Sunday, January 9, 2011

BIỆN PHÁP PHÒNG THỦ MỚI CỦA TRUNG QUỐC và HỆ QUẢ ĐI KÈM

07-01-2011 

Biện pháp phòng thủ của Trung Quốc có thể thay đổi khối đồng minh Hoa Kỳ

Năm 1996, Trung Quốc bắn hoả tiển đạn đạo và thao diễn quân sự ở vùng biển gần Đài Loan nhằm cảnh cáo cử tri Đài Loan đừng bỏ phiếu cho ứng cử viên có khuynh hướng độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó ở Đài Loan.

Đáp ứng lại, Hoa Kỳ điều hai chiếc hàng không mẫu hạm và nhiều chiến hạm hộ tống cho hai mẫu hạm này vào vùng biển Đài Loan. Đó là một cuộc phô trương sức mạnh hải quân và hỏa lực tấn công của hải quân Hoa Kỳ mà Bắc Kinh đã không thể đương đầu được.

Kể từ dạo đó, Trung Quốc đã nâng lên ưu tiên hàng đầu, sự phát triển một hệ thống phòng thủ được biết đến với thuật ngữ quân sự “từ chối không cho vào khu vực cấm.” Một điểm then chốt trong hệ thống phòng thủ này là hệ thống đạn đạo với tốc độ siêu âm thanh được xem là đầu tiên của thế giới, những hỏa tiển này được gắn với những đầu đạn với mức công phá cao có khả năng bám sát và đánh trúng mục tiêu là hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ ở cự ly 1.500 cây số hay hơn nữa từ đất liền Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ đang trong tầm ngắm của Trung Quốc? Nguồn: project2049.net

Nếu Trung Quốc có loại vũ khí như thế, thì sẽ khó khăn hơn nhiều, có lẽ là bất khả - giả như Hoa Thạnh Đốn có ý gởi hàng không mẫu hạm đến để giúp Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản hay bất cứ đồng minh hay quốc gia bạn nào trong vùng tây Thái Bình Dương để tránh sự hăm dọa hay bị tấn công bởi quân đội Trung Quốc.

Kể từ Đệ nhị Thế chiến, sức mạnh không-hạt nhân trên toàn cầu của Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào khả năng điều hàng không mẫu hạm vào những vùng bất ổn xa lắc xa lơ, bao gồm vùng Á châu – Thái Bình Dương, mà không phải đối diện với sự nguy hiểm nghiêm trọng nào rằng những hàng không mẫu hạm này sẽ bị làm thiệt hại hay bị đánh chìm. Nếu Trung Quốc có thể thách đố sự hoạt động của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ với hệ thống đạn đạo chống chiến hạm (ASBM: Anti-Ship Ballistic Missile) của họ, thì cái căn bản ngăn chận xung đột của Hoa Kỳ ở châu Á có lẽ cần được xét lại và giá trị đồng minh của họ trong vùng này đáng để nghi ngờ.

Nhưng liệu họ sẽ làm thế? Trong cuộc phỏng vấn được đăng tải tuần rồi, tư lệnh Liên quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Đô đốc Robert Willard nói rằng sức mạnh quân sự gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc đã đạt được khả năng hoạt động sơ khởi với hệ thống đạn đạo ASBM của họ, mặc dù thử nghiệm cho đầy đủ đường bay của phi đạn này có thể mất nhiều năm nữa.

Đô đốc Willard ngụ ý gì thì một cách chính xác – không ai rõ, khi ông nói về cái “khả năng hoạt động sơ khởi” của loại hỏa tiển Dong Feng-21D nằm ở đất liền này. Cẩm nang quân sự Hoa Kỳ thì nói rằng điều này ám chỉ một số đơn vị (của Trung Quốc) được lên kế hoạch để nhận loại vũ khí này giờ đã nhận được, và có thể bảo trì và sử dụng những hoả tiển này.

Một số nhà phân tích cho rằng ngay cả khi loại hỏa tiển ASBM này đang còn nằm trong giai đoạn đầu của sự phát triển, Hoa Kỳ vẫn còn đủ thời gian để phát triển một hệ thống phòng thủ hoả tiển hữu hiệu hay áp dụng những phương cách chống trả khác.

Tuy nhiên, một số phương cách chống trả sẽ làm mất sự ổn định một cách nghiêm trọng. Đầu đạn của hệ thống Dong Feng-21D sẽ được hướng dẫn bay đến mục tiêu với hệ thống vệ tinh của Trung Quốc, bên cạnh ra-đa tầm xa và những trạm không gian không có người điều khiển (unmanned aerial vehicles).

Nếu Hoa Kỳ không thể bảo vệ hàng không của mình khỏi sự hăm dọa của hệ thống hoả tiển ASBM, Hoa Kỳ hẳn sẽ tấn công thẳng vào hệ thống hỏa tiển và dàn ra-đa này trên đất liền của Trung Quốc, hay tấn công hệ thống vệ tinh hướng dẫn của Trung Quốc trong không gian. Điều này có thể đưa đến một cuộc chiến rộng lớn hơn với Trung Quốc, có khả năng gia tăng lên tới một cuộc chiến tranh với vũ khí hạt nhân đưa đến sự hủy diệt lẫn nhau.

Thực thế, nếu Trung Quốc bắn và đánh chìm một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ với hệ thống hỏa tiển ASBM, điều này sẽ “lớn hơn cả trận Trân Châu cảng và 9/11 cộng lại”, theo ông John Pike, người thành lập nhóm chuyên gia cố vấn An ninh Toàn cầu có trụ sở nằm ở Hoa Thạnh Đốn nói. “Hoa Kỳ sẽ muốn trả miếng,” ông nói thêm. “Liệu Bắc Kinh có muốn đi đến chỗ ăn miếng trả miếng như thế này không?”

Với cái gía phải trả cao như thế, thì ở trong hoàn cảnh nào, nếu có, Trung Quốc sẽ dùng hỏa tiển ASBM đế tấn công Hải quân Hoa Kỳ?

Gì thì gì, chính phủ ông Obama xem sự hăm dọa của hệ thống hỏa tiển ASBM này cực kỳ nghiêm trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates nói hôm tháng Chín là “sự đầu tư của Trung Quốc vào loại vũ khí đạn đạo và vũ khí chống chiến hạm có thể hăm dọa đến phương tiện chủ yếu của Hoa Kỳ nhằm bày tỏ sức mạnh và giúp các đồng minh trong vùng Thái Bình Dương, đặc biệt là những căn cứ và chiến đoàn hàng không mẫu hạm tấn công nằm ở tiền phương của chúng ta.”

Trong cuộc phỏng vấn với báo Asahi Shimbun, Đô đốc Willard nói rằng “chiến lược từ chối không cho vào khu vực cấm” của Trung Quốc ảnh hưởng không những chỉ cho Nhật Bản và các nền kinh tế trong vùng Đông Bắc Á châu, nhưng cũng còn ảnh hưởng đến các nước trong vùng Đông Nam Á châu.

Hỏa tiển Dong Feng-21D. Nguồn: aw1tim.wordpress.com

Tầm hoạt động của hỏa tiển Dong Feng-21D. Nguồn: marinebuzz.com

Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh quân sự đang gia tăng của mình để bảo vệ tính chủ quyền rộng lớn mà họ cho là của họ ở vùng biển Nam và Đông Hải. Đô đốc Willard cho hay Bắc Kinh cũng “có ý thích làm giảm mối ảnh hưởng quân sự ngoại quốc” trong một vùng biển rất lớn lao chạy dài xuống phía nam từ quần đảo chính của Nhật Bản, đi dọc theo bờ biển đông của Đài Loan và bờ biển phía tây của Phi Luật Tân, và vây quanh hầu như hết cả vùng biển Nam Hải, sâu ngay trong vùng trọng tâm của con đường thủy lộ huyết mạch của vùng Đông Nam Á châu.

Nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc ai cũng biết sự trổi dậy của Đông Á từ đống tro tàn của Đệ nhị Thế chiến lên vai vế cường quốc kinh tế trên thế giới như hôm nay đã tùy thuộc vào sự giao thương tự do trên đường biển. Cái lãnh hải mà Trung Quốc tự cho là của mình bao gồm luôn cả những phần mà các biển và eo biển nối kết nhau bằng những con đường giao thương quốc tế vốn chuyên chở hơn 5 ngàn tỉ đô-la (US$5trillion) hằng năm, bao gồm 1.300 tỉ đô-la hàng hoá mậu dịch của Hoa Kỳ trong đó.

Trong lúc Trung Quốc đang tiến hành với “chiến lược từ chối không cho vào khu vực cấm” bằng cách phát triển hệ thống hỏa tiển đạn đạo ASBM tốt hơn, tàu ngầm tối tân hơn, hỏa tiển chống chiến hạm cũng như những loại vũ khí khác cùng được phối hợp hoạt động bởi một bộ chỉ huy và hệ thống kiểm soát hợp nhất, Trung Quốc cũng sẽ phải chọn lựa một trong hai điều, hoặc là một sự chiếm đoạt đầy xâu xé, đổ vỡ cho tính độc quyền kiểm soát vùng biển Nam và Đông Hải của mình, hay là một sự chia sẻ quyền kiểm soát với các nước khác, các nước vốn có một lợi ích vô cùng lớn lao trong việc duy trì những huyết mạch hàng hải này được mở rộng cho tự do giao thương.


© DCVOnline


Nguồn:

(1) Chinese defence move may change US' alliances. The Singapore Straits Times, 1 January 2011
(2) Tác gỉa là một chuyên viên nghiên cứu thâm niên được mời cộng tác với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Châu, Singapore.

.
.
.

No comments: