VÕ HƯNG THANH
16/01/2011
Giữa thế kỷ 19 Các Mác đưa ra học thuyết của mình phê phán gắt gao xã hội tư bản chủ nghĩa. Cơ sở của sự đả kích này là tình trạng kinh tế xã hội tư bản thời kỳ phôi thai, mới chuyển từ nền sản xuất manh mún của xã hội phong kiến sang nền sản xuất tập trung của xã hội tư bản chủ nghĩa.
Từ những nhận xét ban đầu của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác kết luận nền sản xuất này chỉ là thời kỳ quá độ để tiến tới nền sản xuất trong xã hội cộng sản chủ nghĩa. Cơ sở và lý do của tình trạng quá độ này được Mác đưa ra là tình trạng người bóc lột người và xã hội bị phân chia thành giai cấp. Bởi vậy ý hướng của Mác trong xã hội cộng sản chủ nghĩa trong tương lai là không còn tình trạng người bóc lột người và xã hội không còn giai cấp.
Ngoài nhiều bài viết và tác phẩm đả kích xã hội tư bản, bộ sách chủ yếu và cao điểm nhất của Mác phân tích nhằm đả phá xã hội và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính là bộ Tư bản luận (das Kapital). Trong bộ sách này Mác tuyên bố sự dẫy chết của xã hội tư bản để tiến tới nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa.
Như vậy cơ bản của học thuyết Mác chính là ý niệm bóc lột trong kinh tế tư bản chủ nghĩa, ý nghĩa phân chia giai cấp trong quá khứ của xã hội loài người, và ý nghĩa đấu tranh giai cấp như động lực và lịch sử của cuộc cách mạng toàn diện cho thế giới.
Nguồn gốc của bóc lột Mác cho rằng đó là do quyền tư hữu. Nhưng quan trọng hơn cả, ý nghĩa của đấu tranh giai cấp là Mác rút ra từ quan điểm biện chứng (die Dialektik) của hệ thống triết học Hegel. Điều này bắt nguồn từ sự kiện Mác là một người trẻ theo thuyết Hegel trong thời đại của ông ta. Bởi đấu tranh giai cấp không theo Mác không phải chỉ là hiện tượng bề ngoài và tự nhiên trên bình diện khách quan của kinh tế xã hội, mà nền tảng sâu xa chính là quy luật biện chứng như là quy luật thiết yếu bao trùm toàn thể tồn tại.
Tất nhiên Hegel là nhà triết học duy tâm, hệ thống Hegel là hệ thống duy tâm, “phép biện chứng” của Hegel cũng là “phép biện chứng” duy tâm, thế mà Mác lại đưa vào hệ tư tưởng hoàn toàn duy vật của mình, chính là điều đầu tiên không ổn, chẳng khác gì râu ông nọ cằm bà kia, nên đây là chỗ trái khoáy không phải nhiều người thấy được hoặc muốn thấy.
Thế nên cái cốt lõi còn lại chính là sự tư hữu và khái niệm bóc lột. Mác nói xã hội loài người nguyên thủy là xã hội không có tư hữu nên cũng không thể có bóc lột, đó là xã hội cộng sản nguyên thủy, tức làm ăn tập thể. Nhưng khi nói điều này Mác đã không phân biệt cái đã có và cái chưa có. Thật ra xã hội nguyên thủy không phải là xã hội cộng sản như Mác quan niệm mà chỉ là xã hội sơ khai. Ngay cả khái niệm tài sản riêng ở đây cũng chưa có, nói gì là ý niệm cộng sản. Đánh đồng cái chưa có và cái có ở đây chính là một suy nghĩ còn lờ mờ của Mác. Giữa con số 0 và số ε (epsilon) trong toán học vẫn cách xa một trời một vực, giống tư cánh hoa tàn và mầm trái mới nhú là hoàn toàn khác nhau.
Cho nên Mác vì quá say mê và tin chắc tuyệt đối vào thuyết biện chứng của Hegel, khiến trở thành chỉ nặng về lý luận tư biện (spekulatives Argument) mà quên đi chính thực tế tự nhiên của cuộc đời và xã hội. Từ đó Mác cũng quên mất điều phân biệt giữa ý niệm cứu cánh và ý niệm phương tiện về mặt ý nghĩa của tư hữu. Bởi nói chung, xét cho cùng, về mặt sinh học và xã hội, thì sự tư hữu luôn luôn chỉ là phương tiện mà không hề bao giờ là cứu cánh cả. Bởi quy luật sinh học và xã hội vẫn luôn luôn là sự phát triển, cho nên tư hữu vẫn trở thành quy luật phổ biến, vì là công cụ và tiện ích tối cần cho mỗi cá thể (không phân biệt thuộc phạm vi nào) tồn tại phát triển đi lên, mà không bao giờ là cứu cánh tối hậu như một cách nhìn hời hợt.
Mác cho rằng vì tư hữu là nguồn gốc của bóc lột, của giai cấp, nên triệt tiêu sự phát sinh ra hai hệ quả này cũng đồng thời triệt tiêu giai cấp, tiệt tiêu đấu tranh giai cấp, để đi đến xã hội không còn bóc lột, không còn giai cấp. Trên nền tảng đó, Mác cũng cho rằng nhà nước là công cụ của đấu tranh giai cấp, pháp luật là ý hệ của đấu tranh giai cấp, tức thuộc thượng tầng kiến trúc, nên một xã hội cộng sản hoàn toàn lý tưởng trong tương lai cũng không còn nhà nước, không còn pháp luật, vì không còn giai cấp. Mác cũng mô tả xã hội lý tưởng trong tương lai đó mọi người đều làm ăn tập thể, tự nguyện tự giác sản xuất, người công nhân được giải phóng hoàn toàn, buổi sáng có thể đi câu cá, buổi chiều có thể vào xưởng thợ, buổi tối có thể đi chơi tùy thích, bởi vì lúc đó mọi người đều làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu, triệt tiêu tiền tệ, vì tiền tệ là nguồn gốc của giai cấp và bóc lột, nên cũng triệt tiêu luôn cả mọi sự phân công tự nhiên, khách quan của xã hội. Chỉ còn lại một xã hội hoàn toàn tự quản, hoàn toàn phân phối mọi thành quả lao động cho nhau. Quả thật là hết sức không tưởng, quên mất đi mọi yếu tố trì lực, khuynh hướng sinh học, hay bản năng vật chất, yếu tố nọa tính tự nhiên, của tâm lý con người.
Mác cho rằng học thuyết của mình là học thuyết khoa học duy nhất đúng, bởi ông ta tin chắc vào quy luật biện chứng của Hegel như là quy luật phổ biến khách quan tự nhiên của vũ trụ, nên niềm xác tín đó khiến Mác luôn luôn trụ vững trong mọi khía cạnh khác nhau nơi học thuyết lịch sử, xã hội của mình. Có nghĩa Mác cũng đã “triết lý hóa” theo kiểu tư biện những khái niệm hoàn toàn thực tế, khách quan, cụ thể và tự nhiên của những con người bằng xương bằng thịt nơi thế gian cụ thể và hoàn toàn sống thực của lịch sử xã hội. Quy luật phát triển đi lên của xã hội từ nguyên thủy đến hiện đại, qua các giai đoạn lịch sử khác nhau là hoàn toàn khách quan, tự nhiên, có khi đột biến hay ngẫu biến là những trạng thái cá biệt. Phạm trù hóa vào các hình thái xã hội liên tiếp nhau cách tất yếu là điều Mác đã làm một cách khiên cưỡng, tràn đầy suy diễn theo kiểu chủ quan. Do vậy sự lên án giai đoạn này hay giai đoạn khác đã qua của lịch sử cũng hoàn toàn phi lý.
Bởi con người nói cho cùng là con người sinh học và tâm lý. Con người là thực thể sinh học, nên quần thể xã hội thực chất cũng là quần thể sinh học. Nó luôn luôn chịu sự tác động qua lại của môi trường thế giới tự nhiên ở chung quanh. Điều này ngày nay trên khắp thế giới mọi người đều thấy rõ kết quả của tác động môi trường là như thế nào. Chính mỗi cá thể sống đều là một thực thể sinh học, cho nên tâm lý ý thức tự nhiên của cá nhân và xã hội con người vẫn phải coi tư hữu là phương tiện thiết yếu không thể nào khác và cũng không phải gì khác. Như thế chủ trương loại bỏ óc tư hữu, loại bỏ quyền tư hữu là hoàn toàn trái khách quan, trái tự nhiên và không thực tế. Đây là một ảo tưởng phi khách quan và phi khoa học của chính Mác.
Mặt khác, quy luật cấu trúc của muôn vật vẫn là quy luật khách quan và tự nhiên. Mọi sự tồn tại đều có cấu trúc hay thuộc về một cấu trúc, đó là điều chắc chắc. Trong thế giới vi mô của những hạt cơ bản, đến thế giới vĩ mô của các thiên hà, đến xã hội và lịch sử phát triển xã hội của loài người, ý nghĩa này luôn luôn là một thực tại. Nên nói thẳng ra, giai cấp hay giai tầng xã hội phải luôn luôn có, vì đó là thực tế khách quan, là kết quả của sự cọ xát về mọi phương diện tâm lý, ý thức và năng lực tự nhiên của mỗi cá nhân con người. Nói một xã hội không giai cấp cũng như nói một tồn tại phi cấu trúc, đó là điều hoàn toàn vô lý.
Cho nên ý nghĩa của giai cấp hay giai tầng xã hội không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn theo ý hướng tích cực. Khía cạnh tiêu cực là khía cạnh phản lại con người, phản lại xã hội, tức ý thức phân biệt giai cấp theo kiểu ích kỷ, kiểu kỳ thị, kiểu phân biệt đối xử. Đó là quan điểm phản nhân bản. Trái lại, ý hướng tích cực là ý hướng khách quan, khoa học, mỗi cá nhân và xã hội đều luôn luôn cần phải thăng tiến, cải thiện, hoàn thiện chính bản than của mình, nhằm làm cho cấu trúc tự nhiên của xã hội càng ngày càng phù hợp, khách quan, hiệu quả, tốt đẹp, lý tưởng hơn. Cho nên, chính sự khác nhau về quan điểm, về cái nhìn khiến người ta có quan niệm sai lệch, có cái nhìn thiển cận, thù địch với ý nghĩa khách quan, mà không phải đó là thái độ hay là điều hoàn toàn hợp lý.
Vì thế quan điểm duy vật lịch sử của Mác là bắt nguồn từ quan điểm duy vật biện chứng nhưng không phải là quan điểm khoa học xã hội hoàn toàn khách quan và thực tế. Nhưng có điều đã là quan điểm duy vật, cũng không thể nào có quy luật biện chứng theo đúng nghĩa. Bởi quy luật biện chứng luôn gắn liền với tiềm lực (duy tâm) và cứu cánh luận (cũng duy tâm nốt), nên quan điểm duy vật thuần túy mà lại gắn với tính biện chứng chỉ có nghĩa là niềm tin cảm tính mà hoàn toàn không có ý nghĩa khách quan khoa học hay hoàn toàn triết học. Cũng từ đó mà khái niệm các hình thái xã hội, tức sự phát triển tự nhiên khách quan của xã hội loài người từ cộng sản nguyên thủy, sang tư hữu phong kiến, sang tư hữu tư bản chủ nghĩa, cuối cùng sang công hữu cộng sản chủ nghĩa chỉ hoàn toàn là suy luận trừu tượng kiểu tư biện của lý thuyết biện chứng mà tuyệt nhiên không phải những dữ kiện khách quan khoa học lịch sử và xã hội thật sự.
Nói cách khác, quần thể xã hội loài người cũng là một quần thể sinh học, cho nên sự tác động của các quy luật sinh học vẫn là điều cơ bản và khách quan tự nhiên. Có thể kể tóm lược các quy luật cơ bản đó là quy luật đấu tranh sinh tồn, quy luật cộng hợp tồn tại, và quy luật biến thiên phát triển. Các quy luật này thuyết tiến hóa và thực tại tiến hóa của lịch sử khách quan đã cho thấy nhiều, cả phương diện sinh học tổng thể lẫn phương diện sinh học phân tử ngày này, đồng thời có rất nhiều khía cạnh bổ sung của chúng như khía cạnh đột biến, khía cạnh chọn lọc tự nhiên chẳng hạn.
Do đó sự phân hóa thực tế trong xã hội vẫn là sự phân hóa tự nhiên, không thể nào ngăn chặn hiệu quả được sự phân hóa này. Giống như mầm cây phát triển thành cây là sự phân hóa tự nhiên. Nên cây cho ra hạt chính là hạt khác, không phải trở lại cái hạt ban đầu như cách lý luận của Mác cho rằng từ xã hội cộng sản nguyên thủy, phát triển theo quy trình lịch sử, lại quay về xã hội cộng sản khoa học. Bởi vậy, vấn đề không ngăn được sự phân hóa tự nhiên trong xã hội, phải làm sao cho sự phân hóa đó thật sự là hoàn toàn khách quan mà không phải giả tạo. Quan điểm loại bỏ nhà nước, không có pháp luật, là quan điểm hoàn toàn phi lý. Trong khi đó, những thực tế nhà nước bất lực, tiêu cực, lẫn pháp luật không hiệu quả trong việc quản lý xã hội một cách tốt đẹp cũng hoàn toàn trái lẽ và phi lý.
Nhưng cũng từ trên các quan điểm chung nhất đó của Mác mà Lênin (từ cuộc cách mạng vô sản 1917) đã đi sâu và cụ thể vào quan điểm và tổ chức xã hội Liên bang Xô viết theo kiểu tập thể hóa của mình. Hay nói rút lại, học thuyết hay chủ nghĩa Mác-Lênin chính là chủ trương tập thể hóa xã hội. Tập thể hóa xã hội chính là chủ trương kiểu cách làm ăn tập thể, là kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước, thay vì kinh tế cá thể, kinh tế tư bản chủ nghĩa. Bởi Lênin cho rằng chỉ có làm như thế mới tránh được mọi bất công xã hội, mới đấu tranh loại bỏ giai cấp và xây dựng được xã hội thuần túy xã hội chủ nghĩa rồi cộng sản chủ nghĩa.
Kinh tế tập thể là kinh tế hướng mạnh vào sự tập trung của quản lý nhà nước, đó là các kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn nhiều năm, loại bỏ quyền tư hữu, đẩy mạnh quyền công hữu, nền kinh tế theo sự chỉ đạo, sự phân công, theo kiểu cách sản xuất tập thể trong các nhà máy, các công nông trường quốc doanh mà chính Liên xô và các nước XHCN Đông Âu trước kia đã từng áp dụng.
Tất nhiên trong các hoàn cảnh cụ thể của xã hội như thiên tai, chiến tranh, sự tập trung tổ chức, chỉ đạo luôn luôn tỏ ra hiệu quả, có sức mạnh, nhưng đó chỉ là tạm thời, không thể cứ kéo dài vô hạn hoặc vĩnh viễn. Bởi mặt phải là như thế, song mặt trái là sự hi sinh mọi quyền tự do cơ bản của cá nhân con người, sự phản lại tâm lý tự nhiên trong dài ngày, sự phát sinh ra các tiêu cực không thể tránh trong lòng xã hội về rất nhiều mặt, mà đôi khi hậu quả của nó còn nặng nề hơn chính các kết quả mang lại. Điều này kinh qua lịch sử quá khứ, mọi người đều có thể nhìn thấy, và đó cũng là kết cục của sự sụp đổ khách quan, tự nhiên của Liên xô và phe XHCN trước đây.
Thế nên, ý nghĩa của kinh tế xã hội chẳng qua chỉ là ý nghĩa của khoa học kỹ thuật và ý nghĩa của tâm lý ý thức con người. Điều quan trọng nhất là ý niệm bóc lột và giá trị thặng dư trong học thuyết Mác phần nào mang tính chất phiến diện và chỉ nhìn trên bình diện cá thể. Có nghĩa khái niệm bóc lột chủ yếu có liên quan đến tương quan và tính khí cá nhân, lại được khái quát hóa, trừu tượng hóa thành ý niệm đấu tranh giai cấp toàn diện. Đây là cách nhìn vừa mang tính cách trừu tượng toán học vừa mang tính cách khái quát hóa hay tổng thể hóa theo quan điểm biện chứng duy vật. Bởi thật ra, tình trạng bóc lột nếu có, còn mang tính cách cá biệt, tính cách tương quan, và tính cách tính khí của các chủ thể cá nhân con người trong từng trường hợp.
Sự thổi phồng giai cấp, sự khắc họa hay tô đậm đấu tranh giai cấp đúng là ý nghĩa trừu tượng hóa, khái quát hóa, vượt xa trên thực tế. Gọi là chủ thể A bóc lột chủ thể B có nghĩa chủ thể A là kẻ ác ôn, phi đạo đức, và chủ thể B là nạn nhân đáng thương trong xã hội. Thế, nhưng nếu hoán vị hay đổi chỗ giữa hai chủ thể, chưa hẳn tình trạng đã khá hơn nhưng còn tệ hơn, nếu tính khí tâm lý của B còn tệ hơn của A. Như vậy, yếu tố ý thức tâm lý, ý thức đạo đức, trình độ khả năng nhận thức, kết quả giáo dục, cá tính riêng, là một trong những nguyên nhân hay nhân tố quan trọng mà chính Mác không quan tâm đến. Điều này cũng có nghĩa những sự kiện xảy ra trong đấu tranh giai cấp theo kiểu khái quát hóa về giai cấp trong thời Liên xô, hay trước kia ở Trung quốc, ở Khmer đỏ, và nhiều nơi khác, những sự khắc nghiệt quá mức và phi nhân tính thì ai cũng rõ.
Bởi sự công bằng một cách chính xác theo kiểu toán học là điều hoàn toàn không thực tế, không thể có trong xã hội. Cho nên sự công bằng tương đối trong kinh tế hay trong thực tiển đời sống xã hội là điều hoàn toàn khách quan và tự nhiên. Người nào có chút hiểu biết về kinh tế học có thể hiểu rằng ý nghĩa bóc lột và giá trị thặng dư mà Mác nói về kinh tế tư sản, cá thể, hay kinh tế tư bản chủ nghĩa thật sự vẫn đi đôi với ý nghĩa an toàn cá thể, sự dự phòng cá thể, và đi đôi với sự tích lũy tư bản nói chung. Tâm lý an toàn, tâm lý dự phòng, đó là tâm lý đời sống có tính hiển nhiên nơi con người hay thậm chí nơi mọi sinh vật nói chung. Câu chuyện con sóc giấu quả thì ai cũng biết, tâm lý tiết kiệm lo xa cũng là tâm lý tự nhiên của mọi con người.
Cho nên nếu nhìn đại thể, sự tích lũy tư bản không phải xấu, mà là điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội. Bởi nếu lao động xã hội được làm ra đều chi tiêu hết trong hiện tại, đều trang bằng ra cho tất cả mọi người, cũng không thể còn điều kiện tái đầu tư để phát triển chung cho tương lai và cả hiện tại của xã hội. Vả chăng, sự tích lũy này cũng còn là điều kiện thiết yếu, tự nhiên để phát triển khoa học kỹ thuật nói chung mà mọi người đều rõ. Khoa học kỹ thuật không thể có nếu không có quá trình tích lũy đầu tư về nhiều mặt trong lịch sử xã hội, đó là điều hoàn toàn chắc chắn.
Cho nên nhìn ý nghĩa lao động và hưởng thụ trong xã hội, Mác chỉ thấy một mà không thấy hai là như thế. Sự tiêu thụ năng lượng thực phẩm hàng ngày của một chủ tư bản thật ra cũng không thể dôi lên vô hạn so với điều đó ở một công nhân, kể cả cho rằng ý nghĩa và chất lượng nội dung ở cuộc sống giữa họ là hoàn toàn khác. Thế thì ý nghĩa của tích lũy lao động, của tái đầu tư sản xuất chính là ở đây. Sự công bằng xã hội theo nghĩa tương đối cũng chính là ở đây, nếu nó không vượt quá khuôn khổ của luật pháp, của đạo đức xã hội, của những điều hợp lý tự nhiên cho phép.
Thế nhưng điều quan trọng khác nữa của phát triển lịch sử và xã hội chính là khoa học kỹ thuật hay sự phát kiến của con người, mà không phải chỉ là đấu tranh giai cấp như Mác đã quá suy nghĩ thiên lệch. Bởi con người thuở ban đầu ăn tươi nuốt sống, nếu không phát kiến ra lửa, tình trạng đó chắc muôn đời vẫn vậy. Thế thì từ lửa đến rèn đúc, đến chế tác vẫn là con đường phát triển tất nhiên. Rồi con người phát minh ra chuyển động tròn, phát kiến ra la bàn, ra thuốc nổ, ra điện, điện toán và tin học ngày nay, quả là những dấu mốc quyết định, những bước tiến không lồ của nhân loại mà không là gì khác. Ví thử nếu không có những phát kiến, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đó, sự đấu tranh giai cấp thuần túy, tức sự giành giật lẫn nhau về các quyền lợi kinh tế có sẳn, liệu có thể dẫn tới đâu không. Đó quả là điều chỉ thấy lá, thấy cây mà chẳng thấy rừng của Mác. Sự xác định sai hay không chính xác nguyên nhân và động lực chủ yếu hay cốt lõi của lịch sử chính là điều đã chủ thuyết Mác trở nên không thực tế và xa lạ với hiện thực. Đó cũng là nói tồn tại của vũ trụ quả thật còn quá nhiều bí ẩn hơn chỉ là quan niệm duy vật quá giản lược, cạn hẹp và đơn thuẩn như kiểu của Mác nghĩ tưởng.
Điều này thực tế của xã hội cũng như những trải nghiệm của từng cá nhân vẫn hoàn toàn thấy rõ, hoặc giả cũng đã trả lời được hoàn toàn chính xác. Kinh tế cá thể hay kinh tế tư bản chủ nghĩa nếu muốn nói như vậy, chủ yếu dựa vào sự phát triển tự nhiên, khách quan của xã hội con người, mà không phải theo những mô hình tổ chức có sẳn được đưa ra kiểu công thức như kinh tế tập thể mà mọi người đều rõ. Có nghĩa cái trước thì dựa vào sự kết hợp tự nhiên về lao động, cái sau thì dựa vào mô hình ý thức hệ về lao động, mặc dầu kết quả thì hai nếp cũng vào một xôi, tức đều nhằm phục vụ tối hậu cho đời sống sản xuất hay sự phát triển thiết yếu nói chung của toàn thể nền kinh tế xã hội. Nên nói cho cùng, cái cốt lõi ở đây chính là hiệu quả của sự sản xuất xã hội, tức vấn đề năng suất, mà không phải những lý luận suông, mông lung và phi thực tế.
Điều này cho thấy rõ xã hội Liên xô và các nước Đông Âu trong thời kỳ hậu xô viết, nền kinh tế xã hội vẫn phát triển nhưng theo hướng khác và theo nhịp độ khác. Điều này cũng có thể đem so sánh với nước Đức thời Đông Đức và thời Liên bang Đức, đem so sánh Triều Tiên và Hàn Quốc, đem so sánh Cu Ba sau thời kỳ cách mạng, đem so sánh Trung Quốc và Việt Nam trước và sau thời kỳ đổi mới chẳng hạn. Hay nói khác hơn, tại sao kỹ thuật tổ chức sản xuất theo kiểu tập thể và theo kiểu cá thể lại khác nhau những gì, do nguyên nhân nào khác nhau, và tại sao năng suất và kết quả cũng lại khác nhau. Đó cũng là cách nói của Đặng Tiểu Bình, mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt chuộc được đều là tốt. Có nghĩa kinh tế tập thể hay kinh tế cá thể đều cũng chẳng qua không vượt ra khỏi sự quản lý của con người. Sự quản lý hành chánh quan liêu mệnh lệnh kiểu gia trưởng, với nhiều tốn kém, phiền hà, lạch bạch, và sự quản lý theo kiểu sinh động tự nhiên của thị trường và của quan hệ bột phát, nhất thời, linh hoạt, với sự khác biệt như thế nào thì mọi người đều có thể nhận định hay đối chiếu.
Do vậy, ai cũng thấy được sự khác nhau ở đó chính là sự khác nhau giữa tâm lý ý thức của con người. Cha chung thì không ai khóc, trong khi vì lợi ích chính đáng riêng thì mọi người đều thức khuya dậy sớm như nhau. Chính ý thức tâm lý của con người cụ thể là điều không bao giờ có thể vượt qua, cho dầu xã hội nào cũng vậy. Đó chính là quy luật khách quan ưu việt nhất mà không thể có quy luật khách quan nào tự nhiên hay ưu việt hơn. Chính sự không đếm xỉa đến yếu tố tâm lý ý thức con người như là điều khách quan tự nhiên mà mọi lý thuyết về kinh tế xã hội và lịch sử của Mác đã trở thành xa xôi, vô bổ là vốn như thế. Đặc biệt những phát kiến khoa học của con người, phần lớn là các chắt lọc tinh hoa của thiểu số trí tuệ, tài năng, thậm chí nhiều khi chỉ là sự ngẫu nhiên mà không hề là kết tinh của cách đấu tranh giai cấp hay đấu tranh kinh tế kiểu đại trà.
Chính sự không tính đến yếu tố tâm lý ý thức của con người, sự không tính đến các quy luật tự nhiên khách quan của xã hội (mặt sinh học, mặt lịch sử) mà lý thuyết Mác trở thành không tưởng, không thực tế, không đáp ứng lại một cách hiệu quả mọi ý nghĩa sinh tồn và yêu cầu phát triển khách quan, tự nhiên của mỗi cá thể con người và toàn xã hội về mặt thực tế. Cho nên Mác tự cho mình là lý thuyết khoa học tuyệt đối đúng, bởi vì ông ta quá tin cậy vào quy luật biện chứng của Hegel. Có nghĩa Mác đã triết lý hóa một cách không khách quan, không tự nhiên và không cần thiết về các ý nghĩa và thực tế của chính hiện thực kinh tế xã hội. Bởi vậy, thật sự bộ Tư bản luận của Mác thực chất không phải là một thánh thư về kinh tế xã hội cụ thể và thực tế, nhưng thật sự chỉ là một thánh thư về ý thức hệ tư biện không hơn không kém. Nhưng ai đã từng có kiên nhẫn đọc kỹ và nghiêm túc suy nghĩ về các nội dung cùng ý nghĩa trong đó đều có thể khách quan thấy ra được điều này. Thước đo của kinh tế xã hội là nguyên lý khách quan, là hiệu suất lao động, là hiệu quả phát triển chung chung nhất, đa phần nhất, là kết quả tối hậu, hay chỉ là sự suy nghĩ đắn đo về một thiểu số quá giàu và một thiểu số quá nghèo, để đưa ra những giải pháp viễn vông, vô ích, thì ngày nay cả cộng đồng thế giới đều cũng đã thấy rõ. Bởi kỹ thuật của mọi tổ chức sản xuất tập thể không phải bao giờ cũng ưu việt hay phù hợp, mà phần lớn chỉ có giá trị như những kịch bản nhất thời.
Nên nói cho cùng, có rất nhiều người nói về Mác nhưng thật sự chỉ có ít người đã thực chất đọc về Mác. Tác phẩm Mác viết thì có rất nhiều, hiện này những bộ toàn tập của Mác bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, mỗi bộ đặt trên kệ sách có khi dài hơn cả thước. Ngay cả bộ toàn tập của Lênin cũng dài bằng na ná như vậy. Đó là các tập hợp bài viết còn để lại về nhiều phương diện. Tuy nhiên, về nội dung cũng không ngoài các ý nghĩa như trên mà ngày nay mọi người đều rõ. Chủ yếu những điều đáng nói ở đây chính là những ý tưởng, những cách tư duy, những khái niệm, và những danh từ. Tất cả những điều đó, giới học giả và những trường đại học ở Việt Nam đều đã nói nhiều. Nhưng phần lớn cũng chỉ là cách nói theo kiểu rập khuôn, giáo điều, theo kiểu một chiều, mà dầu có nói đến ngàn năm cũng không có điều gì mới mẽ hơn như thế. Đó là chưa nói những người học lý thuyết Mác theo kiểu truyền khẩu theo cách bình dân. Ngay cả như Trần Đức Thảo, một nhà trí thức danh tiếng của nước ta, thì các bài viết của ông về chủ nghĩa hay học thuyết Mác-Lênin cũng không hề đi ra ngoài sự khuôn sáo hay vết mòn như thế.
Cho dù ở phương Tây, tất nhiên từ đầu tới cuối, người ta đã viết rất nhiều, nói rất nhiều về các nội dung hay ý nghĩa tương tự, song đó cũng chỉ là cái nhìn, quan điểm hay ý kiến của người phương Tây. Chúng ta có quyền tâm đắc với họ hay không, nhưng đó cũng là sản phẩm của nước ngoài, của một phương trời khác. Riêng bài viết này, chỉ giống như bài viết của một kẻ hậu sinh ở Việt Nam, trong lúc ngẫu hứng của dịp Tết (Tân Mão) đến xuân về, bài viết như một món quà xuân nhỏ mọn gửi tới các thân hữu bạn bè, hoàn toàn vô tư, miễn phí, coi như sự thiện chí và ưu ái với cuộc đời, không nhằm đến bất kỳ mục đích nào, vì chẳng qua cũng chỉ là một sự phát biểu chủ quan, cây nhà lá vườn, một loại đặc sản chân quê, để các bạn nhận xét, thảo luận cùng nhau nếu muốn, trong một lúc trà dư tửu hậu. Bởi lẽ muốn phân tích thật sự cặn kẻ và đầy đủ nhất về học thuyết Mác, không thể chỉ một bài viết nhỏ kiểu ở đây, mà ít ra cũng là một tập sách nhiều trăm trang, nhưng điều đó ngày nay quả thực không nên hay cũng không cần thiết. Do đó, nếu một đại thi hào như tầm cỡ Nguyễn Du mà vẫn cho tuyệt tác phẩm thiên tài Truyện Kiều có một không hai của mình chỉ nhằm mua vui trong một vài trống canh, thì bài viết nhỏ nhoi này thật có đáng sá gì đâu, mà chỉ là một bài viết theo kiểu vô công ngồi rồi, để trao đổi với bạn bè có khi rãnh rỗi nhằm cùng xem, và để mọi người nào nếu đọc được cũng có thể tùy nghi nhận định hoặc sử dụng.
Đà Lạt, sáng tinh mơ 16/01/2011
VÕ HƯNG THANH
.
.
.
No comments:
Post a Comment