Hoà Vân
Cập nhật : 22/01/2011 11:21
Đại hội ĐCSVN lần thứ 11 đã thành công tốt đẹp từ mấy hôm nay, như người ta có thể viết ra cả năm trước. Cho nên, chuyện bình luận bà con nói đã nhiều, danh sách những người được cử ra “nắm trọng trách” của Đảng 5 năm tới cũng đã được các báo in, báo điện tử đăng rất đầy đủ. Chính trị trước mắt chưa có dấu hiệu gì thay đổi, “business as usual”, đăng lại danh sách các vị thì tốn giấy – dù là giấy ảo -, sọt rác của lịch sử tuy còn nhiều chỗ nhưng cũng không nên làm ô uế môi trường nhiều lắm.
Thôi thì nhờ bạn gú-gần làm giùm vài con tính, nhắc lại vài sự kiện, chứ chả nhẽ không viết gì. Đằng sau những con số, người ta đọc được gì thì... tuỳ.
Sót lại từ khoá X:
1/ 85 UVTƯ (trong đó có 9 UV BCT), trên số 160 người được bầu 5 năm trước, tức 53%. Nếu so với TƯ mới (200 người, trong đó 25 dự khuyết) thì tỉ lệ người "cũ" là 42,5%.
2/ 16/21 UV dự khuyết khoá trước trở thành UV chính thức. Ba người tiếp tục dự khuyết: Điểu Kré, Bí thư Thị ủy Thị xã Gia Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông ; Hầu A Lềnh, Bí thư Huyện ủy Sa Pa ; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu. Hai người còn lại, rớt đài, là: Phạm Biên Cương, phó bí thư tỉnh uỷ An Giang và Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND Quảng Bình.
Ra
Như vậy có 75 UVTƯ khoá X không còn lại trong TƯ khoá này, nhìn kỹ thì thấy ngoài một số nghỉ hưu, số đông những người này là trách nhiệm ở các địa phương chắc không đủ sức leo cao hơn.
Bộ Chính trị có 6 vị ra khỏi TƯ, trong đó, theo một số nguồn tin, ông Phạm Gia Khiêm có trong danh sách ra (tái) ứng cử nhưng không được bầu lại.
Trong các quan chức chính phủ, các bộ trưởng hoặc không được ra tái cử, hoặc có trên danh sách TƯ X đề nghị nhưng không được bầu, gồm có: bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, bộ trưởng Y Tế Nguyễn Quốc Triệu, bộ trưởng Khoa học - công nghệ Hoàng Văn Phong, bộ trưởng Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp, bộ trưởng Tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên, bộ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền. Theo thông tin rò rỉ (cho tới nay), mà BBC có được, có 7 vị trong danh sách đề cử của TƯ X không trúng cử, nhưng đài này cũng (chưa?) không biết đó là những ai. Một số nguồn tin “trôi nổi” cho biết ít ra đó là trường hợp của các ông Hồ Nghĩa Dũng và Phạm Khôi Nguyên. Cả hai ông này đều mới làm bộ trưởng được một nhiệm kỳ, không hiểu đã thu hồi đủ vốn đầu tư hay chưa?
Dầu sao, con số 7 nói trên chưa kể tới một số vị đã bị loại từ trước, do tới tuổi hưu nhưng lại không đủ lực lượng (trong hay/và ngoài) “chống lưng” để được ngoại lệ, hoặc những bất cập quá lộ liễu trong quá trình công tác trong nhiệm kỳ vừa qua, hoặc bị nhiều tố cáo về tham nhũng, “mất đoàn kết”… mà không giải trình được. Hoặc nữa, đơn giản là gặp một đối thủ cao tay hơn (chuyện thường ngày ở huyện!), như trường hợp ông Hồ Đức Việt, Trưởng ban Tổ chức TƯ, người đã có lúc được coi như một ứng viên vào vị trí tổng bí thư.
Chỉ lấy một ví dụ. Chuyện ở bộ Công an cho thấy khó biết lý do nào là chính xác. Trong ba ông thượng tướng không được cử lại (Nguyễn Văn Hưởng, Lê Thế Tiệm, Nguyễn Khánh Toàn) thì ông Tiệm 61 tuổi (sinh năm 1949) nhưng trẻ hơn ông Lê Hồng Anh (bộ trưởng) một tháng, mà ông Anh thì ở lại; hai ông Hưởng (sinh năm 1946) và Toàn (1945) đều trẻ hơn ông tân tổng bí thư. Ông Hưởng gần đây nổi tiếng về những đe doạ trắng trợn giới trí thức, nhưng có lẽ đó không được coi là một “tội tổ tông” của Đảng, còn ông Toàn cũng do vụ Cô gái Đồ Long mà được dân chúng biết đến, nhưng chả ai tin thanh đao của cô nhà báo Hương Trà lại khuất phục được một cao thủ võ lâm như ông.
Vô
Vô nhiều hơn ra (200 thay vì 181), chứng tỏ ngoài việc thực hiện câu châm ngôn của đ/c Nguyễn Sinh Hùng (“Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm... cứ dẹp đi thì bầu không kịp!”), đảng ta không thiếu các đồng chí chưa bị lộ. Tuy nhiên, bàn về chuyện này hơi bị khó vì người ở xa không đủ thông tin, đành xin lỗi bạn đọc để trở về những đề mục dễ thống kê hơn.
Các tỉnh thành dĩ nhiên đều có đại diện ở trung ương, điều đó không cần nói thêm.
Giáo dục, khoa học là quốc sách “hàng đầu”… sau an ninh, tuyên huấn, nên chẳng ai ngạc nhiên thấy chỉ có ông bộ trưởng GD, hai ông thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ, hai ông chủ tịch Viện khoa học và công nghệ và Viện khoa học xã hội trong ban lãnh đạo cao nhất của đảng. Năm vị này phải sẽ bảo vệ các ngành “quốc sách hàng đầu” trước một ban chấp hành có 20 tướng lĩnh (kể cả hải quân) thuộc bộ quốc phòng, 8 thuộc bộ công an và 4 ông tuyên giáo…
Ngoại giao kỳ trước chỉ được một uỷ viên dự khuyết (sau phải đưa ông Phạm Gia Khiêm, phó thủ tướng phụ trách khoa học và công nghệ sang làm ngoại giao, và giữa kỳ nâng ông Phạm Bình Minh, từ dự khuyết lên chính thức), kỳ này có 3 uỷ viên chính thức ngay từ đầu: ngoài ông Phạm Bình Minh được cử lại, có các ông Hồ Xuân Sơn và Đào Việt Trung, đều là thứ trưởng.
Ngoài các đại diện các tỉnh, ngành, ban bệ, dư luận còn quan tâm tới xuất thân dòng dõi của một số vị uỷ viên mới, đặc biệt là 4 vị “thế tử” của 4 uỷ viên bộ chính trị khoá trước ! Đứng đầu danh sách là Nông Quốc Tuấn (con cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh), người đã nổi tiếng khi vừa được “cơ cấu” về làm bí thư tỉnh uỷ Bắc Giang, cùng lúc với vụ hàng trăm người dân nổi loạn trước trụ sở UBND tỉnh sau khi một thanh niên bị công an đánh chết. Tiếp đến: Nguyễn Thanh Nghị, con thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Anh, con Trưởng ban kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi, và Trần Sỹ Thanh, cháu phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Chưa kể một số con ông cháu cha khác…
Đó là vài điều có thể viết về đại hội “lịch sử” như cũ này.
H.V.
22.1.2011
1 Tại đại hội, còn có một số người được các đại biểu đề cử, "danh sách ứng cử" cuối cùng gồm cả những người này và những người được TƯ khoá X đề nghị, tổng cộng là 218 người "ứng cử" làm uỷ viên chính thức và 65 người "ứng cử" vào TƯ dự khuyết.
.
.
.
No comments:
Post a Comment