Thursday, September 10, 2009
TUỔI TRẺ KHÔNG THỂ KHÔNG NGÔNG CUỒNG
Không thể không ngông cuồng
Nguyễn Ngọc Hoà
10/09/2009 11:29 sáng
http://www.talawas.org/?p=10068
Ngày 19 tháng Tám năm 2009, hình ảnh bốn nhà hoạt động dân chủ “nhận tội, xin khoan hồng” trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam đã nêu rõ thông điệp của nhà cầm quyền: Phong trào dân chủ hãy chấp nhận sự thảm bại. Hãy chấm dứt sự ngông cuồng trước sức mạnh của chúng tôi. Chúng tôi đang toàn trị!
Trong bốn nhà hoạt động dân chủ vừa “thảm bại” ấy, hai người còn khá trẻ và một người còn rất trẻ.
Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, gọi họ là những kẻ ngông cuồng. Nhưng như vậy thì đã làm sao? Tại sao lại không? Ta thấy họ oằn lưng trước sức nặng ngàn cân của bộ máy toàn trị kếch xù. Ta thấy cuộc chiến đấu của họ cho tự do, dân chủ, chống chọi lại một sức mạnh lớn gấp bội dường như sẽ chỉ là vô vọng, và hậu quả hiển nhiên là tù tội và cay đắng. Nhưng ta cũng phải thấy rằng, một khi đã mong muốn tìm kiếm một giải pháp dân chủ cho một đất nước độc tài như Việt Nam hiện nay, một khi phải đối mặt với sự thách thức vô song của chủ nghĩa toàn trị, một khi quyết tâm thay đổi mô hình chính trị của Việt Nam hiện nay, thì không thể không ngông cuồng.
Có người cho rằng họ thiếu khôn ngoan và chính sự ấu trĩ, nông nổi, những kinh nghiệm chính trị mỏng manh của tuổi trẻ là nguyên nhân dẫn tới thất bại.
Vậy sự chín chắn, khôn ngoan hay kinh nghiệm chính trị dày dặn, sáng suốt của các thế hệ trước đang ở đâu, nếu nó quả là tồn tại? Nó đang được dùng vào việc gì, và tại sao nó không được dùng cho phong trào dân chủ?
Trước mắt, tình hình dân chủ hiện nay khó có thể nói là sáng sủa. Có một số người lớn tuổi có niềm tin vào dân chủ, sẵn sàng tham gia đấu tranh công khai cho dân chủ, nhưng họ đã trở thành một thứ rùa thiêng. Một số bậc cha chú khác cũng đang có những nỗ lực to lớn, chẳng hạn các nhân vật lãnh đạo đáng kính của trang Bauxite Việt Nam, mang lại cho ta nhiều hi vọng, nhưng họ đều đã trên cả tuổi “xưa nay hiếm” từ lâu. Rồi đây, sẽ là ai nếu không phải là những người tuổi trẻ “nông nổi” đấu tranh cho dân chủ?
Còn những người khác của các thế hệ trước, họ đang làm gì?
Họ đang “ngủ quên”!
Với hai mùa chiến thắng, có một thế hệ cha chú đang nắm giữ hầu hết tất cả các chức vụ then chốt trong các công sở nhà nước, vừa làm mưa làm gió với dưới, vừa đặt đâu ngồi đó với trên. Thế giới của lớp già kiểu này luôn dựa trên quá khứ, họ công nhận ở trên đời lá cờ chỉ có một màu, các màu khác toàn là đen, họ gọi hết người này đến người khác là kẻ thù, kẻ địch, kẻ có ý đồ xâm phạm tính mạng, kẻ âm mưu xâm lược đất nước, phá hoại quốc gia. Hôm qua họ thù giặc ngoài, hôm nay họ ghét giặc trong. Lớp cha chú này cần nhất là sự yên ổn, bằng mọi giá để có thể yên ổn. Họ có thể trở thành những kẻ khét tiếng. Nhờ công trạng “cứu quốc” ngời ngời, giờ đây họ ngồi cùng con cháu hưởng lộc quốc gia, tranh thủ tranh tối tranh sáng để vơ vét, bất chấp mái nhà quốc gia đang có nguy cơ sụp đổ. Kiểu tuổi già như thế không còn thuốc để chữa.
Còn một kiểu tuổi già khác, đó là kiểu tuổi già ngủ quên trong hận thù, ban ngày ta thấy họ như ma, ban đêm họ lại như quỷ. Có thể nói rằng, nếu kiểu tuổi già thứ nhất là mặt tiền, thì kiểu tuổi già thứ hai này là mặt hậu của cùng một đồng xu sứt mẻ, đã hoen ố. Ta lại thương cho một số tuổi già khác bị ngủ quên trong sự lạc lõng, cô đơn do con cái, hậu duệ tan tác, biệt ly. Và ta biết, phần đông còn lại là những tuổi già vô danh buộc phải ngủ quên trong lạc hậu, đói nghèo và mệt mỏi. Phải chăng số tuổi già này không có sự lựa chọn?
Nhưng ta không thể phủ nhận rằng có một loại tuổi già đặc biệt. Đó là loại tuổi già ngủ quên trong ao tù lý luận của Đảng Cộng sản. Họ hết lời ca ngợi và tranh đấu cho một chủ nghĩa mà thế giới đã vứt bỏ để vô tình hay cố ý biện minh cho tính chính đáng của chế độ với những đàn áp, bất công đang ngập tràn xã hội; gián tiếp hay trực tiếp biện minh cho sự hỗn loạn xã hội ngày càng bùng nổ; cho sự lưu manh và băng hoại đạo đức đang nhởn nhơ; cho sự thất bại từ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đến kiến trúc công cộng; cho sự thảm hại của hệ thống giáo dục và hệ thống y tế; cho tham nhũng và cửa quyền; và tất nhiên cho cả những món nợ nước ngoài kếch xù, trong đó có nợ Trung Quốc, để tuổi trẻ mai sau rất có thể phải làm nô lệ cho kẻ “lạ”, không khéo còn phải cắt đất, bán rừng, chia biển, mất nhà, mất đảo mà vẫn không trả hết nợ.
Và còn có một loại tuổi già nữa. Đó là loại tuổi già không có niềm tin vào dân chủ, không muốn tham gia hay không dám đấu tranh cho dân chủ. Họ hay nói với ta rằng “dân chủ tất loạn”, rằng họ có tương đối nhiều sự ràng buộc, rằng họ thích lựa chọn sự im lặng.
Sự khôn ngoan của tuổi già Việt Nam thế là đã bị sự khôn lỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam dắt mũi.
Không nên tiếp tục tin vào những lời khuyên phải chờ đợi, phải có sự chín chắn, dày dặn, phải có kinh nghiệm chính trị, v.v. nữa. Không thể chờ nữa! Phải quay lưng lại với những lời khuyên “chờ đợi là an toàn” chỉ để tiếp tục ru ngủ ta trong hố sâu của sự tụt hậu và thua kém, cho ta ảo giác hạnh phúc được làm công dân hạng ba trên thế giới. Không thức tỉnh thì đợi đến bao giờ? Trẻ không làm, già sẽ ân hận. Và ta cũng không muốn một ngày nào đó, giống như nhiều bậc cha chú khi nhìn lại chính mình, tuy chẳng làm được gì nhưng thích coi thường sự nông nổi, coi thường tuổi trẻ.
Những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, và ta biết con đường dân chủ cho Việt Nam cần phải có những tấm gương chỉ đường của một tuổi trẻ mới, một huyết mạch mới. Và những người trẻ tuổi gan dạ mới đây đã chứng minh điều đó. Họ cho ta tiếp tục hi vọng vào tuổi trẻ. Ta tin rằng, nếu họ ngã xuống sẽ có người khác đứng lên.
Trong tình thế phải đối mặt với sự đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền, cũng như trước sự bất lực chung của toàn xã hội Việt Nam và của chính nhà cầm quyền trước cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay, những ngọn lửa dù còn nhỏ nhoi của phong trào dân chủ Việt Nam không thể tắt.
Mong có một ngày nhìn thấy tuổi trẻ Việt Nam lên ngôi.
Không thể không ngông cuồng!
© 2009 Nguyễn Ngọc Hoà
© 2009 talawas blog
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment