Tuesday, September 15, 2009

QUYẾT ĐỊNH 97 và Ý ĐỒ BIẾN GIỚI TRÍ THỨC THÀNH CÔNG CỤ


Quyết định 97 và ý đồbiến giới trí thức thành công cụ của người cầm quyền
Vũ Quang Việt
http://www.viet-studies.info/kinhte/VQViet_QuyetDinh97.htm
Ngày xưa
Hình như chúng ta chưa ra khỏi cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 35 năm nay với đầy sự nghi ngờ của nhà cầm quyền với giới trí thức. Và cũng hình như nhà cầm quyền hiện nay nhìn trí thức như những công cụ của chính họ, không hơn không kém.


Tôi vẫn nhớ ngày xưa sau chiến tranh, nhà nước cũng kêu gọi đóng góp ý kiến, nhưng những ý kiến đó đều phải nộp cho cơ quan liên quan, thí dụ đã là Việt kiều thì nộp cho Ban Việt kiều. Ban này theo tôi biết cũng sợ cấp trên nên phải tổng kết lại, mà có khi tôi có dịp được đọc thì nó đã được làm trơn tru, không còn có thể gọi là góp ý kiến nữa. Người viết cũng phải đắn đo khi viết vì nếu không tên mình sẽ vào sổ đen. Cho nên nếu cảm thấy không thể không có ý kiến thì con đường tốt nhất để làm cho ý kiến của mình được một lãnh đạo nào đó đọc là đưa thẳng điều mình viết cho các nhà lãnh đạo mà mình vì một lý do may mắn nào đó có thể liên hệ được và biết rằng họ lại là người sẵn sàng lắng nghe. Điều này cũng phải làm kín đáo vì luôn luôn có người muốn theo dõi xem mình viết “kiến nghị” gì. Có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho người đến tìm tôi, nhắn đến gặp. Lúc đó tôi đang ở Sài Gòn, phải quay về Hà Nội, và khi gặp, Thủ tướng căn dặn là những gì tôi viết nên đưa cho Thủ tướng đọc trước. Tôi nghi rằng lúc đó điều tôi viết đang làm phật lòng ai đó, và có lúc gây ra khó khăn cho việc tôi xin visa về nước.
Từ sau đổi mới, tôi đã có thể viết bài đăng ở các tạp chí chuyên môn, cũng như trên báo chí trong nước về ý kiến của mình. Báo chí có thể đắn đo sửa chữa lại, yêu cầu bỏ ý này, gạt ý kia, sửa lại câu văn cho hay hơn hay tránh đụng chạm, hoặc quá lắm thì quyết định không đăng. Tưởng chừng như đây là con đường đang rộng mở để mọi người có thể đóng góp ý kiến, dù phê bình hay phản biện, nói chung là tự do phát biểu ý kiến, tất nhiên là phải trung thực và mang tính xây dựng. Việc phát biểu ý kiến như thế đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và là điều rất nhiều nước trên thế giới đang làm.

Giới hạn hoạt động nghiên cứu
Thế nhưng thật ngạc nhiên là Điều 2 của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg đã chuyển hướng cải cách xã hội 180 độ, có thể dọn đường cho những nhà khoa học muốn đóng góp ý kiến trở lại hoạt động trong môi trường ngày xưa.
Điều 2 quy định: “cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ”
1) “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền”, tuy nhiên “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”
2) “chỉ họat động trong lãnh vực được ban hành kèm theo quyết định này.”

Cách đóng góp ý kiến ở điểm 1 điều 2 thì quá rõ không cần giải thích thêm.
Giới hạn phạm vi nghiên cứu ở điểm 2 điều 2 thì rõ ràng là đi ngược với nguyên tắc của luật pháp ở hầu hết mọi nước, là dân chúng được làm bất cứ gì mà luật pháp không ngăn cấm. Ngược lại, Quyết định này chỉ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu những gì mà nhà nước cho phép, nêu lên trong bảng danh mục kèm theo Quyết định 97.

Cơ sở cho danh mục được phép nghiên cứu trong Quyết định 97

Xem xét sơ danh mục cho phép ta đã thấy nhiều lãnh vực bị loại bỏ khỏi lãnh vực cá nhân được tổ chức nghiên cứu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, Bộ KHCN đã giải thích trên VietnamNet (
http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/2009/08/861520/) là bảng danh mục nghiên cứu cho phép của Quyết định 97 là dựa vào danh mục của OECD (có thể tham khảo danh mục OECD ở đây: http://www.oecd.org/dataoecd/36/44/38235147.pdf). Ta cần phân tích mục đích của danh mục OECD và so sánh với danh mục của Quyết định 97 để thấy tầm nguy hiểm mà Quyết định này có thể đưa đến cho nền khoa học Việt Nam. OECD là viết tắt của Organization for Economic Co-operation and Development, là tổ chức của các nước có nền kinh tế phát triển cao.

Bảng danh mục phân loại của OECD là một phần của tài liệu cơ bản: Sổ tay Frascati (Frascati Manual:
http://www.lmt.lt/PROJEKTAI/TEKSTAI/Frascati.pdf) nhằm hướng dẫn các nước định nghĩa thế nào là nghiên cứu cơ bản và thế nào là nghiên cứu ứng dụng, gọi chung là nghiên cứu và phát triển (R&D) trong mọi lãnh vực kiến thức, và đề ra phương pháp đo lường và thu thập thông tin về nguồn lực bỏ ra cho R&D, với mục đích so sánh và phân tích vai trò của các loại nghiên cứu khoa học trong sự phát triển của khoa học và kinh tế. Trong Sổ tay Frascati có nhiều loại phân loại như phân loại các tổ chức làm nghiên cứu, phân loại các loại chi phí, v.v. phân loại mục đích, phân loại về lãnh vực khoa học thí dụ khoa học tự nhiên, kỹ sư và công nghệ, khoa học y tế, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Vấn đề quan trọng là nguyên tắc phân loại và việc áp dụng chúng để đưa đến các phân loại mà các nước thành viên OECD chấp nhận.
Danh mục nghiên cứu của OECD nhằm phân loại các loại khoa học và hướng dẫn phân loại cho đúng, chứ không nhằm liệt kê toàn bộ các thứ nghiên cứu có thể có trong đời. Thí dụ phương pháp nghiên cứu sử học thì thuộc khoa học xã hội, nhưng việc nghiên cứu sử học thì thuộc khoa học nhân văn; hay nghiên cứu về dạng vật lý nhân chủng và địa lý thì thuộc khoa học tự nhiên chứ không thuộc khoa học nhân văn.

Bảng danh mục được phép nghiên cứu trong Quyết định 97 và bảng danh mục của OECD có mục đích rất khác nhau. Bảng danh mục của OECD là phân loại các loại khoa học ở mức tổng quát và tương đối tổng quát. Bảng danh mục của Quyêt định 97 là nhằm cấm một số các loại nghiên cứu. Nhưng vì do hai mục đích khác nhau, bảng danh mục của Quyết định 97 có thể đưa đến việc xóa bỏ nghiên cứu trong các ngành khoa học quan trọng cho xã hội.

Xem xét so sánh ta thấy những ngành nghiên cứu sau đây không nằm trong Quyết định 97, tức là bị cấm. Thí dụ có những ngành khoa học sau bị cấm:
(a) Luật (bao gồm luật, tội phạm học, quản lý nhà tù và cải biến tội nhân)
(b) Khoa học chính trị (bao gồm khoa học chính trị, khoa học hành chính công, khoa học tổ chức)
(c) Truyền thông và thông tin (bao gồm nghề làm báo, khoa học truyền thông xã hội, khoa học thư viện, truyền thông và truyền đạt văn hóa xã hội).

Riêng về khoa học kinh tế, theo OECD bao gồm:
(i) Khoa học kinh tế, kinh trắc học, quan hệ trong tổ chức sản xuất
(ii) Kinh doanh và quản trị
Quyết định 97 chỉ cho phép nghiên cứu “quan hệ sản xuất” và “kinh doanh và quản trị kinh doanh.” So sánh hai mục này với (i) và (ii) ở trên của OECD, ta không biết là Quyết định 97 dịch sai “khoa học kinh tế, kinh trắc học, quan hệ trong tổ chức sản xuất” thành “quan hệ sản xuất” hay là cố tình muốn xóa bỏ nghiên cứu về mọi vấn đề kinh tế mang tính vĩ mô mà chỉ cho phép nghiên cứu vi mô ở tầm doanh nghiệp. Cố tình xóa bỏ có lẽ là ý định vì nhiều ngành khoa học rất thiết thân như luật, hành chính công, khoa học tổ chức, khoa học thư viện (coi điểm (a), (b) và (c) ở trên) cũng bị cấm chỉ vì nó nằm trong khoa học chính trị hay khoa học truyền thông.
Nguy cơ của việc dùng sai mục đích bảng phân loại của OECD là rõ.

Có thể nói không nước nào làm ra danh mục được phép nghiên cứu như Việt Nam và cũng không có nước nào cho phép một cơ quan nào đó được phép ra quyết định cấm cá nhân tự nghiên cứu trên hàng loạt các lãnh vực như Quyết định 97 mà không thông qua Quốc hội. Dĩ nhiên có nước như ở Mỹ cũng ra luật cấm nghiên cứu một số vấn đề, chủ yếu vì liên quan đến đạo đức, thí dụ như không được phép nghiên cứu tạo ra con người trong phòng thí nghiệm (có thể tạo ra quái thai phi nhân tính) hay lấy tế bào gốc (stem cells) của bào thai qua phá thai để nghiên cứu hoặc sử dụng (vì cho rằng như thế là khuyến khích phá thai). Quốc tế hiện nay cũng muốn cấm các nước chưa có võ khí hạt nhân nghiên cứu phát triển võ khí hạt nhân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền ra luật cấm nghiên cứu về một vấn đề cụ thể nào đó.

Phạm vi ứng dụng của Quyết định 97
Điều 2 của Quyết định 97 nếu đọc theo ngôn từ được viết thì chỉ áp dụng cho các cá nhân đứng ra thành lập tổ chức khoa học. Nhưng Điều 1 lại xác định rất rõ phạm trù áp dụng, liên quan đến cá nhân:
(a) “được thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”;
(b) “tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ”;
(c) “ tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ”.

Có thể nói, chỉ hai điều trên đã không rõ ràng, có thể coi là mâu thuẫn nhau,
hoặc có thể giái thích thế nào cũng được, hoặc chỉ cấm cá nhân đứng thành lập các tổ chức nghiên cứu hoặc cấm cả những cá nhân tự đứng ra nghiên cứu hoặc tổ chức nghiên cứu, hoặc cấm tất các loại nghiên cứu mang tính cá nhân hay tư nhân. Điều này chứng tỏ rằng quyết định này được soạn thảo chóng vánh, thiếu suy nghĩ chín chắn.
Điểm (a) áp dụng cho cá nhân thành lập và điều hành trong tổ chức nghiên cứu khoa học và làm dịch vụ khoa học không thuộc nhà nước, tức là tất cả các cá nhân trong tổ chức tư nhận vị lợi hoặc vô vị lợi kể cả đại học. Điểm (b) và (c) áp dụng cho bất cứ cá nhân nào tự đứng ra nghiên cứu hay tự đứng tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ (mà không cần qua một tổ chức nghiên cứu nào).
Quyết định này cũng không nói rõ áp dụng cho ai nên có thể áp dụng cho bất cứ ai: công dân Việt Nam hay không phải công dân Việt Nam.

Nói một cách cụ thể là tất cả các tác giả có bài nghiên cứu trong đó có những ý kiến trái ngược với ý kiến của quan chức nhà nước về chính sách trên tờ báo mạng như Thời đại Mới hay trên Báo Kinh tế Sàigòn mà tôi thường xuyên viết sẽ nằm trong tầm ngắm của Quyết định 97. Quyết định này nếu đem áp dụng sẽ đưa đất nước trở lại thời trước năm 1990.

Và tất cả các nghiên cứu về khoa học kinh tế, chính trị, pháp luật, truyền thông, quản lý nhà nước …, nếu bị kiểm soát chặt chẽ bởi Quyết định 97 thì chỉ may lắm là nhằm mục đích phục vụ một vài lãnh đạo nào đó, còn không thì có thể bị nhanh chóng vất vào sọt rác. Những cái này cũng không chắc là có thể gọi là công trình khoa học vì không được phép công bố nên các nhà khoa học không thể đánh giá chúng trên cớ sở khoa học, trong môi trường thuần túy khoa học, và bản thân sự “không có mặt” của các công trình này tất nhiên chẳng giúp gì cho khoa học phát triển. Khoa học như thế làm sao tiến?

Tại sao lại có Quyết định 97?

Ông Thứ trưởng Nguyễn Quân đã phát biểu rất rõ lý do có Quyết định 97 trong bài phỏng vấn với VietnamNet nhằm giải chích về Quyết định 97. Ông nói:
“… trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng.”
Như vậy cấm một số phạm vi nghiên cứu là thận trọng, là tránh cái gọi là thiếu đồng thuận?

Thế nhưng, tìm sự đồng thuận là trao đổi có chất lượng và biết lắng nghe giữa người làm chính sách với các nhà khoa học và cả dân chúng nói chung. Đồng thuận không thể xây dựng trên chính sách cấm nghiên cứu và nếu có lỡ nghiên cứu hoặc lỡ muốn có ý kiến không đồng thuận thì chỉ được phép nộp cho cơ quan liên quan (Quyết định 97 quên ghi rõ địa chỉ nộp ý kiến). Nền kinh tế Mỹ và ngay cả Trung Quốc cũng đã và đang gặp khó khăn hơn nhiều so với Việt Nam nhưng không ai lại ra Quyết định là những đóng góp ý kiến liên quan đến chính sách đối phó với tình hình hiện nay chỉ có đem nộp cho các cơ quan liên quan chứ không được công bố. Nhiều người nghiên cứu có ý kiến nếu không sợ hãi bị tù tội thì cũng không biết phải nộp vào đâu. Ngược lại sẽ có người sẽ mũ ni che tai cho khỏi mệt mỏi đối phó với tai họa có thể giáng trên đầu bất cứ lúc nào.

Có thể mục đích của Quyết định 97 là nhằm cấm tư nhân đứng ra thành lập các tổ chức nghiên cứu, nhưng có thể diễn giải là Quyết định cấm mọi cá nhân tự nghiên cứu trong một số ngành khoa học. Mà cấm tư nhân không được thành lập các tổ chức nghiên cứu là cấm kinh doanh, vi phạm điều lệ WTO. Có rất nhiều các tổ chức tư nhân hiện nay không chỉ nghiên cứu vì mục đích mang lại lợi ích cho cộng đồng một cách vô vị lợi mà đang tổ chức nghiên cứu thị trường (trong đó tất nhiên là cần phải có đánh giá, phản biện chính sách vĩ mô và chính sách lớn của nhà nước, kể cả hiểm họa mà chính sách có thể mang tới) nhằm bán thông tin, tư vấn khách hàng đầu tư, có thể công bố miễn phí để lấy uy tín cho công ty nhằm thu phí các dịch vụ khác. Các công ty này cũng có thể coi là nằm trong tầm ngắm của Quyết định 97, nếu đọc theo câu chữ hiện nay, vì một tổ chức nghiên cứu khoa học đâu có cần lúc nào cũng phải xin giấy phép nhất là khi nó nằm ở các doanh nghiệp. Cũng trong nghĩa có thể hiểu là tất cả các cuộc hội thảo khoa học về ngành khoa học không được liệt kê (tức là bị cấm) cũng chỉ có thể tổ chức cho các quan chức liên quan nghe mà thôi.
Và ta có thể để tính mơ mộng đi xa hơn thì thấy cái Quyết định này có thể đưa các nhà nghiên cứu khoa học không thuộc lãnh vực tự nhiên và công nghệ vào một thế giới luật pháp phi lý không lường được.
Phải chăng đây là đường hướng để Việt Nam phát triển?

15-9-09


No comments: