Sunday, January 23, 2011

ĐẠI HỘI ĐÃ KẾT THÚC - THẤY GÌ, MONG GÌ ? (Phạm Trần)

Phạm Trần
Đăng ngày 23/01/2011 lúc 01:23:03 EST

Đại hội kỳ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam kết thúc hôm 19/01/2011 sau 8 ngày “tưng bừng khai trương, huy hoàng đóng cửa”, nhưng sau khi Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia cửa đóng then cài thì liệu kết quả bầu chọn Ban Chấp Hành Trung Ương để lèo lái con thuyền quốc gia có đem lại chút hy vọng gì cho dân cho nước không, hay người trước kẻ sau sẽ tiếp tục giẫm lên vết chân của nhau đi vào vô định như các khóa đảng trước?
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội, 67 tuổi, sinh ra ở Hà Nội, đã đắc cử vào chức Tổng Bí Thư thay Nông Đức Mạnh nay nghỉ hưu, đã không gây ngạc nhiên vì sự lựa chọn này của trung ương đã bị rò rỉ từ trước ngày khai mạc đại hội.

Các cuộc bầu cử 175 Ủy viên Trung ương chính thức và 25 người dự khuyết cũng như việc chọn 14 Ủy viên Bộ Chính Trị, cơ quan có quyền lực cao nhất nước, cùng hai Ban Bí Thư và Kiểm tra Trung ương đã không được tổ chức bầu “trực tiếp” bởi 1.376 đại biểu dự đại hội mà do 200 Ủy viên Trung ương khóa đảng XI vừa đắc cử chọn. Những người được chọn, kể cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã được “định sẵn” tại ba Hội nghị 13, 14 và 15 của khóa đảng X dưới quyền lèo lái của Nông Đức Mạnh. Do đó tính dân chủ trong việc lựa chọn nhân sự mà Đảng đã ra sức tuyên truyền trong thời gian đại hội chỉ còn là chuyện nói nghe vui tai.

Hãy đọc cuộc trao đổi giữa báo chí và Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách tổng bí thư ngày 19/01/2011 về trò bầu bán “dân chủ giả vờ” này:

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh:
“Một số đại biểu nói quá trình lựa chọn nhân sự rất dân chủ, tuy nhiên những đại biểu trúng cử hầu hết do Trung ương giới thiệu. Một số đại biểu nói họ lựa chọn như vậy vì tin tưởng vào sự giới thiệu của Trung ương khóa X nhưng nhũng người được đề cử bổ sung hơi suy nghĩ một chút, cơ hội của họ ít quá. Ông có thể nói gì để giải tỏa suy nghĩ này?”
Nguyễn Phú Trọng đáp:
“Tôi nghĩ câu hỏi này đã có ý trả lời rồi. Trung ương chuẩn bị nhân sự là cả quá trình rất công phu, phải qua nhiều vòng giới thiệu, đưa ra Trung ương mấy lần, cuối cùng mới chốt danh sách. Còn những người được giới thiệu ngay tại đại hội thì nhiều đại biểu còn chưa biết rõ quá trình công tác, thậm chí chưa biết mặt. Tuy nhiên, Đảng vẫn khuyến khích việc tự ứng cử, đề cử. Lâu nay ta thường nói giới thiệu cốt cho vui để có quân xanh, quân đỏ nhưng trên thực tế đâu thế. Ngược lại, có những trường hợp Trung ương giới thiệu nhưng có được bầu đâu. Tôi đếm ra có bảy người như thế, không trúng cử mặc dù đạt quá bán. Phải nói rằng công tác bầu chọn nhân sự là có dân chủ, công khai. Ở đây không hề dân chủ hình thức. Từng dự với tư cách đại biểu chính thức đã năm khóa nhưng chưa khóa nào tôi thấy giới thiệu nhiều như lần này”.

Nói như thế nghe cũng bùi tai, nhưng yêu cầu bầu trực tiếp thay vì gián tiếp như nhiều đảng viên, cựu lãnh đạo và người dân đề nghị trước khi có cuộc bầu cử đã không được đem ra bàn tại đại hội. Có người đã mách nước trước rằng điều lệ đảng chưa cho phép làm thế nên cứ bầu như cũ. Còn việc có thêm người được giới thiệu vào Trung ương Đảng nhưng không được chọn có liên quan gì đến việc Trung ương đã chốt xong người mình bỏ vào “danh sách trúng cử”, để đến khi nhân sự Ban Chấp hành mới được công bố thì những người được giới thiệu tại đại hội mới vỡ lẽ ra là họ đã bị sử dụng để “trang trí” cho cuộc bầu cử?

Vậy trong số 200 ủy viên trung ương có người nào “đặc biệt” không?

Có 2 người:
• Đó là Nông Quốc Tuấn, sinh ngày 12/07/1963 tại tỉnh Bắc Kạn, dân tộc Tày, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, con Nông Đức Mạnh.
• Người thứ hai là Nguyễn Chí Vịnh, sinh năm 1957 tại Hà Nội, là con trai trưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Cúc.
Cả hai người này đều đã bị các cựu tổng bí thư Đảng như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và một số tướng lãnh đã nghỉ hưu chê trách là thiếu khả năng. Riêng Tướng Vịnh còn bị lên án là thiếu đạo đức và có lập trường thân Trung Cộng.

Ngoài ra trong số 14 ủy viên Bộ Chính Trị có Đinh Thế Huynh, 58 tuổi, sinh ra ở Nam Định, Tổng Biên Tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam là người có tiếng cực đoan và bảo thủ rất năng nổ.

Ông Huynh đã bị người Việt ở nước ngoài và trí thức trong nước chỉ trích khi tuyên bố vào ngày 10/01/2011 rằng:
“Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Bởi một lẽ đơn giản, chúng tôi đã từng thử nghiệm đa nguyên đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 1946 với nhiều đảng tham gia Quốc Hội. Nhưng đến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước tôi thì chỉ có Đảng Cộng Sản cùng với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại và giành thắng lợi trước thực dân Pháp. Và nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Câu trả lời này có chủ ý xuyên tạc lịch sử và mạ lỵ các đảng phái quốc gia đã tham gia chính phủ liên hiệp với Hồ Chí Minh. Thật ra là phe cộng sản khi ấy đã tìm mọi cách tiêu diệt các đảng phái không cộng sản để nắm quyền. Nếu nói đảng CSVN đã một mình chống Pháp thì ông Huynh “dốt đặc cán mai” về lịch sử chống Tây của các lãnh tụ Nguyễn Thái Học (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám đã có từ trước ngày Đinh Thế Huynh mở mắt chào đời năm 1953, vì vậy không lấy làm lạ khi người cộng sản nhận khống rằng chính đảng CSVN đã lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám dành độc lập trong khi thật sự Hồ Chí Minh đã nhanh tay cướp công cách mạng tự phát của toàn dân Việt Nam.

Với một người như Đinh Thế Huynh được ngồi vào Bộ Chính Trị thì việc đảng này thêm một lần nữa tiếp tục kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin mà thiên hạ đã ruồng bỏ từ năm 1989 ở Đông Âu và sau đó ở Liên Bang Sô-viết năm 1991, chỉ chứng minh và hiện lên một tư duy thoái trào, xơ cứng, giáo điều tiếp tục tồn tại trong hàng ngũ lãnh đạo và sẽ chận đường tiến của dân tộc.
Nghị quyết đại hội XI
Bằng chứng như Nghị quyết của Trung ương Đảng XI đã viết:
“Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Hay phải tiếp tục: “Củng cố và tăng cường các yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế”. Trong khi chính đảng CSVN cũng mù mờ không tìm đâu ra “định hướng” vì xã hội chủ nghĩa làm gì có “định hướng” kinh tế thị trường và hội nhập?

Điều đáng chú ý, chính Nguyễn Phú Trọng là một trong số tác giả nồng cốt của Bản Cương lĩnh năm 1991 vừa được Đại hội Đảng XI bổ sung và chấp thuận, nên nếu nói ông Trọng là “dòng dõi” của thoái trào, bảo thủ khi tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước để “quá độ” lên xã hội chủ nghĩa cũng không sai. Nghị quyết năm 2011 của Nguyễn Phú Trọng còn khác “một trời một vực” với 2 bản Nghị quyết rất ngắn của hai kỳ Đại hội đảng IX và X, bởi vì ông Trọng và thế hệ CSVN của Đại hội XI đã dùng Nghị quyết để che đậy những thất bại liên tiếp của Đảng bằng cách đổ lỗi cho các thế lực “thù địch”. Nghị quyết đã chứng minh điều đó:
“Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" có những diễn biến phức tạp”.

Khi nói về an ninh quốc phòng, Nghị quyết báo động rằng:
“Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông-Nam Á vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới. ASEAN tiếp tục đẩy mạnh liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng, có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, song còn nhiều khó khăn, thách thức”.

Do đó cần phải:
“Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực chủ động hội nhập quốc tế”.

Nhưng những “kẻ thù địch” của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng là ai, nếu không phải là Trung Cộng, nhất là khi nói đến “hình thức tập hợp lực lượng” ở Biển Đông trong giai đoạn hiện nay?

Rồi Nghị quyết còn cam kết như hai Ban Chấp hành Khóa IX và khoá X đã hứa sẽ:
“Thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. … Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát và tư tưởng; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Nếu so sánh cách dùng chữ để bầy tỏ thái độ thì Nghị quyết khoá XI “sắt máu” hơn 2 Nghị quyết Khóa IX và X.

Hãy đọc Khóa X viết trong Nghị quyết năm 2006:
“Đại hội Đại Biểu Toàn Quốc lần thứ X Đảng Cộng Sản Việt Nam kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
(Ban Chấp hành Trung ương, ngày 25 tháng 4 năm 2006)

Trước đó 5 năm Nghị quyết của Khóa đảng IX viết ngày 22/04/2001:
“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, của toàn Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên trong thế kỷ XXI”.

Có gì báo hiệu?

Tại sao có hiện tượng thay đổi này? Có lẽ vì năm 2011 Đảng đã “ngửi” thấy mùi bị đe dọa từ trong nội bộ qua dấu hiệu “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ 3,6 triệu đảng viên nên nhìn đâu cũng chỉ thấy những thế lực “thù địch” đang đe dọa sự tồn tại của Đảng.

Trong một biến cố khác, phe bảo thủ, kể cả Nguyễn Phú Trọng, đã thất bại trong cố gắng duy trì một đọan trong Cương lĩnh bổ sung 2011 khi minh định về chính sách kinh tế theo Chủ nghĩa Mác-Lênin. Theo báo cáo kiểm phiếu của Đại hội thì cuộc tranh luận về “đặc trưng kinh tế của xã hội chủ nghĩa” đã diễn ra rất sôi nổi nên buộc lòng Đảng phải cho biểu quyết.

Kết quả có 2 đề nghị:

Phương án 1 viết đặc trưng: "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu" (như Dự thảo).
Chỉ có 472 phiếu đồng ý, chiếm 34,3%.

Đến cuộc phỏ phiếu cho phương án 2, có thay đổi
: "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp" (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ "tiến bộ").Kết quả có 895 phiếu đồng ý, chiếm 65,04%.

Như vậy Đại hội đã bác bỏ lập luận của phe bảo thủ vì sợ nếu viết như phương án 1 thì không ai dám bỏ tiền vào đầu tư tại Việt Nam, vì họ sợ đến một ngày “đẹp trời” nào đó nhà nước sẽ “quốc hữu hóa” tài sản của họ nên sẽ không ai dám vào Việt Nam làm ăn.

Những người chống phương án 1 nói rằng nếu sự sợ hãi bị “tịch thu” cứ theo đuổi các nhà đầu tư thì thứ nhất, không ai muốn làm ăn buôn bán với Việt Nam. Thứ hai, sẽ nguy hiểm cho nền kinh tế đang cần sự tiếp tay xây dựng của các nhà đầu tư.

Nhìn chung thì tuy Đại hội XI đã đẻ ra được một Tổng Bí Thư và 199 ủy viên mới, nhưng người đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng lại nổi tiếng là một đảng viên bảo thủ, kiên định đến tận răng chủ nghĩa Cộng Sản và có khuynh hướng thân Tàu nên từ ngoài nhìn vào cũng thấy nhiều chuyện còn ngổn ngang “trăm mối tơ vò” chứ không tốt đẹp hay thành công mỹ mãn và được cả nước kỳ vọng như báo chí của nhà nước tự vẽ, tự diễn.

Phạm Trần
(Tháng 01/2011)
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: