Monday, January 3, 2011

ĐẦU NĂM và SỰ TẢN MẠN (Tiêu Phong)

Tiêu Phong
Đăng ngày: 12:50 03-01-2011

Thế là đã sang đầu năm mới. Dương lịch là năm 2011, âm lịch thì 1 tháng nữa bước sang năm Tân Mão. Mà lạ. Bây giờ năm mới nào cũng được người ta tặng cho chữ Vàng. Hình như ngày trước chỉ có những năm có hàng Can là Đinh, Nhâm, Quý, Giáp hay Canh thì người ta mới gán cho cái chữ Vàng, còn bây giờ thì năm nào cũng Vàng tất.

Ừ thì vàng, nhưng có lẽ sẽ vàng mắt ra thì đúng hơn. Câu chuyện con tàu đắm Vinashink còn chưa biết như thế nào, đến giờ, riêng khoản nợ 600tr USD phải trả 10% là 60tr $ vào cuối tháng 12/2010 còn chưa trả được và đang xin giãn nợ, cũng chưa được phản hồi gì từ các chủ nợ, kéo theo là hệ lụy vay mượn của các doanh nghiệp khác trong con mắt các chủ nợ nước ngoài cũng đang mất uy tín. Đấy là chưa kể khoản 750tr USD trái phiếu Chính phủ do Bộ TC thẩm định cho Vinashink vay. Hệ lụy còn dài, dù các vị chức việc nói rằng sẽ cố gắng sau 5 năm sẽ hồi phục được con tàu này. Có tin được không thì còn wait and see.
Nhớ năm xưa, Tăng Minh Phụng xin hoãn án và cam kết cũng sau 5 năm sẽ hoàn trả các khoản nợ, nhưng đâu có được đáp ứng và giờ đã xanh cỏ. Chỉ biết hệ lụy là hàng loạt bất động sản của Tăng Minh Phụng bị báo chí phanh ra là đã được định giá để đấu giá với cái giá thật của nó là 1 khoảng cách cực lớn và đo được bằng vận tốc ánh sáng. Rồi đến lượt Liên Khui Thìn được ra tù và đang khởi kiện để đòi lại các tài sản đã bị mất và bị hóa giá 1 cách đáng ngạc nhiên. Cuộc trường chinh của anh Thìn thì sẽ còn là câu chuyện dài tập và hồi kết thì có thể sẽ là chẳng đi đến đâu, bởi chẳng có cái gì có thể tin được rằng anh sẽ thắng trong cuộc chiến pháp lý ấy. Nhưng chỉ mong, anh đừng lại dính vào 1 anh Người đương thời có tên là Chiến.

Cũng là 1 doanh nghiệp, anh Chiến bị oan sai và cũng mất tất. Anh được minh oan, được chương trình Người đương thời của VTV3 mời lên sóng. Tất nhiên phải như thế nào thì sóng truyền thông chính thống mới mời anh. Và anh cũng tuyên bố khởi kiện để đòi bồi thường về các tài sản đã bị mất mát và hao hụt trong thời kỳ oan sai, con số lên đến nhiều chục ngàn tỷ đồng thì phải. Nhưng cuộc chiến của anh Chiến về đòi bồi thường chưa có thêm thông tin, thì anh bị bắt vì dính cú lừa với nhiều doanh nghiệp, điển hình là với anh Luận của trường Đại học Nguyễn Trãi (trường này chỉ là 1 cơ sở trong hệ thống kinh doanh do anh Luận lập nên và làm Chủ tịch). Anh lừa anh Luận 1 cú ngoạn mục, phải rất ngoạn mục bởi người như anh Luận, 1 doanh nhân làm kinh doanh giáo dục, rất có kinh nghiệm và nói như ngôn ngữ xã hội, sỏi anh to như cái nắm đấm, thế mà vẫn bị anh Chiến cho 1 phát lừa đến mấy chục tỷ. Cũng chỉ mong rằng, trong quá trình tìm lại công lý cho tài sản của mình, anh Thìn đừng dính cú phốt như anh Chiến mà thôi.

Kinh tế thì nhập siêu gần như khó kiểm soát, lạm phát gần 12%. Càng về cuối năm giá hàng càng tăng song cùng với thông tin về tăng lương cơ bản của Chính phủ. Chả giải quyết được vấn đề gì. Thành công nhất năm 2010 là tổ chức các hội nghị của Asean và kết nối các khách có máu mặt tham gia. Sự kiện bác dự án đường sắt cao tốc của QH lại âm ỉ nóng với sự nghiên cứu trở lại của Bộ GT, trong khi câu hỏi có cần thiết không vì gắn kết thế nào với đường lối kinh tế, và phương án trả nợ ra sao thì chưa có trả lời thỏa đáng... QH HN mở rộng chưa được CP phê duyệt vì vướng mắc nhiều câu hỏi không có sự trả lời. Một vùng văn hoá xứ Đoài với 2 thành phố là Sơn Tây và Hà Đông được khai tử sau 9 tháng lên đời từ cấp thị xã. Vẫn biết không dễ có sự đổi thay ngay sau khi có QĐ hành chính về việc xóa Hà Tây nhập về HN, nhưng sự băn khoăn về việc "phép cộng" này thì còn nhiều trắc trở bởi chính nội dung của đồ án đã nhiều lần được trưng bày, lấy ý kiến và hội thảo. Quy hoạch là định hướng cả 1 tổng thể phát triển kinh tế và xã hội gắn kết hữu cơ, với bao vấn đề về dân số, kế sinh nhai, tập quán sinh hoạt, học hành, nghiên cứu.... Rất nhiều ý kiến của giới trí thức, chuyên môn cho rằng thời gian để nghiên cứu 1 Đồ án như vậy mà thực hiện trong thời gian vừa qua là không đủ. Hệ lụy: Tạo ra 1 cơn sốt đất như địa chấn ở vùng đất vốn thuộc âm là Ba Vì. Để Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ tịch hội Luật gia.... cũng phải lên tiếng về sự bất hợp lý của nội dung Đồ án.

Ngay HN với bao ao hồ làng mạc cũng biến mất trong cơn sốt đô thị, để lại 1 di sản với đủ loại hình hài méo mó của kiến trúc đường phố. Thò thụt nhấp nhô dày mỏng đủ loại. Sự thắc mắc về quản lý Kiến trúc 2 bên tuyến phố đặt ra từ thời làm đường Trần Khát Chân, cho đến con đường đắt nhất hành tinh Kim Liên - Ô Chợ Dừa vẫn thế. Thủ đô yêu dấu, 1 thời đạn bom, 1 thời hòa bình bước vào năm thứ 11 của thế kỷ 21 với sự lỏng lẻo của quản lý quy hoạch và xây dựng. Vốn kiến trúc Pháp đang bị lãng phí. Một biệt thự cực đẹp của 1 cựu lãnh đạo đã được bán cho 1 doanh nhân đứng số 1 sàn chứng khoán 2010 và được thay thế bằng 1 tòa nhà văn phòng, dù Thành phố từ lâu đã có văn bản cấm đập phá các kiến trúc biệt thự có từ thời Pháp để bảo tồn và duy tu. Mới đây lại thấy có dự thảo trình CP cho đập 1 biệt thự gần Lăng Bác với lý do để tạo sự cân xứng trong QH khu vực Lăng Bác. Quan hệ cân xứng và đăng đối trong lý thuyết QH đặt trong bối cảnh này nghe không thuyết phục. Bởi ý nghĩa của từ Quảng trường đã là không hợp lý xét đặt ở vị trí không gian bị hạn chế của khu vực Lăng Bác mà từ lâu ta quen gọi là Quảng trường Ba Đình rồi. Đã là quảng trường, thì có nghĩa nó phải là 1 không gian rất lớn và không bị hạn chế hay khống chế bởi các kiến trúc xung quanh, và có thể có 1 kiến trúc điểm nhấn cho khu vực quảng trường này cùng với 1 vài kiến trúc phụ trợ nhưng không ảnh hưởng hay hạn chế sự giao lưu của không gian, vậy nên, đặt ra sự đăng đối ở đây chỉ làm thêm rối rắm ý nghĩa của Quy hoạch và đặt ra sự nghi ngờ về động cơ đập bỏ biệt thự kia ở khu vực Lăng Bác.

Còn đấy sự vàng mắt trông chờ của nền kinh tế công nghiệp. Gần 20 năm nhưng tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất ô tô VN vẫn còn là sự xa vời. CN xe hơi với xe máy ở VN vẫn dừng bước ở lắp ráp phụ tùng, với đây đó công bố tỷ lệ nội địa hóa là 10 hay 15%, bằng vỏ xe thì mỏng tang và đi thì rung như ngồi đường xấu và bằng sản xuất 1 vài chi tiết nhựa và kim loại thành phẩm. Làm ra xăng nhưng doanh nghiệp trong nước không mặn mà vì thấy đồn rằng tỷ lệ % hoa hồng là rào cản, chỉ đến khi thiếu trầm trọng ngoại tệ để nhập khẩu thì mới quay ra bắt tay nhau. Bao nhiêu dự án phong điện xếp xó vì Chủ đầu tư không thể nào chịu nổi sức ép làm giá từ nhà phân phối độc quyền. Khai thác bauxite thì cũng chỉ dừng ở sản xuất aluminum chứ cũng chưa sản xuất được nhôm thành phẩm, cũng chỉ là 1 dạng nguyên liệu thô, vậy mà đã gây ra không biết bao ý kiến ì xèo đến nỗi các vị nguyên lãnh đạo cũng phải viết thư kiến nghị. Rồi đi với nó là đường sắt vận chuyển, cảng biển ... cho cái vụ bauxite này. VN 2010, đánh dấu phát triển CN thì ngoài nhà máy lọc dầu Dung Quất, có CN may thời trang may ra có cơ, mà cũng chỉ là may mặc thôi chứ cũng chưa phải là công nghiệp dệt hay hóa sợi. Vậy cơ khí chính xác có thể trong 10 năm nữa phát triển để VN cơ bản là nước Công nghiệp vào 2020 như các vị lãnh đạo nhận định không ??? Hy vọng, rất nhiều hy vọng nhưng với thực tế hiện thời, niềm hy vọng đó mong manh làm sao.

Và giáo dục học đường. Đủ chuyện. Bạo lực nữ sinh đến cô chửi trò, bệnh thành tích và chuyện học trò lớp 1 đã phải đi học thêm, ngoài 5 buổi học bán trú tại trường ... Tất nhiên học thêm là tự nguyện, nhưng chẳng tự nguyện cũng chẳng được. Cũng như hô hào phụ huynh tự nguyện đóng tiền mua điều hòa, mua tivi, đầu đĩa ... các thứ, chẳng tự nguyện cũng không xong. Phụ huynh kêu đắt, muốn tự mua để biếu nhà trường thì lắc đầu, các vị tự nguyện bằng tiền, giá do trường thông báo vì trường đã ký với đơn vị cung cấp rồi. Hết biết. Những đứa trẻ đi học và được biết cha mẹ chúng bị ép phải đóng những thứ tiền đó, chắc chắn lòng tin và niềm yêu kính của chúng với các cô giáo sẽ hao hụt ít nhiều, và còn tệ hại hơn về niềm tin, khi có những ông hiệu trưởng như ông Sầm Đức Xương và các vị người lớn của tỉnh Hà Giang. 16 vị thoát án nhưng lại được khuyến nghị kiểm điểm với cái rất vớ vẩn là "không phải quan hệ mua bán dâm mà là quan hệ tình cảm". Vậy quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên dù là tình cảm đi, khung pháp lý của tội danh đó phải có chứ, và nếu là quan hệ tình cảm, thì 2 em kia sẽ được quy tội dụ dỗ, môi giới và bán dâm cho ai ???

Sự xói mòn vào niềm tin, vào sự băng hoại đạo đức càng được thể hiện bằng những triệu nọ, triệu kia đưa đến nhà các em nhỏ khác, có những em sinh năm 1996!!! Vụ án lay lắt từ đầu năm đến cuối năm được khép lại với kết luận điều tra không có tính thuyết phục với công luận. Và còn đâu niềm tin được đánh giá như vàng mười của năm mới Tân Mão, với kết cục lơ lửng và đầy bi hài của câu chuyện người lớn quan hệ tình dục với trẻ em thì được gọi là "quan hệ tình cảm"???
.
.
.

No comments: