Friday, September 18, 2009

THỊT GÀ và LỐP XE hay TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG


Thịt Gà và Lốp Xe
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

2009-09-17
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tired-of-Chinese-tires-NXNghia-09172009161139.html
Hôm thứ Hai 14, Bắc Kinh khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới việc Tổng thống Barack Obama cho phép nâng thuế suất 35% trên lốp xe mua từ Trung Quốc và họ có thể trả đũa bằng cách hạn chế mua thịt gà của Mỹ.
Vì vậy, dư luận thế giới nói đến trận chiến mậu dịch giữa hai quốc gia này. Vấn đề có khi phức tạp hơn thế, qua phần phân tích bày cùa nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề hàng tuần do Việt Long thực hiện sau đây...

Bối cảnh
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm Thứ Sáu 11, Tổng thống Hoa Kỳ cho nâng biểu thuế nhập khẩu lên 35% trên lốp xe hơi do Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ trong vòng ba năm. Ngay lập tức, phía Trung Quốc đã phản đối và qua Thứ Hai thì chính thức khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Giới quan sát cho là Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách hạn chế một số mặt hàng Mỹ như xe hơi, phụ tùng xe hơi và nhất là thịt gà Mỹ. Liệu một trận chiến mậu dịch có thể bùng nổ giữa hai quốc gia này hay không? Mục Diễn đàn Kinh tế của chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện đó với câu hỏi đầu tiên là xin ông trình bày về bối cảnh của vấn đề...
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có thể nói về bối cảnh của bối cảnh trước khi đi sâu vào nguyên nhân và hậu quả của vụ tranh chấp mậu dịch này.
- Trước hết, từ cuối tháng Tư, một cơ chế độc lập của Hoa Kỳ là Hội đồng Thương mại Quốc tế, là ITC, đã đề nghị Chính quyền điều tra và nâng thuế suất từ 55 đến 35% trên vỏ lốp xe loại du lịch và vận tải nhẹ do Trung Quốc xuất khẩu qua Mỹ. Cơ chế này biểu quyết theo tỷ lệ 4 thuận 2 chống sau khi nhận được khiếu nại của một công đoàn Mỹ bao gồm nhiều ngành nghề như thép, giấy, cao xu, v.v... mà ta gọi tắt là Công đoàn Thép, United Steel Workers. Họ sở dĩ khiếu nại vì trong có năm năm, từ 2004 đến 2008, trị giá vỏ xe Trung Quốc bán qua Mỹ tăng gấp ba và lên tới một tỷ 800 triệu đô la, khiến công nhân Mỹ trong ngành sản xuất vỏ xe bị thiệt hại.
- Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ mới cứu xét vấn đề và trình lên Tổng thống vào đầu tháng Chín với đề nghị là phải quyết định trước ngày 17 này, là một tuần trước khi nhóm G-20 họp Thượng đỉnh tại Pittsburgh, khi Tổng thống Mỹ sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc. Từ đó Tổng thống Obama mới cho đánh thuế nhập khẩu trên vỏ xe Trung Quốc thêm 35% trong ba năm thay vì có 4% như hiện nay. Tất nhiên là Bắc Kinh theo dõi diễn tiến này từ lâu nên lập tức phản đối như vừa thấy vì cho là họ sẽ thiệt mất cả tỷ đô la và 10 vạn công nhân của họ sẽ mất việc. Do đó, họ đòi khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và dọa trả đũa để các địa phương hay doanh nghiệp Mỹ e ngại sự trả đũa mà cản trở quyết định trên. Đó là về bối cảnh.

Việt Long: Vì sao mà các hội viên WTO lại có thể kiện nhau nếu xứ này bán hàng quá nhiều cho xứ khác?Hỏi cách khác, Âu Châu và Hoa Kỳ có thể có tranh chấp như vậy không hay là chuyện này chỉ có trong quan hệ giao dịch giữa Mỹ và Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta phải trở ngược lên chuyện xa xưa thì mới hiểu ra vụ tranh chấp Mỹ - Hoa này.
- Năm 2000, trước khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập WTO, Hoa Kỳ đã gài vào Đạo luật Thương mại 1974 của họ một điều kiện gọi là "Khoản 421" do quy định của Đạo luật về Quan hệ Mỹ-Hoa, mang mã số H.R. 2000 của Hạ viện. Theo "Khoản 421" này thì doanh nghiệp Mỹ có quyền khiếu nại với Hội đồng ITC nếu việc nhẩp khẩu quá mạnh từ Trung Quốc "gây lệch lạc thị trường" làm họ bị thiệt hại. "Khoản 421" đó là hậu thân hay một biến hoá của "Khoản 406" áp dụng cho các nền kinh tế cộng sản hay chưa hoàn toàn tự do, vì "Khoản 406" sẽ thành vô hiệu khi Trung Quốc gia nhập WTO. Khi ấy Bắc Kinh đã chấp nhận điều kiện pháp lý của Mỹ trong toàn bộ hồ sơ gia nhập WTO. Cho nên bây giờ WTO mặc nhiên không có thẩm quyền can thiệp và bênh vực Bắc Kinh trong vụ này!
- Cũng về bối cảnh Mỹ thì vào thời đó, Chính quyền Clinton gài thêm "Khoản 421" để phần nào trấn an công đoàn và xu hướng bảo hộ mậu dịch trong đảng Dân Chủ trước khi cho Trung Quốc vào WTO, với hàm ý là Hoa Kỳ sẽ không dùng võ khí này. Quả như vậy, qua tám năm lãnh đạo sau đó, Chính quyền Bush đã bảy lần bác bỏ đề nghị áp dụng "Khoản 421" để phát triển mậu dịch rất mạnh với Trung Quốc. Ngày nay tình hình đã đổi khác...

Bảo hộ mậu dịch?
Việt Long:
Có phải tình hình đổi khác vì Hành pháp và cả Quốc hội hiện đang ở trong tay đảng Dân Chủ và chịu áp lực của xu hướng bảo hộ mậu dịch không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhiều phần là như vậy, nhưng vẫn còn tùy theo viễn ảnh xa hay gần.
Trước hết, về chuyện gần thì ta thấy xu hướng bảo hộ mậu dịch quả là đã thắng thế tại Mỹ với quyền lực tập trung vào đảng Dân Chủ bên Hành pháp lẫn Lập pháp. Vì vậy, hàng loạt hiệp định thương mại ký kết với Colombia, Panama hay Nam Hàn dưới thời Bush đều bị Quốc hội chặn lại. Thứ hai, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tranh chấp quyền lợi mậu dịch đã thành đề tài nhạy cảm, nhất là với vụ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới ở tại Mỹ. Thứ ba, Tổng thống Obama đang có nhiều kế hoạch cải tạo xã hội, gay go nhất là dự án cải tổ chế độ y tế mà ông muốn ban hành trước cuối năm, nên ông phải huy động hậu thuẫn từ đủ mọi thành phần, kể cả các công đoàn vốn đã yểm trợ ông trong cuộc tranh cử năm ngoái. Ông càng không thể để mất một lá phiếu nào khi mà dư luận Mỹ bắt đầu hoài nghi các kế hoạch cải tổ và mức tín nhiệm cho bản thân ông đã sa sút mạnh sau có tám tháng cầm quyền.

Việt Long: Ông vừa nói về viễn ảnh gần thì Chính quyền Obama và cả Quốc hội Hoa Kỳ đều muốn chặn bớt hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Chứ trong lâu dài thì sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu kiểm điểm phản ứng của các Tổng thống Mỹ khi họ mới nhậm chức, bất kể là Dân Chủ hay Cộng Hoà, thì ta thấy ra thói quen chung: họ đưa ra loại biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa, sau đấy mới lại vận động Quốc hội ùng hộ những quyết định phát huy tự do mậu dịch. Năm 1983, ông Reagan đã đặt ra hạn ngạch và thuế biểu bảo vệ ngành thép, được ông Bush cha tái tục năm 1989. Ông Clinton cũng chặn xe hơi hay phụ tùng xe hơi Nhật nhưng rồi lại ký kết Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ do vị tiền nhiệm là ông Bush cha thương thuyết trước đó. Ông Bush con cũng vậy, đã có biện pháp bảo vệ kỹ nghệ thép nhưng sau đấy vẫn là người khai thông mậu dịch rất mạnh. Với Trung Quốc thì việc Hoa Kỳ thương thảo hồ sơ WTO được tiến hành từ thời Tổng thống Ronald Reagan và được Quốc hội đồng ý vào thời Tổng thống Bill Clinton rồi hoàn tất vào thời ông Bush con lên làm Tổng thống.
Vì vậy, nhìn trên viễn ảnh dài thì vụ vỏ xe Tầu đụng độ với thịt gà Mỹ là diễn biến có thể hiểu được nhưng không nhất thiết dẫn tới trận chiến mậu dịch lan rộng. Huống hồ các tập đoàn sản xuất vỏ xe của Mỹ nay đã hội nhập và kinh doanh toàn cầu, đã đầu tư ngay trên thị trường Hoa lục, nên họ không ủng hộ quyết định này. Vả lại, nhìn về dài thì thế lực và ảnh hưởng của các công đoàn Mỹ thật ra đang giảm sút dần ngay trong xã hội Mỹ. Vì vậy, trong viễn ảnh trường kỳ, người ta vẫn còn giả thuyết có thể gọi là lạc quan về tự do mậu dịch.

Trung Quốc sẽ làm gì?
Việt Long: Trong khi chờ đợi, ông nghĩ là nhà cầm quyền Bắc Kinh có thể làm những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ sẽ la rất to để biểu dương tư thế với dư luận ở nhà và vận động mạnh trong dư luận Hoa Kỳ nhưng có lẽ rồi cũng đành chịu! Nhân đây, cũng xin nói thêm rằng cách đây đúng một tháng, WTO vừa ra phán quyết có lợi cho Mỹ trong vụ Mỹ khiếu nại Trung Quốc về chuyện mua bán các sản phẩm giải trí gốc điện tử.
Nhìn trên đại thể thì "Khoản 421" này là một loại án treo mà bất cứ Chính quyền nào cũng có thể viện dẫn để chống lại bất cứ ngành nghề giao dịch nào với Trung Quốc khi xứ này đạt xuất siêu quá mạnh với Mỹ, như năm ngoái đã bán hơn 250 tỷ đô la hàng vào Hoa Kỳ mà chỉ mua có hơn 80 tỷ hàng hoá và dịch vụ của Mỹ. Vả lại, ngay lúc này thì càng trực tiếp gây hấn về mậu dịch với Hoa Kỳ, Bắc Kinh càng đẩy Chính quyền Obama vào cái thế là lại viện dẫn "Khoản 421" đó cho mặt hàng khác để giải quyết nhu cầu tranh thủ nội bộ của Tổng thống Mỹ.

Việt Long: Tuy nhiên, nhờ đạt xuất siêu rất mạnh, Bắc Kinh tích lũy được một khối dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 2.000 tỷ đô la và còn có thể đầu tư ngược vào Mỹ như mua Công khố phiếu Hoa Kỳ khi nước Mỹ đang và sẽ bị bội chi ngân sách rất nặng và phải vay mượn rất nhiều trong mươi năm tới. Liệu Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách bán tháo Công khố phiếu Mỹ như họ vẫn hăm dọa hay không? Nguyễn Xuân Nghĩa: Bắc Kinh vẫn thường xuyên hăm dọa như vậy vì động lực ngoại giao hơn là do tính toán về quyền lợi kinh tế của họ. Lý do là nếu không tồn trữ tài sản của họ dưới diện Mỹ kim thì họ có giải pháp nào an toàn và có lợi hơn không, ở trên thị trường nào? Họ đã suy tính rồi khi nhìn vào các thị trường khác và thật ra họ không thể tung ra biện pháp bán tháo mà thiên hạ gọi là "thả bom nguyên tử về tài chính" vì sẽ bị thiệt hại trước tiên khi tài sản này sẽ lập tức mất giá. Hồi đầu năm nay, một viên chức cao cấp của hệ thống ngân hàng trung ương Bắc Kinh đã than rằng "ghét Mỹ lắm nhưng vẫn phải mua Công khố phiếu Mỹ!"
Ngoài giải pháp trả đũa thật ra rất giới hạn về kinh tế tài chính, Bắc Kinh chỉ còn cách gây áp lực gián tiếp, như dung túng Bắc Hàn hay Miến Điện, hoặc phá hoại mục tiêu của Mỹ tại Iran qua lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hay qua việc tiếp tế xăng dầu cho Iran nếu Chính quyền Obama đề nghị giải pháp phong tỏa năng lượng hầu Iran từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. Nhưng đây lại là chuyện khác nằm ngoài đề mục kinh tế của chúng ta.

Kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Long:
Câu hỏi cuối thưa ông, Việt Nam có thể rút tỉa được bài học gì trong vụ tranh chấp này?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Thứ nhất, Hoa Kỳ là quốc gia có truyền thống tinh vi - thậm chí tinh ma - về luật lệ nên có lắm cách bảo vệ quyền lợi dù nhiều khi họ không thèm chấp thủ thuật của xứ khác.
Thứ hai, Hoa Kỳ chủ ý nâng đỡ các nước đang chuyển theo kinh tế thị trường vì tin rằng tự do kinh tế là có lợi cho đôi bên và góp phần làm thay đổi khuôn khổ sinh hoạt chính trị cho tự do thông thoáng hơn. Việc Mỹ nâng đỡ kỹ nghệ dệt sợi và may mặc của Việt Nam với lượng nhập khẩu rất cao, gia tăng rất mạnh, là một thí dụ.
Nhưng, thứ ba, miễn là việc nâng đỡ ấy đừng gây thiệt hại quá đáng cho một số ngành nghề hay địa phương Hoa Kỳ. Nếu không, tranh chấp có thể xảy ra và khí cụ đấu tranh vẫn sẽ là luật lệ.
Thứ tư, như ta có dịp trình bày tuần trước về quan hệ kinh tế Mỹ-Việt, trong mạng lưới phức tạp của các hiệp định hay thỏa ước mà Hoa Kỳ đã ký kết, có lắm điều khoản mà nhiều thành phần người Mỹ, kể cả dân Mỹ gốc Việt, có thể vận dụng được qua các đại diện dân cử tại địa phương và Quốc hội, thí dụ như về Quy chế Ưu đãi Phổ cập GSP hay về chế độ đầu tư, v.v... Người Việt Nam không nên quên những đòn vận động rất lợi hại đó.
Nhìn rộng ra ngoài thì khi doanh nghiệp Mỹ nhường thị phần vỏ xe loại bình dân cho xứ khác sản xuất rồi có thể bán ngược về Mỹ, mà vỏ xe Trung Quốc sẽ lại đắt hơn gấp bội trong khá lâu, thì đấy là cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận đầu tư vào nền công nghiệp chế biến vỏ xe với lợi thế sẵn có là cao xu. Muốn như vậy thì Hà Nội phải cải tổ cơ chế kinh tế và đầu tư và nhất là đừng tưởng rằng Bắc Kinh có ba đầu sáu tay nên muốn làm gì cũng được!

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
-----------------------------------------

Mỹ - Trung: Tranh chấp thương mại từ thuế vỏ xe (VOA)

Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (RFA)


No comments: