Monday, January 17, 2011

CƠN SỐT MỸ DU (Huy Phương)

Huy Phương
Monday, January 17, 2011

Tôi không biết ai là tác giả câu nói “nếu biết đi, cái cột đèn cũng đã ra đi”, nhưng lời nói này đã mô tả thảm trạng khốn nạn, khổ đau của dân tộc chúng ta sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Kể từ ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, hàng triệu người đã tìm cách bỏ nước ra đi, chấp nhận chết chóc, tù đày để tìm tự do.

Các nguồn tin đều phỏng định có hằng trăm người vượt biển ra đi, cứ một người đến đất liền thì có một người chết trên biển cả. Bao gồm cả những thuyền nhân vượt biển, các đợt “bán chính thức” khi chính phủ Cộng Sản công khai đẩy Hoa kiều ra khỏi nước, khiến cho ngày nay, ở chân trời góc biển nào cũng có người Việt Nam lưu vong. Ðến nước Mỹ thì có chương trình con lai “tìm về đất cha”, chương trình định cư của những người tù “cải tạo”, chương trình “Ra Ði Có Trật Tự”, và chương trình bảo lãnh thân nhân của gia đình định cư tại Mỹ. Vì vậy cho đến ngày nay, nước Mỹ là nơi có đông người Việt định cư nhất trên thế giới, con số đó là một triệu, sáu trăm bốn mươi hai nghìn, chín trăm năm mươi người (1,642,950), chỉ mới tính đến năm 2007.

Thời gian nào được xem như thời gian chấm dứt cuộc trốn chạy chế độ Cộng Sản được xem như là dài nhất trong lịch sử loài người. Phải chăng là cho đến lúc Cộng Sản tuyên bố giai đoạn “mở cửa” và những người ra đi vội chóng quên đã trở về vui vẻ trong ngày lễ hội mới trên nền đất xưa, vốn một thời đã đầy dẫy xương máu, thù hận, xót xa của một thời chưa lấy gì làm xa lắm. Nhưng về, mà không ở lại, làm một người du khách mang hộ chiếu ngoại quốc thì dễ, nhưng làm một công dân bình thường trong chế độ Cộng Sản mới là khó. Ngày nay đã không còn những cuộc vượt biển trong bóng đêm. lén lút, nguy hiểm đến tính mạng cho người đi, nhưng không phải là những cuộc ra đi từ bỏ đất nước, hay nói cho đúng đắn hơn, chạy trốn chế độ Cộng Sản đã chấm dứt. Không một nơi nào dọc trên con “đường chết” từ Việt Nam đến Mỹ ngày nay chấp nhận cứu vớt bạn trên những con thuyền mỏng manh nữa và nước Mỹ cũng ngưng tiếp nhận người Việt vào đất liền, nếu bạn không đi qua ngã Ðại Sứ Quán Mỹ ở Việt Nam.

Cuộc ra đi ngày nay không phải lội sông, qua biển, chịu đói khát mà trái lại một cuộc ra đi có đón đưa, có tràng hoa mừng người mới đến. Và dù nói thế nào đi nữa, nước Mỹ vẫn là nơi người ta mơ ước được đặt chân tới, dù được ở lại thăm viếng một thời gian hay phải trở về. Có người vui vẻ đến Mỹ và được sinh sống mãn đời ở đây và cũng có người chỉ mong được vui chơi trong một thời gian ngắn, vì nước Mỹ không chấp nhận cho họ ở lại.

Có sinh viên, học sinh nào ở Việt Nam mà không muốn được đi du học tại Mỹ không? Có cán bộ “nhà nước” nào mà không mong con mình được xuất ngoại đến Mỹ, có thương gia nào mà không muốn gởi con vào các trường Ðại học Mỹ? Ðó là giấc mơ của tuổi trẻ và các bậc cha mẹ tại Việt Nam, nhưng không phải dễ thành sự thật, vì chi phí cho một du học sinh đến Mỹ quá cao: $25,000.00 học phí cho một năm chưa kể các chi phí ăn ở, y tế, phương tiện di chuyển, vui chơi giải trí, thủ tục xuất, nhập cảnh.

Vào niên khóa 2007-2008, số du học sinh từ Việt Nam đến Mỹ, xếp hạng thứ tự trên số du sinh toàn thế giới đang đứng hạng thứ 20 lên đến hạng thứ 13, nhờ chế độ qua thời “bao cấp” và bước vào thời “mở cửa”, nhờ ăn nên làm ra, nên cán bộ nhà nước và những người có “máu mặt” phải nghĩ đến việc gởi con ra ngoại quốc và chính phủ Mỹ cũng muốn tăng con số du học sinh Việt Nam đến Mỹ. Niên khóa 2009-2010, số sinh viên Việt đến Mỹ tăng 20% so với năm 2008 và 45% so với năm 2007. Theo con số được ghi nhận ngày 15 tháng 11 năm 2010, hiện nay số sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ là 13,112.

Phải công nhận rằng, ngày nay không phải tất cả du sinh Việt Nam tại Mỹ đều là con cái đảng viên, nói nôm na là “con ông cháu cha”, mà những ai phất lên trong cuộc “đổi đời” hiện nay tại Việt Nam, trong đó có cả những người của chế độ miền Nam trước đây đều cố gắng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, tìm cách cho con cái đi học ở nước ngoài, đương nhiên đi Mỹ là ưu tiên. Chúng ta nên lấy làm mừng trước phong trào du học sinh Việt đến Mỹ càng ngày càng đông, nhưng chúng ta lấy lý do gì để nói đây là một cuộc bỏ nước ra đi thầm lặng, không khác gì những cuộc vượt biên ngày trước. Bạn thử làm một cuộc nghiên cứu về tâm lý sinh viên Việt Nam ở Mỹ, phỏng vấn hàng nghìn phụ huynh có con em là du học sinh, để có thể có một kết luận không xa thực tế mấy là xem như hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp, hay chưa tốt nghiệp cũng chẳng sao, tìm cách ở lại nước Mỹ hợp pháp. Cha mẹ nào cũng trông mong con cái được lập gia đình, kết hôn với công dân Mỹ để có quyền ở lại Mỹ, gây được cơ sở làm ăn và đặt một nhịp cầu cho việc di dân của họ mai sau.

Một số sinh viên sau thời gian du học, phải trở về để quản lý tài sản của cha mẹ, điều hành cơ sở thương mãi của giòng dõi, nhưng không về cũng chẳng sao, vì bây giờ là lúc chuyển tài sản, tiền bạc sang nước Mỹ không còn là chuyện gì khó khăn. Có lẽ nước Mỹ cũng trông mong và khuyến khích việc này, chỉ mong đồng đô la mà người Việt tỵ nạn đã có quyền tự do, phung phí tiếp máu cho chế độ trong nước, có dịp trở lại nằm trong các trương mục ngân hàng của Mỹ.

Ai không có điều kiện được thân nhân bảo lãnh, hay xuất ngoại du học thì có chút tiền cũng tìm cách du lịch sang Mỹ một lần cho biết mặt “tên sen đầm quốc tế” ra sao. Bây giờ là thời đại bốn biển một nhà, ở Việt Nam, bây giờ người ta đi Hồng Kông, Trung Cộng, Thái Lan, Kampuchea, Singapore, Nam Dương, Nam Hàn, Mã Lai... dễ dàng như đi chợ, còn anh Tàu Cộng thì vào ra đất nước ta đêm hôm thế nào cũng được, vì “nhà nước ta” đã gỡ phên dậu, bỏ hàng rào cho người anh em hàng xóm “môi hở răng lạnh”, lúc nào muốn sang thì cứ sang. Nhưng quái lạ, là nước Mỹ vẫn giữ giá cao, vào ra nước Mỹ còn phải qua bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, dù là đi chơi vài ba tháng cũng phải qua một cuộc phỏng vấn, tuy không khó khăn chỉ tóm gọn trong vài ba phút với một câu hỏi, nhưng cũng không phải là chuyện dễ dàng như lấy đồ trong túi.

Hiện nay có bốn thành phần vào nước Mỹ qua ngã Ðại Sứ Quán Mỹ: Du học, du lịch, công tác, di dân. Tại sứ quán Mỹ ở số 4 trên đường Lê Duẩn (đại lộ Thống Nhất cũ), năm ngày trong tuần, mỗi ngày ba đợt, mỗi đợt các viên chức Mỹ phỏng vấn khoảng 150 người, dù rớt dù đậu, mỗi người phải đóng lệ phí $140.00 (đô la Mỹ). Ðại Sứ Quán Mỹ ở Saigon đã có được số thu hàng tháng phỏng định: $140.00 x 600 người x 3 đợt mỗi ngày x 20 ngày = $4,400,000.00 (4 triệu, 400 nghìn đô la). Số người qua các cuộc phỏng vấn của các viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ tại Saigon chỉ có 20% được cấp visa, có nghĩa là 80% “tái đăng ký” phỏng vấn vì còn nuôi hy vọng vào Mỹ. Nếu một ngày nọ, lệ phí phỏng vấn tăng lên gấp đôi hay gấp ba, số người muốn ra đi cũng không hề thuyên giảm.

Ngày xưa nước Mỹ chấp nhận người tỵ nạn nên phải lo mọi thủ tục, nuôi ăn nuôi ở, cho huấn nghiệp, phiếu y tế, tiền trợ cấp... Ngày nay nước Mỹ mở cửa cho người Việt tự nguyện đem đồng đô la vào. Thành phần di dân chắc chắn sẽ sinh con đẻ cháu trên đất Hiệp Chủng Quốc này, thành phần du học muốn lập nghiệp ở Mỹ, không muốn trở về; du lịch và diện công tác không thể ở lại đất Mỹ.
Nhưng cứ nhìn cái cảnh nhộn nhịp mỗi ngày trước cổng tòa nhà số 4 Lê Duẩn Saigon mới thấy cơn sốt “Mỹ du” đang lên cao.
Bà Dương Quỳnh Khanh, đã ghi lại những ý tưởng của bà trên “net” sau một chuyến du lịch ba tháng đến Mỹ do con gái bà bảo lãnh. Bà cho rằng “không phải ai cũng dễ dàng đặt chân đến vì đó là một nơi xa xôi, người dân bình thường, không họ hàng, không ai bảo lãnh, có tiền cũng khó đến được”. Nhận xét về người Việt đang sinh sống tại đây, bà Khanh đã nói: “Hiện nay, người Việt tại Mỹ ăn nên làm ra, thành đạt được sống trong tự do nhân quyền, họ đã khẳng định nước Mỹ là quê hương thứ hai, không thấp thỏm lo âu bị ai tước đoạt tài sản, không lo sợ bị khống chế tự do, nhân quyền, do đó họ sống thật bình yên.” Bà có kết luận: “Tôi chưa thấy bóng dáng thiên đường trên cao, nhưng đất nước nào giàu có, dân sống sung sướng lạc quan, không sợ hãi, không lo âu thì đó là thiên đường.”

Còn phần bạn, hiện nay đang sinh sống trên đất Mỹ, bạn có cảm thấy hạnh phúc hơn bao nhiêu người khác? Và bạn có biết bây giờ ở Việt Nam đang có một cuộc vượt biên lặng lẽ đang bùng phát không?
.
.
.

No comments: