Wednesday, September 2, 2009

VIỆT NAM BÁO CÁO về THỀM LỤC ĐỊA


BBC
Việt Nam báo cáo về thềm lục địa
Cập nhật: 08:47 GMT - thứ tư, 2 tháng 9, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/09/090902_viet_claim.shtml
Tin cho hay Việt Nam đã trình bày báo cáo về thềm lục địa mở rộng trước Liên Hiệp Quốc.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay, tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ tại New York, "đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông".

Cũng tại phiên họp được tổ chức trong hai ngày 27/08 và 28/08, đại diện Việt Nam và Malaysia còn trình bày Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Việt Nam và Malaysia đã gửi các hồ sơ đăng ký riêng và chung hồi đầu tháng Năm, trước thời hạn mà LHQ đặt ra.
Tuy nhiên đơn của hai nước này đã nhanh chóng bị Trung Quốc phản đối.
Một ngày sau khi Việt Nam nạp đơn, đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm tới cho Tổng thư ký Ban Ki-moon yêu cầu "không xem xét".
Mới đây Philippines cũng kiến nghị về hồ sơ đăng ký riêng của Việt Nam và về đăng ký chung của Việt Nam và Malaysia.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ hội để xem xét giải quyết hồ sơ đăng ký của Việt Nam và Malaysia là không nhiều.
Về phần mình, tuy Trung Quốc không gửi báo cáo đăng ký, nhưng kèm công hàm tới LHQ là bản đồ của Trung Quốc, mà Việt Nam tuyên bố là đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông".

Khó giải quyết
Theo TTXVN, tại phiên trình bày, trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh rằng báo cáo đã được thực hiện theo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khoa học của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ.
"Trưởng đoàn Việt Nam đồng thời khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của Việt Nam lên ủy ban là phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển."
Việt Nam cũng tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhắc lại chủ trương giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tuy Việt Nam đề nghị LHQ sớm thành lập các tiểu ban để xem xét báo cáo của Việt Nam, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) chỉ xét đăng ký cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh chấp đồng thuận.
Tuy nhiên để đạt được đồng thuận là điều rất khó, nếu không nói là không thể làm được.

Thí dụ đơn cử khu vực Bắc Biển Đông nơi có quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tiến sỹ Ian Storey, chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại ( Contemporary Southeast Asia) thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, nói với BBC trong một phỏng vấn: "Hiện Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này, và Bắc Kinh thậm chí còn không chấp nhận đề cập tới chủ quyền của bất cứ nước nào khác tại đây."
"Nhưng Việt Nam cũng không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình tại Hoàng Sa. Vấn đề Hoàng Sa, theo tôi, sẽ mãi mãi không bao giờ giải quyết nổi."

Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó.
UNCLOS cũng quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.
Phạm vi thềm lục địa mở rộng mà các nước đăng ký không khỏi có chỗ chồng lấn, phát sinh bất đồng và tranh chấp.


Người lao động
VN trình bày báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa
Thứ tư, 02/09/2009 00:01GMT+7
http://www.nld.com.vn/2009090205418922P0C1002/vn-trinh-bay-bao-cao-xac-dinh-ranh-gioi-ngoai-them-luc-dia.htm
(NLĐ)- Tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong hai ngày 27 và 28-8 ở New York (Mỹ), đại diện Chính phủ VN đã trình bày báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông
Tại phiên trình bày, trưởng đoàn VN khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của VN lên ủy ban là phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, khẳng định chủ quyền VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Theo TTXVN, trưởng đoàn VN đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ sớm thành lập các tiểu ban xem xét báo cáo quốc gia của VN theo đúng các quy định của Công ước 1982 cũng như quy tắc hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ.
H.Phương


TTXVN
Trình bày báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa
01/09/2009 18:59:00
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.vietnamplus.vn/Trinh-bay-bao-cao-xac-dinh-ranh-gioi-ngoai-them-luc-dia/3155763.epi
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc trong hai ngày 27 và 28/8 ở New York, Mỹ, đại diện Chính phủ Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông.
Cũng tại phiên họp này, đại diện Chính phủ hai nước Việt Nam và Malaysia còn trình bày Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Phát biểu tại phiên trình bày, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị xây dựng và hoàn thiện báo cáo theo đúng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và khoa học của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc.
Trưởng đoàn Việt Nam đồng thời khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của Việt Nam lên ủy ban là phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 và DOC.
Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc sớm thành lập các tiểu ban xem xét Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước 1982 cũng như Quy tắc hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ chính đáng của quốc gia ven biển.

Trước đó, trong hai ngày 6 và 7/5/2009, văn bản Báo cáo quốc gia của Việt Nam và văn bản Báo cáo chung Việt Nam-Malaisia đã được đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo đúng quy định của Liên hợp quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)


No comments: