Góp ý cùng ông Phạm Quang Tuấn về vấn đề ông Dương Danh Huy và giải pháp Biển Đông
Trương Nhân Tuấn
01/04/2009 4:16 sáng
http://www.talawas.org/?p=1944
Ông Phạm Quang Tuấn vừa lên tiếng bênh vực ông Dương Danh Huy trên talawas qua bài viết «Giải pháp Biển Đông của Dương Danh Huy và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông». Ông này cho rằng tôi đã «kịch liệt công kích đề nghị (để giải quyết vấn đề Biển Đông) của Dương Danh Huy, thậm chí bảo ông này là tay sai của chính quyền, sửa soạn dư luận để đem Trường Sa và Hoàng Sa cúng cho Trung Quốc.»
1. Về đề nghị giải quyết vấn đề Biển Đông
Trong bài viết của tôi về «Chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tu Chính - Vũng Mây và vùng trũng Nam Côn Sơn» không có dòng nào phê bình «đề nghị giải quyết vấn đề Biển Đông» của ông Dương Danh Huy. Thật ra «giải pháp Biển Đông» của ông Huy tôi đã phê bình rồi, đó là bài «Bàn lại cùng TS Dương Danh Huy về giải pháp cho tranh chấp Biển Đông», đăng ngày 16-9-2008 trên trang web Thông Luận.
Tôi không nghĩ là ông Phạm Quang Tuấn đã không đọc bài tôi một cách kỹ lưỡng. Nhận thấy ông đã rất tỉ mỉ, chỉ trích đến cả những chi tiết nhỏ trong bài. Nhưng có lẽ do lý do kỹ thuật, ông chuyển qua vấn đề «đề nghị giải quyết tranh chấp Biển Đông», chủ quan giải thích nó, đồng thời phê bình tôi nặng nề trên nội dung đó.
«Giải quyết tranh chấp Biển Đông» là một chủ đề rất lớn ở bình diện quốc gia, công trình nghiên cứu mấy mươi năm qua của các học giả Việt Nam là để gầy dựng lên nó. Nội dung vấn đề, theo cái nhìn của cá nhân, là có ba phần chính: lịch sử, quốc tế công pháp và địa lý chiến lược. Phác họa sơ lược vấn đề là một việc khó, giải thích và phê bình vấn đề do đó không hề là một việc đơn giản.
Như đã ghi trên, chủ đề này tôi đã viết rồi, tuy nhiên tác giả Phạm Quang Tuấn muốn thảo luận lại, tôi không thể không sẵn lòng trao đổi thêm cùng ông vài ý kiến.
Về «giải pháp Biển Đông» của ông Huy, đáng lẽ phải gọi lại cho đúng là «giải pháp Biển Đông» của Mark Valencia, là một vụ «cầm nhầm» thật đáng tiếc.
Ý kiến của ông Huy, trích trong bài của ông Phạm Quang Tuấn, thực ra được viết lại từ bài “Thử tìm giải pháp cho Biển Đông» (BBC ngày 18-8-2008). Ý kiến này trùng hợp với một trong nhiều đề xuất giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông của học giả Mark Valencia công bố từ nhiều năm trước.
*
Bản đồ của Dương Danh Huy
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/04/ban-do-cua-duong-danh-huy-271x300.jpg
Bản đồ của Mark Valencia
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/04/ban-do-cua-mark-valencia-229x300.jpg
*
So sánh, ta thấy gì? Nếu loại bỏ màu trên tấm bản đồ Valencia và vẽ thêm những vòng tròn «12 hải lý» trên các đảo thuộc HS và TS thì bản đồ của ông Valencia thành bản đồ của ông Huy. Quan trọng hơn cả là nội dung ghi chú phía dưới tấm bản đồ Valencia: “Allocation of the entire South China Sea using lines equidistant from defensible baselines, ignoring both the Spratlys and the Paracels». Tạm dịch là: phân chia Biển Đông theo đường trung tuyến, tính từ đường cơ bản hợp lý, không tính hiệu lực các đảo HS&TS.
Do đó «giải pháp Biển Đông» của ông Dương Danh Huy thực ra là «giải pháp» của ông Mark Valencia. Không một người Việt Nam nào có thể mạo hiểm trình bày một giải pháp thiệt hại cho nước mình như thế. Cốt lõi của giải pháp này là «tạm gác chủ quyền các đảo sang một bên» và phân chia hải phận theo đường trung tuyến.
Ta thấy các đảo đang trong vòng tranh chấp thuộc HS và TS đều thuộc về Việt Nam và Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình. Mã Lai chiếm đảo của Việt Nam trong thập niên 80. Phi chiếm một số đảo của Việt Nam thập niên 70. Trung Quốc chiếm các đảo của Việt Nam thập niên 40, 70 và 80.
Phía duy nhất bị thiệt hại trong việc «tạm gác» này đương nhiên là Việt Nam. Phe có lợi nhất là Phi Luật Tân. Những đảo của Việt Nam gần với bờ với Phi, vì lo sợ thiệt hại do việc phân định hải phận với các đảo này, ông Mark Valencia đề nghị một loạt các giải pháp, nhưng giải pháp nào cũng có lợi cho Phi, vì ông ta là người Phi.
Điểm thiếu sót của giải pháp này là vấn đề lịch sử. Phía Phi Luật Tân không có lịch sử về HS và TS, nhưng họ có tham vọng lớn ở các đảo đó, do đó họ chủ trương đi tắt, đặt nặng giải pháp ngoại giao, loại bỏ giải pháp pháp lý, tìm cách phân chia hải phận Biển Đông và bỏ qua một bên vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo.
Phía Việt Nam, đương nhiên thế mạnh là lịch sử và pháp lý. Thực ra trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng pháp lý, lịch sử có vai trò chính. Lịch sử là các bằng chứng chứng minh chủ quyền của quốc gia. Trên phương diện đó Việt Nam có đủ lý lẽ mà không bên nào có thể phản biện, (trong khi Phi không có, hay có với những bằng chứng gượng ép).
Về phía Trung Quốc, họ cũng không hề có lịch sử chủ quyền tại HS và TS. Hồ sơ của họ về HS và TS phần lớn là bịa đặt, không có căn bản. Họ chỉ lên tiếng đòi hỏi HS từ năm 1909; về TS thì rất lâu sau này. Nhưng Trung Quốc có sức mạnh và mưu lược. Nhờ mưu lược họ đã lập được một hồ sơ vững chắc về chủ quyền của Trung Quốc tại HS và TS từ năm 1958. Hồ sơ này đến từ phía Việt Nam, quan trọng là công hàm này 14 tháng 9 năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Do đó điểm mạnh của Trung Quốc cũng là lịch sử và pháp lý. Trội hơn Việt Nam và các nước tranh chấp khác trong vùng, Trung Quốc còn có thêm sức mạnh và mưu lược ngoại giao. Tuy nhiên điểm yếu của Trung Quốc cũng là hồ sơ lịch sử, Trung Quốc biết rõ điểm này, vì công hàm của ông Đồng không chắc chắn có giá trị về mặt pháp lý nếu phía Việt Nam biết hóa giải nó. Tôi sẽ trở lại nội dung công hàm này ở phần dưới.
Do đó đề nghị «giải quyết vấn đề Biển Đông» của ông Dương Danh Huy, thực ra là của ông Mark Valencia, sau này được bổ túc thêm một số ý kiến mới, nội dung không hề bênh vực quyền lợi của Việt Nam, mà chỉ nhằm giúp nhà cầm quyền Việt Nam thoát khỏi việc đối diện với lịch sử. Vì nếu vấn đề chủ quyền HS và TS được giải quyết bằng một trọng tài quốc tế, nhà nước CSVN phải trả lời về công hàm của ông Phạm Văn Đồng.
Ông Phạm Quang Tuấn viết thế này: «Xin để ý là nhóm Dương Danh Huy không hề nói là đem Hoàng Sa, Trường Sa ‘dâng’ cho Trung Quốc hay ai khác cả như Trương Nhân Tuấn đã viết. Trái lại, họ luôn luôn nhấn mạnh là Việt Nam vẫn phải bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa [1], chỉ nói là việc phân chia Biển Đông cần làm trước hoặc làm song song.»
Đúng vậy, trong bài «Giải pháp Biển Đông», ông Huy không dọn sân để nhà nước CSVN cống HS và TS cho Trung Quốc, mà ở đây ông Huy chỉ nhiễm phải «bùa» Mark Valencia, chỉ dọn sân cho Phi Luật Tân vào hưởng các đảo TS của Việt Nam (và hải phận phải có của chúng). Nhưng trong bài «Chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tu Chính - Vũng Mây và vùng trũng Nam Côn Sơn» mà ông Phạm Quang Tuấn vì lý do kỹ thuật nên không nói tới, ông Huy rõ ràng dọn sân cho nhà nước cống TS cho Tàu. Đáng tiếc, do lý do kỹ thuật nơi Phạm Quang Tuấn, chủ đề này không bàn luận rộng ra được ở đây.
2. Cái nhìn địa lý chính trị
Ông Phạm Quang Tuấn viết thế này: «Chỉ trong vòng 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường, kể cả trên mặt biển»… «Đánh nhau trên biển không phải như trên đất liền mà có thể dùng ‘tiêu thổ kháng chiến’, ‘du kích chiến’, ‘đường mòn Hồ Chí Minh’, ‘địa đạo Củ Chi’, ‘bẫy cọp’ hay chỉ dựa vào lòng yêu nước và can đảm hy sinh…» «30 năm nữa, ngay cả Mỹ cũng sẽ không còn đủ sức và nhất là đủ ý chí để đè nén tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông»… «Vì vậy, dùng sức mạnh đối với Trung Quốc hay ỷ vào sức mạnh của Mỹ để đòi lại Hoàng Sa và chiếm lại hết Trường Sa là điều hoàn toàn không tưởng đối với Việt Nam, và mỗi năm lại càng thêm không tưởng. Việt Nam chỉ có thể dùng luật pháp và ngoại giao, và đó là giải pháp của Dương Danh Huy đề nghị.»
Lý luận này không khác lý luận của ông Dương Danh Huy khi so sánh Việt Nam với Gruzia trong bài dẫn trên. Tôi nghĩ các lý luận này phản ảnh tâm trạng sợ sệt, như tâm trạng của nhà nước CSVN hiện nay, nhưng nó không có căn cứ. Lối phân tích vấn đề Trung Quốc của ông Phạm Quang Tuấn rất phiến diện và sai lầm. Ông chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề trong, bề sâu, tức về những mâu thuẫn nội tại, những bất an của xã hội Trung Quốc. Trung Quốc có quá nhiều yếu điểm để có thể sụp đổ một cách bất ngờ. Các vấn đề này không thể chỉ nói suông mà cần có luận cứ, dữ kiện xác đáng, không thể viết trong bài này. Tôi chỉ đặt một câu hỏi để suy nghĩ: Trung Quốc sẽ ra sao sau cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay?
Và đương nhiên không ai ngu xuẩn đề nghị một phương pháp đương đầu với Trung Quốc, nhưng cho kẻ thù thấy mình khiếp nhược là một việc phải tránh bằng mọi cách.
Ông Phạm Quang Tuấn đề nghị sử dụng giải pháp của ông Huy, dùng «luật pháp và ngoại giao», để giải quyết tranh chấp.
Ông Tuấn tưởng như chỉ có ông Huy mới có giải pháp giải quyết bằng ngoại giao và pháp lý. Vấn đề là giải quyết thế nào để Việt Nam có lợi, hay ít ra, không bị mất mát?
Giải pháp của ông Huy, theo đó luật pháp không phải để giải quyết chủ quyền HS và TS thuộc về ai, ngoại giao không phải vận động đưa vấn đề tranh chấp ra một trọng tài quốc tế phân xử, mà luật pháp ở đây là diễn giải luật biển theo lối không có lợi cho Việt Nam và ngoại giao ở đây là bỏ qua một bên các việc tranh chấp, cũng không hề có lợi cho Việt Nam.
Trong khi đó, theo lý luận thuần lý, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, tức phân chia hải phận Biển Đông, trước tiên phải giải quyết chủ quyền HS và TS, vì theo luật biển các đảo ở đây cũng có hải phận riêng của nó. Không thể phân định hải phận Biển Đông nếu không giải quyết vấn đề chủ quyền HS và TS.
Chỉ có giải pháp này, Việt Nam mới bảo toàn được quyền lợi của mình. Đây là chủ trương của tôi cũng như nhiều học giả khác của Việt Nam và quốc tế.
Nhưng tại sao Việt Nam không chọn đường lối đó? Như đã nói, rất có thể nhà nước CSVN sẽ chọn lối giải quyết của ông Huy (?) mà ông Tuấn đang bênh vực và bảo vệ, là để tránh đối diện với công hàm của ông Đồng. Công hàm của ông Đồng là một vấn đề đạo đức, đối diện với nó là đặt lại tính chính thống và tư cách lãnh đạo của Đảng CSVN. Do đó họ phải tránh, phải chọn giải pháp khác, cho dầu giải pháp đó làm thiệt hại cho quyền lợi của Việt Nam.
Đảng CSVN đặt quyền lợi đảng phái, cá nhân trên quyền lợi đất nước. Để giảm thiểu mất mát, họ chủ trương các đảo HS và TS chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà không có ZEE 200 hải lý.
Tôi đã kết luận trong bài của tôi: Rõ ràng nhà nước CSVN muốn «buông» ở HS&TS. Các bài viết của ông Huy nhằm mục đích dọn sân để nhà nước CSVN làm việc đó. Đây là một hình thức cống HS và TS cho Tàu. Kết luận này dĩ nhiên đã được chứng minh rõ rệt.
3. Về công hàm của ông Phạm Văn Đồng
Ông Phạm Quang Tuấn viết thế này: «ông này (tức là tôi, Trương Nhân Tuấn) nhắc đến Phạm Văn Đồng ít nhất là TÁM lần trong bài và câu kết thúc cũng là nói về cái công hàm ‘mắc dịch’ đó, dường như mối lo chính của ông là sợ người đọc quên cái tội của Phạm Văn Đồng».
Thật là đúng như vậy, bài này tôi cũng nhắc đi nhắc lại không ít hơn bài trước, vì tôi thấy các học giả Việt Nam, mọi người đã quên chi-tiết-cơ-bản-giải-quyết-mọi-vấn-đề-tranh-chấp này, do đó bất đắc dĩ tôi phải nhắc đi nhắc lại. Nhưng tôi không hề có mục đích muốn mọi người «luận tội» ông Phạm Văn Đồng như ông Phạm Quang Tuấn đã viết. Nếu có luận tội thì tôi không luận tội ông Đồng. Ông chỉ là người thừa hành của ông Hồ Chí Minh. Người cần phải luận tội là ông Hồ. Tôi nghĩ sớm muộn sẽ có người làm công việc đó để trả lại sự thật cho lịch sử.
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một vấn đề pháp lý. Giải quyết nó là giải quyết mọi vấn đề tranh chấp. Như đã nói, hồ sơ pháp lý của Trung Quốc chỉ dựa trên bằng chứng này. Trung Quốc xâm lăng quần đảo HS hay cưỡng chiếm một số đảo TS trong quá khứ đều đứng dưới lý do «giải phóng», lấy lại chủ quyền HS và TS về đất mẹ. Tương lai họ sẽ lặp lại việc này tại các đảo TS còn lại cũng trên lý lẽ đó. Do đó phải vô hiệu hóa công hàm này càng sớm càng tốt. Nhưng hóa giải công hàm này bằng cách nào?
Vì thế sẽ rất cần thiết để nói vài dòng về hiệu lực pháp lý của công hàm này sau đó mới có thể bàn luận việc vô hiệu hóa nó.
Công bố của Trung Quốc về lãnh hải ngày 4 tháng 9 năm 1958 gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau:
Điều 1: Lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)… Điều 3: Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của Trung Quốc thì không được xâm phạm vào không và hải phận của Trung Quốc. Điều 4: Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.
Ngày 14 tháng 9 năm 1958 Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm công nhận công bố về lãnh hải của Trung Quốc, nguyên văn như sau:
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Điều không thể không nhắc là trước đó, năm 1956, ông Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhân tiếp phái đoàn ngoại giao Trung Quốc, có tuyên bố với Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam: chiếu theo tài liệu Việt Nam thì HS và TS thuộc về Trung Quốc. Ông Lê Lộc, Chủ tịch châu Á Sự vụ, nhân có mặt cũng nói vào: Theo sử liệu Việt Nam thì HS và TS thuộc Trung Quốc từ thời nhà Tống. Sự việc này tạp chí Beijing Review ngày 18 tháng Hai năm 1980 đã có đăng lại trong bài «Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa».
Năm 1977 cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích quan điểm của ông về công hàm này như sau: «đó là thời chiến nên phải nói như vậy thôi».
Sau đó ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992 nói như sau:
«Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo Hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.
Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.
Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.
Đặc biệt, việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả».
(Thông tấn xã Việt Nam ghi lại và đăng ngày 3 tháng 12 năm 1992.)
Ý của ông Cầm là vì HS và TS lúc đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nên việc công nhận như thế chỉ là «tạm công nhận», không quan hệ gì đến «chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam».
Nhưng một công hàm quốc gia đâu thể nào công nhận «vào thời chiến» và không công nhận vào thời khác, nói như ông Đồng, hay «tạm công nhận» như ông Cầm như thế được?
Công hàm của ông Phạm Văn Đồng là văn bản có tầm quan trọng ở mức quốc gia. Quốc gia có tên gọi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau đây viết tắt là VNDCCH) (gián tiếp) công nhận chủ quyền HS và TS thuộc về quốc gia có tên gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nội dung công hàm này không thể thay đổi theo thời gian hay thay đổi theo tình trạng chính trị. Lời nói chữa lại của ông Đồng hay của ông Cầm là những lời tráo trở, chỉ làm cho cái chế độ gọi là VNDCCH, sau đó là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là CHXHCHVN), thêm xấu hổ chứ không hề có giá trị phủ nhận công hàm ghi trên.
Công hàm của ông Đồng có hai ý nghĩa:
1/ công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại HS và TS.
2/ Phủ nhận chủ quyền của VNDCCH tại HS và TS.
Nhưng dầu vậy, ta có thể hóa giải công hàm này qua một số thủ tục cần thiết.
*
Bà Monique Chemillier-Gendreau, tác giả cuốn La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys có cho rằng công hàm của ông Đồng không có giá trị pháp lý vì lý do «người ta không thể cho cái mà người ta không có». Ý kiến này dựa trên tinh thần Hiệp định Genève, ông Nguyễn Mạnh Cầm có nhắc lại. Hai quần đảo HS và TS trong giai đoạn 1954-1975 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà (sau đây viết tắt là VNCH). VNDCCH không có thẩm quyền gì ở HS và TS nên tuyên bố của ông Đồng không có giá trị.
Một vài nhà nghiên cứu Việt Nam dựa trên thuyết này (estoppel) để khai triển thêm, chứng minh công hàm của ông Đồng không có giá trị về chủ quyền của Trung Quốc ở HS và TS.
Như thế, theo thuyết này công hàm của ông Đồng không có giá trị, Trung Quốc không có chủ quyền tại HS và TS.
Nhưng chủ quyền của VNDCCH có được xác lập tại nơi đây hay chưa? Không có gì chắc chắn hết.
*
Bà M. Chemillier-Gendreau dựa trên thuyết «liên tục quốc gia» để cho rằng VNDCCH có thể kế thừa VNCH để có quyền chủ quyền tại HS và TS.
Nhà nước VNCH, tiếp nối nhà nước thực dân Pháp, vốn là đại diện triều đình nhà Nguyễn, quản lý liên tục và khai thác HS và TS. Như thế chủ quyền của Việt Nam tại HS và TS liên tục từ nhiều thế kỷ, từ chúa Nguyễn, Tây Sơn, nhà Nguyễn, thực dân Pháp cho đến thời VNCH. Sau 1975, chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (sau đây viết tắt là CPLTCHMNVN) chưa bao giờ tuyên bố HS và TS thuộc về Trung Quốc.
Như thế, sau khi hiệp thuơng thống nhất đất nước 1976, CHXHCNVN có thể lựa chọn lập trường của VNCH và CPLTCHMNVN để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại HS và TS.
Nhưng hiện nay người ta đều biết Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (sau đây viết tắt là MTDTGPMN) chỉ là con bài do Đảng CSVN lập ra. Và cách hành xử của Đảng CSVN cho thấy chế độ VNDCCH phủ nhận chế độ VNVH, xem thực thể chính trị này là «ngụy», tức là cái giả, cái không có.
Sau ngày 30-4-1975 không hề có một buổi lễ bàn giao chính quyền giữa VNCH và VNDCCH hay với MTDTGPMN. Thực thể chính trị VNCH bị mất đi và di sản của nó bị tước đoạt, nếu không nói là bị đánh cướp (dùng chữ của CSVN: cướp chính quyền). Quân nhân, công chức… phục vụ cho chính quyền này bị gọi là «giặc», «giặc ngụy»; dân chúng cũng bị nghi ngờ, xếp vào thành phần «phản động», «ngụy dân».
Không có bàn giao quyền lực thì làm sao có kế thừa?
Gọi VNCH là «ngụy», tức là giả, không phải là một thực thể chính trị, thì không thể có việc kế thừa. Không thể kế thừa một cái gì đó không có thật (ngụy).
Như thế chế độ CHXHCNVN là tiếp nối đương nhiên của VNDCCH và phủ nhận VNCH.
Nội dung công hàm và lời nói chữa lại của ông Đồng và ông Cầm càng khẳng định thêm VNDCCH đã phủ nhận chủ quyền tại HS và TS.
Như thế lý thuyết «kế thừa» của bà Monique Chemillier-Gendreau đề nghị thì không thể áp dụng cho Việt Nam trong tình huống như thế.
4. Phương pháp hóa giải công hàm của Phạm Văn Đồng
Ở điểm này chắc chắn cần nhiều thảo luận. Có thể có nhiều phương pháp để hóa giải nếu việc thảo luận được đến nơi đến chốn. Diễn đàn talawas sẽ là một nơi lý tưởng để làm các việc này. Tôi hy vọng được sự góp ý của các học giả trong nước.
Về cá nhân, tôi cũng có một phương pháp đề nghị. Không có việc gì mà không có phương cách cứu vãn. Cho dầu đến hôm nay, sau hơn 33 năm, việc kế thừa vẫn chưa muộn, nếu lãnh đạo CSVN muốn làm việc này.
Thủ tục kế thừa: thông qua chính sách hòa giải dân tộc.
Nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại tên nước, thí dụ: Cộng hòa Việt Nam, thay đổi quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp… thay đổi tất cả những gì dính líu đến VNDCCH và CHXHCNVN để lập một nền cộng hòa mới, tổ chức bầu cử tự do, lập chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân; đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm của VNDCCH.
Nhà nước mới, trên nền tảng dân chủ, thảo luận về một bộ luật «hòa giải dân tộc», trong đó qui định phương cách phục hồi danh dự cũng như việc đền bồi xứng đáng cho các thành phần quân nhân công chức VNCH nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Lập ra điều luật cấm sử dụng tiếng «ngụy» đối với những người thuộc chế độ cũ. Đền bồi cho các nạn nhân do cải tạo công thuơng nghiệp, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới; làm luật phục hồi danh dự (cho người quá vãng) và đền bồi tương xứng cho nạn nhân của cộng sản như vụ Cải cách Ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, vụ án «xét lại chống Đảng» v.v… Nếu những người này đã mất thì đền bồi cho con cháu của họ. Cho tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, không phân biệt Nam Bắc, dân tộc Kinh, Thuợng, không phân biệt cuộc chiến 1975, 1979 hay cuộc chiến với Campuchia v.v…
Đứng trên quan điểm đó, một nước Việt Nam mới, dân chủ, hoàn toàn đủ tư cách và tính chính thống, long trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới kế thừa di sản VNCH. Trên căn bản như thế Việt Nam đương nhiên có chủ quyền tại HS và TS, như VNCH, từ đó làm căn bản giải quyết các tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng một trọng tài quốc tế, sau đó phân định hải phận Biển Đông với các nước khác.
Trên tinh thần đó, với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, Việt Nam sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại.
5. Về các chi tiết lặt vặt
*
5.1 Đá Rockall: tôi viết sai chính tả, nhưng không phải vì không biết, mà tôi viết theo cách viết của hồ sơ Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành 2002. (Kiểm chứng ở Sổ tay pháp lý cho người đi biển do Tuần Việt Nam tóm lược và đăng tải 16-03-2009. Sách do Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới Chính phủ và NXB Chính trị Quốc gia phát hành, năm 2002.
Ông Phạm Quang Tuấn viết rằng: «trong khi thực ra Anh đã chính thức rút lại đòi hỏi này từ năm 1997 để tuân thủ Luật Biển». Sai!
Ông Phạm Quang Tuấn không nắm vững hết các vấn đề của đảo này. Ông trích dẫn thiếu câu văn của tôi, làm sai ý nghĩa của nó: “Anh vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác”.
Thực ra nguyên văn là: «Mặc dầu hiện nay Anh đã rút lại đòi hỏi về hải phận ZEE nhưng về thềm lục địa họ vẫn giữ nguyên tuyên bố 200 hải lý quyền khai thác». Tức là về ZEE của Rockall thì Anh rút lại đòi hỏi, nhưng về thềm lục địa 200 hải lý thì họ vẫn giữ nguyên hồ sơ. Như thế tiền lệ này ủng hộ tôi hay ông Huy? Điểm này cho thấy sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu lý luận rằng các đảo HS và TS là các đảo nhỏ, không có hiệu lực v.v…
*
5.2. Về ExxonMobil, ông Phạm Quang Tuấn viết như sau:
«Những người quen thuộc với UNCLOS và tình hình Biển Đông cũng sẽ thấy ngay một số điểm sai quan trọng trong những luận cứ của Trương Nhân Tuấn. Chẳng hạn, ông Tuấn nói rằng Exxon Mobil rời bỏ Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc, một việc chưa hề xảy ra (Exxon Mobil quả đã bị áp lực trong năm 2008 nhưng đã tuyên bố là không rời bỏ hợp đồng khai thác với Việt Nam).»
Ông Phạm Quang Tuấn chỉ nhắc đến «điểm sai quan trọng» là trường hợp Exxon-Mobil mà bỏ qua điểm đúng quan trọng khác là việc BP cuốn gói.
Nhưng quả thật là ExxonMobil không rút lui hay họ tuyên bố làm cứng để giữ thể diện? Thực tế hôm nay là họ đã không còn bất kỳ hoạt động nào tại Tu Chính - Vũng Mây. BP trước khi hủy bỏ hợp đồng trong tuần qua cũng ngưng khảo cứu như thế hồi tháng 6 năm 2007. Ông PQ Tuấn viết như để phản công, nhưng thâm tâm là tự an ủi mình, dầu sao cũng còn một tia hy vọng. Nhưng hy vọng khi nào sẽ trở thành hiện thực? Ngồi chờ nhà nước CSVN? Chờ họ là chờ ngày ExxonMobil tuyên bố hủy bỏ hợp đồng.
*
5.3. Về vấn đề vùng nước giữa quần đảo, ông Phạm Quang Tuấn viết:
«Trương Nhân Tuấn còn viết rằng ‘nước nào có chủ quyền ở [Trường Sa] (và Hoàng Sa) đương nhiên chiếm lĩnh cả Biển Đông, vì biển giữa quần đảo được coi là nội hải’. Hoàn toàn sai, 100%! Thực ra, điều khoản ‘nội hải’ này của UNCLOS chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo (archipelagic states) như Philippines, Indonesia, chứ không áp dụng cho những quần đảo không phải là quốc gia, như Trường Sa. Tôi cho rằng đây là một sự cố ý ngụy biện chứ không phải là không biết, vì ngay sau đó thì Trương Nhân Tuấn đã viết nguyên si thành ngữ ‘quốc gia quần đảo’ trong UNCLOS: ‘Theo Luật Biển 1982: Quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó’. Trương Nhân Tuấn đã đưa ra những lý lẽ ngụy biện, ‘luật rừng’ mà Trung Quốc dùng để bảo vệ lưỡi bò của mình, và bảo đó là luật biển quốc tế!»
Thực ra ông Phạm Quang Tuấn phê phán như thế mới là sai 100%, vì ông không nắm vững các điều cơ bản của Luật Biển.
Theo định nghĩa của Luật Biển 1982, vùng nước quần đảo được xác định như sau: Vùng nước quần đảo là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở quần đảo. Vùng nước này không phải là nội thủy nhưng quốc gia quần đảo có chủ quyền với vùng nước, vùng trời và vùng đáy và lòng đất tương ứng cũng như tài nguyên ở đó.
(Xem http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/6399/index.aspx)
Như vậy, vùng nước quần đảo có quy chế pháp lý gần giống với nội thủy, chỉ trừ quy chế qua lại không gây hại.
Như thế khi tôi nói nước nào làm chủ HS và TS là làm chủ cả Biển Đông sai hay sao?
Mặt khác, tôi viết nguyên văn như sau: «vì biển giữa quần đảo được xem gần như là nội hải». Tôi viết «gần» như nội hải chứ không hề viết là «nội hải» như ông Phạm Quang Tuấn gán vào cho tôi.
Tôi thấy ở đây ông Phạm Quang Tuấn đã phạm một điều rất cấm kỵ của học thuật, là phê bình đến mức phỉ báng người khác trên những bằng chứng do mình bịa ra.
*
5.4 Về các Atlas, ông Phạm Quang Tuấn viết: «Còn nhiều chi tiết sai bậy hay thổi phồng khác, như: ‘Hầu hết các Atlas nước ngoài đều ghi nhận công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đã công nhận HS và TS thuộc chủ quyền của Tàu’. Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy?»
Ông Phạm Quang Tuấn cho tôi viết «sai bậy». Ông viết: «Atlas thường đâu có ghi nhận những công hàm như vậy».
Theo tôi đây mới là cái sai bậy của người nghiên cứu khoa học. Ông Phạm Quang Tuấn đã không đi kiểm chứng, tìm và đưa một vài trường hợp các Atlas năm 2008 của các nước lớn không có ghi nhận như vậy để phản biện, sau đó lên tiếng phê bình.
Đây là một lối làm việc nguy hiểm, trước hết không kiểm chứng dữ kiện, sau là phản đối trên cảm tính chứ không dựa trên các nguồn dữ kiện khác, phản khoa học.
Tôi thì nhờ kiểm chứng tôi mới biết ông Huy đã đưa bằng chứng sai trong bài «Chủ quyền Tu Chính -Vũng Mây».
Cá nhân tôi thỉnh thoảng đi các thư viện, các văn khố nước Pháp để làm nghiên cứu. Tôi đọc và ghi nhớ, sau đó ghi lại một vài dữ kiện, khi có dịp thì nói ra.
Ông Tuấn không tin là quyền của ông nhưng ông không được quyền phỉ báng người khác là sai, bậy. Ở đây tôi không có nhu cầu phải làm photo những trang Atlas có ghi nhận công hàm của ông Đồng để chứng minh mình đúng hay sai. Tôi chỉ đưa tên Atlas quan trọng, nên ghi nhớ, trang số mấy, năm nào, nhà xuất bản là đủ.
6. Cuối cùng, tôi chỉ muốn khẳng định lại ý kiến của tôi là: Phải giải quyết vấn đề tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình, dựa trên pháp lý và ngoại giao.
Nhưng không thể giải quyết vấn đề Biển Đông theo lối để qua một bên tranh chấp chủ quyền HS và TS như ý kiến của ông Mark Valencia mà ông Huy có «mượn» lại. Giải quyết theo lối này Việt Nam hoàn toàn bất lợi.
Về việc đối xử giữa tôi và các học giả nghiên cứu Việt Nam, tôi chưa hề có một thái độ khiếm nhã nào đối với các vị đó. Tất cả hành vi của bất kỳ người nào đem lại ích lợi cho đất nước tôi đều mang ơn. Tuy nhiên, lối phê bình của tôi trong bài vừa qua, thực ra có một mục đích khác, hy vọng sẽ khai thông một vấn đề của Việt Nam mà từ lâu nay bế tắc.
Trường hợp với ông Dương Danh Huy là một ngoại lệ. Tôi thấy ông này thiếu sự trong sáng cần có về học thuật của một nhà nghiên cứu chân chính. Về chủ trương, quan điểm, mỗi người có thể khác nhau. Tôi không chia sẻ chủ trương của ông Huy về Biển Đông, nhưng không hề có thù ghét cá nhân do việc này.
Về thái độ phi khoa học và phỉ báng người khác một cách hồ đồ của ông Phạm Quang Tuấn trong bài này, tôi cũng cho là ông viết bài trong một trạng thái không bình tĩnh, tôi không chấp.
© 2009 Trương Nhân Tuấn
© 2009 talawas blog