Saturday, September 12, 2009

VƯỜN CÂY ĂN TRÁI CỦA NGƯỜI VIỆT Ở FLORIDA


Thăm vườn cây ăn trái nhiệt đới của người Việt ở Mỹ
Lan Phương
12/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-12-voa1.cfm
Florida, một bang nằm ở mỏm đông nam Hoa Kỳ, đã nổi tiếng từ lâu trên thế giới về các loại trái cây như cam, quít, chanh, bưởi nhờ khí hậu nóng ấm và thổ nhưỡng thích hợp. Nhiều năm gần đây, một số người gốc Việt ở bang này đã lập ra một số nông trại trồng các loại rau trái nhiệt đới như xoài, nhãn, vải, vú sữa hay khổ qua (mướp đắng). Lan Phương, trong câu chuyện nước Mỹ hôm nay, sẽ gửi đến quí thính giả một số hình ảnh và chi tiết về vài nông trại do người Việt làm chủ tại Miami, bang Florida.

Trong số những loại trái cây nhiệt đới và những thứ như rau thơm và các loại rau mà người Á Đông thường mua tại các tiệm thực phẩm, chắc chắn là có những nông phẩm thu hoạch được từ các nông trại của người Việt tại bang này. Chúng tôi đã liên lạc với ông Quách Điệp, chủ một nông trại nhỏ khoảng 5 hecta đất, trong đó ông trồng đủ các loại trái cây nhiệt đới như na (mãng cầu), vú sữa, xoài, chuối, thanh long.

Ông Điệp Quách đã đến nước Mỹ năm 1982, và đã đi làm trong các hãng xưởng như mọi người khác. Nhưng vì trước kia tại Việt Nam ông đã trồng vườn cây ăn trái nên nỗi nhớ quê khiến ông có ý định mở trại trồng những thứ cây trái quen thuộc với ông từ thuở nhỏ.
Với vườn cây chỉ có 5 hecta đất, ông không sản xuất được nhiều, chỉ cung cấp ở địa phương. Trước đây ông cũng gửi sản phẩm bán cho những ai thèm cây trái quê hương ở những nơi xa đặt mua, nhưng ông đã ngưng dịch vụ đó.
Ông giải thích: 'Tôi có gửi đi mấy lần nhưng khi tới chỗ, trái cây bị hư hao, khách nhận được không vui, thành thử chúng tôi không muốn gửi tiếp nữa. Thí dụ như trái nhãn gửi đi thì dễ dàng hơn, còn như mãng cầu thì không thể gửi mất hai ba ngày được, mãng cầu phải gửi trong vòng một ngày thì tới nơi còn đẹp, còn ăn được'.
Nhưng nếu gửi một ngày thì tiền cước phí rất cao, mới đây ông có gửi sang California một thùng mãng cầu 33 pound (khoảng 15 kilo) tiền cước mất 120 đô la. Nếu gửi ít hơn thì tiền cước còn cao hơn nữa. Bởi vậy khi các bà nội trợ mua mãng cầu ở những tiệm thực phẩm Á Đông chớ nên ngạc nhiên tại sao nó lại bán với giá đắt như vậy. Ông Điệp Quách cho biết với một nông trại nhỏ bé chỉ 5 mẫu như vậy, thu nhập cũng chỉ đủ chi dùng cho gia đình, và như mọi nông gia khác, mức thu nhập cũng còn tùy vào thời tiết, có năm được mùa, có năm chỉ trung bình và có năm bão hay khô hạn thì coi như mất hết. Cũng may là vợ ông là nhân viên bưu điện, công chức của chính phủ nên gia đình có đồng lương đều đặn.

Một nông trại khác nữa tại Miami cũng do người Việt, ông Chính Nguyễn, làm chủ. Ông Chính cho biết diện tích vườn trái cây của ông chỉ rộng có 3 mẫu, trên đó ông trồng các loại cây ăn trái quen thuộc như ở quê nhà, nhưng phần còn lại rộng đến 70 hecta ông dành để trồng khổ qua (mướp đắng) và húng quế.
Ông cung cấp khổ qua và húng quế cho các đại lý để họ phân phối đi khắp nơi như New York, Canada, Chicago hay Texas. Trung bình nếu mưa thuận gió hòa, số thu hoạch của ông khoảng 1,000 đến 1,500 thùng mỗi tháng. Một thùng nặng chừng 35 pounds. Ông cũng cho hay trồng khổ qua không phải dễ, vì nó đòi hỏi thời tiết ấm và không mưa nhiều, độ ẩm nhiều thì cây dễ bị nấm, không được tốt.

Riêng về vườn trái cây, ông Chính cho biết khách gốc Việt thường đến xem vườn vì một số lý do: 'Thường thường khách đến đây thứ nhất là muốn tìm tới nhìn ngắm, thưởng thức lại trái cây Việt Nam, chụp hình, du lịch, xong rồi thì mùa nào thức đó, họ hái xong đem ra cân tính tiền. Đó là một sở thích cuối tuần, hoặc là những khách phương xa nghe giới thiệu tìm đến để tìm hiểu về cây trái, vì có những người đã từng sống ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ thấy những cây ăn trái đó bao giờ'.
Trong số những người khách đến thăm đã phát biểu cảm nghĩ mà giờ đây ông Chính vẫn còn nhớ và thuật lại như sau: 'Đến đây gặp vườn chú Chính rồi thì chắc không về Việt Nam nữa đâu tại vì ở đây cái gì chú cũng có hết. Thì tôi cũng cám ơn đó, nhưng phải nói thật là 3 mẫu này đâu có so sánh với hình chữ S của Việt Nam được, cho nên tôi thấy họ nói như vậy là để quên cái gì mà mình không có thôi. Chứ nghĩ lại thì Việt Nam là hơn hết, vì bên đó đầy đủ hơn'.

Trước khi đến Mỹ năm 1975 ông Chính là một quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Định cư tại Mỹ từ năm 1975, ông cư ngụ tại Louisiana, làm việc cho hãng đóng tàu ở New Orleans, sau đó việc kinh doanh của hãng xuống, ông qua chơi Florida, đi vào ngành buôn bán các loại rau Á Đông, và rồi cuối cùng ông mua đất lập trại luôn tại Florida.

Khi được hỏi là trước đó ông không có kinh nghiệm về nghề nông thì làm sao ông có thể lập trại và biết cách trồng trọt, ông Chính trả lời: 'Ở xứ Mỹ có cái hay ở chỗ những sở nông nghiệp có những lớp đêm để chỉ cho những người mới làm nông trại về cách sử dụng phân bón, dạy cách sử dụng thuốc xịt rầy, rồi họ cho biết có những thứ nào có thể xịt được cho loại cây nào, loại rau nào thôi chứ không phải các thứ đều dùng cho mọi loại cây được hết'.

Ông còn cho biết thêm là nhà nông phải qua các lớp học đó rồi mới được cấp giấy phép để mua các loại thuốc xịt nào đó, vì chính phủ muốn bảo vệ sức khỏe cho giới tiêu thụ nên nhà trồng tỉa sản xuất nông phẩm phải hiểu biết tường tận cách sử dụng các loại phân bón và thuốc xịt sâu rầy sao cho an toàn.



No comments: