Sunday, September 6, 2009

Nhà Văn PHẠM VIẾT ĐÀO sửa lưng CÁC NHÀ BÁO CÔNG AN

MỘT CÁCH ĐƯA TIN CẦN RÚT KINH NGHIỆM VỀ CÁC XUNG ĐỘT QUỐC TẾ…
Phạm Viết Đào
Đăng ngày: 16:14 06-09-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=1194


Công an nhân dân điện tử ( CAND.COM.VN) hiển thị 09:50:00 ngày 25/07/2009 bài Mưu đồ bất thành của các thế lực phản động ở Tân Cương?
Điều làm cho người đọc băn khoăn: bài viết này chỉ đơn thuần việc đưa những thông tin mà tác giả Quốc Trung thu thập được qua báo chí nước ngoài, đưa lại một cách khách quan; hay đây là chủ kiến, quan điểm của Ban Biên tập báo Công an nhân dân, một tờ báo do Bộ Công an của Việt Nam là chủ quản quản lý phát biểu về vấn đề bạo lực gần đây xảy ra ở Tân Cương-một vấn đề phức tạp do lịch sử để lại của Trung Quốc…
Qua đọc và nghiên cứu toàn bộ thông tin trong bài viết của tác giả Quốc Trung, chúng tôi đoán định rằng: những thông tin mà tác giả Quốc Trung tổng hợp đều dựa từ một nguồn duy nhất: đó là các phát ngôn chính thống từ các cơ quan ngôn luận của Trung Quốc đưa và dẫn dắt dư luận…
Nếu như bài viết chỉ ra rằng: những thông tin của bài báo có ký tên Quốc Trung ( không rõ tác giả này có vô tình trùng tên với quốc danh của nước CHND Trung Hoa viết ngược lại không ?) ký ở cuối bài này chỉ là những thông tin tổng hợp từ các cơ quan ngôn luận tại Bắc Kinh; thì đó là một việc làm phần nào hữu ích với độc giả vì dù sao còn để cho người đọc còn có một khoảng cách lựa chọn, sàng lọc…
Ít ra thì cùng sẽ dừng lại và coi đây là thông tin của phía Bắc Kinh đưa; tất nhiên người đưa tin và cơ quan thông tin có thân thiện thì mới đưa những tin có lợi cho phía nào ?
Cách giật tít của bài viết đã ngầm mang tính mặc định, chụp mũ chính trị: Mưu đồ bất thành của các thế lực phản động ở Tân Cương, kèm theo một sapô được CAND.COM.VM đưa sau đây: “Thời gian qua, có nhiều thông tin chưa đồng nhất về cuộc bạo loạn tại Tân Cương, cũng như chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này. Để bạn đọc hiểu rõ về “vấn đề Tân Cương”, Báo CAND xin giới thiệu bài viết này…”
Cả bài viết mà Báo CAND đăng đều tập trung đưa các thông tin, nhận định, định hướng rằng: Cuộc bạo loạn ở Tân Cương là do thế lực phản động tại Tân Cương cấu kết với thế lực phản động bên ngoài Trung Quốc nhằm lật đố, chống đối lại sự quản lý của Nhà nước Trung Quốc?

Nếu Báo CAND và tác giả Quốc Trung dẫn nhận định trên từ các cơ quan ngôn luận Trung Quốc thì người viết bài này không mất thì giờ viết lại làm gì; nhưng nhận định và định hướng, chính xác hơn là việc áp đặt thông tin này do Báo CAND của Bộ Công an Việt Nam đưa ra khiến chúng tôi và nhiều người đọc không thể không cân nhắc?
Bởi kèm về cuối bài viết, tác giả Quốc Trung có dẫn lời phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng, chúng tôi xin trích nguyên văn lời phát biểu này:” Ngày 7/7, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước một số vụ bạo lực xảy ra gần đây tại Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói, Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình xảy ra gần đây ở Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc và tin rằng, Chính phủ Trung Quốc đã và đang có những biện pháp phù hợp nhằm sớm khôi phục tình hình, duy trì an ninh trật tự, ổn định xã hội ở khu vực này”…

Như chúng ta biết, hiện nay cơ quan đại diện cho Chính phủ Việt Nam phát ngôn về các vấn đề thuộc quan hệ đối ngoại là Bộ Ngoại giao; những ý kiến mà ông Lê Dũng phát biểu là ý kiến chính thống.
Căn cứ vào phát ngôn chính thống của phía Chính phủ Việt Nam đưa ra thông qua ông Lê Dũng, chúng tôi không thấy câu, chữ, ý nào chứng tỏ cho thấy: Chính phủ Việt Nam cho rằng các vụ bạo lực ở Tân Cương xảy ra là do “Mưu đồ bất thành của các thế lực phản động ở Tân Cương”?
Vậy thì việc Báo CAND dựa vào các nguồn tin từ các cơ quan ngôn luận Bắc Kinh để kết luận và hướng độc giả Việt Nam hiểu và tin rằng: những xung đột giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương là do âm mưu của các thế lực phản động? Như vậy nhiều người Duy Ngô Nhĩ sẽ được hiểu là xấu, là phản động…
Cách viết như trên liệu có thật sự khách quan hay là một thứ “ nội gián” trong lĩnh vực thông tin?

Một bài viết thứ 2 cũng của Báo CAND mà chúng tôi muốn đưa ra để trao đổi, đó là bài: Tổng thống Moldova , Vladimir Voronin: Không để đục nước béo cò của tác giả Nguyễn Trung Tín, hiển thị: 2:57, ngày 14/04/2009.
Những ai quan tâm đến các vấn đề thời sự quốc tế những tháng gần đây không thể không để ý đến tình hình bất ổn về chính trị tại Mondova trong những tháng gần đây…
Cũng giống như ở Tân Cương, những xung đột về mặt quyền lợi giữa các sắc tộc ở nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã trở nên gay gắt. Tổng thống Vladimir Voronin, người được phía Nga hậu thuẫn trở thành mục tiêu tấn công về chính trị của người Mondova gốc Rumani…
Cũng giống như vấn đề Tân Cương, vấn đề ở Gruzia... những xung đột này bắt nguồn từ những tồn đọng lịch sử để lại. Do vậy khi viết bài đưa tin thì người viết nên thận trọng, việc dẫn nguồn và trích nguồn cần rõ ràng tránh đưa ra những phán xét mang tính chủ quan do: người viết chỉ có khả năng tiếp cận được từ một phía, một nguồn thông tin…

Đọc bài báo của tác giả Nguyễn Trung Tín người đọc sẽ không khó khăn gì nhận ra các thông tin được sử dụng này không có cơ sở độc lập kiểm chứng nào mà đều xuất phát từ các tờ báo chính thống của Nga…
Bài báo đã đưa nhiều thông tin để gần như tô vẽ cho uy tín chính trị cho vị Tổng thống của Mondova với những từ ngữ như “ đất bằng dậy sóng” ám chỉ đất nước Mondova đang yên đang lành tự nhiên dậy sóng lên bởi thế lực nào đó khuấy lên để “ đục nước béo cò”; còn gia đình Tổng thống Mondova là “gia đình mẫu mực”…

Cũng giống như tác giả Quốc Trung viết về bạo loạn ở Tân Cương -Trung Quốc, tác giả Nguyễn Trung Tín cũng lại tìm mọi con số, lý lẽ để bênh vực, tô vẽ cho chính quyền của Tổng thống Mondova Vladimia Voronin và mắng các lực lượng chính trị đối lập là những đám “ cò quăm “, khi tác giả chỉ dựa vào báo chí Nga…

Theo dõi tình hình Mondova gần đây cho thấy: Việc Tổng thống Mondavi Vladimir Voronin rời chính trường chỉ còn là ngày một ngày hai, ông không chỉ rời chức vụ Tổng thống và còn phải thôi chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Mondova và có nhiều khả năng phải quay sang Nga sinh sống…

Dù tác giả Quốc Trung và Nguyễn Trung Tín có đồng cảm, có là đồng chí với ai đó thì cũng không thể thay thế người Trung Quốc, người Tân Cương, người Mondova, người Gruzia giúp giải quyết các vấn đề thuộc về chuyện riêng của quốc gia họ.

Người Việt Nam có câu: Đèn nhà ai nấy rạng; Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh; Chân mình những lấm bê bê, Lại còn cầm đuốc mà rê chân người…;

Chúng ta đã chán ngấy cái việc mà không ít thế lực bên ngoài “chõ mũi” can thiệp vào các vấn đề của đất nước mình…Do vậy khi viết về các về các vấn đề liên quan tới các xung đột trong các quan hệ quốc tế, nhân là vấn đề xung đột sắc tộc trong nội bộ các quốc gia, các nhà báo cũng nên cẩn trọng bởi sẩy chân có thể với lại được còn như bút sa thì…
P.V.Đ

----------------------

Bình luận : Phải chi ông Phạm Viết Đào chịu khó phân tích các bài báo trên tờ Công An Nhân Dân viết về Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, vân vân, thì hay biết mấy!

No comments: