Tuesday, September 1, 2009

MỘT THỜI NGĂN SÔNG CẤM CHỢ


Một thời ngăn sông cấm chợ
Lâm Hoàng Mạnh
02/09/2009 1:01 sáng
http://www.talawas.org/?p=9701
Chợ huyện một tháng bốn phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên Tấn Tần.

(Ca dao)
Tết năm 1972 tôi phải trực bệnh viện vào ngày mồng Một, mồng Hai nghỉ sẽ đạp xe về nên để vợ con về quê ngoại trước. Đêm giao thừa buồn thiu, may gần khu tập thể có anh đại úy, cùng (quê) Hải Phòng là chỗ thân tình, phụ trách ban tuyển quân (bắt lính) biết cảnh lẻ loi, hẹn sang đón giao thừa cho vui. Tết đó tôi đã viết câu đối dán trước cửa nhà tập thể:
Đêm ba mươi, vợ bỏ về quê, không thịt không hành mà cũng Tết.
Sáng mồng một, khách quý đến nhà, có trà Tắm Ngựa thế là Xuân.
Thực ra vế thứ hai tôi viết: Có thơ có rượu thế là xuân. Nhưng tiêu chuẩn Tết mỗi gia đình chỉ được một chai rượu mùi, một gói mứt thập cẩm 500 gr cùng một vài thứ lặt vặt như 20 gr bột ngọt, 10 gr hồ tiêu, 100 gr miến dong giềng, 2 bao thuốc Tam Đảo, 1 gói chè Ba Đình…, vợ tôi đem về biếu ngoại thì làm gì còn rượu mà đãi khách. Còn tôi trực, báo cơm tập thể. Gọn nhẹ và có hương vị Tết (ké vào tiêu chuẩn của bệnh nhân)!
(Xin được mở và đóng ngoặc: thời ấy cả nước có một nhà máy chè Phú Thọ sản xuất 3 loại chè gói bán ra thị trường: Chè Hồng Đào (loại I) giá 8 hào/gói, chè Ba Đình (loại II) giá 5 hào/gói (hai loại chè này bán theo tiêu chuẩn phân phối) và chè Thơm giá 3 hào/gói bán tự do. Đây là loại chè hạ đẳng, đắng và nước đen ngòm, chả có mùi vị gì, cơ quan thường mua phát cho các khoa phòng mỗi tháng 4 gói. Anh bác sĩ Long (khoa Truyền nhiễm) đặt tên là chè Tắm Ngựa, có nghĩa là chỉ xứng đáng để tắm cho ngựa đỡ hôi, người thì không thể uống nổi. Chúng tôi thường phải mua chui chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè Tân Lạc (Hoà Bình) để uống.)

Theo hẹn, gần mười hai giờ đêm tôi đến nhà anh. Thời bấy giờ còn liêm khiết lắm, chứ chức vụ như anh ngày nay có mà giàu to, không đúc đố đổ vách thì cũng vài cái nhà lầu 5 tầng và ô-sin phục vụ là ít. Thằng nào muốn trốn lính hả, dăm cây, nhà con một chục cây cũng phải ưng, nhất là cả nước đang mịt mùng khói lửa, lính chết như rạ, thiếu lính đến mức độ phải vay trước tuổi. Có nghĩa là theo luật thì 18 mới phải nhập ngũ, nhưng 17 tuổi cũng phải lên đường (gọi là vay). Tiền tuyến đang cần thanh niên sẵn sàng (chết)! Nhiều cậu tân binh mặt non choẹt, gày nhom, cao chưa tới 1 mét rưỡi, vác khẩu súng trường quét đất! Vì thế ở miền Nam một thời bêu riễu: “7 thằng VC đánh đu 1 cành đu đủ cũng không gẫy”!
Nhà anh là một nếp nhà tranh một gian hai trái – tuy thế còn hơn tôi, vẫn phải sống tập thể, mà vợ tôi cũng là y tá đâu có ăn bám chồng – anh chị đang chuẩn bị đón giao thừa. Nồi bánh chưng đã vớt, hai đứa con anh đã ngủ say, vợ anh – chị Hương – đang chuẩn bị lễ cúng, còn anh đứng vơ vẩn ngoài sân chờ tôi. Anh là lính từ những ngày toàn quốc kháng chiến (12-1946), rời Hải Phòng yêu dấu làm nhiệm vụ của thanh niên đánh đuổi ngoại xâm như hàng vạn thanh niên yêu nước khác. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, từ binh nhì leo dần lên sĩ quan, vài lần đi bồi dưỡng, tập huấn, thương tật đầy mình, đảng viên (cộng sản) lâu năm bò dần lên sĩ quan trung cấp (cấp bậc từ chuẩn uý đến thượng uý là sĩ quan sơ cấp, từ đại uý đến thượng tá là sĩ quan trung cấp, từ đại tá trở lên là sĩ quan cao cấp), tham gia chiến dịch Tây Bắc nên anh được trụ lại và đóng ở tỉnh H., lấy vợ, chị lại là cô gái nhà lành, bố mẹ buôn bán ở thị xã. Duyên bén, nhưng cơ quan không đồng ý vì xét lí lịch gia đình chị không (chưa) cách mạng, đảng viên, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà lấy dân tiểu tư sản thành thị là mất lập trường! Ba mươi nhăm chưa có vợ (ế đến đít), anh em nói mãi, lãnh đạo mới gật. Nhờ thế anh mới có gia đình, nếu không có thể lên chức Thiếu tướng Phòng không (vợ) chưa chừng!
Mâm cúng ngoài trời thật đơn giản, trầu cau, hoa quả và đĩa bánh chưng đã bóc sẵn. Mâm cúng tổ tiên có đĩa xôi gấc, con gà luộc bốc hơi nghi ngút, chiếc bánh chưng, khoanh giò lụa, đĩa nem rán, bát măng ninh chân giò, món rau xào thịt lợn. Chai rượu cam màu vàng óng và bao chè Hồng Đào để cạnh mâm. So với mọi người, nhà anh thuộc loại tươm tất nhất trong cái Tết nghèo khó của đời công chức chúng tôi!
Ai đã từng sống dưới thời bao cấp thì mới thấy mấy tấm bánh chưng, khoanh giò lụa, đĩa nem rán, bát măng ninh chân giò, đĩa xôi gấc… có để đặt lên ban thờ cúng tổ tiên ngày Tết là hàng cao cấp, nếu như không nói là hàng xa xỉ. Bởi vì chế độ tem phiếu khắc nghiệt lắm. Tôi biết rõ vì tôi là người trực tiếp làm tem phiếu, xin ghi lại để tham khảo.

Nếu tôi nhớ không nhầm, chế độ tem phiếu bắt đầu từ 1959 (hay 1960?). Hè năm ấy, bọn học sinh chúng tôi được thành phố trưng dụng đi làm sổ gạo vì “văn hay chữ tốt”. Mỗi ngày đi làm, ủy ban hành chính tiểu khu (phường) trả công 6 hào/ngày, ăn bữa cơm trưa (tập thể) mất 5 hào, còn dư 1 hào chỉ đủ mua 1 que kem hay 2 bát nước chè xanh. Đội than ngày mèng ra cũng được 3 đến 5 đồng, thế mà phải nghỉ để đi làm nghĩa vụ học sinh. Lương mạt hạng mà mặt mũi vẫn phải vui và tươi roi rói. Không đi có mà ăn đất! Đừng có mơ vào đại học hay trung cấp chuyên nghiệp. Lí lịch sẽ ghi: có tư tưởng và hành động chống đối chủ nghĩa xã hội! Đời mờ! Đời tàn liền! Xin đi làm bốc vếch (bốc vác cảng) cũng không xong!

Chế độ tem phiếu chia làm ba loại:
1- Cán bộ công nhân viên chức
2- Nhân dân thị xã và thành phố
3- Nông dân, kể cả nhân dân ở thị trấn
Ngoài ra còn loại tem phiếu dành cho cán bộ cao cấp từ chuyên viên đến lãnh đạo từ tỉnh ủy viên đến bộ trưởng. Tiêu chuẩn này tôi chỉ biết sơ sơ (nghe hơi nồi chõ), thực tế ra sao xin nhường cho bạn nào biết, viết tiếp giùm cho hoàn chỉnh.

1- Cán bộ công nhân viên chức
Người làm trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, bao gồm bác sĩ, kỹ sư, nhà văn… (những người lao động trí óc nói chung), lao động chân tay, cán sự từ bậc 1 đến bậc 4 (lãnh đạo cơ quan nhỏ), từ bậc 5 trở lên là chuyên viên hưởng tiêu chuẩn khác. Tất cả hưởng tiêu chuẩn giống nhau:
- Vải 5 mét/năm
- Gạo từ 13 kg 5 đến 25kg/tháng (tùy thuộc lao động nhẹ hay nặng)
- Thịt từ 500 gr đến 2kg 5/tháng (tuỳ thuộc tính chất nghề nghiệp)
- Đường từ 500 gr đến 2kg 500/tháng (tuỳ thuộc tính chất nghề nghiệp)
- Đậu phụ 1 kg/ tháng, nước mắm 500ml/tháng
- Cá tươi (khô) 500 gr/tháng.

2- Nhân dân thành thị
A- Người lớn
- Vải 4 mét/năm
- Gạo 13,5kg/ tháng
- Thịt 100 gr/tháng
- Đường 100 gr/ tháng
- Đậu phụ 500gr/tháng. Nước mắm 500 ml/tháng
- Cá tươi (khô) 500 gr/tháng.
B- Trẻ em từ sơ sinh đến 15 tuổi
- Vải 4 mét/năm
- Gạo tùy thuộc vào tuổi từ 5kg đến 12 kg/tháng
- Thịt 300 gr/tháng cho trẻ dưới 5 tuổi. Từ 6 tuổi như người lớn
- Đậu phụ và nước mắm như tiêu chuẩn người lớn
- Cá tươi khô 300 gr/tháng.

3- Nông dân và dân thị trấn
Không có một thứ tiêu chuẩn tem phiếu nào. Họ cũng không được cấp giấy chứng minh thư. Tất cả là con số không tròn trĩnh. Họ bị coi như công dân hạng 2 trong xã hội. Theo cương lĩnh của Đảng Cộng sản thì giai cấp công nhân và nông dân là thành phần nòng cốt của chính quyền vô sản, nhưng người nông dân một sương hai nắng, người làm ra thóc gạo, làm ra mọi của cải vật chất (chính) để nuôi quân, nuôi dân và cán bộ nhân viên nhà nước như chúng tôi, thì bị bỏ rơi, loại khỏi cuộc chơi của xã hội. Nhiệm vụ và quyền hạn của họ cũng như toàn dân Việt Nam, có thể tóm tắt 7 chữ vàng: Đóng thuế, Đi lính và Câm cái mồm!
Không tem phiếu, kể cả phiếu vải (động vật nên không cần quần áo?). Mỗi xã có một cửa hàng Hợp tác xã Nông nghiệp, gọi thế cho oai chứ trong cửa hàng chẳng có mặt hàng gì quý giá, chỉ có: cày, cuốc, mai, thuổng… (dụng cụ lao động dành cho nông dân), bát đĩa loại phế phẩm, vài phong thuốc lào (hạng bét, chứ thuốc lào Tiên Lãng Hải Phòng thì không đến luợt), dầu hỏa, muối, đôi khi cũng có nước mắm (khắm và mặn chát), thỉnh thoảng có cá khô (cá mòi, cá chuồn, cá trích… chứ làm gì có cá thu, cá nục) mua về thì muối nhiều hơn cá (nhân viên bán hàng trộn thêm muối để ăn cắp cá).

Tiêu chuẩn phân phối xem ra đối với chúng tôi cũng còn sống nổi nếu như mua được hết số tem phiếu. Tuy có tem phiếu nhưng đâu có hàng hoá mà mua, may lắm chỉ mua được 50%. Tem phiếu in tháng, hết tháng là vô giá trị. Từ năm 1962, tiêu chuẩn gạo bắt đầu phải độn ngô hay bột mỳ từ 30% lên dần 50%, có kỳ 70%, ở miền núi còn độn sắn (củ mỳ) khô, đến năm 1982 cửa hàng lương thực chỉ có 100% hạt bo bo bán cho dân. Năm 1967, sang giảng cho lớp y sĩ xã, thấy các em ăn 1 phần cơm 3 phần sắn khô, có hôm ăn ngô răng ngựa (loại ngô dành cho gia súc, bung lên nở to gần bằng ngón tay cái) với canh rau muống nấu muối, cà muối. Vì thế cô hàng gạo, chị hàng thịt, bà bán cửa hàng bách hóa thời bầy giờ có giá lắm. Oai hơn cả kỹ sư, bác sĩ, thày giáo, nhà văn. Dễ kiếm chồng ngon lành hơn cả trí thức!

Cha mẹ đến thăm con cháu làm việc ở thị xã, thành phố, bao giờ trước khi đi cũng chuẩn bị dăm bơ gạo, nhiều thì chục trứng gà, ai giàu hơn thì đôi gà nhốt trong lồng, rồi cơm đùm cơm nắm, tay xách nách mang lên đường thăm. Sau khi trình giấy thông hành kèm theo đơn xin giấy và giãi bầy lí do vì sao có gạo, có trứng, có gà với trạm kiểm soát thuế vụ, các cụ mới được vào (khu cách ly) thị xã hay thành phố thăm con cháu.
Con cháu mừng mừng tủi tủi khi được gặp ông bà cha mẹ và trách khéo sao đường đã xa, tầu xe khó khăn bố mẹ tuổi cao, lại còn đem cả gạo cả gà ra thế này thì vất vả khổ sở lắm. Các cụ gạt phắt đi nói dối rằng, quà nhà quê chả có gì ngoài mấy bơ gạo mới và dăm quả trứng, gà nhà nuôi đem làm quà. Nhưng thật ra đó là tiêu chuẩn ăn của các cụ trong những ngày thăm con thăm cháu. Các cụ hiểu lắm chứ, tiêu chuẩn gạo thịt chưa đủ cho chúng, nay tự nhiên có khách chúng lấy đâu ra mà đãi, đong chui thì có mà chết tiền, lương chúng 3 cọc chỉ có 2 đồng, xoay ngang xoay dọc vẫn thiếu. Sống ở thành thị cái gì cũng phải mua, từ nắm lá chè tươi đến rau thơm quả ớt đều là tiền, tiền không à!
Muốn chơi dăm bữa nửa tháng với thằng cháu đích tôn thì cũng không dám vì thấy chúng tốn kém quá, muốn đem cháu về quê thì cháu lại còn quá nhỏ cần sự chăm sóc của bố mẹ nó. Vì thế chả cụ nào có thể ở lại thăm con cháu một hai tháng được mà chỉ dăm bữa nửa tháng lấy cớ phải về vì đến vụ cày, bừa, làm cỏ bỏ phân… hợp tác xã đang chờ.

Chế độ tem phiếu đã hình thành một bức tường vô hình nhưng cực kỳ hiệu quả để giám sát và ngăn cách tình cảm cha con, vợ chồng và họ mạc giữa nông thôn và thành thị, ngăn chặn được nguy cơ biểu tình chống đối của người dân.

Trong một xã hội, sự giao lưu của cộng đồng không thể không có, người nông dân không sản xuất ra vải, quần áo, giày dép… thì họ có thóc gạo, có con lợn, con gà, mớ rau… đem ra để đổi chác (bán và mua) lấy những thứ mà họ cần. Nhưng ở chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ thì điều đó không được phép, bị coi là mầm mống của chủ nghĩa tư bản cần phải tiêu diệt, mà ngày nay người ta thường nhắc lại với cụm từ “Thời kỳ bao cấp”, đôi lúc cũng có nhà báo chỉ mặt vạch tên mà nói toạc móng heo là “Thời kỳ ngăn sông cấm chợ”. Nhưng ngăn sông như thế nào, cấm chợ ra làm sao, nhiều bạn trẻ chưa hình dung ra những biện pháp quái đản của những người thực hiện chính sách vô tiền khoáng hậu ấy.

Muốn ngăn sông cấm chợ, người ta phải đặt rất nhiều trạm kiểm soát và thuế vụ ở ngay những trục đường chính sát ranh giới giữa thành thị với nông thôn. Trạm này có hai chức năng: 1) Kiểm tra giấy tờ người đi lại; 2) Kiểm tra hàng hóa và thu thuế.

Một điều rất đáng ngạc nhiên, thời bấy giờ, cán bộ nhân viên ngành thuế vụ, hầu như 90% là người Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Quyền hành được giao quá lớn biến cán bộ công chức ngành thuế trở thành những ông vua con, tác oai tác quái khiến dân địa phương rất căm ghét, vì thế có rất nhiều bi hài kịch diễn ra trong suốt thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Dân chúng ghét đến mức không cô gái nào muốn kết hôn với dân xứ Nghệ, dù không làm phòng thuế, và gia đình ngăn cấm nếu cô gái nào chót yêu. Họ thường phải về quê lấy vợ. Để chỉ người Nghệ An, người miền Bắc gọi họ là dân Trọ Trẹ để phân biệt với người Lục Tỉnh. Đó là sự thật, một sự thật đau lòng. Nếu bạn đọc là người Nghệ An, xin lượng thứ khi tôi viết những dòng này. Đây là một thời kỳ lịch sử cũng như người Hoa bị kỳ thị. Nhân đây tôi cũng xin kể vài câu chuyện có thực trong đời thường.
Văn Điển là vùng nấu rượu có tiếng, tuy không ngon bằng rượu làng Vân, nhưng nơi đây là trung tâm cung cấp rượu lậu cho Hà Nội và thị xã Hà Đông. Ai cũng biết rượu Văn Điển bán chui thì trạm thuế cũng biết để tịch thu, phạt tiền. Sau nhiều lần mất hàng, các bà các chị nghĩ ra một chiêu khá độc đáo.

Ngày nào cũng như ngày nào, trạm thuế đều thấy các các bà chị quang gánh đi chợ mà chỉ lèo tèo vài cân khoai lang, dăm quả bí, quả bầu, ít rau đay, rau mồng tơi… nhưng bà nào cũng bụng to như người sắp đến kỳ ở cữ. Chiều chiều tầm bốn năm giờ lại thấy các bà các chị này về, quang gánh đầy những hàng trên phố, nhưng đặc biệt bụng hết to, cứ như là ra tỉnh sinh đẻ không bằng.
Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra, vì thế chiêu đựng rượu vào dạ dầy bò, bong bóng lợn đã thuộc sạch phơi khô rửa kỹ đút vào áo, giả trang bà chửa, bị bại lộ. Bị tịch thu nhiều lần, ức lắm, các bà các chị nghĩ kế phải cho bọn trạm thuế mất mặt và tẩn cho chúng một trận để bù những thiệt hại.
Hôm ấy, lại những bà những chị bụng to lũ lượt kéo đi thành đoàn, nhưng lần này cách không xa lại cũng có một đoàn nam giới đi sau, có người còn mang cả chiếc đòn gánh. Qua trạm kiểm soát, ba tay thu thuế đứng chặn ngay cạnh cây tre chắn ngang, hỏi bằng giọng xứ Nghệ:
“Cạc bả cạc chỉ đi đẩu dzẩy?”
“Thưa cán bộ, chúng tôi đi chợ.”
“Cọ rưởu lẩu khổng đậy?”
“Cán bộ cứ đùa, chúng em làm gì có.”
“Khổng cọ đủa. Cạc bả cạc chỉ ghê lẳm, giẩu rưởu vảo bủng giả lảm bả bầu. Thổi biệt điểu, bỏ ra khổng chụng tổi khạm được thỉ đửng cỏ trạch.”
Các bà các chị biết bọn này trúng bẫy cò ke rồi, lớn tiếng:
“Chúng tôi làm gì có rượu giấu trong bụng mà các ông bắt bỏ ra. Không tin các ông cứ khám đi.”
“Khổng cọ nhiệu lởi, cọ bỏ ra khổng?”
“Không có sao mà bỏ ra được.”
Ba tên đưa mắt cho nhau ra dấu hiệu khám một người có vẻ khả nghi nhất. Chưa kịp sờ vào vạt áo, tất cả các bà các chị đồng loạt vén tất cả vạt áo lên và kéo trễ cạp quần xuống, đồng thanh kêu:
“Đây khám đi, khám đi!”
Ba tên mặt đỏ như vừa bị cái tát trời giáng khi nhìn thấy tất cả những cái bụng chửa căng cứng của các bà các cô. Ngay lập tức nhóm đàn ông cũng vừa ập đến vừa chửi vừa giơ nắm đấm đe dọa.
Cứ tưởng như mấy lần trước các bà chứa rượu và dạ dày bò, bong bóng lợn (sau khi đã thuộc kỹ) rồi giấu vào bụng giả làm bà chửa. Ai ngờ hôm nay tất cả là bà chửa thật, làm cho bọn phòng thuế một bữa bẽ mặt.
Chuyện vỡ lở. Một đồn 10, muời đồn 100, chả mấy lúc tin xấu này lan nhanh toàn tỉnh. Trạm kiểm soát này phải đóng cửa. Gần năm sau, một trạm mới ra đời cách trạm cũ hơn cây số.

Sau cải cách ruộng đất và cải tạo tư bản và công thương nghiệp làm mất lòng dân, nhiều nơi có nhưng cuộc nổi dậy lẻ tẻ. Muốn đàn áp, chính quyền đưa ra hai chính sách: Quản lí hộ khẩu và quản lí lương thực thực phẩm một cách thật chặt chẽ. Bởi vì, muốn nổi loạn thì phải tụ tập đông người và phải có lương thực thực phẩm. Có thực mới vực được đạo. Quản chặt hai điều này là giảm được 90% mối họa. Quản lí lương thực như đã kể, bây giờ tôi xin kể về quản lí nhân khẩu.

Bắt đầu từ năm 1958, một tổ 3 người của công an khu phố (phường) đến từng gia đình đưa mẫu khai và hướng dẫn thật tỉ mỉ cách khai lí lịch từ 3, 4, 5… đời, rồi trả lời các câu hỏi trong mẫu khai: có ai di cư vào Nam, có ai làm việc cho chế độ cũ, có ai đang ở nước ngoài. Họ làm thật từ từ, không vội vã, tùng bước chắc chắn cho đến khi không còn điều gì nghi ngờ nữa, rồi cấp cho một sổ bìa màu vàng ghi rõ “Sổ hộ tịch” (bây giờ là “Sổ hộ khẩu”). Tất cả thông tin ấy được lưu trữ trong hồ sơ tối mật.

Nông thôn thì khác, bởi vì người trong làng, trong xã sống chung mấy đời nên biết rõ hoàn cảnh của nhau như thuộc trong làng có mấy cây đa, bao nhiêu đình, chùa, miếu mạo, vì thế việc làm hộ khẩu nhanh và rất gọn. Nông dân không được cấp sổ hộ tịch mà danh sách từng gia đình được ghi đầy đủ trong “Sổ nhân khẩu” để ở UBND xã. Không như dân thị thành là dân tứ chiếng, khắp nơi đổ về, nguồn gốc chẳng rõ nên phải bới lông tìm vết cho rõ ngọn ngành để còn quản lí.

Có đầy đủ tài liệu trong tay (tốt, xấu) nhưng vẫn chưa an tâm, chính quyền đặt ra một điều luật nữa: Đi qua đêm phải báo bằng cách phải xin giấy thông hành; đến nơi thăm viếng phải trình giấy thông hành và chủ nhà phải kê khai tạm trú với phường, xã cho khách.

Có nghĩa là mỗi một làng xã, một khu phố, người dân được “chăm sóc” một cách chu đáo bởi cơ quan chính quyền địa phương (phường, xã). Nếu ta so sánh mỗi xã, phường như một trang trại chăn nuôi gia súc thì mỗi UBND phường xã chính là ông chủ trang trại. Chủ phải biết chính xác số gia súc đi đâu, ở đâu và không được để xổng chuồng chạy rông. Xổng chuồng là có tội với Đảng và chính phủ!

Nhìn bề ngoài, ít ai nhận ra đây là một nhà tù khổng lồ không dây thép, không bốn bức tường bao quanh và cũng chẳng có song sắt.
Chính quyền cộng sản đã biến từng xã, từng phường thành một ấp chiến luợc vô hình, kín đáo để quản lí sự hoạt động hàng ngày của từng người dân. Ấp chiến lược này hoạt động hiệu quả và ít tai tiếng hơn ấp chiến lược của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Ngoài ra Đảng và nước tuyên truyền tuyệt đối đề cao cảnh giác, có nghĩa là gây sự nghi ngờ lẫn nhau trong cộng đồng, theo kế sách chia để trị. Tôi xin kể một chuyện có thật về tính đề cao cảnh giác mà nhân vật chính là tôi.

Ra trường cầm quyết định của Bộ lên công tác tại tỉnh H., tôi được ty phân công về bệnh viện tỉnh, nhưng chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ hàng ngày bắn phá ác liệt thị xã, bệnh viện phải sơ tán vào rừng. Đang sống ở Hà Nội, nay chui ngay vào rừng, đèn dầu nước suối, mở mắt là núi cao trước mặt, xung quanh là rừng xanh vắt muỗi. Chiều thứ Bảy của tuần thứ 2, buồn quá tôi theo xe bệnh viện ra thị xã cho khuây khỏa. Trên đường tôi hỏi anh lái xe và được biết ở thị xã chiều nào cũng có đổi tem gạo lấy bánh mỳ theo tỉ lệ 1 kg tem gạo đổi được 4 chiếc bánh mỳ 250 gr và phải trả 4 hào tiền công. Xuống xe ở trung tâm thị xã, trời đã xâm xẩm tối, tôi đi dọc theo đường quốc lộ xuống ty lương thực, gặp một người đàn ông khoảng 45 tuổi, tôi lễ phép hỏi:
“Bác làm ơn cho tôi hỏi, chỗ đổi bánh mỳ ở đâu?”
Người đàn ông này không trả lời mà nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đầu một cách rất chăm chú, buông ra một câu hỏi đầy nghi vấn:
“Anh ở đâu?”
Hôm ấy tôi mặc bộ quần áo lính do thằng bạn cho, mũ cối mất chóp, chân di dép lê, trông thật khả nghi, trí thức chẳng ra trí thức, dân chẳng ra dân, lính chẳng ra lính. Thôi, thằng cha này nghi mình là gián điệp nhẩy dù rồi. Được, cho tay này một bài học để chừa cái thói ai cũng là gián điệp. Tôi thủng thẳng:
“Tôi ở đây.”
“Ở đây sao không biết chỗ?”
“Ông này hay thật, không biết tôi mới hỏi, chứ biết tôi hỏi ông làm gì?”
Nói xong tôi đi thẳng, đi được vài bước quay đầu lại, thấy ông ta đi theo tôi. Được, đã thế cho mày chạy thi một mẻ. Tôi rảo bước như thể muốn lẩn trốn, y vẫn lẵng nhẵng theo cách tôi khoảng 10 mét, rồi đột nhiên y rẽ vào một nhà ngay sát bên đường, chỉ thoáng một lát có hai người đàn ông trong nhà theo ra và đi rất nhanh về phía tôi. Thấy nhà ông trưởng ty y tế cách khoảng 30 mét, tôi quay đầu lại nhìn ba người như thể thách thức rồi cắm đầu chạy thục mạng. Họ chạy theo tôi. Đến trước cửa nhà ông trưởng ty, tôi đứng lại lấy lại tư thế, rồi nói to:
“Cháu chào bác trưởng ty.”
Ông đang ngồi uống nước và đang ghé sát tai vào chiếc đài Xionmao (Trung Quốc) ngay gian giữa, thấy tôi, ông ngửng lên, vẫy tay bảo:
“Cậu vào đây uống nước.”
Tôi vừa ngồi xuống ghế thì cả ba người kia cũng vừa chạy đến trước cửa. Vừa thở hổn hển vừa giương 6 cặp mắt đầy ngạc nhiên vì không hiểu sao cái thằng giời đánh thánh vật kia lại chạy vào nhà ông trưởng ty y tế mới được cơ chứ. Trưởng ty tôi là người khá nổi tiếng, vì trước khi theo kháng chiến, ông mở trường tư thục nên cả thị xã ai cũng biết mặt biết tên.
Thấy ba người vừa thở vừa chỉ chỉ chỏ chỏ, trưởng ty đi ra cửa hỏi:
“Có chuyện gì đấy các bác?”
Người mà tôi gặp đầu tiên, lấy tay chỉ vào tôi ra ý hỏi.
Ông cười: “Anh này chứ gì? Bác sĩ mới về nhận công tác đấy!”
Ba người kia quay ra mắng nhau:
“Chỉ tại lão Minh khỉ gió này nên mới nên chuyện.”
“Thì ai ngờ tay này nghịch thật.”
Cả ba lủi thủi đi về.
Là cựu hiệu trưởng, ông hiểu sự việc, đến gần rồi vỗ vào vai tôi, cười nhân hậu, bảo:
“Là cán bộ rồi đấy. Thôi trò quỷ sứ đi, anh bạn trẻ.”

Quản lí hộ khẩu đã củng cố địa vị độc tôn của chính quyền vô sản một cách có hiệu quả, chính vì thế dù ngày nay đã cởi mở, xóa bỏ thời kỳ ngăn sông cấm chợ, kinh tế tư bản đang phát triển, con người đã phần nào được cởi trói, nhưng nhà nước không bao giờ bỏ quản lí hộ khẩu cũng như không bao giờ bỏ điều 4 trong Hiến pháp!

© 2009 Lâm Hoàng Mạnh
© 2009 talawas blog



No comments: