Tuesday, January 18, 2011

"BỘ QUẦN ÁO CỦA HOÀNG ĐẾ" ĐÃ XUẤT HIỆN Ở VIỆT NAM (Roger Mitton)

Roger Mitton

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Wed, 01/19/2011 - 02:27

Thứ Năm tuần trước, một trong những cơ quan xếp hạng dân chủ tín nhiệm nhất trên thế giới là Freedom House đã phát hành báo cáo thường niên của mình.
Kết quả báo cáo không được đề cập nhiều trong khu vực này với lý do rất rõ ràng là Đông nam Á là một trong những khu vực ít tự do nhất trên thế giới.

Trên thực tế, một trong những tiết lộ gây sốc nhất của bản báo cáo là chỉ có một quốc gia trong vùng Đông nam Á có thể được xếp hạng là "tự do".
Chắc chắn là nếu bạn hỏi hầu hết mọi người, bao gồm cả những chuyên gia đầy kiến thức, rằng đấy là nước nào, câu trả lời của họ sẽ không đúng.
Vì đấy là Indonesia.
Chà! thật tuyệt vời, thật ngạc nhiên, thật phấn khởi. Những thay đổi ở nơi ấy thật vô cùng tích cực.

Lần đầu tiên tôi đến Java là vào năm 1976, khoảng một thập niên sau thời kỳ gọi là "Một năm Sống đầy Nguy hiểm" khi nhà độc tài Sukarno bị thay thế bởi một nhà độc tài khác là Suharto.
Hai người này đã trị vì Indonesia trong hơn nửa thế kỷ, từ khi quốc gia giành độc lập vào năm 1945 cho đến thời điểm có những dấu hiệu dân chủ vào năm 1998.
Điều kỳ diệu là mãi cho đến đêm giao thừa của thiên niên kỷ mới thì dạng thái cơ bản của dân chủ mới xuất hiện dưới chính quyền Tổng thống Abdurrahman Wahid - và mãi cho đến bốn năm sau mới đạt được tự do hoàn toàn với việc bầu cử Tổng thống Susilo Bambamg Yudhyono.
Vì thế đất nước khổng lồ, rải rác, đa chủng tộc, đa tôn giáo này chỉ mới có được dân chủ trong khoảng sáu năm.
Nhưng trong khía cạnh tự do, nó đã vượt qua những quốc gia tương tự như Cambodia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, và thậm chí được xếp hạng trên cả Philippines.
Do đó, Freedom House đã cho Indonesia điểm 2 về quyền tự do chính trị và điểm 3 về tự do dân sự. Điểm cao nhất là 1, thấp nhất là 7.
Không công bằng nhưng có thể đoán trước được là Miến Điện với 7 điểm trong cả hai lĩnh vực, tương tự với Bắc Hàn, Lybya và Somalia.

Nhưng không như những quốc gia lạc hậu ấy, Miến Điện đã tổ chức bầu cử và cho phép một loạt những đảng chính trị khác hoạt động, và thậm chí cho phép một số ít - thú thật là vô cùng ít - quyền tự do ngôn luận.
Vì thế, Miến Điện nên thật sự được xếp hạng ở trên Việt Nam và Lào thay vì ở dưới.

Thật thích đáng, Việt Nam được điểm tệ nhất là 7 về tự do chính trị, nhưng lạ lùng là lại được 5 điểm về tự do dân sự - điều mà bất cứ nhà báo, luật sư hoặc tín đồ nào cũng sẽ nói với bạn là một sai lầm.
Điều kỳ lạ hơn, hạng điểm 7-5 của Việt Nam bằng với Tunisia, nơi một thể chế độc tài cổ xưa cuối cùng vừa bị lật đổ vào tuần trước bởi những người dân từng bị ức hiếp quá lâu.

Những kẻ cầm đầu chính quyền trộm cướp Cộng sản chắc hẳn đang liếc ra sau lưng một cách hồi hộp và tự hỏi rằng liệu những chuyện như thế có thể xảy ra ở đây hay không.
Câu trả lời là: Có, nó có thể - và nó sẽ, có thể là sớm hơn là dự định nếu chính quyền cứ tiếp tục tăng cường tính yếu kém của mình đến mức độ bất tài trong việc quản lý sai lạc nền kinh tế.

Trong khi thật là sốc khi chỉ có Indonesia đạt điểm hoàn toàn tự do, cũng thật hài lòng khi thấy Philippines được đánh giá là "tự do một phần" và là quốc gia thứ hai vỏn vẹn trong vùng được xếp hạng "bầu cử dân chủ".
Với cuộc bầu cử tương đối hoà bình và uy tín vào tháng Năm trước, thành tích của Manila được xem là "tiến triển tích cực nhất" trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Nhưng phong trào tiên tiến ấy đã bị đẩy lùi bởi khuynh hướng đi xuống tại Cambodia và Thái Lan, nơi quyền tự do chính trị và tự do dân sự bị bóp nghẹt.
Nhận thấy rằng chính quyền của Đảng Nhân dân Cambodia đã "củng cố việc kiểm soát mọi khía cạnh của quá trình bầu cử và tăng cường đe doạ xã hội dân sự", Freedom House đã cho Cambodia điểm đen trong hạng mục quốc gia "không tự do".
Sự thụ lùi này không phải là hiếm thấy khi hầu hết các quốc gia Đông nam Á hiện nay đang xoa dịu những chỉ trích bằng cách tạo dựng những màn hài kịch về quá trình dân chủ.

“Nhiều chính phủ đề cập đến dân chủ và nói: Ít nhất chúng tôi cũng tổ chức bầu cử, đây là một tiến triển. Trong khi đương nhiên đa số các cuộc bầu cử này đều là những quá trình hạn chế chỉ nhằm để hỗ trợ tình trạng hiện tại,” Dave Mathieson thuộc phân bộ châu Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền nói.

Điều đáng buồn là nó gợi lại câu nói của nhà văn Mỹ quá cố John Updike "Thói quen của một bạo chúa, cho dù hắn ta là vua, là cai ngục hoặc kẻ độc tài, là thường chọn lòng trung thành hơn khả năng." Đây là điều mà ta đang thấy trên khắp khu vực này.
.
.
.

No comments: