Quốc Việt, thông tín viên RFA
2011-01-16
Có gần 10 tổ chức nhân quyền Khmer Krom tại Campuchia tổ chức buổi họp báo tại Thủ đô Phnom Penh vào hôm thứ Bảy, ngày 15 tháng giêng, đề nghị Chính phủ Cộng sản Việt Nam điều tra vụ án 2 người Khmer Krom bị giết tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng giêng năm 2011.
Các tổ chức này cũng yêu cầu Chính phủ tôn trọng nhân quyền và ngưng kỳ thị sắc tộc.
Các tổ chức nhân quyền Khmer Kampuchia Krom đang hoạt động nhân quyền tại Campuchia tổ chức cuộc họp báo tại thủ đô Phnom Penh vào hôm thứ Bảy, ngày 15 tháng Giêng kêu gọi Chính phủ Cộng sản Việt Nam truy nã bắt những kẻ tình nghi giết chết 2 người Khmer Krom ở TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng Giêng năm 2011.
Người Khmer Krom bị kỳ thị tại VN
Dân biểu Yon Tharo, kiêm Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Khmer Kampuchia Krom tại Thủ đô Phnom Penh phát biểu trước báo chí rằng, vào ngày 03 tháng giêng vừa qua có một người Khmer Krom tên Thạch Thanh, 28 tuổi, quê quán ở xã Hòa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh bị người Việt giết chết; còn một người khác tên Thạch Hoàng, 21 tuổi, quê quán ở tỉnh Trà Vinh cũng bị giết tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 6 tháng Giêng. Tuy nhiên hiện không được Cơ quan cảnh sát điều tra liên quan vụ án này.
Ông nói rằng cộng đồng người Khmer Krom tại Campuchia hiểu Pháp luật nước Cộng sản Việt Nam rất nghiêm ngặt đối với người phạm tội, đặc biệt liên quan vụ án giết người. Có trường hợp người phạm tội cách đây vài năm, vài tháng, và cả tuần thì cơ quan cảnh sát điều tra cũng có thể điều tra đem họ ra xét xử, thế nhưng những vụ án liên quan đến người Khmer Krom thì Chính phủ không có hành động. Ông còn nói, động thái này cho thấy Chính phủ Việt Nam kỳ thị người Khmer Krom đang sống tại miền Nam của Việt Nam.
Dân biểu Yon Tharo, người gốc Khmer Krom tỉnh Trà Vinh còn cho biết thêm, ông được gửi thư cho ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung Ương đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cùng với 4 đại biểu khác gốc Khmer Krom đang làm việc trong Chính phủ Việt Nam để xin can thiệp và thúc giục Chính phủ Cộng sản Việt Nam điều tra vụ án giết 2 người Khmer Krom vào hôm thứ Sáu vừa qua.
Ông Yon Tharo cho biết, ông đề nghị can thiệp lên Chính phủ để thúc giục cơ quan cảnh sát điều tra truy nã bắt những kẻ tình nghi đem ra tòa xét xử, để nạn nhân nhận được bồi thường, công bằng xứng đáng; Là người lãnh đạo và đại diện cho Dân tộc Khmer Krom tại Việt Nam thì bằng cách nào cũng phải cố gắng làm công việc này cho người Khmer Krom.
Đại diện tổ chức Liên Minh Khmer Kampuchia Krom Tang Sarah bày tỏ rằng, Chính phủ Việt Nam không quan tâm đến người dân Khmer Krom. Nếu như chúng ta nhìn từ phía ngoài thì sẽ thấy Chính phủ tôn trọng nhân quyền, cảnh giác cao đối với các tổ chức phản động trong và ngoài nước, nhưng thực tế Chính phủ Việt Nam đang chụp mũ những người bất đồng chính kiến và đàn áp tinh thần người Khmer Krom bằng nhiều hình thức khác nhau.
Còn thân nhân gia đình bị giết xin giấu tên cho biết rằng, hai người trên đi tìm việc làm tại TP. Hồ Chí Minh gần hai năm, nhưng không biết nguyên nhân tại sao họ bị người Việt đâm chết tại chỗ, còn cơ quan cảnh sát điều tra cũng không bận tâm đến vụ án này, mặc dù gia đình gửi đơn khởi kiện lên Tòa.
Ông bày tỏ thêm, tôi cảm thấy tại tỉnh Trà Vinh còn có nhiều áp bức. Ví dụ, một vụ án gây ra tai nạn giữa người Khmer và người Việt cũng ở kế đó, tức chỉ gây ra tai nạn nhưng không bị thương nặng quá, mà người Khmer tức là người gây tai nạn thì buộc phải bồi thường 80 triệu.
Liên quan vấn đề này, ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung Ương đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trả lời với Đài Á Châu Tự Do vào hôm thứ Bảy rằng, ông đang họp Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 tại Thủ đô Hà Nội và ông chưa nhận được bức thư của các tổ chức nhân quyền Khmer Krom ở Campuchia.
Khi đặt câu hỏi liên quan vụ án 2 người Khmer Krom ở tỉnh Trà Vinh bị giết, thì ông nói rằng, tôi đang họp ở Hà Nội chứ không phải ở trong miền Nam. Bây giờ thế này, anh cần hiểu tình hình gì, thì tôi đề nghị anh có thể gặp trực tiếp với nhau để mình nói chuyện thì nó dễ hơn.
Các tổ chức nhân quyền Khmer Krom cũng cho biết, ngoài bức thư gửi ông Sơn Song Sơn và 4 đại biểu Quốc hội gốc Khmer Krom tại Việt Nam, họ còn gửi lên Bộ Ngoại giao Campuchia và tổng lãnh sự quán Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị hợp tác với Chính quyền Việt Nam để giám sát điều tra vụ án này.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment