Trần Văn Nam (tiểu luận)
4.1.2011
Có những biến cố đất nước (về chính trị, kinh tế, xã hội) cắm mốc hình thành các thời kỳ văn học sử, nhưng không phải bất cứ biến cố nào cũng làm vai trò tác động gây biến chuyển cho sáng tác văn thơ, cho dù biến cố đó thật lớn bẻ ngoặc cả tình hình lịch sử quốc gia. Phần nhiều biến cố đất nước cũng là biến cố văn học, nhưng không phải tất cả đều như vậy.
Ví dụ trong tình hình miền Nam từ 1954 đến 1963 đã có hai biến cố lớn: một là cuộc di cư sau hiệp định Genève đã hình thành nền văn học miền Nam, giai đoạn đầu bao gồm trong ba dạng - văn học ý thức hệ đối lập ý thức hệ xã hội chủ nghĩa – văn học do nhóm Sáng Tạo vừa có tính chính trị, như văn học ý thức hệ vừa có nhu cầu làm mới làm khác hơn nhóm Tự Lực Văn Đoàn – và văn học thời triết lý hiện sinh do sách báo dịch thuật phát triển đồng thời với tình hình xã hội bi quan; giai đoạn sau là văn học sau đảo chánh năm 1963.
Trước thời điểm cuộc di cư, miền Nam cũng có sẵn một nền văn nghệ, nhưng chỉ là tiếp tục thưởng thức tiểu thuyết nhóm Tự Lực Văn Đoàn phổ biến do nhà xuất bản “Yểm Yểm Thư Trang” của thi sĩ Đông Hồ, hoặc dư vang “văn nghệ chiến khu” do cảm tình với cuộc kháng chiến chống Pháp thể hiện trong các tác phẩm “Thu Hương” và “Chị Tập” của Hồ Hữu Tường- “Sau dãy Trường Sơn” của Lý Văn Sâm- “Xin đắp mặt tôi mảnh luạ hồng” (không nhớ tên tác giả) – “Thơ mùa giải phóng” với Vũ Anh Khanh, Đông Hồ, Liên Chớp, Nguyễn Bính… (1). “Tuần báo Đời Mới” của ông Trần Văn Ân (Tuần báo Đời Mới chuyên về thông tin nhưng được nhiều nhà văn thơ từ miền Trung miền Bắc đóng góp bài vở, có mặt từ khoảng năm 1951 đến 1955 tại Sàigòn. Vào năm 1954, người viết bài này chỉ là một thiếu niên 15 tuổi, nhờ may mắn trong nhà có mua đều đặn tuần báo, nhớ được một số bài thơ văn khá hay như của Tạ Ký, Thanh Thuyền, Diên Nghị, Kiêm Đạt, Song Hồ, Huy Phương, Thế Viên, Mai Băng Phương, Đỗ Hữu, Huyền Viêm, Dao Ca, Huyền Giang, Châu Liêm, Huy Trâm, Hà Bỉnh Trung, Duy Năng, Hồ Hán Sơn (2), Hà Việt Phương, Minh Đăng Khánh, Duy Sinh, Tô Thùy Yên, Thẩm Thệ Hà, Tô Kiều Ngân, Phong Sơn, Vân Long... nên sau này thỉnh thoảng nhắc lại, có lẽ do đó mà nhà thơ Viên Linh, nhà thơ Song Hồ tưởng rằng tôi từng có thơ đóng góp trong tuần báo Đời Mới lâu đời này. Mãi về sau, khoảng năm 1956 hay 1957 tôi mới có thơ đăng trên báo, và chỉ thỉnh thoảng, bắt đầu trên tuần báo “Nhân Loại” của ông Anh Đào, như các bài thơ “Về thị thành”, “Phương ấy”, “Sơn cước”...)
Biến cố chính trị lớn thứ hai đã hình thành khúc quặt cho văn học miền Nam là cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mà trổi bật sau đó là văn nghệ cực thịnh về Phật giáo. Nhưng cũng trong thời gian từ 1954 đến 1963 có vài biến cố tuy quan trọng với lịch sử mà không quan trọng với văn học như cuộc trưng cầu dân ý truất phế vua Bảo Đại, chiến dịch Rừng Sát truy quét Bình Xuyên, cuộc oanh kích dinh Độc Lập của hai phi công nổi loạn, cuộc đảo chánh bất thành năm 1960... Như vậy đã rõ không phải biến chuyển tình hình nào cũng nhất thiết đi kèm với biến chuyển văn học. Từ ý thức này, ta cũng có thể phân chia các thời kỳ văn học miền Nam kế tục chín năm chế độ Đệ nhất Cộng Hòa, quy định thêm hai thời kỳ văn học nữa trong chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa ở miền Nam từ năm 1963 đến 1975.
Trong khuôn khổ mười hai năm kế tiếp ấy, có những biến cố chính trị làm thay đổi tình hình thật lớn, nhưng là những thay đổi chính trị tranh giành quyền lực giữa các phe phái không cộng sản, vì vậy chỉ là thay đổi cấp lãnh đạo phía trên, do đó tình hình xã hội vẫn không thay đổi. Xã hội không có gì biến chuyển nên văn học cũng không phản ánh rõ nét để hình thành điều gì đáng kể. Ta có thể liệt kê những thay đổi chính trị cấp trên đó như sau: Cuộc chỉnh lý quân đội do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu, các cuộc xuống đường gây xáo trộn thành phố do sự giật dây từ nhiều phe phái, cuộc độc diễn bầu cử Tổng thống... Biến cố quân sự lớn như cuộc Tổng công kích Tết Mậu thân 1968, cuộc oanh tạc suốt mười hai ngày liền đánh xuống Hànội do không lực Hoa kỳ, Mùa hè đỏ lửa, Chiến dịch Hạ Lào, Trận cố thủ An Lộc, Trận xua quân vào đất Kampuchia... dẫu có làm biến chuyển tình hình đất nước, nhưng là biến chuyển về mặt phân phối hay coi lại chiến lược đôi bên, còn xã hội miền Nam thì vẫn như cũ sau một vài ngày loạn lạc đầy khói lửa chết chóc...
Nhưng trong khuôn khổ thời gian mười hai năm đó, có hai biến cố thật sự làm giao động nếp suy tư của người miền Nam , dao động trên hai chiều gần như trái ngược. Một là dao động do xáo trộn kinh tế làm cho xã hội miền Nam quay cuồng, cũng là dao động do chiến trường có những trận đánh lớn ở cấp sư đoàn, oanh tạc cơ trải thảm bom đạn vùng mật khu gần Sài Gòn, cả thế giới theo dõi cuộc chiến tranh càng lúc càng khốc liệt, văn thơ nghệ thuật đi vào ưu tư thời thế: đó là thời kỳ nửa triệu quân đội Mỹ trực tiếp chiến đấu tại miền Nam.
Dao động thứ hai, ngược lại, là do thời kỳ tạm lắng trên nền tảng bất ổn của Hiệp Định Paris chỉ giải quyết xong cho việc Mỹ rút quân và trao trả tù binh Mỹ. Tạm lắng mà sao gọi là dao động. Vì ổn định đời sống mà dao động về chính trị, tầng lớp trí thức thành thị manh nha khuynh hướng đấu tranh thay thế chế độ suy yếu do tham nhũng do độc diễn, vài người muốn đại diện cho thành phần thứ ba mang tham vọng đối thoại. Và dao động cũng do miền Nam rục rịch xây dựng, rục rịch hưởng thụ, vì lẽ tất yếu những trận đánh lớn đã hoàn toàn chấm dứt (cho đến khi có trận đánh Phước Long dò chừng phản ứng quân đội Mỹ có vào can thiệp trở lại hay không. Và phe cộng sản không thấy phía Hoa Kỳ phản ứng gì mới có trận kết thúc năm 1975.)
Tóm lại từ năm 1963 đến 1975, văn học miền Nam cắm mốc vào hai thời kỳ, một gây nhiều xúc cảm và một ngừng trệ tình tự: Thời kỳ ưu tư thân phận đất nước (do nửa triệu quân đội Mỹ đổ bộ vào Miền Nam ) và Thời kỳ tạm lắng sau Hiệp định Paris .
I.Văn chương thời kỳ ưu tư thân phận đất nước.
Có khá nhiều văn thơ xuất hiện trên báo chí, một số thi phẩm mang những nội dung này, nhưng ngày nay không được nhắc nhở, có thể do đề tài nói lên cảm nghĩ quen thuộc ai cũng biết như vậy vào thời đó, cái thời mà đi đâu cũng thấy bóng quân đội Mỹ trong khi chiến sự xảy ra khắp nơi và hàng ngày. Chính vì nội dung ai cũng nghĩ đến mà cách diễn tả không có gì nổi bật khiến cho ta không lưu ý. Nếu nội dung không ai nghĩ đến mà ta có thì mới được đời lắng nghe. Nếu nội dung quen thuộc mà cách diễn tả độc đáo thì mới dễ dàng phổ biến, vì đó là cách nói giùm ta một cách hay ho. Không ai nói thật hay ý nghĩ đồng điệu của đám đông mà có người nào đó nói hay thì mọi người sẽ vây quanh để lắng nghe. Một diễn giả hùng biện lôi kéo được quần chúng là vì ông ta lột tả tài tình ý nghĩ thầm của quần chúng. Cho nên văn thơ hiển nhiên tỏ bày ưu tư thân phận đất nước nằm trong hệ thống kình địch quốc tế, mà đến nay bị lãng quên vì lỗi là ở người sáng tác không phô diễn hay. Phô diễn hay đòi hỏi nghệ thuật độc đáo, không lặp lại những sáo mòn. Chỉ cần bộc lộ lòng yêu nước mà lại diễn tả hời hợt thì cũng khiếm khuyết đưa tới sự lãng quên không người nhắc nhở. Tại sao vẫn nội dung ưu tư thân phận đất nước mà những bài hát của Phạm Duy như “Giọt mưa trên lá”, của Trầm Tử Thiêng như “Bảy ngàn đêm góp lại”, của Trịnh Công Sơn như “Tình ca người mất trí” được người đời lúc đó hát đi hát lại, đến nay nghe lại vẫn thấy thấm thía nỗi đau oan trái, định mệnh không may của dân tộc. Được phổ biến rộng rãi vì chẳng những nói lên được tình tự chung của mọi người, mà còn vì nói lên một cách có nghệ thuật độc đáo, bởi trình độ thưởng thức của nhân dân miền Nam thời ấy đã khá cao, nền tân nhạc đã đi những bước dài. Còn văn thơ thì vẫn ít có những tác phẩm lớn, ngoài tập thơ thường được nêu làm tiêu biểu là “Chiến tranh Việt Nam và Tôi” của Nguyễn Bắc Sơn, ta chỉ nhớ lại vài tập truyện như “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp” của nhà văn Thảo Trường, “Đi tìm An Dương Vương và Mỵ Châu-Trọng Thủy” của ông Lê Văn Hảo (Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, dạy môn Nhân-chủng-học?) Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp là hiện thân của phức tạp nghịch cảnh khi con người sống nơi vùng xôi đậu, vùng da beo của hai bên thời chiến tranh. Trang bi sử An Dương Vương và Mỵ Châu-Trọng Thủy mỗi thời được kể lại một cách ẩn ý, không thuần túy nghiên cứu cho học thuật, mà hình như phát biểu ngầm về chính trị, so sánh Mỵ Châu với các thành phần đang hợp tác với Hoa Kỳ. Lúc đó, ta nghĩ là “hình như”, sau này mới xác thực khi được biết ông Lê Văn Hảo đã “ra bưng” liền sau Tết Mậu Thân cùng một lúc với các nhân vật Lữ Phương, Thanh Nghị, Dương Quỳnh Hoa...Nêu ra trường hợp ẩn ý bí mật trên đây để ta tự hỏi sao bên kia tuyên truyền chính trị “khôn khéo” như vậy mà bên này cứ “vụng về” thở than thân phận đất nước, cứ cho phổ biến rộng rãi các văn thơ bài bản phản chiến có tác dụng gây chán chường. Nghĩ vậy mà không phải vậy, không phải “vụng về” đâu. Bởi vì nửa triệu quân Mỹ dàn trải trên khắp miền Nam, ở đâu cũng thấy, làm sao dân chúng miền Nam không nhận định chiến tranh trên đất nước mình là chiến tranh quốc tế, số mệnh dân tộc trong thế tương tranh giữa hai chủ nghĩa, đằng nào cũng phải ở vào một phía, như hai cánh quân đang dàn trận xáp vào nhau thì ai cũng ràng buộc trong hàng ngũ. Vì vậy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cứ cho hát, cho đăng văn thơ than thở thân phận định mệnh của đất nước mà vẫn không sợ quân đội rã ngũ, không ngại lệnh động viên bất phục tùng. Hát lên một điều ai cũng cảm nghĩ có tác dụng như an ủi sự an bài không thể lẫn tránh. Tâm-lý-chiến như vậy không phải “vụng về”. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không tan rã vì những bài hát phản chiến mà sau này tan rã vì những lý do khác. Xem như vậy thì văn nghệ thời kỳ ưu tư thân phận đất nước không hẳn ru ngủ mà là khuyên nhủ ai cũng phải ở trong hàng ngũ. Phản chiến kiểu này không phải “phản chiến địch vận” cốt làm chán chường phe địch (chủ trương của phe xã hội chủ nghĩa), cũng không phải “phản chiến nhân bản” của thế giới ngoài cuộc xót thương dân tộc Việt Nam, vậy đây chính là loại “phản chiến động viên ở yên hàng ngũ”. Phản chiến địch vận hay phản chiến thở than xem chừng đều là sách lược chiến tranh của hai bên. Thời gian từ 1965 đến 1972, các sư đoàn Hoa Kỳ đã trấn đóng và đụng trận ác liệt tại Cao Nguyên, vùng mật khu Trung ương cục Miền Nam phía Tây Sài gòn, nhưng nhân viên quân sự Mỹ và đồng minh như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi rải khắp nơi tại Miền Nam gây xáo trộn kinh tế và đời sống dân chúng vì những lý do sau đây: Tiền Mỹ đổi ra tiền Việt Nam quá chênh lệch làm cho quân Mỹ kể từ cấp Trung sĩ cũng trở thành những nhân vật tiền bạc đầy túi, các dịch vụ cho Mỹ và đồng minh đem về lợi tức lớn như nghề chạy xe Taxi, cho Mỹ thuê nhà, thầu xây dựng cho Mỹ, công nhân làm hãng Mỹ, thông dịch viên, gái bán bar và bán dâm... Do đó các ngành nghề thuộc chính quyền Việt Nam, tư chức, nghề tự do, nghề lao động và nông dân...đều có mức sống thấp với thu nhập bằng tiền Việt Nam, trừ những người tìm cơ hội tham nhũng, hoặc đầu cơ tích trữ trục lợi thương mại... Ảnh hưởng Triết lý Hiện sinh phổ biến từ trước năm 1963, đến giai đoạn này mới thật sự táo tợn qua tác phẩm “Lao vào lửa” và “Mèo đêm” của Nguyễn thị Thụy Vũ; mới thật sự chán chường qua tập truyện “Cát bụi mệt mỏi” và “Cái chuồng khỉ” của Nguyễn Đức Sơn. Giai đoạn trước của triết lý hiện sinh chỉ mới là hiện sinh pha với lãng mạn qua tác phẩm “Vòng tay học trò” của Nguyễn thị Hoàng, hoặc hiện sinh độc thoại nội tâm tra hỏi sự thừa thãi từ đâu gắn bó với thân xác mình qua truyện ngắn “Niềm đau nhức của khoảng trống” của Dương Nghiễm Mậu. Nghĩa là hiện sinh chưa do xã hội đảo điên thời cao điểm chiến tranh như từ năm 1965 đến 1972. Trong bài viết “Hướng về Miền Nam Việt Nam” (Tạp chí Khởi Hành” số 92, tháng 6/2004), giáo sư Nguyễn Văn Trung có nói đến thơ văn của giới trẻ viết về nỗi oan trái của đất nước, tưởng nhớ bạn bè chết trận, mơ ước hòa bình, đăng trong các tạp chí Hành Trình, Đất nước, Trình Bầy, Đối Diện. Hai tạp chí sau chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối của thời kỳ chiến tranh ác liệt, bắt đầu bước qua thời kỳ tạm lắng sau Hiệp định Paris, thời kỳ Việt Nam Hóa Chiến Tranh, nên tính chất của các tạp chí Trình Bầy và Đối Diện hướng về dấn thân chính trị đối lập với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hơn là than thở thân phận đất nước như văn thơ thời kỳ khốc liệt khói lửa (tính chất oan trái thể hiện trong nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn mới là phản ánh đúng thời điểm.) Cũng vào đúng thời điểm này, có các bài viết như “Văn chương tìm về viễn mơ hay hiện thực” (đăng trong Tạp chí Vấn Đề, số 7 năm 1967) nói lên ước mơ quay mặt với hiện thực đen tối; hoặc như bài “Văn chương tươi mát đã đi vào thời đại” (đăng trong tuần báo Khởi Hành năm 1970) nói lên ý hướng muốn tách ra khỏi ảnh hưởng cửa triết lý hiện sinh chán chường và hư vô chủ nghĩa; hoặc như bài viết “Góp phần luận về văn chương viễn mơ” đề cao văn chương thuần túy do cấu trúc qua văn chương Nguyễn Tuân và Mai Thảo (đăng trong Tạp chí Trình Bầy số 42 năm 1972). Cả ba bài do người viết bài này gửi đăng có tính cách cá nhân tùy hứng trong các báo kể trên (3). Chủ trương ngoài thời thế thì phải đề cao văn chương vụ hình thức. Đề cao văn chương vụ hình thức thì lấy điển hình sẽ không còn ai thể hiện rõ ràng hơn bút pháp cầu kỳ của hai nhà văn này (nếu ta nói là văn chương sang cả thì chỉ nhấn mạnh nội dung hơn hình thức). Bị ngộ nhận từ “văn chương thiên về cấu trúc mỹ cảm” thành “văn chương của đời sống giàu sang” nên mới có những bình phẩm khuynh hướng trên là “nền văn chương ngoại lai viễn mơ của các thế lực đế quốc trá hình”. Bây giờ các nhà nghiên cứu xã hội có giải đáp nào cắt nghĩa tại sao ở vào giai đoạn chiến tranh cao điểm, ở vào giai đoạn kinh tế lạm phát phi mã, ở vào giai đoạn xã hội đảo điên, ở vào giai đoạn triết lý bi đát... tại sao lại có khuynh hướng quay lưng với thực tế, tìm về ước mơ? Tác phẩm quẩn quanh nếp sống nơi thành thị “Sau giờ giới nghiêm” của Mai Thảo và mơ mộng lạc lõng đời “Vườn quên lãng” của Viên Linh xuất hiện trong thời điểm này. Mơ ước hòa bình rồi cũng thành hiện thực, nhưng là thứ hòa bình trên nền tảng bất ổn, từ đó lại nẩy sinh văn chương đối lập chính trị trong nội bộ miền Nam để có thế mạnh đối phó tình hình Mỹ muốn ra đi.
II.Văn chương thời tạm lắng sau Hiệp định Paris .
Tạm lắng trên nền tảng bất ổn vì Hiệp định Paris quy định các sư đoàn từ ngoài Bắc xâm nhập cứ ở nguyên vị trí, không cần rút về vĩ tuyến 17. Lực lượng xung đột hai bên tại miền Nam ở trong tình trạng da beo, xôi đậu, cài răng lược, nghĩa là vẫn đánh nhau nhưng không là trận địa chiến. Chỉ có Mỹ là rút quân, lấy về hết phi công tù binh, bảo đảm can thiệp khi khởi phát chiến tranh lớn. Trong tình trạng đó thì kinh tế miền Nam vẫn không thể tự túc, vẫn nhờ Mỹ viện trợ gạo Thái Lan, vẫn nhờ Mỹ viện trợ xăng dầu, vẫn nhờ Mỹ tiếp viện súng đạn mà càng về sau càng tiếp viện hạn chế nên phải tiết kiệm hỏa lực. Nền chính trị thì suy yếu, độc diễn Tổng Thống, nhưng miền Nam vẫn giữ được tình trạng sống an phận, không đến nỗi hỗn độn tao loạn. Hình như người ta đã quen sống chịu đựng do cuộc chiến tranh quá dài, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Nhưng những người trí thức, những nhà văn, những nhà báo, thì không thể an phận trước viễn tượng bất ổn về quân sự, suy yếu về chính trị. Do đó văn chương không còn phải là than thở nỗi oan trái dân tộc, mà là dấn thân đòi làm trong sạch hàng ngũ, đối thoại với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nhằm xây dựng chính phủ mạnh về chính trị. Vì vậy văn chương thời kỳ này là những bài báo mạnh dạn của các Linh mục Chân Tín; Nguyễn Ngọc Lan; Trần Hữu Thanh; các nhà văn trong ban biên tập của Tạp chí Trình Bày, Đối Diện - hậu thân của các Tạp chí Đất Nước, Hành Trình thuộc giai đoạn trước. Các bài báo chính luận chưa phải là sáng tác văn chương. Các bài báo chính văn đăng trong Trình Bầy, Đối Diện mới thuộc về văn học như “Giã từ nền văn chương trú ẩn” của Nguyên Sa, “Văn nghệ trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh” của Thế Nguyên...Và những nhà văn nhà thơ ngoài nhóm Trình Bày- Đối Diện có những sáng tác gì phản ánh giai đoạn tạm lắng sau Hiệp Định Paris. Rất ít vì những lý do trình bày sau đây. Tạm lắng nên bắt đầu có những xây dựng trung bình như sửa lại cầu đường, xây nhiều trường trung học xuống đến quận lỵ, cải tổ giáo dục như soạn lại chương trình phải tiếp tục học quốc văn ở lớp 12, chấn chỉnh y tế xuống đến nông thôn, mở rộng đất canh tác để phần nào bớt nhập cảng gạo Thái Lan, đời sống xã hội trở về nề nếp ít xáo trộn vì quân đội Mỹ và đồng minh đã rút đi cuốn theo hết những cơ sở phục dịch. Một vài sáng tác phản ánh giai đoạn này thấy rõ đã xa lìa triết lý hiện sinh, phôi pha bức tranh đen tối xã hội về thế giới đĩ điếm. Mức sống trầm trầm nên không có những bài phóng sự thế giới ăn chơi hay xã hội đen, không có cả những sách du lịch vì người dân ít đi lại, ai cũng chỉ lo sao cho đủ nhu cầu hàng ngày. Tạp chí văn chương hiện diện cho đến tháng 3 năm 1975 hình như chỉ còn có tờ Thời Tập. Tạp chí đối lập chính trị Đối Diện và nhật báo thuộc thành phần thứ ba Tin Sáng gây một số dư luận trong thời kỳ này. Thời gian tạm lắng như trên cũng đủ tạo ra một chút ấm áp đời sống, người ta tìm về chuyện tình nhẹ nhàng, do đó có phong trào đọc tiểu thuyết Quỳnh Dao. Những cuốn như “Hải âu phi xứ, Trôi theo dòng đời, Song ngoại, Mùa thu lá bay, Dòng sông ly biệt...” qua bản dịch trong sáng của Liêu Quốc Nhĩ bán rất chạy, làm cho các nhà văn thơ bấy lâu nghiền ngẫm nội dung truyện phải là triết lý sâu sắc, kỹ thuật dựng truyện tân kỳ phải là đa tầng của dòng ý thức hay cốt truyện không cốt truyện của Tiểu-thuyết-mới...đều muốn chuyển hướng về văn phong dễ tiếp nhận, lãng mạn phơn phớt, không quá bi thảm, như “Hạ đỏ có chàng tới hỏi”, “Tới nơi em ở” của Viên Linh, “Hình như là tình yêu” của Hoàng Ngọc Tuấn. Góp gió làm thành một mùa dịch thuật, những tiểu thuyết tình đồ sộ nhưng xưa cũ của Tây phương lại thấy xuất hiện trong thời kỳ này như “Người tình đầu tiên, người yêu cuối cùng”, “Đỉnh gió hú”, “Xa đám người rồ dại”, “Tội ác và hình phạt”, “Một thời để yêu và một thời để chết”... Không ai tiên đoán được tương lai miền Nam sẽ ra sao; trong khi những sư đoàn hai bên vẫn còn ở nguyên vị trí, trong khi kinh tế miền Nam không phải chao đảo mà cũng không phải tự túc tự cường; trong khi chính quyền miền Nam mặc dù kiểm soát được nội bộ, không còn những biểu tình xáo trộn, nhưng được lòng dân thì còn xa; trong khi đời sống xã hội tuy hết đảo điên nhưng toàn là an phận. Có những phanh phui thẩm lậu gạo, thẩm lậu lâm sản, thẩm lậu nhiên liệu mà hiện tượng phổ biến là đầu đường xó chợ đều thấy xăng dầu bày bán từng lít trong chai trong lọ. Tại sao có hiện tượng thẩm lậu? Bởi vì ngân khoản viện trợ súng đạn xăng dầu của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng Hòa bị cắt gần hết. Nhưng Hạm Đội Thứ Bảy của Hoa Kỳ vẫn bố trí ngoài biển Đông có thể can thiệp ngay tức khắc, chính vì vậy mà không ai dự trù sẽ có những biến cố lớn. Nhắc lại một vài khía cạnh tình hình đó để tìm hiểu tại sao ít có văn thơ phản ánh giai đoạn tạm lắng sau Hiệp Định Paris . Tại vì không ai tiên đoán viễn tượng Miền Nam sẽ ra sao, có thể vẫn cứ tiếp tục tồn tại trong thế suy yếu mà được bảo vệ đó. Mà tình trạng như vậy thì không có gì cảm xúc hay cảm hứng cho sáng tác văn học. Một là cực kỳ khốc liệt như giai đoạn trước, hai là hòa bình hạnh phúc thực sự, thì mới đi vào văn chương. Cả hai đều không có trong giai đoạn này thì văn thơ đâu còn nguồn phát xuất suy tư hay tình tự. Có hai tạp chí thực sự ra đời trong khoảng thời gian tạm lắng sau Hiệp Định Paris là Đối Diện và Thời Tập (không nhớ hai tạp chí tồn tại lâu đời là Bách Khoa và Văn có còn hiện diện trong lúc này hay đã đình bản (4). Nhưng tạp chí Đối Diện chuyên về chính trị đối lập. Chỉ còn tờ Thời Tập chuyên về văn học, trong đó không có những nhà văn nhà thơ nào mới tạo sự nghiệp sáng giá; những tác giả tên tuổi đều thuộc các thời kỳ trước đóng góp bài vở, vẫn giữ đường hướng xưa của họ nên không phản ánh thời kỳ tạm lắng sau Hiệp Định Paris. Thiếu những sáng tác phản ánh thời cuộc buồn chán, nên các tạp chí quay ra làm những số đặc biệt văn học vinh danh tác giả, như Thời Tập với các số đặc biệt về Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Thâm Tâm, Khái Hưng, Lê Văn Trương... Giống như khoảng thời gian trước đó không lâu (khoảng 1970 đến 1972) trên Tạp chí Văn Học của ông Phan Kim Thịnh có các số đặc biệt về Văn Cao, Phạm Duy, T. T. KH, Quang Dũng, Nguyễn Bính... Bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên sáng tác vào tháng 6 năm 1972 phản ánh giai đoạn trước về thân phận đất nước làm bãi chiến trưỡng quốc tế, vì không có báo nào chịu đăng, bây giờ xuất hiện trên Thời Tập vào tháng 4 năm 1974, nghĩa là đã qua thời điểm chiến tranh khốc liệt, nên cũng không phản ánh giai đoạn tạm lắng. Nói chung là sáng tác cạn nguồn hứng khởi do không ai thấy viễn tượng đất nước sẽ ra sao, không môt ai tiên đoán được thời cuộc có ngày mình ra sống nơi hải ngoại.
(Trích Tạp chí VĂN HỌC, Nam California, số 228, tháng 11+12 năm 2005. Có những ghi chú bổ túc. Bản gửi từ tác giả).
Ghi chú:
(1) Các nhan-đề sách như trên có vẻ thiên Việt Minh, nhưng vào những năm 1951-1954 thấy bày bán cùng khắp trên các lề đường phố Sài Gòn, như người viết bài này đã từng thấy chính các sách ấy (năm 1952) trên lề đường Cao Thắng, phía bên kia trường Trung học tư thục Lê Bá Cang; cũng như ở góc đường Cao Thắng/ Chasseloup Laubat (sau 1954 là đường Hồng Thập Tự, bây giờ thành đường Nguyễn Thị Minh Khai). Theo ông Đỗ Ngọc Yến, cố chủ-nhiệm nhật báo Người Việt ở Nam California (thời gian 1951-1954, ông là học sinh Trung Học Pétrus Ký ở Sài Gòn), thì Sở Mật Thám của Pháp biết các sách đó thiên tả, nhưng vẫn làm ngơ để người ta bày bán, cốt cho Mỹ thấy Cộng Sản đang thẩm nhập Việt Nam để chính quyền Mỹ mau viện trợ quân đội Pháp tại Đông Dương lúc ấy đang suy yếu (ý kiến này được ghi lại trong bài báo “Từ Thuở Thiếu Thời” của ông Đỗ Tăng Bí, số báo Người Việt ra ngày 23.08.2006, viết vào dịp tang lễ ông Đỗ Ngọc Yến). Thời điểm 1951-1954; do vì hai tờ tuần báo có ít nhiều giá trị văn chương là Đời Mới và Nhân Loại đều ở Sài Gòn, và do vì các nhà xuất bản phát hành quy mô cũng tập trung tại Sài Gòn; và do vì một số nhà văn nhà thơ từ mọi miền đất nước đều gửi thơ văn đóng góp trên hai tuần báo kể trên; nên ta tạm gọi đó là nền Văn Học Sài Gòn 1951-1954. Phần nào do vị trí Sài Gòn lúc ấy “gần như là” thủ-đô Việt Nam trong toàn cảnh Đông Dương thuộc Pháp (chưa chính thức thành thủ-đô Miền Nam như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa).
(2) Bài thơ “Chày Tre Cối Đất” của ông Hồ Hán Sơn (quê quán Thanh Nghệ Tĩnh), được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với nhan đề “Tình Nghèo”:
Nhớ thuở nào
Anh làm thuê, em dắt trâu
Đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu.
Nhớ thuở nào
Anh làm công, em gánh rong
Miếng trầu cau nên đôi vợ chồng.
Cuối nẻo làng
Túp lều hoang, che gió sương
Ơn hai mùa lúa chín ngô vàng.
Suốt một đêm
Anh cùng em, dưới bóng trăng
Tiếng chày tre cối đất nhịp nhàng
Nhịp nhàng vui.
Ơ! Nước từ ngàn trùng xa
Nước tràn về làng ta
Nước hờn cuộc tình quê
Ruộng màu tan vỡ
Vườn nghèo xơ rơ
Cửa nhà ngơ ngác
Ôi trẻ thơ, đi về mô?
Ơ! Khói lửa ngụt trời mơ
Bốc về ngàn nẻo quê
Kéo cuộc tình nghèo đi.
Giặc về ta đánh
Giặc tràn ruộng xanh
Tình nghèo mỏng manh
Đừng chia rẽ đôi lứa mình!
Lúc trở về
Quãng đường xa
Anh bước lê
Dù là không may, mời anh cứ về.
Cánh đồng quê
Vẫn còn kia
Vẫn là lũy tre
Tiếng chày tre đang mong người về.
Mái nhà xiêu
Ánh đèn khêu
Đôi lứa yêu
Ơn hai mùa lúa lắm ngô nhiều.
Sớm ngày mai
Nắng hồng soi
Nghe khắp nơi
Tiếng chày xe cối máy nhịp nhàng
Nhịp nhàng vui.
(3) Riêng bài “Văn Chương tìm về Viễn Mơ hay Hiện Thực” đăng trong Tạp chí Vấn Đề (số 7 năm 1967) đã được nhà văn Thế Nguyên trích ra dẫn chứng để viết phản bác trong tiểu luận “Văn chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh”, trích ra nhưng không để tên người viết Trần Văn Nam, và cũng không biết rõ đây chỉ là bài viết có tính cách cá nhân tùy hứng. Sau năm 1975, giáo sư Trần Hữu Tá sưu tầm lại bài ấy của Thế Nguyên, do đó cũng không ghi tên người viết Trần Văn Nam (Xin xem cuốn “Nhìn Lại Một Chặng Đường Văn Học” của G.S. Trần Hữu Tá, dầy 1090 trang, xuất bản trong nước, năm 2000).
(4) Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cho biết lúc ấy Nguyệt san VĂN đã chuyển thành Giai phẩm VĂN xuất bản có định kỳ.
Walnut, California , bổ túc với các ghi chú, ngày 1.1.2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment