Monday, January 3, 2011

BẮC KINH CÓ KẾ HOẠCH NẮM THÁI BÌNH DƯƠNG

Người Việt
Sunday, January 02, 2011

Dựng căn cứ quan trọng trên đảo Hải Nam

TAM Á, Hải Nam 2-1 (TH) - Bắc Kinh đã có kế hoạch chiếm trọn biển Ðông, trong đó gồm cả đánh chiếm hết tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa hiện đang tranh chấp với các nước ASEAN.
Bài báo ngày đầu năm Dương lịch 2011 của nhật báo Asahi Shimbun tiết lộ như vậy.


Toàn cảnh căn cứ tàu ngầm nguyên tử thiết lập ngầm dưới đất ở Tam Á, phía Nam đảo Hải Nam. (Hình: London telegraph)

Ngày 1 tháng 5 năm 2008, Ngũ Giác Ðài từng công bố những bức không ảnh cho thấy căn cứ hải quân Tam Á (Sanya) nằm ở cực Nam trên đảo Hải Nam đã được xây dựng để trở thành căn cứ tàu ngầm nguyên tử. Ðặc điểm của căn cứ này là nằm sâu trong lòng núi và có một số cửa thông vào qua một hệ thống kênh ngầm.
Căn cứ Tam Á ngày càng trở nên rõ rệt hơn là cứ điểm xuất phát giúp Trung Quốc không chế toàn diện biển Ðông và kéo dài xuống phía Nam, sang Ấn Ðộ Dương. Dưới đây là bản lược dịch bài viết của phóng viên Kenji Minemura, nhật báo Asahi Shimbun.
Căn cứ từ đó Bắc Kinh dùng để áp đặt ảnh hưởng đối với biển Ðông nằm trên đảo Hải Nam (Hainan).
Ở điểm cực Nam của đảo Hải Nam có thành phố du lịch Tam Á. Thích hợp để mô tả nơi đây là “Hawaii của Trung Quốc”, nhiệt độ ban ngày hơn 20 độ C dù là ở tháng 12 (Mùa Ðông) nên cũng là lý do có tới 6 triệu du khách đến thăm viếng hàng năm.
Người ta có thể nhìn thấy gia đình các du khách vui chơi trên các bãi biển dọc theo vịnh Á Long (Yalong bay) nơi có rất nhiều khách sạn sang trọng. Sau khi đi dọc theo bờ biển khoảng 3 cây số, tôi (ký giả của Asahi Shimbun) đã đến cuối đường. Hàng rào dây kẽm gai cao tới 5 mét chặn lại.
Khi tôi tới rào cản, lính canh la lớn và đuổi tôi đi. Tấm bảng cảnh cáo khu vực bị rào lại là vùng cấm vì dưới sự kiểm soát quân sự. Hai cầu tàu rất dài có thể nhìn thấy sau các sợi thép gai. Có 4 chiếc tàu bỏ neo ở đây vào ngày tôi thăm viếng.



Tàu ngầm mang số hiệu 094 của Hải Quân Trung Quốc được không ảnh nhìn thấy đậu ở cảng Tam Á. (Hình: DailyMail)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/125145-big_VN_SanYa_Submarine_DailyMail_050308.jpg

Ðịa điểm này nhiều phần trở thành căn cứ cho hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc mà giới quân sự nước này muốn đóng xong vào năm 2014.
Chiều dài của cầu tàu dài tới 960 mét, đủ chỗ đậu không những hàng không mẫu hạm mà còn cho các chiếc khu trục hạm, hợp thành một hạm đội hàng không mẫu hạm.
Căn cứ có vẻ như đủ lớn rộng để tập trung hai hạm đội hàng không mẫu hạm. Ở phía bên kia của cảng là ba cầu tàu, mỗi cái dài 200 mét. Các cầu tàu này dành cho các tàu ngầm.
Ðồn trú ở đây là những chiếc tàu ngầm mới nhất của thế hệ tàu ngầm Jin-class (sản xuất tại xưởng đóng tàu Hồ Lô Ðảo tỉnh Liêu Ninh, trang bị 12 hỏa tiễn bình phi tầm bắn xa 8,000 km) có thể bắn tới Hoa Kỳ. Ðồng thời đây cũng là căn cứ của các tàu ngầm tấn công hạng Shang-Class (cũng sản xuất ở Hồ Lô Ðảo).
Một người câu cá ở gần đó nói “Tôi thường thấy các tàu ngầm nổi lên mặt nước”.
Ông ta cho hay gần đây ít thấy tàu ngầm xuất hiện, một dấu hiệu cho thấy chúng đi diễn tập hay huấn luyện ở ngoài khơi xa.
Theo sự phân tích của Trung Tâm Thông Tin Hán Hòa (Kanwa), một trung tâm nghiên cứu chiến lược quân sự ở Hongkong, khoảng một tá đường hầm đã được đào dọc theo bờ biển, nơi có các cầu tàu quân sự. Người ta tin rằng đây là một trong những nơi đồn trú ngầm dưới đất lớn nhất thế giới, cho tàu ngầm, đang được xây dựng.

Căn cứ tàu ngầm nguyên tử thiết lập ngầm dưới đất ở Tam Á, phía Nam đảo Hải Nam. Trong hình là cửa dẫn vào căn cứ ngầm dưới đất. (Hình: London telegraph)

Căn cứ cho Hải Quân Trung Quốc không cấm người ngoài ở khu vực vịnh Á Long. Ít nhất có ba nơi trên đảo dùng cho tàu ngầm Kilo-class, cũng như phi trường quân sự và oanh tạc cơ hải quân.
Người ta cũng tin rằng nơi đây là căn cứ của các đơn vị tham gia đấu tranh vi tính. Ping Kefu, giám đốc Trung Tâm Kanwa nói rằng “Toàn thể đảo Hải Nam đã trở thành một căn cứ quân sự trong chiến lược biển Ðông của Trung Quốc”.
Gần đây, thấy có các lời bình luận rất dữ dằn trên báo chí Trung Quốc của một số chuyên viên và chức sắc nhà nước đối với các lợi ích hàng hải và các khát vọng.
Tại một diễn đàn chính sách biển của Trung Quốc tổ chức ở Thượng Hải ngày 18 tháng 12 năm 2010, với sự tham dự của các viên chức nhà nước và giới chuyên viên khảo cứu, Phó Côn Thành (Fu Kuncheng), giáo sư tại Trung Tâm Luật Hàng Hải và Chính Sách ở viện Ðại Học Giao Thông ở Thượng Hải (Shanghai Jiaotong University) được cử tọa hoan nghênh sau khi nói rằng “Nếu các tàu (đánh cá) của chúng ta bị kéo ra, tàu chiến và chiến đấu cơ nên được điều động đến đảo Ðiếu Ngư đánh đuổi tàu ngoại quốc”.
Ðiếu Ngư là tên Trung Quốc đặt cho quần đảo đang tranh chấp với Nhật mà người Nhật gọi là Senkaku. Một trong những lý do Trung Quốc chủ trương cứng rắn có nguy cơ gia tăng xung đột với các lân bang bắt nguồn từ một chủ trương thiết lập gần ba thập niên trước.
Vào năm 1982, Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing, tổng tư lệnh quân đội từ 1982-1988) đặt kịch bản 3 giai đoạn cho Hải Quân Trung Quốc.
Giai đoạn đầu từ 2000 đến 2010, Trung Quốc thiết lập kiểm soát vùng biển và chuỗi đảo nối từ vùng đảo Okinawa xuống tới Ðài Loan và quần đảo Phi Luật Tân.
Giai đoạn thứ hai, từ 2010 đến 2020, Trung Quốc tìm cách thiết lập kiểm soát vùng biển và các chuỗi đảo nối từ vùng Ogasawara tới đảo Guam và Indonesia. Trong giai đoạn này, một hàng không mẫu hạm được đóng hoàn tất.
Giai đoạn cuối cùng, từ 2020 đến 2040 sẽ là giai đoạn Trung Quốc chấm dứt sự thống trị toàn thể Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương của Hoa Kỳ.
Trung Quốc hiện đang hối hả hoàn tất giai đoạn một. Quần đảo Senkaku và các quần đảo trên biển Ðông (đang tranh chấp với Việt Nam và một số nước ASEAN) nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.
Khi hạm đội Trung Quốc đi qua giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyakojima hồi tháng 4 vừa qua, báo chí tuyên truyền của Trung Quốc ca ngợi biến cố này như sự “hoàn tất vĩ đại”.
Tuy nhiên, một số người ngay trong nội bộ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh mới chỉ là anh tập sự khi nói đến việc nới rộng lợi ích biển. Wang Peiyun, cựu chủ biên tạp chí hàng hải, một người có nhiều hiểu biết về các vấn đề biển, nói rằng chiến lược biển của Trung Quốc không hoàn chỉnh. Phản ứng với những gì sẽ xảy ra sẽ rất lung tung và tạo xung đột với các láng giềng.
.
.
.

No comments: