Sunday, September 13, 2009

Thi Sĩ HOÀNG CẦM

Hoàng Cầm
Trịnh Hội

05/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-07-voa15.cfm

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng vơ vẩn đến
Anh đàn em hát níu xuân xanh


Nhà thơ Hoàng Cầm và Trịnh Hội
http://www.voanews.com/vietnamese/images/Hoangcam-Trinhhoi-210.jpg

Từng lời hát của Tuấn Ngọc cứ như thì thầm mời gọi tưởng chừng như đây là tâm sự của chính anh. Từng chữ, từng lời nghe như một vần thơ do chính anh sáng tác. Và nhạc cũng của anh. Từ nhỏ tôi đã rất thích nghe lẫn cả nhìn anh Tuấn Ngọc. Có một chút gì đó rất sang, rất tĩnh, rất lịch thiệp và rất đàn ông ở nơi anh. Nếu tôi sinh ra làm con gái hoặc thuộc loại thích đàn ông thì chắc chắn tôi đã mê anh như điếu đổ.
Nhưng tiếc là sự thật nó đã không được như thế. Tôi chẳng phải là con gái và anh cũng chẳng phải là tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng mang tên ‘Tình Cầm’ của Phạm Duy. Và đối với những ai để ý đến từng lời ca, tiếng nhạc thì chắc có lẽ họ cũng biết lời của bài hát này thật ra được phổ từ một bài thơ của Hoàng Cầm có cùng tựa đề ‘Tình Cầm’ với những lời thơ giản dị như sau:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Rồi những chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh


Tôi gặp nhà thơ Hoàng Cầm lần đầu tiên ở Hà Nội vào khoảng đầu năm 2006. Lúc ấy tôi vẫn còn làm việc cho trung tâm Asia. Anh Trúc Hồ vừa là nhạc sĩ kiêm giám đốc trung tâm bảo tôi nên về lại Việt Nam xem có tìm được ai để nói chuyện về những ca khúc mà chúng tôi sắp sửa thực hiện trong cuốn DVD kế tiếp hay không.
Tôi nhớ là cho đến ngày ra phi trường tôi vẫn chưa biết mình sẽ gặp được ai hay hỏi được những gì. Không chừng chưa kịp làm được việc thì đã bị câu lưu và trục xuất ra khỏi nước. Tôi nghĩ thế.
Nhưng trời xanh thường chỉ ghen với má hồng mà má tôi thì lại không hồng (chỉ thấy bị rạm đen mỗi khi về Việt Nam!) nên trong suốt khoảng thời gian tôi làm việc cho Asia, mặc dù tôi đã về lại Việt Nam rất nhiều lần và tìm nói chuyện được với rất nhiều người kể cả những người không có thiện cảm gì cho mấy với chế độ hiện tại, tôi cũng đã không bị công an kêu lên hỏi thăm sức khỏe. Hoặc chất vấn tôi về vai trò MC của tôi ở trung tâm và lý do tôi có mặt ở Việt Nam.
Có thể lúc ấy chuyện phỏng vấn các nhạc sĩ, ca sĩ của tôi là chuyện tầm phào không đáng cho họ để ý. Cũng có thể lúc ấy cái tên cúng cơm của tôi chỉ là một cái tên bình thường như bao Việt Kiều khác về lại Việt Nam thăm gia đình, đi du lịch hay chỉ để hỏi vợ.
Hoặc họ chưa kịp theo dõi thì tôi đã xong việc và chuồn ra khỏi nước.

Thật cũng khó biết được tại sao trong suốt khoảng thời gian đó tôi đã không bị chận bắt để điều tra xem ai là người đã cho phép tôi làm những việc mà tôi đã làm. Ngược đời hơn với các nước khác, ở Việt Nam luật phải cho phép bạn làm thì bạn mới được làm. Còn nếu như luật chưa nói đến thì coi như không ai có quyền thực hiện điều gì kể cả những điều cơ bản nhất.
Mà nhiều khi luật có nói rõ là cho phép bạn làm thì bạn cũng chẳng được làm. Vì có một bộ luật khác cấm bạn làm điều đó. Hoặc một ông lớn nào đó đơn giản không thích bạn làm vậy. Thế là bạn cũng đành bó tay.

Nói là lúc ấy tôi không bị công an bắt giữ để điều tra không có nghĩa là tôi chưa bao giờ bị công an Việt Nam trù dập. Hoặc tệ hơn là trục xuất ra khỏi nước cấm không bao giờ được quay đầu lại. Nhưng đấy lại là một chuyện khác mà sau này nếu có dịp tôi sẽ kể. Cũng rất thú vị đấy.

Nhưng mà thôi, hôm nay tôi muốn viết về nhà thơ Hoàng Cầm chứ không phải là viết về chuyện riêng tư của tôi. Thật ra lần ấy về Việt Nam tôi cũng không biết là mình sẽ có dịp gặp được ông, người mà tôi đã biết đến tên tuổi từ những lúc còn học trung học ở Úc qua các bài báo nói về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.
Dĩ nhiên đối với tôi ở vào độ tuổi đó cái tên Hoàng Cầm vẫn còn khá xa lạ vì cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa bao giờ có dịp đọc thơ ông như các nhà thơ khác. Hình ảnh của ông mà tôi tự mường tượng ra lúc ấy là hình ảnh của một nhà trí thức phản kháng có nhiều can đảm muốn tranh đấu để được tự do sáng tác hơn là hình ảnh của một nhà thơ tình mới 12, 13 tuổi đầu đã biết đem lòng yêu người chị hàng xóm để sau này nhớ lại và sáng tác ra bài thơ bất hủ với tựa đề ‘Lá Diêu Bông’:

Váy Đình Bảng, buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều, Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ này ta gọi là chồng


Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên tôi nghe được bài hát này của nhạc sĩ Trần Tiến. Đêm ấy trăng sáng lắm. Không mây, không gió nhưng khá lạnh vì Noel đã sắp đến. Ngồi quây quần trên sân xi măng giữa trại cấm Nei Kwu Chau ở Hồng Kông cùng với các anh chị em trong trại, tôi ngồi nghe một em trai lúc ấy chắc chỉ khoảng 16, 17 tuổi tự đàn hát để tặng tôi là người ở bên ngoài vào mà lòng chợt vô cớ buồn rười rượi:

Lời ru buồn nghe mêng mang mêng mang
Sau lũy tre làng khiến lòng tôi xôn xao
Ngày lấy chồng em đi qua con đê
Con đê mòn lối cõ về
Có chú bướm vàng bay theo em


Ngồi trên đồi trống với bốn bên là hàng rào kẽm gai cao vời vợi và bao quanh từ xa là những ngọn sóng lấp lánh ánh bạc của một đêm trăng tròn, tôi nghĩ ai có mặt trong đêm hôm ấy cũng có cảm giác giống tôi. Xa gia đình bạn bè thân thiết lại gặp cảnh ngục tù nơi xa xôi lạnh lẽo, nghe những lời em hát mà tưởng chừng như đó là lời ru cho chính mình:

Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì
Để lời ru thêm buồn


Em hát xong nhưng chẳng thấy ai vỗ tay khen hay. Tất cả đều lặng theo cảm xúc của riêng mình. Tôi có hỏi em biết tác giả của lời bài hát này là ai không em bảo em không biết.
Mãi sau này tôi mới biết bài hát này là của Trần Tiến. Và lời được phổ từ bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm.

Hình như lần về Việt Nam đó tôi đã đến nhà của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để phỏng vấn ông trước tiên. Tôi cũng chẳng nhớ ai đã cho tôi số điện thoại của ông để liên lạc. Chỉ còn nhớ là tôi đã rất thích nói chuyện với ông. Người Nam lại có sự cởi mở, thoải mái của một người nhạc sĩ, tác giả của bài ‘Không’ đã kể cho tôi nghe không biết là bao nhiêu kỷ niệm của một thời nhạc ‘vàng’ oanh liệt vào đầu thập niên 70.
Từ ông, tôi đã lần tìm ra được nhạc sĩ Trần Tiến.
Từ nhạc sĩ Trần Tiến, tôi đã lần tìm ra ông. Nhà thơ, thi sĩ với cái tên trên đời chỉ có một: Hoàng Cầm.

Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Hà Nội. Nhớ ngày nào còn đạp xe đạp mỗi ngày đi làm từ tận dưới đường Đại Cồ Việt đến phố Chân Cầm nằm sát bên cạnh Hàng Bông. Thế mà thấm thoát gần 10 năm đã trôi qua. Thì ra nhà ông ở sát bên cạnh phố, chẳng xa Nhà Thờ Đá là bao. Vậy mà lúc ấy tôi không biết. Chứ nếu biết có lẽ thời gian tôi ở Hà Nội làm việc vào giữa thập niên 90 chắc sẽ phải thú vị hơn nhiều.
Vì còn biết bao điều những người như tôi có thể học hỏi ở nơi ông.

Hôm ông hẹn tôi đến nhà ông để nói chuyện trời đã khá khuya. Đèn đường nơi có nơi không, tranh tối tranh sáng nên mất một lúc tôi và Vũ là người cameraman cùng đi chung mới tìm được nhà ông. Nằm khuất trong hẻm nhỏ vắng người qua lại nhưng nhờ thùng thơ đặt ở bên ngoài với cái tên ‘Hoàng Cầm’ được khắc lên mặt thùng khá rõ nên tôi đã mạnh dạn bước tới gõ cửa miệng hỏi ‘Xin lỗi có ai ở nhà không?’.

Phải một lúc sau mới có người ra mở cửa. Nhìn gương mặt người đàn bà đứng bên trong nhà trông có vẻ ngạc nhiên pha lẫn chút tò mò không hiểu chúng tôi muốn gì giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này, tôi đoán là ở Hà Nội chắc ít có ai đến nhà người lạ thăm hỏi vào giờ này. Có lẽ tính ông cũng dễ chịu nên đã sẵn sàng cho tôi hẹn gặp dù biết là đã khá trễ vì sang ngày hôm sau chúng tôi phải quay trở về Sài Gòn để bay về Mỹ. Và ông đã quên nói điều này cho người nhà của ông biết.
Sau khi nghe tôi giải thích, người đàn bà đã không còn lộ vẻ ngạc nhiên, mỉm cười bảo chúng tôi cứ đi thẳng lên lầu gặp ông. Nếu có hẹn thì chắc là ông cũng đang đợi chúng tôi để gặp. Sau này tôi mới được cho biết đấy là một trong những người con dâu của ông, người mà ông hiện vẫn sống chung cùng với người con trai và một người cháu gái đang ở tuổi đi học.

Nhà ông khá nhỏ. Cầu thang lại hẹp. Đến căn nhà bé nhỏ của cố nhạc sĩ Văn Cao có tiếng là con chim đầu đàn của nền âm nhạc tiền chiến Việt Nam nhưng nơi đâu tôi cũng chỉ thấy rời rạc đây đó những vật dụng nghèo nàn, cũ kỹ tôi đã buồn cho thân phận hẩm hiu của các nghệ sĩ trí thức Việt Nam.
Nhưng nhà ông Hoàng Cầm thật ra cũng chẳng hơn gì. Tôi chợt nghĩ có biết bao thế hệ, bao nhiêu người Việt Nam tài giỏi khắp nơi trên thế giới đã nghe đến tên ông. Hãnh diện là đã có những tiếng nói dõng dạc, can trường đầy nhiệt huyết, thơ văn đậm tình dân tộc như ông.
Nhưng liệu họ có biết cuộc sống của ông mỗi ngày như thế nào không? Nơi ông đang ở nó tiện nghi đến độ nào?
Ông có thoải mái, có thiếu thốn lắm không?
Không. Chắc chắn là không. Vì ngay cả tôi đây người đã từng biết đến ông, cảm phục tinh thần của ông và đã đi nhiều, thấy rõ cũng không ngờ người đàn ông tóc bạc phơ, gầy yếu đang nằm một mình trên chiếc giường chiếu nhỏ trong căn phòng chật hẹp ngổn ngang đầy đồ đạc ngay trước mặt mình lại chính là ông.

Cũng có thể tôi là người có nhiều sự tưởng tượng không cần thiết. Vì suy cho cùng nếu so với một người dân bình thường ở Việt Nam thì nhà của ông cũng có thể được cho là không đến nỗi tệ lắm. Vì đó là một căn nhà tô được xây bằng xi măng với một căn gác nhỏ nằm trên tầng hai ở ngay trung tâm thành phố, thủ đô của cả nước.
Nhưng ngặt nỗi tôi lỡ đã lớn lên nơi xứ người, đã quen với những tiêu chuẩn được cho là bình thường ở thế giới phương Tây. Tôi lại không cho ông là một người Việt Nam ‘bình thường’ như những người khác. Và nhất là tôi đã có dịp gặp tiếp xúc nhiều với các ca nhạc sĩ ở Việt Nam cũng như ở Hải Ngoại.
Tôi nghĩ tôi không quá cường điệu khi cho là nhìn chung, nhà của các ca sĩ ở hải ngoại to và sang hơn hầu hết các ca sĩ ở trong nước. Và tuyệt đại đa số nhà của các ca sĩ Việt Nam lại sang và to hơn hầu hết nhà của các văn nhạc sĩ Việt Nam mà tôi đã từng gặp.
Bất kể thuộc thế hệ nào.
Bởi vậy nếu sau này có con chắc khó mà tôi sẽ mạnh miệng ủng hộ con mình theo đuổi sự nghiệp văn chương, âm nhạc!

Ông nằm thẳng người tay đang cầm đọc một quyển sách chi đó trông rất dày lúc tôi bước vào căn phòng ngủ của ông cúi người chào hỏi. Đưa cánh tay trần xương xẩu ra để bắt tay tôi, đến lúc ấy tôi mới biết là ông không đi đứng được dể dàng như những người bình thường khác. Bởi cách đấy khá lâu ông đã bị té gãy xương chậu nhưng vì gia đình không có đủ tiền chữa trị nên ông đành phải để vậy, không vào nhà thương để chỉnh sửa.
Nếu tôi buồn cho đất nước tôi một thì những lúc nghe được những mảnh chuyện như thế này tôi lại buồn mười. Đúng là biết nói sao cho cùng phải không bạn?

Nhưng đối với ông hình như đấy chỉ là một câu chuyện rất bình thường. Ông kể cho tôi biết để hiểu rõ sự việc chứ chẳng có ý gì khác. Không giấu diếm cũng chẳng một tí ngại ngần hay có ý than vãn. Câu chuyện giữa ông và tôi cũng bắt đầu trong tình cảnh tự nhiên, đơn giản đó.
Ông không biết nhiều về tôi nên ít khi mở lời nói trước. Tôi hỏi ông trả lời. Tôi xin ông cho phép tôi quay băng thu lại những lời ông nói, ông bảo cứ tự nhiên. Không có gì cần phải ngại ngùng cả.

Thế là buổi phỏng vấn đầu tiên của tôi với thi sĩ Hoàng Cầm đã được bắt đầu ngay trên chiếc giường mà ông từ sáng đến tối chỉ biết nằm một chổ để đọc sách hoặc cố làm thơ dù ông đã qua cái tuổi ‘thất thập cổ lai hy’ từ lâu lắm rồi. Và cũng như tất cả những lần phỏng vấn trước đó, tôi đã không có những câu hỏi được chuẩn bị viết sẵn ra trên giấy. Tôi luôn muốn những gì tôi làm phải đến tự nhiên, thoải mái và nó được cho là một buổi trò chuyện hơn là một cuộc phỏng vấn. Khi ấy tôi nghĩ những gì chân thật nhất, thành tâm nhất, cái hồn của người được phỏng vấn mới được hé lộ ra cho khán thính giả ở khắp nơi lắng nghe, chắt lọc.

Và đấy cũng là những gì tôi đã học hỏi được từ nơi ông trong đêm đó. Kể cả những gì tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ ‘học’ được. Như việc ông nhỡ thầm yêu người chị hàng xóm lúc ông chỉ mới 12, 13 tuổi đầu để sau này sáng tác ra bài thơ ‘Lá Diêu Bông’ chẳng hạn.
Nhưng ông còn kể cho tôi nhiều chuyện hay lắm. Từ chuyện gia đình, tình yêu trai gái trong đời sống rất lãng mạn một thời của ông. Cho đến việc ông làm thơ, viết kịch và trong hoàn cảnh nào các tác phẩm của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm đã được cho ra đời. Và bị đả kích. Để rồi sau đó bị trù dập và cuối cùng là bị cấm không cho sáng tác, xuất bản cho đến cuối đời.
Biết bao là tài hoa của đất nước đã bị hủy diệt ngay lúc họ sung mãn nhất.
Biết bao cơ hội, những áng văn, lời thơ tuyệt tác đã bị mất đi không cách gì tìm lại được.


Nhờ ông mà tôi đã lần mò đến đúng thôn Vân Hoàn xã Nga Lĩnh tỉnh Thanh Hóa để tìm được nhà thơ Hữu Loan của ‘Màu Tím Hoa Sim’. Cũng nhờ ông mà tôi biết thêm về Nguyễn Hữu Đang, người từng được giao nhiệm vụ quan trọng nhất vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 để tổ chức thành công ngày Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập.
Để rồi sau đó bị đày đi khổ sai và sống trong túng quẫn mãi cho đến lúc nhắm mắt chỉ vì ông bất đồng quan điểm với thành phần lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam về đường lối và cách cư xử đối với những người… bất đồng ý kiến.

Nếu chưa có dịp đọc qua quyển ‘Ba Phút Sự Thật’ của nhà văn Phùng Quán thì bạn nên cố tìm đọc. Vì đọc rồi bạn mới thấy cái nghèo, cái khổ của các văn nghệ sĩ Việt Nam hay những trí thức như ông Nguyễn Hữu Đang suy cho cùng chỉ vì sự ngu xuẩn xen lẫn chút tị hiềm, ganh ghét và bạo tàn của những kẻ cầm quyền không thấu hiểu lòng khao khát của những tâm hồn tự do, luôn tôn trọng đề cao những gì tươi đẹp, nhân bản nhất.

Tôi mải miết ngồi bên giường nói chuyện cùng ông mà không biết là đêm đã quá khuya và mọi người trong nhà cần phải đi ngủ để ngày mai dậy sớm chuẩn bị cho một ngày mới. Gửi lại cho ông một số tiền nho nhỏ mà anh Trúc Hồ đã nhờ tôi tận tay chuyển lại xem như là tiền bản quyền cho lời hát của nhạc phẩm ‘Lá Diêu Bông’ sẽ được chị Thanh Tuyền trình diễn trong quyển DVD sắp tới, tôi bắt tay gửi lời chào tạm biệt ông mà lòng cảm thấy bâng khuâng chẳng biết mình buồn hay vui. Bình thản hay nên thao thức.

Tôi vui vì đã gặp và hầu chuyện được với người mà tôi hằng mến mộ. Nhưng tôi buồn vì đã tự hỏi mình biết thêm được từng ấy kiến thức để làm gì?
Tôi chẳng làm được gì cho những người đã mất.
Và đối với những người còn sống như ông, tôi cũng chẳng làm được gì. Nói chi đến đất nước Việt Nam.

Đêm hôm ấy tôi bước ra khỏi nhà ông và không đi thẳng về khách sạn mà lại ra Hồ Hoàn Kiếm để dạo quanh bờ hồ, cố tìm cho mình đôi chút thời gian để thư giãn, lắng đọng. Tôi thường có thói quen nghĩ ngợi mông lung mỗi khi nghe được một câu chuyện bi thương hoặc thấy và cảm nhận được những trăn trở khôn nguôi của những người luôn hết lòng cho đất nước.

Tôi muốn gọi nhỏ cho Thần Kim Quy hiện lên mặt hồ để hỏi xem những người con Việt Nam cần phải làm gì trong lúc này? Trải qua bao cuộc bể dâu, chắc Thần đã biết rõ những gì đã và đang xảy ra trên đất mảnh đất ngàn năm vạn vật này?

Nhưng đợi mãi tôi chẳng thấy một kim quy hay ông thần nào xuất hiện. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ văng vẳng câu trả lời cuối cùng của ông trước lúc chia tay khi tôi ngỏ lời muốn hỏi:
Nếu có một lời khuyên dành cho các thế hệ mai sau ở trong nước cũng như ở hải ngoại thì lời khuyên của ông sẽ là gì?

Mắt chợt sáng, tay khoát nhẹ như có vẻ không cần phải nghĩ ngợi nhiều, ông bình tĩnh nhẹ nhàng nhưng chắc giọng đáp:
Nếu thấy điều gì đó tốt nhất cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam thì cứ làm. Các cháu cứ mạnh dạn mà làm. Có thể việc làm của mình sẽ không được ủng hộ ngay lúc này. Nhưng rồi tương lai đất nước sẽ tươi sáng hơn. Việc làm của các cháu sẽ được chứng nhận. Đó là lời khuyên của tôi.



No comments: