Saturday, January 1, 2011

HỒ CHÍ MINH SINH BÌNH KHẢO - THIÊN IV [4] (Hồ Tuấn Hùng, Đài Loan)

Hồ Tuấn Hùng

Thái Văn chuyển ngữ
Đăng ngày 27/12/2010 lúc 01:51:33 EST

Hồ Chí Minh sinh bình khảo
(Khảo cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh)

Hồ Tuấn Hùng
Thái Văn chuyển ngữ


Thiên IV
Khúc ca buồn về chuyện hôn nhân tình ái
(Hôn nhân luyến tình đích bi ca)

1 2 3 4

Hồ Chí Minh và tri kỷ má hồng – Lâm Y Lan tiểu thư

Hồ sơ về mối tình Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan


Chuyện tình của HCM và Lâm Y Lan chủ yếu căn cứ vào ghi chép của Lương Ích Tân qua bài viết “Mối tình nồng thắm giữa Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan”. Lương Văn Nguyên viết “Thế giới lịch sử Đảng Cộng Sản Trung Quốc” năm 2004, đăng trên Nguyệt san “Nhân Dân Văn Trích”, kỳ 12, dài khoảng ba ngàn ba trăm chữ, là bài viết muộn nhất cung cấp cho bạn đọc tư liệu về chuyện tình ái của Hồ Chí Minh. Đây là tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết, từng đoạn, từng đoạn kể về cuộc tình của Hồ Chí Minh (HCM) với Lâm Y Lan (LYL). Nội dung tác phẩm được thể hiện qua nhiều chi tiết khá lý thú, làm xúc động lòng người. Chỉ tiếc, các sử liệu được vận dụng, chỗ thì lắp ghép một cách khiên cưỡng, chỗ lại tập hợp trình bày nhảy cóc, nhất là đoạn nói về mối tình với Nguyễn Thanh Linh trong những năm 1930. Việc làm này dường như tác giả có ý đồ tạo ra sự lẫn lộn Hồ Chí Minh với Nguyễn Ái Quốc , đồng nhất hai người làm một, tô vẽ ông thành một nhân vật phi thường, mặc dù, trên thực tế, Nguyễn Thanh Linh chỉ là nhân vật hư cấu. William J. Duiker, trong “Truyện Hồ Chí Minh”, chương 5 “Quyết chiến tối tiền tuyến”(…), trang 554- 555, có những chi tiết tương đồng với các tư liệu báo chí đã công bố. Từ đó có thể khẳng định, mối tình của HCM và LYL là có thực.
Mối tình của Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, để tạo điều kiện cho Hồ Chí Minh công tác tại Quảng Đông, Hương Cảng, Trung Cộng đã bố trí một thiếu nữ là Lâm Y Lan đóng giả làm vợ để giúp đỡ việc sinh hoạt hàng ngày cho ông ta. Không lâu sau, hai người có tình ý với nhau. nhưng đó là thời kỳ năm 1938 đầy sóng gió, nên cuối cùng mối quan hệ luyến ái này không đi đến hôn nhân. LYL hoài niệm về mối tình xưa, nhớ thương HCM, lâu ngày không biết còn sống hay đã chết, sức khỏe suy giảm rồi qua đời vào năm 1968. HCM biết tin, vô cùng đau khổ, một năm sau cũng tạ thế. Lúc hấp hối ông có nhắc đến tên LYL.

Lời đầu (Dẫn tử)


Mùa đông, Mạc Tư Khoa tuyết rơi không ngừng. HCM ở một ga xe bên sườn núi ngoại thành, dầm mình trong cái lạnh khốc liệt của tiết trời băng giá, nước mắt lã chã rơi thấm ướt cả lá thư. Bức thư báo tin dữ, người bạn gái thân thiết Nguyễn Thanh Linh (NTL) vừa bị giặc sát hại. Ông nghĩ đấy không phải là sự thật, mắt trừng trừng nhìn vào dòng chữ, đọc đi đọc lại nhiều lần từng chữ một. Không sai, thư viết rất rõ ràng, NTL đã bị ngộ hại tại VN.
Bạn gái Nguyễn Thanh Linh bị sát hại
HCM và NTL bắt đầu quen nhau vào mùa xuân năm 1930. Năm ấy HCM đang bôn ba hải ngoại tìm chân lý cách mạng, trên đường về Việt Nam ngẫu nhiên gặp NTL. NTL chẳng để ý đến việc gia đình phản đối, kiên quyết hiến thân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, truyền bá ngọn lửa cách mạng, trở thành người bạn thân thiết và trợ thủ đắc lực của HCM. Tại Việt Nam, NTL vận động giới phụ nữ tham gia đấu tranh chống thực dân, đế quốc áp bức bóc lột, trở thành một cán bộ đảng rất có uy tín. Thời kỳ HCM sang Liên Xô học tập kinh nghiệm cách mạng, do bị một kẻ phản bội khai báo, NTL chẳng may bị địch bắt. Đối mặt với những dụ dỗ, truy bức, cô vẫn kiên trinh bất khuất, đến chết vẫn không chịu cúi đầu. Cuối năm ấy, trong cuộc họp VNTNCMĐCH của lưu học sinh Việt Nam, HCM tuyên bố trước mọi người: “Đồng chí Nguyễn Thanh Linh đã hy sinh anh dũng nhưng đồng chí vẫn sống mãi trong lòng chúng ta. Dòng máu đỏ của đồng chí không chảy phí hoài mà nó càng tô thắm ngọn cờ giải phóng dân tộc. Tôi tuyên bố với thể giới, một khi nước Việt Nam chưa được giải phóng thì đời này, kiếp này sẽ không xây dựng gia đình”. HCM không thể ngờ, câu nói trên lại ảnh hưởng đến chuyện hôn nhân sau này. Nó giống như trái núi lớn đè nặng lên tâm lý, không thể chống đỡ làm ông đau khổ cho đến lúc qua đời.

Trốn tránh truy bắt, ẩn mình ở Quảng Châu

Năm 1930, Tưởng Giới Thạch điều động quân đội Quốc Dân Đảng bao vây tiễu trừ Hồng quân khu Giang Tây, đồng thời ra lệnh cho các địa phương khẩn trương truy bắt các phần tử cộng sản. Dương Thành (Quảng Châu) cũng không ngoại lệ. HCM lúc này đang ở Quảng Châu. Nơi đây, trước đó do nhu cầu công tác, ông đã mấy lần về Việt Nam, tuy nhiên, lần này thì khác, HCM bị đặc vụ truy đuổi ráo riết, không chốn nương thân, chỉ còn cách liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Đông nhờ giúp đỡ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông - Đào Chú đã bố trí một nữ đảng viên là Lâm Y Lan, đóng giả làm vợ HCM để bảo vệ an toàn cho ông ta. Khi ấy HCM trở về nhà trọ thu xếp hành lý tìm đến nơi ở mới. Vừa vào đến cửa ông sững lại bởi cô gái đứng trước mình có khuôn mặt hao hao giống Nguyễn Thanh Linh, người yêu của mình đã bị địch xử tử năm nào. Cô gái không biết làm cách nào giải thích cho đối phương mà chỉ hỏi: “Ông là HCM tiên sinh phải không? Tôi họ Lâm, thường gọi là Lâm Y Lan”. HCM biết mình nhận lầm người, vội nói: “Xin lỗi cô Lâm, tôi lầm”.
Lâm Y Lan được giao nhiệm vụ làm “vợ” Hồ Chí Minh
Sau đó, HCM từ từ kể lại mối tình mười năm với NTL gợi đến niềm tâm sự, nước mắt bỗng nhiên trào ra. LYL nghe tâm sự, bất giác cũng cảm như mình lâm vào cảnh ngộ ấy, trong lòng vô cùng cảm động. Tiếp đó, Tỉnh ủy Quảng Đông thông báo với HCM hiện tại Hương Cảng rất phức tạp, đặc vụ Quốc Dân Đảng có mặt khắp nơi, không có việc gì chúng không dám làm, nên dặn đi dặn lại LYL phải bảo vệ HCM an toàn. Lúc ấy, Đào Chú nửa đùa nửa thật bảo: “Các bạn nên nhớ, đến một ngày hai “vợ chồng” trăm tuổi, Y Lan tuyệt đối không được bỏ rơi “phu quân” mà không quản lý đấy nhé”, làm LYL, vốn là một tiểu thư chưa chồng, hai má đỏ lựng. Lấy danh nghĩa người “vợ”, LYL chăm sóc HCM trong sinh hoạt thường ngày vô cùng tận tình, chu đáo làm cho HCM đặc biệt cảm kích, đã có lúc muốn thổ lộ tình cảm, nhưng vì thời cơ chưa chín muồi nên trong lòng vẫn trù trừ. LYL thấy HCM nói với mình những lời chân thành, thâm tâm đã có phần ưng ý, nhưng vì là phận nữ nhi, không tiện nói ra. Lúc chia tay, HCM ôm lấy LYL, dùng khăn tay lau nước mắt cho cô: “Hãy cứng rắn lên, đừng để kẻ thù cười chúng ta mềm yếu”, nói rồi lấy quyển nhật ký đưa cho LYL: “Tâm sự của tôi đều ở trong này, sẽ cùng đi với em”.
Trong hoạn nạn thấy sự chân thành
Ba ngày sau khi HCM được cứu thoát, LYL nhìn đăm đăm vào khuôn mặt hốc hác của ông, hỏi: “Chí Minh, sao không đợi tôi đến đón?”. HCM nói: “Tôi nghĩ, càng về nhanh càng chóng được gặp muội”. Nói rồi HCM đưa cho LYL một nhành hoa lan: “Xin tặng muội, chúc mọi sự vui vẻ”. Thấy LYL có vẻ bối rối, HCM lại nói: “Muội đã đọc nhật ký chưa? Lòng tôi luôn tin tưởng hoa lan không bao giờ bị héo”. LYL nhận hoa, không nén được tình cảm, ngã vào lòng HCM.

Những năm 50 của thế kỷ XX, Trung Quốc đại lục đã được giải phóng, lúc này LYL là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy Quảng Đông. HCM trở về nước tiếp tục sự nghiệp cách mạng chưa hoàn thành. Bấy giờ, Đào Chú là Bí thư Trung ương Cục Hoa Nam kiêm Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông, thấy LYL vẫn sống cô đơn đã đứng ra làm mối vài đám nhưng lần nào cũng bị cô khéo léo từ chối. Lúc ấy Đào Chú không hiểu tâm trạng LYL, sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng ông hỏi thẳng cô ta: “Giấy không bọc được lửa, hơn nữa, việc này cũng chẳng có gì là bí mật. Nói thật đi, người ấy là ai?” LYL thong thả bảo: “Hồ Chí Minh”. Đào Chú nghe xong thất kinh, mãi một lúc sau mới hỏi lại: “Chủ tịch ĐCSVN Hồ Chí Minh? Ông ta yêu cô phải không?”. LYL gật đầu: “Hồ Chí Minh nói là tôi hãy đợi ông ấy”. Nghe xong, Đào Chú tự trách mình: “Ôi chao! Chỉ tại ngày ấy tôi hồ đồ giao nhiệm vụ cho cô, nào ngờ dẫn đến chuyện hai người ở hai phương trời thương nhớ lẫn nhau…”
Không di lưỡng đại tương tư
LYL vẻ mặt rạng rỡ hạnh phúc, cười khẽ: “Việc này không thể trách đồng chí. Tôi và HCM hai người đã dốc lòng cùng nhau, hồng nhạn đưa tin, thế nào cũng có ngày tái ngộ. Huống hồ, tình cảm của hai người đã là vĩnh cửu, há đâu phải một sớm một chiều (Lưỡng tình nhược thị trường cửu thời, hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ). Tôi tin tưởng tình yêu qua thời gian đã được thử thách”. Đào Chú chỉ biết xoa tay. Ông đã rõ chuyện, chỉ đợi xem tình huống phía Việt Nam. Mối nhân duyên này, có thể nói, sự thành công là không dám chắc. Ông hiểu rõ mình gánh trọng trách, hơi thiếu cẩn trọng, rất có thể sẽ gây nên bi kịch di hận ngàn thu.

Dịp may đã đến. Đó là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch HCM vào ít năm sau đó. Đào Chú bèn thỉnh cầu Mao Trạch Đông sắp xếp cho ông và nữ cố nhân Quảng Đông gặp mặt. Mao Chủ tịch lập tức gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông - Đào Chú, LYL và những Ủy viên Thường vụ khác về Bắc Kinh. LYL nhận được tin báo vui mừng đến phát cuồng. HCM kết thúc chuyến thăm Trung Quốc sắp lên máy bay về nước, bỗng nhiên ông nhìn thấy LYL vội sải bước đến gần cô, hai tay nắm chặt không nói nên lời. Hai người nhìn nhau rất lâu, lòng rưng rưng xúc động trào nước mắt. Trước lúc phi cơ khởi trình, LYL lấy cuốn nhật ký ngày nào đưa trả lại HCM, nhẹ nhàng bảo: “Không có anh bên cạnh, lâu rồi tôi không ghi nhật ký, xin gửi lại anh”.

Ủy thác Đào Chú làm mối

Vào một ngày đẹp trời năm 1958, trên bờ sông ở Hà Nội, hai ông già lặng lẽ buông cần câu. Họ chính là HCM và Đào Chú. Lúc ấy HCM thần sắc có vẻ khác thường, trịnh trọng nói với Đào Chú: “TQ có câu ‘Lúc trẻ là vợ chồng, về già là bạn’. Tôi và LYL biết nhau đã hơn hai mươi năm, vì sự nghiệp cách mạng đành tạm gác tình riêng. Đến nay chúng tôi cũng đã có tuổi, muốn đón LYL sang Hà Nội, bí mật tổ chức hôn lễ để thỏa ý nguyện từ những năm trước”. Sau khi về nước, Đào Chú bay đến Bắc Kinh báo cáo sự việc với Trung ương ĐCSTQ. Chủ tịch Mao Trạch Đông chuyển đạt ý nguyện của HCM đến Tổng lý Chu Ân Lai. Tại Phủ Thủ tướng Quốc vụ viện, các vị lãnh đạo đều vô cùng kinh ngạc.

Chuyện hôn sự của Hồ Chí Minh không nhỏ

Mao chủ tịch trầm ngâm một lúc rồi nói: “Nói cho cùng, chính là chúng ta đề xướng ra đoạn tình duyên này, hôn nhân tự chủ, nên đáp ứng nguyện vọng của Hồ Chí Minh, nhưng đây không phải là việc nhỏ, chớ xem thường”.
Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam
Hồ Chí Minh và Lê Duẩn ngồi đối diện nhau, hai bên là các Ủy viên Bộ Chính Trị. Sự việc được đưa ra nhưng mọi người đều im lặng không nói. Cuối cùng HCM đập bàn, đứng lên: “Tôi chịu đựng đủ rồi. Thật tình tôi không nghĩ là sẽ được gặp lại người ta. Tôi có quyền quyết định việc riêng của mình, vì vậy, đề nghị các đồng chí không nên thuyết phục nữa”. Lê Duẩn tuy bất bình nhưng chưa dám gây căng thẳng, vẫn bình tĩnh nói: “Thưa Bác! Bác không nên quá xúc động, phải tính kế lâu dài, nên cân nhắc kỹ rồi hãy hành động. Chúng tôi can ngăn lúc này là vì lo cho Bác. Bác từng nói ‘Việt Nam chưa giải phóng thì đời nay, kiếp này tôi không xây dựng gia đình’. Câu nói ấy có ảnh hưởng rất lớn. Một khi Bác làm trái lời thề thì ý nghĩa của sự nghiệp thần thánh Giải phóng miền Nam cũng như uy tín ‘cha già dân tộc’ của Bác sẽ bị tổn thương, không những thế uy tín của Đảng ta trước phe XHCN cũng như cộng đồng quốc tế cũng bị giảm sút”. Thực ra tâm trạng Lê Duẩn vô cùng mâu thuẫn, ông ta không muốn ép HCM, nhưng vì ở cương vị Bí thư thứ nhất nên bắt buộc phải tỏ thái độ cứng rắn.
Thiểu số phục tùng đa số
HCM thấy Lê Duẩn nhất quyết can thiệp vào hạnh phúc riêng tư của mình, không nói nữa mà bảo: “Theo nguyên tắc, thiểu số phục tùng đa số, đề nghị các đồng chí giơ tay biểu quyết”. Nói rồi ông đưa mắt nhìn sang hai bên. Ý kiến tán thành và phản đối ngang nhau, riêng Lê Duẩn vẫn ngồi im. Mọi người đều chăm chú theo dõi thái độ của Bí thư thứ nhất. Lúc ấy Lê Duẩn mới từ từ nâng tay phải, nhưng đến nửa chừng lại đột nhiên bỏ thõng xuống, thở dài nói: “Tôi không thể làm mất uy tín của Bác”. Điều làm Lê Duẩn giật mình là, HCM không nổi trận lôi đình, trái lại, ông chỉ cười nhạt rồi thong thả rời cuộc họp bước ra ngoài.
Bi kịch tình yêu kết thúc
Tại bệnh viện Quảng Châu, LYL trông ngóng HCM nhưng chỉ nhận được bức thư vài dòng ngắn ngủi: “Y Lan thân mến! Chúng ta vô duyên không thể tái hợp. Muội đã nghe nói đến tình yêu theo kiểu Platonic chưa? Tuy không được ở bên nhau nhưng tâm hồn hai ta mãi mãi dung hòa nhất thể”. LYL cầm lá thư ném xuống bệ cửa sổ, nhìn theo lá thư vờn bay theo gió, hai dòng lệ lã chã tuôn rơi. Sau đó LYL viết thư hồi đáp HCM, trong thư, bà sử dụng hai câu trong “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị:
“Trên trời xin làm chim chắp cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành; Trời cao đất dày rồi cũng tận, tình này vĩnh viễn mãi không nguôi”.
(Tại thiên nguyện vi tỷ dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi; Thiên trường địa cửu hữu tận thời, thử tình miên miên vô tuyệt kỳ).
Bà chuyển chữ “hận” cải thành chữ “tình” để chứng tỏ tấm lòng thủy chung như nhất của mình đối với HCM. Bức thư bất đắc dĩ của HCM là một đòn nặng nề đánh vào tinh thần LYL khiến bà bị suy sụp rồi mắc trọng bệnh, năm 1968 thì qua đời. HCM nghe tin người yêu mất thì vô cùng ân hận và thương cảm. Sau đấy một năm, vào ngày 2 tháng 9 năm 1969, lúc hừng đông, HCM bỗng nhiên thở dài, lúc hấp hối ông đã gọi tên Lâm Y Lan.
Trở lên là câu chuyện tình của HCM và LYL. Chuyện ly này là do Lương Ích Tân viết trong tác phẩm “Mối tình nồng cháy của Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan”.

Sự thật về mối tình của Lâm Y Lan

Trong “Truyện Hồ Chí Minh”, trang 554-555, William J.Duiker viết: “Tháng 8 năm 1965, Đào Chú thăm Hà Nội, HCM có nhờ ông làm mối cho một phụ nữ trẻ, người Quảng Đông trước đây từng quen biết nhau. Khi trở lại Trung Quốc, Đào Chú báo cáo với Chu Ân Lai lời thỉnh cầu trên. Chu Ân Lai bèn cùng với lãnh đạo Bắc Việt thương thảo việc này nhưng cuối cùng không có kết quả”. William J. Duiker viết đoạn này, nếu đem đối chiếu với các bài “Mối tình nồng cháy của HCM và LYL”; “Ủy thác Đào Chú làm mối”; “Hội nghị Bộ Chính Trị Đảng Lao động Việt Nam”v.v. thì các chương mục gần như có nội dung thống nhất. Chi tiết Hồ Chí Minh yêu cầu Đào Chú tác thành với một người phụ nữ Quảng Đông để làm bạn là xác thực với những sự việc báo chí dã đưa tin. William J.Duiker viết tại chương này: (Hán văn trang 668) chỉ rõ nguồn gốc là “Chu Đào chi mê” của tác giả Quách Trinh, đăng tải trên tạp chí “Văn học Quân sự Tây Nam”, kỳ 72, Thành Đô 1995. Trong phần chú giải phụ thêm, William J. Duiker có một đoạn như sau: “Từ Cách mạng Văn hóa cho đến lúc trước khi bị thanh toán là lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đông. Bà và HCM trước đây từng rất thân thiết nhau. Tôi căn cứ vào văn bản suy đoán, sự kiện này xảy ra vào mùa xuân hoặc mùa hạ năm 1966”.

Trong bài viết “Mối tình nồng cháy giữa HCM và Lâm Y Lan”, ở phần “Trốn tránh truy bắt, ẩn mình ở Quảng Châu”, có đoạn: “Năm 1930, Tưởng Giới Thạch điều động quân đội Quốc Dân Đảng bao vây tiễu trừ Hồng quân khu Giang Tây, đồng thời ra lệnh cho các địa phương khẩn trương truy bắt các phần tử cộng sản. Dương Thành (Quảng Châu) cũng không ngoại lệ. HCM lúc này đang ở Quảng Châu. Nơi đây, trước đó do nhu cầu công tác, ông đã mấy lần về Việt Nam, tuy nhiên, lần này thì khác, HCM bị đặc vụ truy đuổi ráo riết, không chốn nương thân, chỉ còn cách liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Đông nhờ giúp đỡ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông - Đào Chú đã bố trí một nữ đảng viên là Lâm Y Lan, đóng giả làm vợ HCM để bảo vệ an toàn cho ông ta”. Ở mục: Lâm Y Lan được giao nhiệm vụ làm “vợ Hồ Chí Minh” và “Trong hoạn nạn thấy sự chân thành” đều có viết: “Không lâu sau, do một kẻ phản bội khai báo, HCM bị bắt nhưng ba ngày sau lại được cứu thoát”.

Những phần ghi chép trên nói rõ là, vào đầu năm 1930, HCM đúng là bị bắt ở Quảng Châu. Đối chiếu với “Hồi ức Trịnh Siêu Lân” về sự kiện HCM bị bắt ở Quảng Châu vào năm 1931, đồng thời so sánh với bài viết “Hồ Tập Chương, đến từ Miêu Lật - Đài Loan bị bắt ở Quảng Châu, giam tại nhà ngục Nam Thạch Đầu” trên “Đài Loan Nhật Nhật Tân Báo” thì thấy rất rõ ràng, nhân vật nam chính trong bài “Mối tình nồng cháy giữa HCM và LYL” chính là Hồ Tập Chương đến từ Miêu Lật - Đài Loan. [Xem lại Thiên III “Ve sầu lột xác, thật giả kiếp người” (Kim thiền thoát xác chân giả nhân sinh), “Hồ Chí Minh bị bắt tại Quảng Châu”, và Thiên IV “Những năm tháng phiêu bạt” (Phiêu bạt lưu lãng đích tuế nguyệt) đăng tải trên “Đài Loan Nhật Nhật Tân Báo”.]

Theo nhận định của William J. Duiker, các bài viết “Nhờ Đào Chú làm mối”“Chuyện hôn sự của Hồ Chí Minh không nhỏ” của tác giả Lương Văn là xác thực. Nhìn lại cuộc đời hoạt động chính trị thăng trầm của Đào Chú cũng có thể gián tiếp khẳng định, Chu Đào và LYL là một người. Đào Chú lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Đông từ mùa xuân năm 1951 đến năm 1966, từng là “phong cương đại lại” rồi nhảy nhanh lên Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Bộ trưởng Tuyên truyền, Cố vấn Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa, thứ bậc chỉ xếp sau Mao, Lâm, Chu, ngồi ghế thứ tư trong Thường vụ Bộ Chính Trị, có thể nói vận số vô cùng hanh thông. Thế nhưng, tai vạ bỗng đâu ập đến, trong Đại Cách mạng Văn hóa, Đào Chú bị “Lũ bốn tên” vu cáo thuộc phe “bảo hoàng”. Chúng xúi giục Hồng Vệ Binh đấu tố, hạ nhục ông cho đến lúc thân tàn ma dại rồi chết một cách tức tưởi vào ngày 30 tháng 11 năm 1969. Cùng thời kỳ sóng gió ấy, Chu Đào bị hạ phóng ra biên giới Tây Nam.

Theo nội dung các bài “Hội nghị Bộ Chính Trị Đảng Lao động Việt Nam”“Chuyện hôn nhân của Hồ Chí Minh không nhỏ”, có thể thấy một sự thực là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng câu nói ‘Một ngày đất nước chưa độc lập, tôi quyết không kết hôn’ làm cái cớ gây áp lực mạnh lên ý nguyện xây dựng gia đình của Hồ Chí Minh.
(Còn tiếp)

Hồ Tuấn Hùng
Thái Văn chuyển ngữ
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: