn thế giới, an Apostolic Letter of Pope Benedict XV issued on November 30, 1919 ,in the sixth year of his pontificate. It deals with the Catholic missions after World War I. Pope Benedict XV), Tông thư thứ hai nói về Rerum Ecclesiae (về sứ mệnh Thiên Chúa giáo, Given at Rome, at St. Peter's, the twenty-eighth of February, in the year 1926, the fifth of Our Pontificate. Pope PIUS XI).

Hai Tông thư này của Vatican chủ trương thay thế vai trò của các Hội truyền giáo của các chế độ thực dân, như Hội truyền giáo Ba Lê ở VN và trả lại vai trò lãnh đạo và điều hành cho giáo hội địa phương.

Có nghĩa là qua hai Tông thư này, Vatican muốn “bản địa hóa” giáo hội Việt Nam với việc truyền chức cho các giám mục VN trong vai trò lãnh đạo.

Thành phần các vị lãnh đạo VN này sẽ thay thế dần vai trò mà trước đây dành cho các vị thừa sai Pháp.

Phải nhìn nhận rằng, người ta thường có thói quen coi người Pháp là giỏi, là chủ nhân cũng như các vị linh mục thừa sai ngoại quốc thì giỏi hơn linh mục Việt Nam. Điều đó đã trở thành một nếp nghĩ quen thuộc in vào đầu óc của các thừa sai Pháp và ngay cả nơi giáo sĩ VN là: người ta thường cho rằng giáo sĩ VN chưa đủ tầm vóc, còn quá yếu kém về trình độ nhận thức cũng như ngay cả về mặt tu đức để có thể đảm nhận các chức vụ thừa tác chỉ huy như giám mục cai quản địa phận.

Nhưng Vatican đã không nhìn vấn đề như các thừa sai Pháp.

Việc đánh giá thấp khả năng của hàng tu sĩ Việt Nam thật sự chỉ là che đậy một sự lạm quyền.

Đó là muốn kéo dài một tình trạng bất công vốn không nên tồn tại.

Vì thế, bức Tông thư của Vatican đã tố cáo các nhà thờ Thiên Chúa giáo mang tính chất phân biệt chủng tộc. Tông Thư viết:
“Những người coi người bản địa là chủng tộc hạ đẳng hay người có trí tuệ thấp kém là đã phạm sai lầm nghiêm trọng » Giáo Hoàng Pius XI viết trong Rerum Ecclesiae như thế «Kinh nghiệm lâu dài chứng minh rằng người dân ở các khu vực phương Đông và phương Nam xa xôi thường không thấp kém hơn chúng ta, và có thể đứng ngang hàng với chúng ta ngay cả trong lĩnh vực trí tuệ nữa. Còn nếu ở ngay trung tâm những nước bán khai có những người không có khả năng hiểu biết thì điều chủ yếu là vì điều kiện sống của họ mà thôi.” (Trích lại bài của Charles Keith, “Annam vùng lên”, do Phạm Minh Ngọc dịch, trang 3, trong tạp chí talawas số mùa thu 2009.)
Giả thiết rằng hàng giáo sĩ bản xứ có yếu kém đi nữa lúc ban đầu thì cũng cần can đảm loại bỏ tình trạng “lệ thuộc” này.

Tình trạng lệ thuộc, dù có bề ngoài tốt đẹp, hòa hợp mấy đi nữa giữa giáo sĩ thừa sai ngoại quốc và hàng giáo xứ bản địa cũng gián tiếp thừa nhận tính không chính đáng (Illegitimacy) của các thừa sai Ba Lê.

Về mặt chính sách có thể có sự nghi kỵ là các thừa sai được gửi đến để cai trị không phải để giúp đỡ, họ đến không phải chỉ để truyền giáo mà gián tiếp còn hỗ trợ chế độ thực dân.

Vì thế, đã đến lúc phải chấm dứt chế độ lệ thuộc vào các thừa sai người Pháp, mặc dầu vẫn phải nhìn nhận phần đông các thừa sai có đạo đức và có lý tưởng.

Chẳng hạn giáo phận Hà Nội cho thấy đã có một thời dưới sự quản nhiệm rất tốt của các giám mục thừa sai như Lm Liêu (Retord), Lm Đông (Gendreau) và người cuối cùng là Lm Thịnh (Chaize) như lời trân trọng trong cuốn “Chứng từ của một giám mục” của Lm Phao lồ Lê Đắc Trọng đã ghi lại:
“Phần tôi Đức cha Thịnh với cách sống ẩn dật.. là người có công lớn lao nhất trong hàng giám mục địa phận nhà (...) Đức cha Thịnh chỉ dùng chiếc xe đầm (xe đạp dành cho phụ nữ). Cả những lúc có ô tô, ngài cũng cứ dùng xe đạp. Đời sống lúc nào cũng bình dị, cả cách ăn mặc. Gương đó tác động rất nhiều đến hàng giáo sĩ Hà Nội, dòng tu, v.v... Các vị đi đâu, ở đâu cũng ít tham tham lam của cải, sống bình dị hơn, nếp sống trở thành truyền thống (...) Thế mà trong thời kỳ tranh tối, tranh sáng, thân Pháp cũng chết mà thân Việt Minh cũng chết, Đức cha Thịnh vẫn giữ được thăng bằng giữa hai khuynh hướng. Tất cả đều quý mến ngài, vâng phục ngài.

Với sự ra đi của một Đức Giám Mục sống có vẻ âm thầm nhất, nhưng đã viết nên những trang sử đẹp đẽ nhất, vào thời kỳ lũng loạn nhất, sau thời kỳ bách hại của thế kỷ trước, một trang sử của địa phận Hà Nội đã tạm khép lại. Một trang mới đang mở ra, trong cảnh rối ren nhất của lịch sử Việt Nam”.

(Trích “Chứng từ của một giám mục”, Phao lồ Lê Đắc Trong, trang 464-465).
Như thế, bản thân các thừa sai Ba Lê cho thấy họ phần đông là những gương mục tử tốt lành. Nhưng chính sách thực dân vẫn là cái gai trong mắt người tín hữu cần phải nhổ.

Chính các vị thừa sai có thể cũng là nạn nhân. Họ bị coi như những người thừa hành đường lối, chính sách thực dân Pháp. Việc truyền giáo trở thành những âm mưu chính trị nằm trong chính sách cai trị của người Pháp.

Phần người Thiên Chúa giáo Việt Nam một cách gián tiếp nhận một số phận bạc bẽo nhất: một cổ hai tròng có thể bị coi là phản lại quyền lợi đất nước nếu trung thành với lý tưởng tôn giáo.

Việc bản địa hóa giáo hội Thiên Chúa giáo như Việt Nam còn là dịp đánh tan mọi suy đoán cho rằng Vatican cấu kết với chế độ thực dân để bành trướng Kitô giáo La Mã.

Chính sách của Vatican là “Không chỉ nhằm thoát khỏi những rắc rối của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa thực dân mà còn chuẩn bị, cho tương lai hậu thuộc địa của nhà thờ nữa.”

(Trích John Pallard, Unknown Pope, Benedict XV ( 1914-1922) and the pursuit of peace, London, Geoffrey Chapman, 1999, trg 203. Trích lại trong bài viết Charles Keith).

Các Tông thư ấy mở ra môt chân trời mới với niềm hy vọng về sự trưởng thành của giáo hội bản xứ có thể dần tách ra khỏi quỹ đạo do sự bảo hộ của các thừa sai ngoại quốc.

Điều đó chứng tỏ Vatican khôn ngoan đúng mức đứng về phía các dân tộc bị trị, bị áp bức thay vì đứng về phía các đế quốc thực dân như người ta thường suy luận một cách hẹp hòi và thành kiến. Thường người ta liên kết chính sách của thực dân Pháp và thừa sai Pháp Pháp cấu kết với nhau để thục hiện chính sách đồng hóa.

Xem thêm “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam”, Cao Huy Thuần, chương “Đạo Thiên Chúa và chính sách đồng hóa”, trang 174

Để khởi đầu cho việc thay thế các thừa sai ngoại quốc ở VN, Vatican đã nghĩ tới việc gửi sang VN một vị khâm sứ đại diện Vatican thay vì vẫn phải qua trung gian các thừa sai.

Vị khâm sứ từ nay đại diện cho Vatican không qua trung gian các thừa sai Ba Lê nữa chấm dứt hàng thế kỷ vai trò chủ yếu của Hội truyền giáo (SMEP). Ngay khi thế chiến 1 vừa chấm dứt, Rome tiến hành ngay việc bản địa hóa hàng giáo phẩm địa phương bằng cách gửi giám mục Henri Lécroat sang khảo sát thực địa ở Việt Nam.

Bước khởi đầu là do sự vận động của ông Nguyễn Hữu Bài trong dịp ông ghé qua Rome năm 1922. (Ông Nguyễn Hữu Bài tham gia phái đoàn của vua Khải Định viễn du nước Pháp. Nhân chuyến công du này, ông có ghé Rome và đệ trình lời thỉnh cầu lên giáo hoàng cho thiết lập tòa khâm sứ ở Huế. Ông đã thuyết phục được tổ chức truyền giáo ở Vatican đặt tòa Khâm sứ ở Huế bằng cách hiến một khu đất dưới sự bảo trợ của của ông Lê Phát An, một người giàu có ở xứ Nam Kỳ).

Và ngày 20 tháng 5, 1925, một tòa khâm sứ đầu tiên đã được thiết lập ở Huế.

Dĩ nhiên, người Pháp có đủ lý do chính đáng để lo ngại trước những thay đổi này của Vatican và tìm mọi cách để ngăn cản và phản đối bằng đường ngoại giao. Quan chức Pháp đã tìm cách ngăn chặn việc thiết lập tòa khâm sứ ở Hà Nội. Nguyễn Hữu Bài đã khôn khéo đề nghị Vatican chọn Huế, xa hẳn hai trung tâm quyền lực của Pháp là Sài Gòn và Hà Nội.

Chọn Huế để thiết lập tòa khâm sứ là một đắc sách thắng lợi của Vatican. Vatican qua giám mục Constatino Aitui, vị khâm sứ đầu tiên, còn vận động để cho ra đới một tờ báo dành cho giới tăng lữ Việt Nam. Tờ Sacerdos Indonenensis, trụ sở tại Huế, xuất bản đều đặn từ 1927 đến 1944.

Những linh mục tác giả đầu tiên viết cho tờ báo này bằng ba thứ tiếng (quốc ngữ, La Tinh và Pháp) là các linh mục Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục mà sau này họ trở thành những giám mục tiên khởi của Việt Nam. (Sau này khi giám mục Aitui chết, vào năm 1928, một tác giả Việt Nam là ông Thế Hùng trong bài viết nhan đề “L’église catholique et la colonisation francaise”, Études Vietnamiens no 53(1978) cho rằng ông bị các thừa sai Pháp đầu độc chế. Tuy nhiên, ông Thế Hùng đã không dẫn chứng đủ bằng cớ nên bài viết ấy chỉ được coi là dư luận đồn thổi không có căn cứ.

(Trích sơ lược tác giả Charles Keith như trên.)

Việc ông Nguyễn Hữu Bài vốn là một quan chức làm việc thân cận cho chính quyền thực dân Pháp, nhưng lại có một cái nhìn viễn kiến về tương lai giáo hội bản địa là một điều không khỏi ngạc nhiên. Một nhận thức sớm sủa về sự tự chủ và độc lập cho giáo hội địa phương là điều quá mới mẻ và táo bạo. Chẳng những thế, ông còn chủ tâm cài đặt những người con của Ngô Đình Khả, đặc biệt Ngô Đình Khôi vào các chức vụ quan trọng trong triều chính. Nó cũng mở đường cho vai trò của Ngô Đình Thục và các người em như Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tham gia chính trị sau này. Ông Ngô Đình Khả di huấn về Ngô Đình Diệm, “Diệm, Con có đủ các đức tính cần thiết để trở thành người lãnh đạo tốt. Con phải lãnh đạo.” Và với các con: “Các con phải cùng với nó (Diệm) tranh đấu dành lại cho được một nền độc lập hoàn toàn, thì mới thực hiện công cuộc cải tạo xã hội, xóa bỏ bất công được để lãnh đạo sau này. Và yêu cầu các em ông phải hỗ trợ cho Ngô Đình Diệm.”

Xem thêm “Dòng họ Ngô Đình, giấc mơ chưa đạt”, Nguyễn Văn Minh, trang mở đầu.
Việc tấn phong giám mục Nguyễn Bá Tòng
Đa số các giám mục của SMEP và các nhà truyền giáo ngoại quốc đều phản đối việc tấn phong giám mục cho người Việt. Điển hình là giám mục Sài Gòn, giám mục Isidore Dumortier phản đối mạnh mẽ và cho rằng, “rõ ràng là việc đặt vấn đề về sứ mạng của người bản xứ ở Đông Dương sẽ chẳng mang lại lợi lộc cho việc vinh danh Thiên Chúa và sự an lạc của linh hồn.” Giám Mục Roy, địa phận Vinh cũng cho rằng các linh mục Việt học tập chưa đến nơi đến chốn.

Chỉ có hai giám mục chấp thuận việc tấn phong giám mục Việt Nam là giám mục Alexandre Marcou, giám mục Phát Diệm và giám mục Eugène Allys, giám mục Huế, một người có quan hệ thân tình với ông Nguyễn Hữu Bài.

Mặc dầu có sự phản đối của các thừa sai Pháp, việc tấn phong giám mục Việt Nam vẫn tiến hành.

Bước đi kế tiếp của Vatican được khẳng định thêm khi giáo hoàng Pius XI tấn phong Nguyễn Bá Tòng làm giám mục tiên khởi Việt Nam tại nhà thờ thánh Peter Basilica vào ngày 11 tháng 6 năm 1933.

Việc tấn phong này mở ra một kỷ nguyên mới cho giáo hội VN phù hợp với xu hướng bản địa hóa hàng giáo phẩm VN của Vatican.

Nó cũng đáp ứng và đi song hành với xu hướng giải thực trên toàn thế giới vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trong một bài diễn văn đọc tại Hà Nội, giám mục Nguyễn Bá Tòng khẳng định, “Chúng ta hãy chúc mừng tương lai của nhà thờ Annam. Trong khi buổi lễ này là tưởng nhớ quá khứ. Nhưng nó chủ yếu nói về tương lai (...) Đối với vị tân giám mục, sự vĩ đại ở nhà thờ Việt Nam không phải chỉ là những hy sinh của nó trong quá khứ mà là đức tin mà ông đang chứng kiến ở chung quanh.”

Đây cũng là lần đầu tiên, một giám mục Việt Nam được diễn thuyết tại nhà thờ Lớn Hà Nội, một ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1886 và nay 1933 có một giám mục Việt Nam giảng thuyết trong nhà thờ này.

(Trích lại bài diễn văn của S.E Monseigneur Tòng a prêché Dimanche 19 novembre 1933 à l’église cathédrale de Hanoi đăng trong l’Avenier du Tonkin, Novembre 20, 1933. Trích lại trong bài viết của Charles Keith, bản dịch của Phạm Ngọc Minh nhan đề: Annam vùng lên: Những vị giám mục đầu tiên của VN và sự hình thành giáo hội dân tộc, giai đọan 1919-1945. Tạp chí Talawas số mùa thu 2009.)

Nay đọc lại một số bài viết ca ngợi Nguyễn Bá Tòng được Charles Keith trích dẫn cho thấy con người và vai trò của giám mục Nguyễn Bá Tòng đối với tương lai giáo hội Việt Nam không phải là nhỏ. Hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp nơi như chảy hội đi nghênh đón giám mục mỗi khi ông đến một nơi nào. Ông đã đi khắp nơi ở Việt Nam để nói chuyện. Các bài viết của linh mục Paul Vàng về vị giám mục tiên khởi được đăng đầy đủ trong tờ Nam Kỳ dịa phận và sau in thành sách. Trong bài chúc từ của các Lm Phát Diệm viết, “Đây là lần đầu tiên, mẹ Lạc nhìn thấy một trong những người con của mình được đội lên đầu vương miện bằng vàng từ Âu Châu đi qua khắp các lãnh thổ của người Việt.”

Đó là một vinh dự cho giáo hội bản địa đồng thời cũng là một vinh dự cho người bản xứ nói chung.

Việc tấn phong giám mục Hồ Ngọc Cẩn

Tiếp theo đó là việc tấn phong giám mục Hồ Ngọc Cẩn cho địa phận Bùi Chu, ngày 29 tháng 6 năm 1935, một lần nữa tạo nên một niềm khích lệ lớn lao cho giáo hội Việt Nam.

Ông là một trong số hiếm hoi những người cầm bút viết và được xuất bản trong giai đoạn thuộc địa. Ông vừa là một nhà trí thức, vừa là nhà thần học sâu sắc. Ông đà dành 30 năm cho việc giảng dạy và trước tác trong các trường dòng.

Việc tấn phong giám mục cho ông đã tạo một tinh thần phấn chấn mà đa số các tu sinh đã đổ về Bùi Chu để theo học – đông đến nỗi một số tu sinh phải trở về vì trường không đủ chỗ chứa.

Cũng như việc tấn phong giám mục cho Nguyễn Bá Tòng, khó có thể nói hai việc tấn phong này hoàn toàn là hai sự kiện mang thuần tính tôn giáo.

Nhà cầm quyền Pháp lo sợ ảnh hưởng của các vị tân giám mục. Phần dân chúng Việt Nam thì hãnh diện, hân hoan đón chào.

Sự lo sợ ấy có lý do của nó. Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu là một trong những cộng đồng Thiên Chúa giáo lâu đời nhất. Hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm với số người theo đạo Thiên Chúa bằng một nửa tổng số người theo đạo trong cả nước.

Tỉ lệ số người theo đạo Thiên Chúa cao như thế ở hai nơi này là một khu vực thận lợi nhất dành cho hai vị giám mục này Nhà thờ Phát Diệm được xây cất nửa theo Gothic, nữa theo kiểu chùa chiền cho thấy tính chất lai tạp và độc đáo riêng của giáo phận này. Với những cái cột bằng cả một thân cây và với một bàn thờ sơn đỏ trông gần giống một ngôi chùa hơn là các nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Phải chăng việc xây cất ngôi thánh đường Phát Diệm là một chủ tâm bản địa hóa nhà thờ qua việc xây cất?

Công trình xây dựng này dành cho một linh mục nổi tiếng ở vùng này là Lm Trần Lục xây dựng nên.

Một ông chủ nhà in ở Hà Nôi, ông Ngô Tử Hạ, sau này là người theo ông Hồ Chí Minh đã bỏ tiền ra để lo các chuyến công du của hai vị giám mục này.

Tóm lại việc tấn phong hai giám mục VN cứ theo như lời tuyên bố của GM Nguyễn Bá Tòng thì về mặt tôn giáo, ông khẳng định rằng Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đang ở giai đoạn hồi sinh. Ông nói, chúng ta hãy chúc mừng tương lai của nhà thờ Việt Nam. Đối với giáo dân Sài Gòn, vị Gm này trấn an rằng: Đây là một niềm tin tốt lành, “Cả bên trong lẫn bên ngoài quốc gia, chúng ta là một nhà thờ.”

Nhưng về mặt chính trị, Gm tuyên bố, “Nam Bắc là một dân tộc thống nhất.” Ông cũng cho rằng nhà thờ Thiên Chúa giáo Việt Nam là một tổ chức dẫn đầu của giáo hội Thiên Chúa giáo Á Châu và khẳng định rằng việc tấn phong ông là tín hiệu cho thấy “tinh thần quốc gia” của cộng đồng Thiên Chúa giáo của Việt Nam, dù bị những sự kiện khó khăn của thế kỷ XIX kìm nén.

Những lời tuyên bố của vị giám mục này đương nhiên trở thành mối lo ngại cho người Pháp về sự vươn dậy của tinh thần quốc gia nơi những người Việt.

Nhưng về mặt chính trị, biến cố đáng quan tâm nhất là lá thư của bốn vị giám mục tiên khởi Việt Nam gửi cho Giáo Hoàng sau ngày tuyên bố độc lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Ba Đình.

Vì thế khi có bản tuyên ngôn độc lập 1945 thì tất cả 4 giám mục Việt Nam lúc bấy giờ gồm giám mục Nguyễn Bá Tòng, Gm Hồ Ngọc Cẩn, Gm Ngô Đình Thục và Gm Lê Hữu Từ đã gửi một điện văn đến tòa thánh Vatican và hai nước Anh Mỹ lời yêu cầu:
“Notre cher pays est actuellement envahi et défend son indépendance, la cause de la justice et la liberté. Ses enfants animés du plus pur patriotisme, se font décimer sur les champs de batailles, alors que leurs bras seraient si utiles pour la reconstruction de leur patrie».
Nội dung nhằm ủng hộ một nền độc lập cho Việt Nam. Yêu cầu hai nước Anh Mỹ can thiệp hiệu quả để tránh cho VN khỏi rơi vào cảnh chiến tranh.

Nội dung điện văn gửi đi trích trong “Dieu et César”, Trần Tam Tỉnh, trang 58.

Nội dung bức điện văn chứng tỏ sử trưởng thành chính trị, sự độc lập của hàng giám mục Việt Nam của các giám mục VN bên cạnh một số không nhỏ còn lại khoảng 14 giám mục ngoại quốc.

Quyền lợi và nguyện vọng thiết tha có độc lập vượt lên trên những vị trí và vai trò lãnh đạo tôn giáo. Sự im lặng và thái độ của các thừa sai ngoại quốc dù không đồng thuận với nguyện vọng của 4 giám mục VN cũng hiểu được và chia xẻ sự tế nhị về sự ràng buộc với đất nước của họ.

(Còn tiếp)
© DCVOnline
.
.
.

No comments: