Sunday, January 9, 2011

HỘ CHIẾU CHO KẺ THÙ DÂN TỘC (nhật báo Ba Lan Wyborcza)

Tác giả: Aleksandra Szyłło
Van Dinh dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan trên nhật báo Wyborcza


Câu chuyện dưới đây kể về một người đàn ông đúng nghĩa nhưng lại sợ đi khám bệnh và người phụ nữ không nước nào muốn nhận.
Người quen gọi hai người là “Krzysztonie”. Dĩ nhiên là nửa nọ đi với nửa kia kể cả khi bạn chỉ hẹn với một nửa: Tôn Vân Anh và Robert Krzyszton. Họ quen nhau từ bao giờ? Chính hai người không nhớ rõ… Có lẽ hồi năm 2002 hoặc một năm trước đó. Trước khi quen nhau, cả hai đã hoạt động riêng rẽ trong lĩnh vực phục vụ người nhập cư. Kể từ đó, mà chính xác hơn, từ buổi hẹn hò thứ hai, hai người trở nên không thể tách rời. Họ sống với nhau và làm việc cũng cùng nhau, chịu trách nhiệm quản lý cơ sở gọi nôm na là văn phòng cấp cứu túc trực 24 tiếng mỗi ngày,  kiểu: “bạn đang rơi xuống hố – cứ gọi điện – thế nào cũng tìm ra giải pháp”. Nói về công việc thì tha hồ mà nói bởi công việc dường như là tất cả cuộc sống của họ, thế nhưng giờ đây tạm gác chúng sang một bên. Vân Anh và Robert muốn cưới nhau.
- Chưa bao giờ chúng tôi coi trọng vấn đề thủ tục – Vân Anh nói ngay.
- Chưa bao giờ quan trọng nhưng bây giờ lại quan trọng – Robert đính chính. – Bởi tôi đang cận kề với cái chết. Căn bệnh ung thư tái phát sau 12 năm, tới Viện Ung Thư, bác sĩ mời tôi trị liệu… cho người hấp hối. Tôi từng hỗ trợ hàng trăm người nhập cư nhưng có thể nói rằng tôi quên mất một người, quên mất người chung sống cùng với tôi. Tôi luôn tin rằng không nên quá nuông chiều phụ nữ – Robert đùa, nhưng một tíc tắc sau mặt Robert đanh lại – thế nhưng tôi không thể để Vân Anh ở lại tay không.

Ton Van Anh i Robert Krzysztoń. Ảnh Wyborcza

Bên phía thứ hai
Đứng bên phía thứ hai thật là khó. Thật là khó khăn làm người cần giúp đỡ. Cả đời, tôi mới là người đi giúp người khác chứ không phải ngược lại. Từ thời là học sinh trung học tôi đã được gọi là nhà hoạt động – Robert nói. Khi được hỏi về vai trò của mình trong đội ngũ đối lập dân chủ trước đây, Robert nói: – Nên rõ ràng rằng, tôi không muốn dính máu ăn phần. Thời nay mọi người dễ dàng tự nhận mình là bạn hữu của Kuron (1) hay tự nói về mình là nhân vật cốt cán trước kia. Riêng tôi, tôi có niềm hãnh diện nhỏ của riêng mình.

- Robert là một trong những người đầu tiên dấn thân vào các hoạt động đối lập năm 1976. Khi còn là học trò trường trung học Batory, Robert đã phân tán tài liệu của Ủy Ban Bảo Vệ Lao Động, Phong Trào Bảo Vệ Nhân Quyền và Công Dân, Phong Trào Tân Ba Lan – Mirosław Chojecki(2) nhớ lại. – Robert thuộc nhóm mang “tinh thần tuyệt diệu” dù không phải chúng tôi không bị phiền vì Robert. Robert từng có sáng kiến nhân số truyền đơn bằng chụp hình khiến chúng tôi suýt nữa kiệt quệ ngân khoản. Cuối cùng chúng tôi phải bỏ không tiếp tục cách làm tốn kém đó. Nhưng rồi từ cậu bé chuyên vẽ chữ cổ động trên tường, Robert nhanh chóng trở thành người bạn mà chúng tôi có thể yên tâm dựa vào. Trong thời kỳ thiết quân luật (3) Robert được đa số sinh viên bầu vào Thượng Viện trường Đại Học Tổng Hợp Warszawa (Vac-sa-va), từng là biên tập viên của các tạp chí “Học trò Ba Lan”, “Chiều Hướng”, từng là chủ tịch Ủy ban Văn Hóa của Tập hợp Sinh viên Độc lập. Tôi nhớ Robert từng hỗ trợ thành lập Ủy Ban Công Dân vốn là chỗ dựa chính trị cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên vào Quốc Hội.

Robert Krzyszton thì nói: – Tôi muốn nhấn mạnh rằng tham gia vào đội ngũ đối lập, đối với người thanh niên trẻ như tôi hồi đó không phải là sự hy sinh hay nỗi hãi sợ. Nếu không là các hoạt động đối lập, làm sao tôi được quen với những nhân vật như Jerzy Andrzejewski hay Tadeusz Konwicki nếu không, làm sao tôi có thể có cơ hội cùng những nhân vật này uống rượu, trò chuyện, hấp thụ tri thức và cách nhìn nhận thế giới của họ?

Sau khi Ba Lan thay da đổi thịt, mãi tới sau năm 2000 tôi mới gặp lại Robert – Chojecki kể – Tôi mời Robert gia nhập Hội Tự Do Ngôn Luận để Robert dẫn dắt các chương trình hỗ trợ người nhập cư từ Việt Nam. Robert là người am hiểu đề tài này, thêm vào đó, chúng tôi đồng thuận trong một điểm: một khi người Ba Lan từng được các quốc gia dân chủ hỗ trợ thời Ba Lan còn cộng sản thì giờ đây người Ba Lan đang mang một món nợ phải trả. Những người chốn chạy khỏi độc tài chuyên chế cần được ủng hộ. Chúng ta không thể gật đầu với chính sách coi các lợi nhuận kinh tế quan trọng hơn nhân quyền.

- Hoạt động luôn là hơi thở của tôi. Bây giờ mới là gian khó. Rất khó khi phải tìm tư vấn của bác sĩ mới bởi các bác sĩ trước nói rằng không thể cứu chữa được. Rất khó khi người phụ nữ của tôi, kém tôi 17 tuổi phải giúp tôi lê vào toa-lét. Và rất khó khi bạn bè mang tiền tới cho tôi mua thuốc điều trị. Tôi biết mình phải mỉm cười và cảm ơn họ – Robert thú nhận. – Quả thật tôi đã trì hoãn điều khám. Khi đau quá không thể ngồi yên uống bia với bạn bè, tôi giả vờ bảo là tôi bị đau xương sống, đúng là lời giải thích hợp lý. Chưa phải lúc tới bệnh viện bởi còn việc này việc kia cần giải quyết, chưa phải lúc bởi còn phải viết xong dự án mà nhiều người đang trông đợi. Ca mổ đầu mà tôi ngay lập tức đủ điều kiện lên bàn mổ, nếu còn bác sĩ nào nhận làm, được gọi là stomia, tức là làm hậu môn giả. Tôi an ủi rằng chính Giáo hoàng cũng từng trải qua ca mổ tương tự và Ngài đã sống và làm việc nhiều năm sau đó. Ca mổ không cản trở Giáo hoàng làm việc cật lực và thay đổi thế giới. Thế nhưng Giáo hoàng đâu có vợ trẻ, phải không nào? Ca mổ cần có mà tại bệnh viện Ba Lan các y sĩ không nhận làm cho tôi là cắt phần ruột già, một phần thịt, da, có thể cả một phần gan, mật. Tôi sẽ nhẹ cân hơn giờ nhiều.

Kẻ thù của dân tộc
-  Chúng tôi không thể làm đám cưới – Robert tiếp tục đề tài. – để làm đám cưới, Vân Anh phải xuất trình hộ chiếu cho Ủy Ban hành chính Dân Sự. Mà Vân Anh giờ không có hộ chiếu.
Vì sao ư? Bởi Tôn Vân Anh là người nòng cốt (trong nhóm đối lập- ĐCV chú thích). Cô sang Ba Lan từ khi 12 tuổi. Cô là người phụ nữ đẹp nhưng như chính cô nói thì không gã đàn ông Việt Nam bình thường nào muốn lấy cô làm vợ.
- Thay vì kiếm tiền bằng buôn bán quần áo rẻ tiền, thay vì sinh con mau chóng cho người chồng Việt, đảm đương, lo thu xếp cho ngôi nhà hiện đại của mình trên tuyến Warszawa – Wólka Kosowska(4) nơi buôn bán đang thuận tiện, thì tôi lại tranh đấu bằng các bài viết về nhân quyền, đấu tranh đòi quyền lợi cho những người nhập cư Việt Nam ở ủy ban và tổ chức các cuộc biểu tình – Vân Anh mỉm cười.
- Văn hóa Việt Nam đòi hỏi người phụ nữ phải dịu dàng, nhẫn nhục – tác giả blog đối lập được nhiều người Việt ở nước ngoài biết tới, Lê Diễn Đức nói. – Tôi coi trọng các hoạt động của Vân Anh, nhưng cô ấy là con quỷ cái.

Vân Anh là thông tín viên đài phát thanh Á Châu Tự Do, đồng sáng lập trang mạng Việt Nam – Ba Lan www.benviet.org, đảm nhiệm dự án hỗ trợ người nước ngoài do Liên Minh Châu Âu tài trợ cho Hội Tự Do Ngôn Luận. Cùng với Robert, Vân Anh làm đình làm đám vụ an ninh Việt Nam thuộc phòng A18 thẩm vấn và đe dọa đồng hương của cô trên lãnh thổ nhà nước Ba Lan. Vân Anh mang theo mình hai cái máy điện thoại cầm tay đã cũ liên tục réo chuông: chị “bất hợp pháp” sinh con trong bệnh viện mà không có tiền trả viện phí; có ai đó đi khám bác sĩ cần cô phiên dịch qua điện thoại; anh chàng kia cần tư vấn pháp lý vì bị mắc lừa ông chủ Ba Lan…

Đối với đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan các hoạt động như trên có vẻ không hợp vị. Tới khi Vân Anh muốn gia hạn hộ chiếu bởi hộ chiếu cũ của cô hết hạn, cô nhận được lời từ chối thành thật trên giấy trắng mực đen: “Bởi bà Tôn Vân Anh đã có những hoạt động đi ngược lợi ích nhà nước và dân tộc Việt Nam, gây tổn hại tới quan hệ truyền thống Ba Lan – Việt Nam”. Và khi cô tới tòa đại sứ để lấy giấy, cô được nghe lời phân bua cũng rất thật thà từ miệng nhân viên lãnh sự rằng quyết định từ chối cấp hộ chiếu không do lãnh sự đưa ra mà do Bộ Công An ở Hà Nội chỉ đạo.

Giờ thì tôi có thẻ tạm trú, chỉ còn hạn trong vòng 1 tháng. Để có thể nộp đơn gia hạn thẻ, tôi cần có hộ chiếu. Vậy nên một tháng nữa tôi có thể bị tống vào trại chờ trục xuất – Vân Anh nói. – Từ trại trục xuất tôi có thể nhanh chóng trở về quê hương đang mong chờ – điều rất dễ cảm nhận qua hành xử của nhân viên sứ quán.

Không có tờ khai mẫu
Robert và Vân Anh sau đó cùng nhau tới phố Koszykowa, ủy ban chuyên trách về người nước ngoài.
- Chúng tôi định xin hộ chiếu cho người vô tổ quốc – Robert nói. – Hộ chiếu dạng này đã được hiệp ước Liên Hiệp Quốc quy định. Tại ủy ban, tôi lấy tờ khai mẫu thì nghe nhân viên ủy ban nói “không phải tờ đó”. Tôi hỏi lại “Vậy tờ nào?”. Nhân viên trả lời “không có đơn nào thích hợp cho trường hợp này”.
Tiếc thay, nhân viên ủy ban nói đúng bởi Ba Lan không kí kết “hiệp ước phòng ngừa hiện trạng vô tổ quốc” ra đời năm 1954 và “quy chế người vô tổ quốc” ban hành năm 1961, trong khi Hangary đã kí, Slowakia đã kí, chỉ có Ba Lan là không.

Còn một cách khác là xin quy chế tị nạn – Robert nói tiếp. – Thế nhưng chúng tôi muốn tránh nộp đơn. Ở Ba Lan gần như không ai được hưởng quy chế tị nạn. Những năm gần đây, chúng tôi tranh đấu được cho hai người có quy chế tị nạn. Tôi dám chắc rằng Vân Anh xứng đáng được quyền tị nạn, thế nhưng còn nhiều người khác cũng xứng đáng thế nhưng không được dẫu họ hoàn toàn có thể bị trù dập tại Việt Nam, đối với công dân Czechnia cũng vậy. Nếu Vân Anh được quy chế tị nạn trong lúc này thì coi chúng tôi tự như soạn tiệc cho hệ thống tuyên truyền của chính quyền Việt Nam.
Chúng sẽ bảo rằng: đó, hoạt động xã hội của chúng tôi là thế đó, chỉ để tư lợi mà thôi. Bạn sẽ nhầm to nếu nghĩ cô gái này (tức TVA- ĐCV chú thích) được mọi người vị nể bởi cô nhiều khi cô làm phiên dịch, trợ giúp tâm lý, tư vấn, kê khai giấy tờ không lấy tiền. Không phải vậy đâu, phần lớn cộng đồng người Việt gặp phiền phức bởi cô. Tại vì để được yên thân buôn bán kiếm tiền trên tuyến Hà Nội- Vacsava người ta cần phải nhũn nhặn với chính quyền độc tài? Vì tránh cho ngôi chùa Phật giáo xây dựng tại Wolka Kosowska sẽ có vị sư chủ trì là tay sai của chính quyền Việt Nam, cô muốn tổ chức tìm thầy Phật giáo độc lập?

- Chính quyền Ba Lan nhiều khi cũng phiền vì tôi – Vân Anh kêu. – Hồi năm 2007 trong lúc thủ tướng Jarosław Kaczyński gặp thủ tướng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, tôi bị dẫn ra ngoài dinh Belweder bởi đoàn Việt Nam yêu cầu cảnh vệ Ba Lan làm vậy. Giới truyền thông làm to chuyện còn các chính giới phải trả lời các câu hỏi khó: giá trị hợp đồng kinh tế và tự do ngôn luận – cái nào quan trọng hơn cái nào, truyền thống “Đoàn Kết” của Ba Lan thì sao? Gần đây, trong chuyến thăm của thủ tướng D.Tusk tới Việt Nam, lên kênh truyền hình TVN, tôi có nhấn mạnh trong lúc trả lời phỏng vấn rằng, thủ tướng Ba Lan đã quá mải mê nói chuyện làm ăn mà quên không nhắc tới tù nhân lương tâm tại nước tôi. Tù nhân Việt Nam bị chết mòn trong nhà tù cộng sản mà tội tình có thể chỉ là việc dịch sang tiếng Việt định nghĩa thế nào là “dân chủ”.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không muốn những tiếng nói độc lập của công dân như vậy. Vậy Ba Lan, nơi Vân Anh từng sống, học tập và làm việc gần 20 năm có muốn cô không? Nếu muốn, tổng thống B.Komorowski có thể trao quốc tịch Ba Lan cho cô. Hiện Vân Anh đã quyết sẽ xin quốc tịch Ba Lan.

Thân hữu tại Hội Tự Do Ngôn Luận đang tổ chức khuyên góp để điều trị cho Robert. Số tài khoản dưới đây dành cho những người muốn hỗ trợ: 11 1240 1024 1111 0010 1125 5876, PKO SA. Tiêu đề: “Dla Roberta Krzysztonia”.

© Van Dinh (Bản tiếng Việt)
© Đàn Chim Việt
—————————————————-

Đàn Chim Việt chú thích:
(1) Jacek Kuron (1934-2004): Nhà chính trị lỗi lạc, nhà sử học, một trong những người lãnh đạo của phong trào đối lập dưới thời cộng sản. Ông 2 lần nắm giữ chức vụ Bộ trưởng và là đại biểu quốc hội sau khi Ba Lan có dân chủ.
(2) Mirosław Chojecki: Chủ tịch hội Tự Do Ngôn Luận, người bạn thân thiết, người giúp đỡ hết lòng cho nhưng người đối lập Việt Nam tại Ba Lan.
(3) Thiết quân luật: Diễn ra ở Ba Lan từ năm 1981- 1983. Thiết quân luật bắt đầu từ ngày 13/12/1981 nhằm cứu vãn CNXH đang trên đà sụp đổ. Trong thời gian này, gần 100 người Ba Lan thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt giữ.
(4) Nơi tập trung sinh sống của đông đảo người Việt.
.
.
.

No comments: