Monday, January 17, 2011

CÔNG HỮU, TƯ HỮU VÀ HÌNH THÁI XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

BS HO HAI
Chủ nhật, ngày 16 tháng một năm 2011

Bài này viết là một phá lệ, vì đã hứa với lòng là sẽ không viết về đề tài này nữa. Nhưng vì với tiêu chí là chia sẻ kiến thức hiểu biết của bản thân với cộng đồng, nên viết. Thực ra bài viết này là một bài viết lại dưới một luận bàn về triết học và hình thái xã hội loài người đã từng viết trên blog này.

Lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại đã trải qua hàng tỷ năm. Với bản chất của loài người chủ yếu là tư hữu và quyền lực. Chúng là động lực tích cực thúc đẩy xã hội loài người phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật để phục vụ đời sống bản thân và cộng đồng là điều không chối cải. Nhưng cũng từ những bản chất đó, chúng cũng có mặt tối làm trì trệ sự phát triển cộng đồng, khi bản chất loài người không được kiểm soát thì sẽ đưa đến tha hoá và tham nhũng. Đó là 2 mặt nhị nguyên luận của một vấn đề.

Vì tư hữu và quyền lực mà loài người chinh phục thiên nhiên và tìm hiểu các quy luật của thiên nhiên để phục vụ mình. Nhưng cũng vì tư hữu và quyền lực mà con người tha hóa quên đi cái chung, chỉ thu vén cho cái riêng làm chậm đi tiến trình phát triển cộng đồng vậy.

Tư hữu giống như điều kiện cần để kích hoạt sự dấn thân kiếm tìm của con người. Quyền lực như điều kiện đủ để giúp con người thoả mãn với việc mình làm ra được kết quả mỹ mãn. Khi một hình thái xã hội đạt đủ 2 điều kiện cần và đủ này thì xã hội sẽ thúc đẩy hết tiềm năng sẵn có của mỗi thành viên trong cộng đồng con người đang sống. Và ngược lại, mặt tối tha hoá và tham nhũng sẽ bùng phát.

Khi đã là bản chất thì không thay đổi được. Như ông bà mình bảo: "Non sông dễ đổi, bản tính khó dời". Hay nói cách khác đã là bản chất, mà là bản chất của một cộng đồng, một loài thì nó trở thành quy luật. Thế nên trong triết học có trường phái phân tâm học để chuyên nghiên cứu tâm lý con người, hòng tìm ra bản chất của con người. Tiếng Việt ta, dùng chữ "con người" để ám chỉ cũng là nói lên bản chất của loài người là vậy. Nên việc tìm ra bản chất con người và các quy luật cuộc sống là chức năng của triết học đi tìm tư tưởng chinh phục con người sống nhân bản và quy cũ.

Thực chất một hình thái xã hội ngày nay không còn đơn thuần tư hữu hay công hữu. Tư hữu để thúc đẩy các thành viên trong xã hội phát huy toàn bộ năng lực của mình. Công hữu để bảo toàn và phát triển sức mạnh cộng đồng. Tư hữu và công hữu như âm dương, nước lửa, sáng tối, đàn ông đàn bà, v.v... làm cho thế giới hài hoà và phát triển. Bất kỳ hình thái xã hội nào quá thiên về công hữu hay quá thiên về tư hữu đều sẽ dẫn đến sự suy vong. Có thể tìm thấy những minh chứng lịch sử hiện thời cho kết luận này.

Thế thì để một cộng đồng của con người phát triển, thì phải có hình thái xã hội phù hợp với bản chất của con người. Trải qua hàng tỷ năm cho đến nay con người đã có nhiều hình thái xã hội được áp dụng cho các cộng đồng con người khác nhau trên khắp quả địa cầu như trong bài viết Họ đã làm gì và họ sẽ...? mà tôi đã tóm lược một cách ngắn gọn. Song chung qui cho tất cả các hình thái xã hội cũng chỉ tóm gọn trong bản chất của vấn đề tư hữu và quyền lực của con người. Trong đó, vấn đề công hữu (tất cả tài sản là của chung của cộng đồng được cổ xúy) và tư hữu (tài sản riêng là của cá nhân mỗi người làm ra trong cộng đồng được tôn trọng).

Trải qua 5 hình thái xã hội loài người, nói đúng ra thì con người chỉ mới trải qua chỉ 4 hình thái xã hội, nếu không tính sự thất bại của hình thái xã hội công hữu của khối Liên Xô và Đông Âu cũ. Nhưng qua đó, cho thấy được hình thái xã hội nào phục vụ cho bản chất của con người tối ưu nhất, hình thái ấy sẽ tồn tại lâu nhất.

Một khoảng thời gian khá dài, chúng ta ai cũng nghe thấy câu cửa miệng: "Tư bản giãy chết hay đêm 30 của thế giới tư bản". Nhưng cuối cùng thì cha đẻ những câu cửa miệng ấy lại là "người" chết trước. Tại sao? Vì con người cần bảo vệ bản chất của mình, nhưng hình thái xã hội công hữu của Liên Xô và Đông Âu cũ không bảo vệ bản chất của con người.

Về mặt lý thuyết hình thái công hữu là tốt đẹp khi mang lại sự công bằng cho mọi thành viên trong cộng đồng. Nhưng một cộng đồng đòi hỏi phải được điều hành trong một luật lệ quy cũ thì cộng đồng mới ngăn ngừa được mặt tối của bản chất con người. Câu chuyện bi kịch bắt đầu từ một cộng đồng đi theo hình thái công hữu từ đây. Vì nhóm điều hành vì tư hữu và quyền lực của mình mà bóp nghẹt 6 cặp phạm trù và 3 quy luật chung của duy vật luận, không cho chúng xảy ra thì hình thái xã hội ấy sẽ bị tàn lụi. Lúc đó, giai cấp điều hành sẽ dựa vào luật của mình định ra để biến công hữu toàn xã hội thành một dạng tư hữu của riêng nhóm của mình. Đó là quy luật tất yếu của bản chất của con người. Bất công sẽ xảy ra, phân hoá xã hội sẽ ngày càng lớn, và quy luật sinh tử của tạo hoá sẽ vận hành là điều tất nhiên. Vì tha hoá xuất hiện và sự u mê sẽ bao trùm trong tư duy nhóm quyền lực, và nhóm bị trị ắt sẽ vùng lên đấu tranh giai cấp như chủ nghĩa Marx đã đúc kết.

Để giải quyết bản chất con người, thì cho đến nay hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa đã giải quyết tương đối tốt. Khi họ biết sử dụng lý thuyết đa nguyên để tạo ra những mặt đối lập của xã hội loài người. Khi đó, 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận luôn thúc đẩy xã hội tiến lên không ngừng. Ở hình thái tư bản chủ nghĩa luôn hình thành hai khu vực tư hữu và công hữu. Không hoàn toàn công mà cũng không hoàn toàn tư. Công lo việc chung cho tư hữu và quyền lực của cộng đồng, vì cộng đồng chẳng qua là một cá thể của nhiều cá thể nhỏ mà gộp lại. Tư lo việc riêng về tư hữu và quyền lực của mỗi cá thể.

Nhìn lại hình thái xã hội Liên Xô cũ thuộc dạng đơn nguyên. Nó không tạo điều kiện cho 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận xảy ra vì không có đối lập và mâu thuẩn xảy ra. Nên câu chuyện sụp đổ là điều ắt phải đến. Nó giống như một dòng chó nuôi chỉ biết lấy nhau trong dòng tộc để được những đứa con mỹ miều nhưng lắm bệnh tật vì dần mất đi tính đề kháng, do quá trình di truyền các đồng hợp tử gene lặn vậy.

Thế thì tại sao có đa nguyên, và tại sao có đơn nguyên? Tất cả đều bắt nguồn từ bản chất của con người.

Ở hình thái xã hội đa nguyên, tư hữu và quyền lực được kiểm soát chặt chẽ dưới một nhà nước pháp trị. Ở đó, mọi thành viên dù là giai cấp cầm quyền cũng phải chịu sự kiểm soát của pháp luật. Ở đó, 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận được xảy ra để thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội. Đó là nền tảng của sự phát triển vì các mặt sáng của bản chất loài người được phát huy tối ưu.

Còn ở mô hình đơn nguyên, tư hữu và quyền lực luôn được điều hành bỡi một nhà nước nhân trị. Ở nhà nước nhân trị thì nhóm quyền lực sẽ ngồi trên pháp luật để giải quyết tư hữu và quyền lực của mình. Lúc đó, 3 quy luật và 6 cặp phạm trù của duy vật luận không xảy ra. Đó là nền tảng của sự thụt lùi vì tha hoá và tham nhũng là mặt tối của con người được phát huy.

Việt Nam ta đang bàn chuyện công hữu và tư hữu, nhưng không quan tâm đến bản chất của con người và không đi đúng duy vật luận thì không thể giải quyết vấn đề được. Và yếu tố về bản chất con người thì trong duy vật luận lại khiếm khuyết phần cốt lõi nhân bản này. Như thế mới thấy các trường phái triết học tồn tại từ xưa đến nay không có trường phái nào thừa mứa cả. Và việc lập ra một hình thái xã hội nhân bản để điều hành một cộng đồng không chỉ đơn giản áp dụng một hệ thống tư tưởng là ổn. Vì mỗi cá thể con người là một bài toán đa ẩn số trong mọi không gian và thời gian khác nhau. Nó bao gồm cả bản năng động vật và phần tư duy cao cấp diễn biến phức tạp khó lường.

Hy vọng bài viết ngắn đứng trên quan điểm triết học này sẽ giúp ích cho đại hội đảng lần thứ XI và cho cộng đồng.

Asia Clinic, 17h08', ngày Chúa Nhựt, 16/01/2011

--------------------------------------------

Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Ngày 29.09.2010, 18:31 (GMT+7)



.
.
.

No comments: