Monday, January 17, 2011

LINH MỤC, VAI TRÒ TÔN GIÁO và CHÍNH TRỊ (Kết) - Nguyễn Văn Lục

17-01-2011

Vai trò tôn giáo và chính trị của các giám mục tiên khởi Việt Nam


Việc tấn phong giám mục Ngô Đình Thục

Đến năm 1938, Vatican một lần nữa đã bổ nhiệm Ngô Đình Thục trở thành giám mục trẻ nhất, 42 tuổi cai quản địa phận Vĩnh Long, tại Nam Kỳ. Nơi được coi là lãnh thổ chính trị của chế độ thực dân đế quốc.

Dù muốn dù không muốn, đây là một “thách thức” chính phủ Nam Kỳ thuộc Pháp.

Vì thế, cũng phải nhìn nhận tính cách tôn giáo và chính trị trong việc bổ nhiệm này.

Phần giám mục Ngô Đình Thục khẳng định Rome chứ không phải người Pháp đưa ông đến địa vị này. Ông là vị giám mục đầu tiên được gửi đi du học tại Rome vào nămn 1919 và được phong linh mục năm 1929, sau đó sang Pháp để học thêm về giáo luật.

Trong bài diễn văn nhận chức, ông đã tỏ lời tri ân giáo hoàng và người đã dẫn dắt ông đến địa vị này là cha Fumasoni-Biondi và đức cha Antonin Drapier, khâm sứ tòa thánh tại Đông Dương.

Ông đã không một lời cám ơn người Pháp trong các bài diễn văn của ông.

Đồng thới ông bày tỏ lòng tri ân và trung thành tuyệt đối với tổ quốc Annam của mình.

Chính vì những lời tuyên bố của vị giám mục này mà chính quyền Pháp đã phản đối việc tấn phong và ngăn cản việc trở về Vĩnh Long của ông.

Theo một bá cáo của người Pháp, giám mục Thục “đã viết thư cho viên Cao Ủy Pháp xin được trở về Vĩnh Long. Nhưng Cao Ủy Argenlieu đã phản đối việc về Vĩnh Long của vị giám mục này vì thái độ thân Việt Minh một cách rõ rệt không còn nghi ngờ gì nữa. Và căn cứ trên tình hình chính trị rối ren lúc này ở Nam Kỳ, Cao Ủy cho rằng việc trở về Vĩnh Long xem ra quá sớm sủa.” (Trích Trần Thị Liên trong “Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance 1945-1954”, trang 42

Trong bức thư mục vụ đầu tiên, giám mục Ngô Đình Thục đã gián tiếp theo tinh thần của Tông thư Maximum Illud và Rerum Ecclesiae ở trên khi khẳng định rằng “Các linh mục Việt Nam sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong giáo phận mới vì sự thiêng liêng, trí tuệ và học vấn của họ không thua kém gì các nhà truyền giáo Âu Châu. Giáo phận mới chứng tỏ rằng được giáo hoàng thương yêu tôn trọng và tin tưởng nhân dân Việt Nam như tin tưởng hàng trăm ngàn linh hồn nằm trong tay vị giám mục Việt Nam và các linh mục Việt Nam với trách nhiệm đưa họ đến Thiên Đường.”

Tôi tự hỏi trong việc bổ nhiệm này, Vatican có phải “xin phép” và mặc dầu có sự chống đối chính thức của chính quyền Pháp cũng như của viên thống sứ Nam Kỳ? Nhưng cuối cùng thì Vatican có phải xin phép chính quyền thực dân Pháp giống như HĐGM Việt Nam phải xin phép đối với chính quyền cộng sản Hà Nội hiện nay hay không?

Việc tấn phong Ngô Đình Thục gián tiếp gợi nhớ đến những người như Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả. Việc tôn vinh một tân giám mục trí thức và xuất sắc cho thấy tính cách một đại gia đình quý tộc miền Trung đang nắm giữ một vị trí quan trong trong giáo hội Thiên Chúa giáo cũng như tiềm năng chính trị tương lai của những người em là Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.

Trong buổi lễ tấn phong giám mục tại Huế, nhiều báo chí đã ghi lại những hình ảnh kỷ niệm về Nguyễn Hữu Bài đã có công gởi tu sinh đi du học nước ngoài, trong đó có cậu thanh niên Ngô Đình Thục. Những hình ảnh ghi lại khi Nguyễn Hữu Bài có dịp đến Rome đã có dịp gặp gỡ tu sinh Ngô Đình Thục đang học ở Rome như thế nào. Người ta còn trích dẫn một số bài thơ của Nguyễn Hữu Bài và được đọc lên trong buổi lễ tân phong giám mục.

Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Luyện nay có dịp chính thức tháp tùng vị tân giám mục trong các buổi lễ chính thức, chu du khắp mọi miền đất miền Nam cũng như đất Bắc. Từ đó giúp họ học hỏi quan sát và tiếp xúc dưới bóng của vị giám mục. Cũng nhờ đó giúp họ có cái nhìn toàn diện về con người, về hoàn cảnh chính trị của ba miền. (Trích tóm tắt Charles Keith trong Annam vùng lên như trên.)

Không lạ gì vai trò của ông Ngô Đình Thục sau này dính dáng nhiều trực tiếp cũng như gián tiếp đến sinh mệnh chính trị của các anh em của ông như ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Sự dính dáng xa gần, tạo ảnh hưởng hay khuyến cáo của GM đã có lúc đạo đời dẫm chân lên nhau. Lúc nào và trong tư cách gì, vai trò giám mục trở thành tiếng nói uy quyền và chỉ đạo trong những vấn đề thuộc chính trị? Có sự lẫn lộn đạo và đời, có sự tôn giáo xâm nhập vào lãnh vực chính trị mà nhiều người không dám nói thẳng ra.

Sự nể vì phải im lặng trở thành nỗi hậm hực của cả trong và ngoài giáo hội.

Sự lạm quyền cũng đã xảy ra nhân danh một giám mục là nguyên nhân của những ngòi thuốc nổ chậm làm khuynh đảo chế độ. Người ta ghét chế độ đồng thời ghét cả tôn giáo của người lãnh đạo. Cả đạo lẫn đời đều bị thiệt thòi.

Đó là những bước đi chệch lạc của vị giám mục này.

Phải nói rằng, ở những giai đoạn trước 1954, GM Ngô Đình Thục có một tinh thần dân tộc ôn hòa (modéré) cố giữ được sự trung lập cần thiết trong mối giao hảo với người Pháp. Mặc dầu vậy, ông vẫn nghiêng về phía các phong trào kháng chiến, trong đó có Việt Minh như trong hai lá thư viết cho Phạm Văn Bạch và tướng Nguyễn Bình.

Người ta cũng không quên được ông vốn là người mang nặng tình cảm gia đình, gắn bó ruột thịt với các người em của ông đang có những hoạt động chống Pháp vào những năm 1945. Hai người em, đặc biệt Ngô Đình Diệm đã bị nghi ngờ về xu hướng theo Nhật và đã bị Pháp bắt giữ. Vì thế, ông đã nóng lòng và không ngần ngại hy sinh tiếng tăm và “tạm thời bỏ quên quan điểm chính trị” của mình viết một lá thư năn nỉ, xin sỏ một cách yếu hèn gửi cho toàn quyền Đông Dương Jean Decoux vào ngày 21 tháng 8, 1944 để xin vị toàn quyền khoan hồng cho các em. Nội dung lá thư gửi cho Decoux có đoạn:
“S’il était prouvé que leur activíte a pu nuire aux intérêts de la France, je la désapprouve du fond du coeur, come évêque, comme annamite, et commme membre d’une famille dont le père a servi la France dès sa premìere venue en Annam et a exposé maintes fois sa vie pour elle dans les expéditions menées, comme lieutenant de Nguyễn Thân, contre les rebelles commandées par Phan Đình Phùng à Ngệ An et Hà Tĩnh.”

Nếu biết rằng các hoạt động của các em tôi chứng tỏ là có hại cho quyền lợi nước Pháp thì – với tư cách của một giám mục, tư cách của một người An Nam và với tư cách của một người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ cho nước Pháp ngay từ khi người Pháp đến Việt Nam và thân phụ tôi đã nhiều lần liều mình đưa mạng sống mình phục vụ cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu dưới quyền của Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nội loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ An và Hà Tĩnh…”
Nếu chỉ căn cứ vào lá thư này thôi thì tự thân lá thư là điều đáng để kết án.

Nhưng nếu căn cứ đầy đủ các tài liệu phúc trình của Phòng Nhì Pháp nay còn lưu trũ ở văn khố Pháp thì người Pháp nghi ngờ và tìm mọi cách ngăn cản những hoạt động của Ngô Đình Thục trong vai trò giám mục. Ông bị theo dõi và ngăn chặn không được về Vĩnh Long và ông phải về Sài Gòn, đi xe về về Mỹ Tho, rồi nhờ người đưa dẫn về giáo phận. Hơn nữa nay có hai lá thư của giám mục Ngô Đình Thục gửi cho Phạm Văn Bạch và tuớng Nguyễn Bình bị phòng nhì Pháp bắt được chứng tỏ ông là một người quốc gia chống Pháp.

Cả hai lá thư trên đều nằm trong hồ sơ lưu trữ của Pháp chung với lá thư gửi cho toàn quyền Decoux. Một thư gửi cho Phạm Văn Bạch đề ngày 22 tháng 8, 1948, một gửi cho tướng Nguyễn Bình ngày 22 tháng 9, 1948.

Lá thư thứ nhất gửi cho Phạm Văn Bạch cám ơn sự giúp đỡ của Phạm Văn Bạch trong việc hộ tống GM Ngô Đình Thục về Phát Diệm dự lễ tấn phong cho tân giám mục Lê Hữu Từ. (Ông bị ngăn cản và phải ở lại Biên Hòa) ông Thục giải thích và cắt nghĩa lập trường của người công giáo cũng chống thực dân Pháp, nhưng lại e dè và nghi ngờ những người cộng sản trong vai trò lãnh đạo kháng chiến. Ông viết:
“Chúng tôi biết rằng le Nam Bộ tranh đấu cho một tổ quốc, chứ không phải cho một đảng phái nào. Nhưng khi đến ngày chiến thắng, cái ngày mà chúng ta sẽ không còn phảo lo toan đến câu chuyện bên ngoài, ai sẽ bảo đảm cho chúng tôi rằng tôn giáo của chúng tôi, đạo Thiên Chúa, sẽ được tự do hành đạo theo tín lý của mình? Nếu cứ nhìn trước mắt mình thì thấy kinh nghiệm của các quốc gia theo Thiên Chúa giáo như Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và Ba Lan mà ở những nơi đó những đảng cầm quyền đã hà hiếp những người Thiên Chúa giáo từng đã góp phần vào công cuộc kháng chiến. Ông hiểu rõ vấn đề này hơn chúng tôi, một tu sĩ không có được rành rẽ về những biến cố chính trị.”
Trong lá thư viết cho tướng Nguyễn Bình có đoạn như sau:
“Chúng tôi nhận thấy rằng những người công giáo đã hết lòng với tổ quốc mình, nhưng tỏ ra nghi ngờ ban lãnh đạo kháng chiến là thuộc thành phần cộng sản giống như ở bên Âu Châu và bên Tàu, những người cộng sản đương quyền đã tự do khai trừ trước hết là những người công giáo. Họ mong đợi và hy vọng rằng những người lãnh đạo Việt Minh kháng chiến không lệ thuộc vào bất cứ đảng phái nào và nếu được như vậy thì người công giáo sẽ tham gia vào kháng chiến như mọi người.”
Phần những người kháng chiến Nam Bộ. Họ đã gửi một phúc trình vào tháng 9/1947 về GM Ngô Đình Thục như sau:

“GM Ngô Đình Thục quả thực là một người yêu nước trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc Việt Nam.

Ông đã từng giúp đỡ tài chánh và ủng hộ tinh thần cho kháng chiến… Do những tiếp xúc với những người đại diện của ông, những hiểu lầm đã không còn nữa.

Không có một mối liên lạc trực tiếp với ông, chúng tôi không thể đưa ra một ý kiến gì về tư tưởng của ông đối với chính quyền Việt Nam hiện thời.”
Phần người Pháp đã nhận xét về giám mục Ngô Đình Thục như sau:
“Hình như vị giám mục này đóng nhiều vai trò, mặc dầu đứng đằng sau các hoạt động của Ngô Đình Diệm, ông giám mục đã có những liên lạc riêng với ủy ban kháng chiến khu 8. ” Mặt khác, giám mục Thục đã gửi một đại diện của ông tới tòa thánh Vatican để yêu cầu ủng hộ cho nền độc lập cho Việt Nam. Nhận thấy điều đó, người Pháp lo ngại và cũng cho người tiếp xúc với Vatican.

(Xem trích dẫn những lá thư trong tài liệu văn khố của Pháp của Trần Thị Liên, “Les catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance 1945-1954”, trang 207-209.)

Việc hành xử và thái độ chính trị của giám mục Thục trong giai đoạn người Pháp cai trị được coi là chính đáng. Tuy nhiên, sự can thiệp của giám mục Thục vào chính trị thời đệ nhất cộng hòa là một điều tệ hại, làm hại đến uy tín chính trị của tổng thống Ngô Đình Diệm hơn là có lợi cho ông Diệm. Ông Ngô Đình Thục nhiều khi dùng vị trí niên trưởng trong hội đồng giám mục đã có những việc làm không tốt đẹp và bất xứng với tư cách tổng giám mục công giáo.

Xin trích dẫn tóm lược hai lá thư của giám mục Ngô Đình Thục mà một bức thư (ngày 29-4-1957) được người viết đánh giá là giả mạo - không phải giám mục Thục viết - vì về kỹ thuật, lá thư không có tiêu đê tòa giám mục Vĩnh Long ở bên trái như thường lệ, không có chữ ký của giám mục cũng không có dấu triện đỏ cuối thư như thông thường. Nội dung lời lẽ trong lá thư thì tỏ ra bất xứng với vai trò một giám mục đối với các giám mục khác. Ngôn từ hằn học và xấc sược. Chẳng hạn như “Không có tổng thống thì đạo đâu còn? Di cư vào đâu? của ở đâu? Ai xin cho mà có nhà lầu xe hơi, bơ sữa? Và cha mẹ bà con thân quyến lấy chi mà sống với mực sống trung bình hơn giáo sĩ và dân Nam…”

Nội dung lá thư lên án một vài linh mục làm bậy như Lm Của lấy tiền địa phận mua mấy chục xe ăn trộm bị chính quyền xử phạt lại được Lm Vui (sau này nằm trong đám trí thức Caravelle chống chính phủ) cho là chế độ bắt đạo như thời ban sơ. Vụ thứ hai liên quan đến các tờ báo Đường Sống, đến một số trường tư thục thiên chúa giáo di cư như trường Nguyễn Bá Tòng, v.v... Đây là những cơ sở kinh tài dựa trên tiền viện trợ Mỹ. Đặc biệt có sự tài trợ của đức cha Harnett xin được và có thể có sai trái về quản lý, về bằng cấp của hiệu trưởng và các giáo sư. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã muốn hợp pháp hòa các trường Thiên Chúa giáo di cư theo luật lệ hiện hành. Nhưng về mặt thực tế, những trường do dân di cư thiết lập đã giải quyết một phần không nhỏ trong việc bình thường hóa việc học của con cái người dân di cư không phải là nhỏ.

Những tố cáo trong lá thư nhiều chỗ không có cơ sở. Vì thế vào ngày 12/8/1957, có một lá thư khác ký tên Bùi Trung Thuận đề Sàigòn ngày 8/8/1957 với tiêu đề: “Bác truyền đơn phỉ báng giáo hội”. Nội dung lá thư viết tiếp:
Thời gian gần đây, thiên hạ bàn tán sôi nổi về một bức thư, họ cho đó là một thư lăng mạ vì tư thù. Tôi nghĩ: nếu là tư thù thời là truyện tiểu nhân: không cần đếm xỉa tới. Nhưng nay thư đó đã bay rải rác, biến tthành truyền đơn, vào tới cả những tòa tỉnh trưởng. Và không may nó tới cả tay tôi: tôi nhận thấy nó là một bài phỉ báng Giáo Hội. Vì thế tôi buộc lòng phải lên tiếng.
Thư đó ký tên của GM Thục. Tôi ngẩn người: chắc đây là một vụ mạo ký. Một vị giáo phẩm có thể rêu rao bôi nhọ hàng giáo phẩm ư? Trừ phi vị ấy đã theo bè rối hoặc bỏ đạo.

Dư luận rằng: Người mạo thơ ấy là P.V. Trong bài này, người viết tạm dùng cái tên là VỤ.

Sau đó, kể cả giám mục Thục và các giám mục đã không một ai lên tiếng cải chính về nội dung lá thư giả mạo trên. Tuy nhiên, dù là thư giả mạo, nó cũng cho thấy có những dấu hiệu chia rẽ giữa hàng giáo sĩ trong Nam và giáo sĩ di cư như chứng minh sau này.

Đằng khác, đây là một bài học cảnh báo cho bất cứ giám mục, linh mục nào ở bất cứ thời điểm nào .. Giáo hội cũng thuộc trần thế nên đã có những mục tử có thể không ra gì. Ngày hôm xưa và ngày hôm nay cũng thế thôi!

Việc mừng lễ ngân khánh 25 năm giám mục do ông Trương Vĩnh lễ đứng ra tổ chức và thư mời kèm theo một đóng góp bắt buộc mỗi phần ăn là 5000 đồng cũng là những điều gây mất uy tín cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong hồi ký Bên giòng lịch sử của linh mục Cao Văn Luận cũng bày tỏ sự bất bình về buổi lễ tổ chức ngân khánh này và chính ông Ngô Đình Nhu cũng muốn nhờ linh mục can thiệp đề nghị dẹp bỏ buổi lễ.

Thật khó cho những người làm chính trị như ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trong những trường hợp khó xử dính dáng tới những người ruột thịt trong trường hợp này.

Tuy nhiên, lá thư của giám mục Ngô Đình Thục gửi cho các cha sở ra lệnh đi biểu tình ủng hộ chính phủ 1963 là điều khó chấp nhận được.
“Lối 9 giờ, sẽ có biểu tình khổng lồ để tỏ sự biết ơn chính quyền đã chận đứng mưu mô tàn sát bổn đạo kịp thời. Để tỏ lòng tri ân của giáo dân thì ai nấy phải đi dự cuộc biểu tình để tỏ ra cho quốc tế biết dân ta hết thảy đứng sau lưng tổng thống. Cha Sở nên hướng dẫn bổn dạo mình di. Ta cho phép làm lễ buổi chiều cho tiện cho bổn đạo mắc đi biểu tình. Ta cũng xin Cha cho hay bổn đạo cha đi được bao nhiêu nam nữ, để ta biết bổn dạo biết vâng lời Bề Trên hay không?

Chúc lành cho Cha và bổn đạo Ta.

P.M. Ngô Đình Thục (ký tên)
Nội dung lá thư trên đi ra ngoài khuôn khổ tôn giáo.

Bài học này cũng là bài học cảnh báo gửi đến một số lãnh đạo đang “làm tay sai” cho chế độ cộng sản hiện hành ở một mức độ tệ hại hơn nữa, vì nó biến tôn giáo trở thành công cụ cho một chế độ bất nhân và phi nhân bản.

Bài học này cũng nhắc nhở dến lá thư của giám mục Cassaigne thời Pháp thuộc ở địa phận Sài Gòn đã tra vấn các linh mục VN trong vụ có 4 Lm đi theo kháng chiến. Các Lm giáo sư bị bắt buộc trả lời giám mục Cassaigne là các linh mục như Nguyễn Văn Bình (sau là tgm sàigòn, Lm Đậu, Lm Kính và Lm Thiên, sau là giám mục).

Chú thích: Tất cả các lá thư vừa trích dẫn ở trên là tài liệu riêng của gia đình của người viết. Đó là những tài liệu duy nhất có được và mọi trích dẫn nếu cần, xin nêu rõ xuất xứ.

Việc phong chức giám mục Lê Hữu Từ
Việc phong chức giám mục này trùng hợp với những biến động chính trị sôi động ở VN: Ngày 9 tháng 3, 1945, Nhật giải giới quân đội Pháp. Ngày 23 tháng 8, Bảo Đại từ chức. Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Ba Đình.

Riêng giám mục Lê Hữu Từ, một người quốc gia cực đoan, ông tìm kiếm một giải pháp chính trị tự chủ cho Phát Diệm giữa một bên là phía Quốc gia (có Pháp) và chủ nghĩa cộng sản. Để bảo đảm cho tính cách tự trị này, GM Lê Hữu Từ tổ chức một đội ngũ chừng vài ngàn dân quân, trong đó có những thiếu niên 12, 13 tuổi với hơn 1000 tay súng.

Trong giai đoạn đầu, 1945, GM Lê Hữu Từ xem ra chính thức đi với Việt Minh với chức cố vấn của Hồ Chí Minh giao phó. Chính vì sự liên minh này đã tạo ra một sự “an toàn” khu vực tạm thời mà người dân có thể di chuyển tư các vùng Bùi Chu, Phát Diệm vào đến Nho Quan Thanh Hóa. Một cách tự nhiên, vùng Phát Diệm trở thành vùng trái đệm an toàn cho tất cả những ai tránh nạn truy tầm của Việt Minh đồng thời là điểm giao liên buôn bán giữa “vùng địch tạm chiến” và vùng “tự do”.

Những người di cư từ các vùng Hà Nội, Nam Định, Phủ Lý kéo nhau về Phát Diệm như chỗ trú ẩn an toàn. Dân số Phát Diệm vì thế tăng lên 60.000 người. Và dân số toàn khu Phát Diệm là 120.000 người, chưa kể dân chúng ở các vùng chung quanh. Chính sách “vườn không, nhà trống” hay “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh càng làm cho Phát Diệm trở thành khu an toàn vì GM Lê Hữu Từ chống lại chính sách tiêu thổ kháng chiến.

Phần các thành phần đảng phái chạy trốn về Phát Diệm đã lợi dụng cơ hội này để thủ tiêu các thành phần thân Việt Minh. Con số cán bộ Việt Minh bị giết lên đến 200 người.

(Trích Sureté Fédérale du Tonkin, Hanoi le 8/11/1947. Situation de Phat Diem, signé Moret. Trích lại trong Trần Thị Liên, trong Les catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Inđépendance, 1945-1954, trang 171-173.)

Ngày 10/02/1947, Hồ Chí Minh và GM Lê Hữu Từ gặp nhau tại Nho Quan để giải quyết những bất đồng và những xung đột địa phương và GM Lê Hữu Từ đã đạt được những bảo đảm về sự an toàn của Phát Diệm qua lời hứa của Hồ Chí Minh. Ngày 2/3/1947, GM Lê Hữu Từ lại nhận được thư của Hồ Chí Minh nhấn mạnh về sự hợp tác để chống lại người Pháp.

Và cứ theo lời kể lại của vị giám mục này thì ngoài sự bảo đảm trên, ông còn nhân được một cái “hôn” từ “Bác Hồ”, kèm theo những giọt nước mắt.

Nhưng sự liên minh này không tồn tại lâu dài vì có những xung đột ở các địa phương giữa bộ đội và dân quân công giáo. Và đến năm 1949 chấm dứt giấc mộng tự chủ và Phát Diệm ngả dần về giải pháp Bảo Đại và phía người Pháp.

Xu hướng nghiêng về sự hợp tác với Pháp và giải pháp Bảo Đại phần lớn là do những quyết định từ những người cộng sự thân tín của GM Lê Hữu Từ như Lm Hàm, Lm Đệ, Lm Quỳnh. Họ có đều có những liên hệ tiếp xúc và cộng tác với Pháp về nhiều mặt như: xin được cung cấp võ khí, xin được giúp đỡ tài chánh qua trung gian Bảo Đại. Và để đổi lại, họ cung cấp các dân quân đi lính cho Pháp hoặc cung cấp các tin tức tình báo, tin tức về các cuộc hành quân của bộ đội Việt Minh.

Đặc biệt là trường hợp Lm Hàm đã viết thư cho tổng tuyên úy quân đội Pháp và sẵn sàng bá cáo cho quân đội Pháp các cuộc hành quân của bộ đội Việt Minh trong vùng. Việc làm của Lm Hàm xem ra đi trái ngược với đường lối của GM Từ, nhưng lại tỏ ra thích đáng và “đi trước” thời cuộc trong mưu cầu tìm kiếm đồng minh để ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Minh mỗi ngày một lớn mạnh..

Thật vậy, càng ngày sự chia rẽ giữa công giáo và Việt Minh càng rõ rệt và giảI pháp tự trị của giám mục Lê Hữu Từ càng không có khả năng để thực hiện trên thực tế giữa cuộc tranh chấp Việt Minh và Pháp ..

Sau cái chết của con dại tướng De Lattre De Tassigny, (ngày 30/ 5/ 1951, tại Ninh Bình). Trước nỗi đau đớn về cái chết của con trai, đại tướng De Lattre đã quy trách nhiệm cho địa phận Bùi Chu, Phát Diệm vì đã không thông báo về các cuộc hành quân của Việt Minh.

Đại tướng De Lattre đã ủy cho đại tá Gambiez đi gặp các giám mục để gửi những lời trách móc đồng thời một tối hậu thư gửi đến hai giám mục, mong muốn các GM có một lập trường rõ rệt hơn đối với người Pháp.

Trong trường hợp ngược lại thì De Lattre sẽ dùng biện pháo là phong tỏa hai giáo phận để có thể duy trì được sự ổn định trong vùng.

Vào buổi chiều ngày 2/6/1951, sau khi tiếp xúc với đại tướng De Linares, đại diện tướng De Lattre, GM Lê Hữu Từ đứng trước sân nhà thờ Phát Diệm, vào lúc 18 giờ, trước một đám đông dân chúng đông nghẹt, Giám mục Lê Hữu Từ đã tuyên bố yêu cầu một nền độc lập cho Việt Nam trong danh dự dưới sự bảo trợ của người Pháp chống lại những người cộng sản. Ông tuyên bố tiếp cái chết của con vị đại tướng chẳng những chết cho Liên Hiệp Pháp mà còn cho chính Việt Nam. Và kể từ nay, bất cứ ai cộng tác với người Pháp thì không được coi như là những thành phần phản bội nữa. Sau đó, ông kêu gọi, trước tình thế mỗi ngày một nghiêm trọng, tôi ra lệnh động viên tất cả những người từ 18 đến 45 tuổi. Tất cả những người đàn ông phải được trang bị vũ khí để bảo vệ Phát Diệm.

Mối quan hệ nhiều năm với Việt Minh kể như chấm dứt và dưới mắt Việt Minh, giám mục không phải là nhân vật persona grata trong các vùng “tự do” nữa! Người ta nhặt được nhiều truyền đơn nhằm bôi nhọ uy tín của giám mục Lê Hữu Từ và coi ông như kẻ phản quốc và tìm cách hạ ngay cả uy tín tinh thần của giám mục trong giáo hội Thiên Chúa giáo.

Lập trường của các vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo từng cộng tác với Việt Minh nay có thay đổi vì họ nhận ra càng ngày Việt Minh càng lộ diện là cộng sản. Đó cũng là quan điểm, thái độ của GM Ngô Đình Thục trong hai lá thư viết cho Phạm Văn Bạch và tướng Nguyễn Bình trước đây.

Chung quanh Phát Diệm, nay có ít nhất 10 đảng phái chính trị ít nhiều có quan hệ với giám mục Lê Hữu Tư như Xã Hội Công giáo, Dân Chúng Liên Hiệp, Duy Dân, Trung Vinh, Đại Việt, Phật giáo đoàn, Việt Nam Quốc dân đảng, Phụng sự quốc gia đoàn và Dân tộc giải phóng, v.v…

(Trích tóm lược Trần Thị Liên, như trên trang 398-402)

Phần GM Phạm Ngọc Chi, giám mục Bùi Chu còn đi xa hơn một bước trước tình trạng nguy kịch bị Việt Minh lấn chiếm và đe dọa. Các tu sĩ hoảng sợ Bùi Chu và Phát Diệm sẽ rơi vào tay Việt Minh. Khắp nơi đều có du kích đe dọa. Đầu năm 1952, qua trung gian một linh mục gốc Bỉ, Lm Willichs đã kể lại trong một bữa cơm với ông thủ tướng Trần Văn Hữu, có đại diện của Hoa Kỳ. GM Phạm Ngọc Chi đã cho thấy tình trạng tuyệt vọng có thể bị Việt Minh xâm chiếm. Ông đã yêu cầu Hoa Kỳ gửi quân đội sang giúp VN… Vị đại diện Hoa Kỳ đã trả lời là điều đó không thể thực hiện được.

Tình trạng nguy kịch ấy cũng được lãnh sự Hoa Kỳ bá cáo như sau vào năm 1953, “Các tỉnh như Bùi Chu nằm trong chương trình bình định và chuyển giao cho địa phương có nguy cơ bị xâm chiếm bởi Việt Minh.”

(Trích Trần Thị Liên, như trên trang 527)

Về phía người Mỹ, họ tránh né một cách tế nhị để khỏi đụng độ với quyền lợi người Pháp ở đây và không có một chương trình giúp đỡ trực tiếp nào theo lời yêu cầu của các giám mục.

Phần giáo hội Thiên Chúa giáo, họ sắp phải đương đầu với một sự chiến thắng cuối cùng của Việt Minh trong thời gian hai năm nữa! Dấu hiệu của sự thất bại quân sự của người Pháp trước Việt Minh tại nơi này đã có thể thấy trước được rồi.

Vai trò của bốn giám mục tiên khởi đánh dấu một giai đoạn khởi đầu đầy hứng khởi cho giáo hội Thiên Chúa giáo và lúc kết thúc một cách bi kịch vì những dính dáng chính trị đi ra ngoài khuôn khổ làm tổn hại không ít đến thực thể giáo hội không ít.

Dù sao đây cũng là bài học cho hậu thế soi chung!


© DCVOnline
.
.
.

No comments: