Friday, January 7, 2011

CHÀNG TRAI GỐC VIỆT và HÀNH TRÌNH 35 NĂM ĐI TÌM MẸ

Tiffany Le/Người Việt
Wednesday, January 05, 2011

WESTMINSTER (NV) - Rob Nguyễn nhớ những lời cay đắng của cha mình như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua: “Mẹ con ở bên đó (Việt Nam), còn con ở bên này.” Suốt 35 năm qua, Rob, một người tị nạn Việt Nam, vẫn cứ trăn trở, muốn biết lý do, và chỉ một lý do thôi: “Tại sao mẹ mình không liên lạc gì với mình.”
“Tôi chỉ muốn lo lắng và thương yêu mẹ tôi,” Rob, giờ đã là cha của bảy đứa con, nói như thế.


Cảnh từ giã cảm động giữa Rob và mẹ vào tháng 9 rồi. Rob xin chiếu khán cho mẹ sang thăm Hoa Kỳ từ năm 2008, vẫn chưa được chấp thuận. (Hình: Rob Nguyễn cung cấp)

Ðến đất Mỹ với bà Nội và các cô chú khi bé Nguyễn mới 2 tuổi vào năm 1975. Thân phụ của cậu là lính Thủy Quân Lục Chiến, sang định cư sau.
Cậu còn quá nhỏ để hiểu sự cay đắng của chiến tranh mà cha mình trải qua khi phải bỏ vợ lại Việt Nam.
“Khi chúng tôi ra đi, mẹ tôi lấy người khác. Lúc ấy mẹ tôi chỉ mới 18 hay 19 tuổi.”

Rồi cuộc đời cũng trôi qua. Gia đình tị nạn về định cư ở Lawndale. Bà Nội của Rob, thay con dâu mình, đóng vai trò người mẹ của cậu. Rob chứng kiến gương mặt mệt mỏi của những người chú về nhà sau một ngày làm việc ở một tiệm bán hamburger; những người khác thì cố gắng học tiếng Anh, để đi học lại.
“Ai cũng làm, để sống, và mong muốn thành công.” Rob kể.
Mỗi tối, cậu nhìn những vết hằn chiến tranh trên gương mặt bà Nội. “Tôi thấy bà Nội khóc khi đốt nhang trên bàn thờ ông Nội.” Rob hồi tưởng.

Rob Nguyễn gặp bà ngoại lần đầu trong chuyến về thăm Việt Nam gần nhất. (Hình: Rob Nguyễn cung cấp)

Rob đã phải sống, nay với người chú này, mai với người cô khác, trong suốt chuỗi ngày niên thiếu. Chẳng khi nào ở một nhà lâu hơn hai năm. “Tôi có cảm tưởng là mình đang bị đẩy từ nhà này đến nhà khác.”

Ngày lên học trung học là lần đầu cậu thanh niên Rob biết về gương mặt người mẹ của mình. “Ai đó về Việt Nam và đem sang một cuộn phim video.” Cậu hớn hở theo dõi cuộn phim. Và tình cảm Rob thay đổi liên tục trong lúc xem lại cuốn phim mang từ Việt Nam sang. Lúc đầu là niềm hạnh phúc, rồi Rob cảm thấy mình trở nên giận dữ. “Tôi hỏi mọi người, mẹ tôi đang nói gì trước máy quay phim. Ai đó trả lời: 'bà ấy xin tiền.'” Rob nhớ lại.
Ðứa bé Mỹ không hiểu nổi văn hóa Việt Nam của mình, và nghĩ rằng: “Bà ấy chỉ muốn tôi cho tiền thôi sao?”

Cú điện thoại thay đổi tất cả
Thái độ ấy, thái độ bất mãn khi ai đó nói mẹ của mình đang xin tiền mình, thay đổi vào năm 2008 khi Rob nhận điện thoại của một người cô.
“Cô tôi nói rằng mẹ tôi bệnh và muốn gặp tôi.” Rob kể, và thấy tình cảm dâng trào trong người. Những năm tháng hận thù của người cha và những năm dài tò mò về người mẹ đã bắt đầu kết thúc bằng một cú điện thoại như vậy.
“Hình như một mảnh thiếu của trò chơi lắp ráp đã được tìm ra, trong lòng tôi. Tôi không thể chần chờ. Tôi cần biết mẹ tôi là ai.”

Rob biết mình có hai người em gái cùng mẹ khác cha. Ông gởi tiền về mỗi tháng để một trong hai người em được đi học. Trong hình, Linh (trái), mẹ của Rob và Hân. (Hình: Rob Nguyễn cung cấp)

Tức thì, Rob lấy vé bay về thăm quê hương lần đầu tiên. Vừa tới phi trường đông chật người, đôi mắt của hai mẹ con đã tìm thấy nhau. “Mọi sự như đóng băng lại và tôi chẳng thấy ai khác ngoài mẹ tôi.”

Một phóng viên của tờ Belleville News-Democrat mô tả giây phút gặp gỡ của hai mẹ con Rob, rằng dường như người con trai là cả một sự hỗn độn về cảm xúc, “vui buồn lẫn lộn.”
Và rồi đến căn nhà của người mẹ, phóng viên viết tiếp: “Giường chỉ là một tấm ván và một cái mền... nhà không có vòi nước tắm, bà ta phải nấu nước để tắm bằng miếng bọt biển.”

Thì ra...
Khi Sài Gòn sụp đổ, bà Lan - người mẹ - lẽ ra phải vượt thoát một tuần lễ sau khi Rob ra đi, nhưng vì lỡ điểm hẹn với chồng, bà bị kẹt lại.
“Nhưng tôi vẫn muốn biết tại sao mẹ tôi không liên lạc với tôi!” Rob vẫn ray rứt.

Trong tuần lễ viếng thăm quận Bình Thạnh, Sài Gòn, Rob được biết, cha mẹ mình ly dị khi còn chiến tranh và sau khi Rob vượt biên, bà Lan đi lấy chồng mới. “Chắc cha tôi giận vì chuyện này.” Rob nói, rằng ông “vẫn cố gắng tìm hiểu về điều này.”

Lời hứa với mẹ
Từ khi về lại Hoa Kỳ, Rob nguyện sẽ đưa mẹ mình đến Illinois để gặp cháu nội. Nhưng hành trình xin chiếu khán quả là khó khăn. Hồ sơ của Rob bị từ chối 3 lần.
Trong khi đó, chuyến đi Việt Nam đã cho Rob cả một thế giới mới, để cảm nhận. “Bây giờ thì tôi đã biết chắc hơn về căn cước của mình, và hãnh diện về nơi tôi được sinh ra.” Rob giải thích. Ngừng một hồi lâu, rồi tiếp: “Tôi có trách nhiệm với văn hóa của tôi.”

Gia đình Rob hiện sống tại Belleville, Illinois, nơi Rob làm nghề canh xe lửa.
Rob và người cha ruột vẫn đối với nhau như người xa lạ. Có lẽ vì vết thương của chiến tranh, và cả nỗi đau vì vợ bỏ đi theo chồng mới.
“Tôi vẫn cố tìm hiểu cha tôi.” Rob tâm sự.

Rob trở về Việt Nam lần thứ nhì vào tháng 9 rồi, để thăm mẹ, và nhiều thân nhân mình.
Hồ sơ bảo lãnh mẹ vẫn cứ trục trặc. Rob đã phải nhờ đến văn phòng Dân Biểu Jerry Costello, Illinois, để được giúp đỡ.
“Nội dung của trường hợp này tôi không vào chi tiết được, nhưng Dân Biểu Costello đã làm việc với ông Rob và liên lạc tòa đại sứ. Dân Biểu Costello sẽ tiếp tục những cố gắng này.” Tùy Viên Báo Chí của Dân Biểu Costello, là ông David Gillies, nói với Người Việt.

Rob nói: “Tôi muốn nhờ ông dân biểu giúp tôi thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ, rằng không phải tôi đưa lậu mẹ tôi vào nước Mỹ.”
Chưa biết Rob sẽ phải chờ bao lâu, để được ôm lấy mẹ mình, ngay trên đất Mỹ. Và cũng để được chính mẹ giải thích câu hỏi anh cưu mang bao lâu nay: “Tại sao mẹ không liên lạc gì với tôi?”

Hai mẹ con xa nhau đã 34 năm!
.
.
.

No comments: