Luật sư Lê Quốc Quân
Gửi tới BBC từ Hà Nội
Cập nhật: 12:12 GMT - thứ hai, 10 tháng 1, 2011
Màn diễn Đại hội XI sẽ đến lúc khép lại và chắc đường lối sẽ không khác nhiều so với dự thảo. Trước mắt có vẻ bi quan nhưng về dài hạn chính sách càng lạc hậu thì càng mâu thuẫn với thực tiễn, và bức xúc xã hội càng dâng cao và tác thúc đẩy thay đổi mạnh sẽ càng dễ xảy đến.
Theo cuộc điều tra về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành tại Việt Nam cho thấy có đến 60% người trẻ (dưới 40 tuổi) ít tin tưởng vào thể chế chính trị và 73% người tin rằng sẽ có thay đổi, vấn đề là khi nào và như thế nào ?
Ai thay đổi ai?
Chúng ta có thể hy vọng rằng Đảng Cộng sản là một lực lượng thay đổi xã hội cách đây 20 năm vì một số lãnh tụ Đảng khi đó trong sáng và vì dân tộc. Nhưng hôm nay họ ràng buộc nhau và chỉ vì “quyền và lợi” và khả năng tự thay đổi là rất khó.
Quả thật, họ vẫn tiếp tục sống không chính danh và tự lừa dối mình, vẫn hô hào “kiên định” đi lên XHCN mà thực tế chưa định hình được XHCN là gì, hình thù ra sao và khi nào thì đạt được.
Đảng đã từng chui vào cái rọ Xã hội chủ nghĩa và thấy sắp chết ngạt nên quyết định “đổi mới” chui ra, càng “chui ra” càng khen mình tài giỏi.
Nhưng dù sử dụng ngôn ngữ “thành thần” và đánh tráo khái niệm điêu luyện đến mấy cũng khó làm cho dân chúng bây giờ tin vào cái “đuôi XHCN”.
Đảng Cộng sản bây giờ không đủ dũng cảm để thừa nhận mình sai lầm và từ bỏ toàn bộ quyền lực, trả lại cho nhân dân quyền tự quyết. Bằng chứng là vẫn cấm tự do báo chí, cấm cho lập đảng tự do bầu cử.
Các Nghị quyết thì càng ngày càng tụt hậu về tư tưởng so với trước kia.
Đặc biệt nhiều người CS cấp cao cũng biết lý thuyết sai nhưng chỉ dám mạnh miệng khi về hưu.
Trước đó họ thường đã kịp chọn một người kế vị “bảo thủ” hơn mình để mong bịt đuôi kín lại phía sau nhằm bảo vệ mình và để mình được mang tiếng là đổi mới.
Từ bên ngoài
Thay đổi càng khó đến từ những tổ chức và đảng phái chính trị ở Hải Ngoại mà họ chỉ có thể là những chất xúc tác.
Thật vậy, những nỗ lực đấu tranh cho dân chủ, tự do đầy xúc động nhiều năm đối với quê hương của các tổ chức đang dần dần trở nên mệt mỏi khi độ tuổi của người đấu tranh ngày càng già đi. Những đấu tranh không thể tác động một cách dứt điểm lên các chính sách của Nhà nước Việt Nam mà chỉ để gây áp lực lên một vài vụ việc cụ thể.
Trong khi đó hoạt động cách mạng để thay đổi đòi hỏi quyết tâm sắt đá và những nỗ lực không ngừng theo một chiều sâu đầy tính hành động chứ không phải chỉ là những bài viết trong phòng máy lạnh với đầy đủ tiện nghi.
Những tổ chức trong nước vừa mới manh nha xuất hiện thì bị bắt, bị khủng bố. Nhà nước kiên quyết ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Song song với việc đó họ đã khôn khéo tung tin, kích động và chia rẽ các nhà hoạt động dân chủ để họ không thể ngồi lại với nhau.
Quả thật, những người cộng sản làm rất tốt việc này vì họ đã trải qua hết những cung bậc đó và tràn đầy kinh nghiệm. Từ ngây thơ đến mưu lược, tha thiết đến lạnh lùng tàn nhẫn, từ đấu tranh chính trị đến ngoại giao, từ khủng bố đến kêu gọi hòa bình.
Vai trò của các cường quốc
Lịch sử Việt Nam có 1000 năm Bắc thuộc. Vua Trần đánh xong Quân Nguyên, dâng Chiếu lên Bắc Triều xin được phong vương và nhận làm chư hầu.
Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đánh giặc Minh, sau đó đã dâng Biểu thú nhận: “Tội thần nhiều như tóc trên đầu”. Sau khi đánh tan giặc Thanh, Ngô Thì Nhậm đã thay mặt Nguyễn Huệ trình quốc thư xin bình thường hóa mà rằng: “Nam Triều không dám đánh mà do quân Thiên Triều không quen thấy voi nên bỏ chạy”.
Việt Nam giờ sát nách ngay “công xưởng của thế giới”, nhập siêu năm 2010 hơn 12 tỷ từ Trung Quốc. Gần đây hai chính quyền đã đồng ý đến 2020 sẽ có đến 9 con đường cao tốc từ các Tỉnh vùng biên Trung Quốc chọc thẳng xuống Việt Nam. Trung Quốc cũng khống chế hầu như toàn bộ các con sông, suối xuôi về nước Việt.
Trung Quốc còn thè đường “lưỡi bò” quyết tâm liếm sạch “mặt tiền” Việt Nam.
Đối với Hoa Kỳ, sau khi bình thường hóa quan hệ được 15 năm, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác và bạn hàng lớn nhất tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng có quyền lợi và mong muốn một Việt Nam dân chủ. Mệnh danh dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến cho tự do, dân chủ, cái khó của Hoa Kỳ là không thể lờ đi vấn đề nhân quyền để lái Việt Nam vào quỹ đạo của mình.
Ngoài ra còn do sức ép trực tiếp của các cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại lên các nghị sỹ. Nhưng càng “ép” thì khả năng “đổ” về Trung Quốc càng tăng cao. Rõ ràng Việt Nam không thể đi với Mỹ nếu không hòa thuận được với Trung Hoa.
Sau đại hội cũng là lúc tân đại sứ Hoa Kỳ - David Shear – đến Việt Nam. Là người hiểu biết rõ Trung Quốc và Đông Nam Á, vị tân Đại sứ liệu có ý định biến Việt Nam thành cái nêm chèn giữa hai cường quốc và để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia hay là có quyết liệt hơn là biến Việt Nam thành một “cứ điểm” để bao vây và tấn công vào Trung Cộng ?.
Kinh nghiệm cho thấy Việt Nam lại là quốc gia thích “tự lực” trong nhờ vả.
Nhưng nếu đảng CS khôn ngoan và bản lĩnh, chúng ta có thể “dạy cho Trung Quốc” một bài học bằng cách tiến hành dân chủ, đa nguyên.
Chỉ có cách đổi mới hệ thống chính trị, tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ và các lợi thế cạnh tranh chắc chắn là bài học mà toàn thể nhân dân Trung Quốc và một số lãnh đạo Trung Quốc đang mong ngóng.
Trong mối tương quan giữa Việt Nam với quốc tế không thể không nhắc tới Vatican.
Dù chưa có quan hệ ngoại giao nhưng Việt Nam là nước có đông tín đồ Công giáo lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau Phillipines. Quan trọng là những tín đồ có tổ chức chặt chẽ và có cùng một đức tin.
Họ có thể tập hợp được ngay lên đến hàng trăm ngàn người cùng một lúc. Những mâu thuẫn về ý thức hệ có thể là ngòi nổ và là khởi điểm cho sự bùng dậy.
Từ dưới dội lên
Lịch sử Việt Nam cho thấy các triều đại sau khi giành được độc lập thường dần dần trở nên hủ bại và suy tàn. Đó là lúc các cuộc khởi nghĩa bùng nổ.
Hiện nay hơn 70% dân số Việt Nam là nông dân và khiếu nại của nông dân đang càng ngày càng nhiều.
Năm 2010 vừa qua có 110,000 vụ khiếu nại tố cáo, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái chưa kể các cuộc đối đầu bất bạo động đông người giữa giáo dân và Chính quyền liên quan đến các vấn đề đất đai tôn giáo.
Những vấn đề về đất đai nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng và tham nhũng đã đưa nhiều bộ phận dân chúng kết hợp với nhau.
Hiện nay họ chỉ đấu tranh cho lợi ích trước mắt và sát sườn khi nó bị xâm hại. Nhưng nếu có tự do báo chí và có các tổ chức chính trị hướng dẫn để họ tìm ra nguyên nhân đích thực ở đây là vấn đề về do hệ thống toàn trị thì chuyện đòi thay đổi có thể đến rất nhanh.
Trước mắt giải pháp tốt nhất là chúng ta phải ý thức trọn vẹn bổn phận của mình.
Chúng ta không nguyền rủa bóng tối mà sẽ thắp lên những ngọn nến. Khi thấy được một sức mạnh quần chúng hiện hữu đòi thay đổi thì chính trong Đảng Cộng sản sẽ có người đứng lên đấu tranh và chia tách.
Quả thật, nhìn vào dự thảo Đại hội Đảng Cộng sản XI chúng ta thấy bi quan nhưng nhìn vào lịch sử Việt Nam và khát vọng sống của con người, chúng ta hoàn toàn có quyền lạc quan về dài hạn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của luật sư Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh dân chủ học ở Hoa Kỳ về, từng bị chính quyền giam ngắn hạn ở Việt Nam. Ông hiện sống tại Hà Nội.
.
.
.
No comments:
Post a Comment