Sunday, September 13, 2009

MỘT NƯỚC, HAI LUẬT


Một Nước, Hai Luật
Trịnh Hội

11/08/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-08-11-voa28.cfm
Nước là nước Malaysia. Mã Lai. Luật là luật cấm không cho một anh nào lấy vợ lẽ. Ngoại trừ khi anh chứng minh cho thấy anh thật sự là người theo đạo Hồi. Nếu thế thì không những anh được lấy thêm vợ hai, vợ ba, mà vợ bốn anh cũng có quyền lấy.
Với điều kiện duy nhất là cả ba bà đi trước phải đồng ý. Chỉ cần có thế. Còn nếu không thì coi như anh đành chỉ phải sống và yêu được ba bà mà thôi.

Khi tôi hỏi anh bạn luật sư, Dipendra, mới quen của tôi ở Kuala Lumpur, thủ đô của Mã Lai là làm sao phân biệt được ai là người theo đạo Hồi, anh ta liền cho tay vào túi tìm giấy chứng minh nhân dân và chỉ cho tôi xem nơi có đánh dấu xác nhận người mang thẻ ID là người Hồi hay không Hồi (non-Muslim).
Thì ra có 2 loại đàn ông ở Mã Lai: Người theo đạo Hồi thì được chính thức lấy nhiều nhất là 4 vợ. Còn tất cả những người theo các đạo khác chỉ được phép lấy 1 mà thôi.
Thế mà có người lại bảo ‘all men are created equal’. Ai sinh ra cũng đều bình đẳng. Thì ra đây chỉ là một câu nói nghe rất hay nhưng hơi không được gần với thực tế cho lắm. Nhất là ở cái nước nóng, ẩm và vẫn còn đầy phong tục, tập quán mà vừa nghe qua cứ tưởng như trong mơ không phải ở chốn trần gian.

Không như mơ sao được khi Dipendra còn cho tôi biết cách đây chỉ vài tuần ở ngay tại cái thủ đô Kuala Lumpur được cho là văn minh phát triển này, một người đàn bà đã bị quất vào đít 6 roi vì tội… dám uống bia.
Thật đấy. Đúng 6 roi đã được quất vào mông người đàn bà xui xẻo kia vì bà đã bị bắt quả tang đang ngồi nhâm nhi một ly bia với người bạn trai trong một quán bar.
Dĩ nhiên ai cũng biết người Hồi, bất kể trai hay gái, đều không được uống rượu. Nhưng theo như Dipendra cho biết thì đàn ông Mã Lai ai lại chả uống? Nếu quá xui xẻo bị bắt thì cứ nhét vào tay anh cảnh sát vài đồng ringgit là xong ngay.
Nhưng rất tiếc điều này đã không xảy ra trong trường hợp này vì không những có đàn ông nhâm nhi mà còn có cả đàn bà dám ngang nhiên ngồi uống bia nơi công cộng.
Cần phải răn đe ngay lập tức.
Nhất là cái nhóm trẻ cứ bày đặt đòi hỏi phải có dân chủ, nhân quyền. Xã hội sẽ loạn. Nề nếp sẽ bị đảo điên.
Thế là 6 roi đã được thi hành theo đúng pháp luật. Riêng người nam bị bắt cùng lúc thì được miễn vì xét ra tội anh có phần nhẹ hơn (???)
Bởi anh là đàn ông.

Thì ra có hai loại người ở cái nước Mã Lai đầy lễ nghi đạo Hồi này. Một cho đàn ông và một cho đàn bà.

Tôi vừa được cho biết là từ lúc sinh ra đời cho đến khi nhắm mắt, cả hai đều luôn luôn được đối xử và phải cư xử khác nhau. Khi vừa nhắm mắt, thân xác của người nam theo đạo Hồi sẽ có người của đạo đến đưa đi một nơi khác để tẩm liệm và làm lễ. Không cần biết ý kiến của vợ và gia đình ra sao hoặc như thế nào.
Lúc sinh tiền vợ không bao giờ được gắp cơm trước chồng. Phải luôn đi sau chồng. Và nếu như theo đúng luật của đạo thì không bao giờ được phép cho bất cứ ai thấy được mặt của mình ngoại trừ gia đình thân thiết.
Bởi vậy Kuala Lumpur là thành phố duy nhất ở Á Châu mà tôi biết được và đã thấy được là có rất nhiều phụ nữ phủ trùm khăn đen kín mít từ đầu đến chân ở những nơi công cộng. Từ khách sạn ra đến những khu shopping sang trọng nhất.

Nếu như bạn cũng như tôi thì hình ảnh ấn tượng nhất được ghi lại sẽ là từng nhóm, từng hàng phụ nữ trùm khăn đen chỉ còn thấy đôi mắt đi ngang qua các shop thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới như Louis Vutton, Hugo Boss hoặc Estee Lauder. Có một cái gì đó rất chõi, rất lạ mắt và hơi… ngược đời khi ta tận mắt thấy những hình ảnh này.
Nhất là khi họ cũng vào shop xem qua các mẫu quần áo mới hay ngắm một đôi giày cao gót. Thú thật là tôi đã không nán lại đủ lâu để xem họ thử đồ ra sao hoặc làm thế nào để không một ai thấy được mặt hay chân tay của họ.
Nhưng sau khi tiếp tục rảo bước đi trong khu phố KLCC nổi tiếng sang trọng nhất nhì ở Kuala Lumpur, trong đầu tôi chỉ dấy lên một câu hỏi duy nhất và tự hỏi mình là không biết thật sự họ đi shopping để làm gì khi họ chẳng bao giờ được ăn mặc khác hơn nơi công cộng?
Hình như đây là một câu hỏi không được tế nhị cho lắm, có phải không bạn?

Và đúng là ‘cười người hôm trước hôm sau người cười’. Sau một hồi bàn chuyện ngược xuôi ở xứ Mã với anh bạn luật sư mới quen của tôi thì chúng tôi chuyển đề tài và nói về đất nước Việt Nam muôn thuở.

Cùng là bạn với Luật Sư Lê Công Định, anh hỏi tôi hiện giờ tình trạng của Định ra sao? Sức khoẻ thế nào? Từ hôm bị bắt cho đến giờ tôi đã có dịp nói chuyện với Định chưa?
Thiệt là một câu hỏi quá ngây ngô! Sau hơn một tháng bị biệt giam, cho đến nay người nhà của Định ở ngay tại Sài Gòn còn chưa được phép gặp Định, huống hồ gì tôi. Anh đùa đấy à? Tôi hỏi.

Nhưng nhìn khuôn mặt đột lộ vẻ ngạc nhiên và thoáng có một chút gì đó khá buồn, khá thất vọng, tôi biết là anh không có ý đùa khi hỏi tôi thế.
Tôi cho anh biết thêm là theo luật Việt Nam hiện hành, không những chính phủ có quyền giam giữ Định mà không cần phải đem ra tòa xét xử trong thời gian vừa qua mà họ còn có thể tiếp tục biệt giam Định đến 12 tháng mà không cần phải cho gặp bất cứ một ai kể cả luật sư.
Và nếu như họ không muốn thả thì họ vẫn có thể dùng ‘The People’s Prosecutor’ (Viện Kiểm Sát Nhân Dân) để ra quyết định giam thêm một năm nữa.
Đấy là tôi chỉ nói đến luật lệ đã ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen. Chứ còn việc công an thi hành mệnh lệnh từ trên phán xuống mà không cần phải đếm xỉa gì đến luật thì coi như… miễn bàn.

Only God knows what’s happening to Định right now. Chỉ có Trời mới biết điều gì đang xảy ra với Định ngay lúc này, tôi bảo.

Lần này thì Dipendra nhìn ngược lại tôi đăm đăm. Cứ như là tôi đang nói đùa.
Anh hỏi tiếp: Luật thật cho phép chính phủ làm thế à?
Of course (Dĩ nhiên).
Thế không có ai phản đối à?
Ý anh là gì?
Tổ chức biểu tình phản đối luật bất công. Báo chí lên tiếng như ở bên này tuần vừa rồi.
Are you crazy? Anh điên à? Đây là Việt Nam chứ không phải Mã Lai mà ai cũng có quyền biểu tình, lên tiếng. Còn riêng việc báo chí lên tiếng thì từ hôm Định bị bắt cho đến nay tôi chỉ đọc được những tin tức mà các báo đã đồng loạt đăng từ thông cáo của chính bộ công an đưa ra. Làm gì có chuyện họ tự tìm hiểu, điều tra và bàn cãi như anh nói.
Thì ra báo chí Việt Nam không được độc lập?
Không.
Không có đảng đối lập?
Dĩ nhiên là không.
Và vì vậy có thể cho là tòa án cũng không được độc lập?
What do you think? Anh nghĩ thế nào? Với những điều mà tôi vừa cho anh biết thì anh nghĩ là tòa án có quyền được độc lập hay không?

Hỏi đã là trả lời. Nhưng càng bị hỏi thì tôi lại càng cảm nhận được nỗi buồn, nỗi bực và sự hổ thẹn từng giây, từng phút dâng lên trong lòng tôi. Đi đâu hay làm bất cứ điều gì thì tôi cũng là ‘Vietnamese’. Thích hay không thích thì những gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam nó cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến với tôi. Từ tâm đến trí.

Nghe được một câu chuyện thành công của người Việt dù ở bất cứ nơi nào thì tôi cũng vui lây.
Nhưng khi biết được bạn mình đang ngồi trong tù nhưng mình thì không làm được gì là cả một sự hổ thẹn không biết lấy gì để che mặt. Nhất là khi chính mình phải thú nhận điều đó trước mặt anh bạn người Mã Lai, ngay tại nơi mà mình vừa cho là bảo thủ, không công bằng và chưa được văn minh cho lắm.

Thế mới thấy ở cái xứ một nước, hai luật này ít nhất ra người dân cũng được hưởng một số quyền lợi căn bản mà ai làm người cũng có hoặc cần phải có cho dù họ có bị buộc tội gì đi chăng nữa: quyền của một người bị giam được phép gặp người thân.
Quyền được gặp luật sư để bào chữa cho mình. Và quyền được cho là vô tội cho đến khi được đem ra xét xử trong một thời gian sớm nhất.


Thì ra ít nhất nó cũng còn hơn quê hương tôi.

No comments: