Thursday, September 3, 2009

LÝ DO CÓ VIDEO NHẬN TỘI


Lý do có Video nhận tội
Nguyễn Duy Thành
Gửi vào ngày Thứ Năm, 03 Tháng 9, 2009.
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8045

Lý do có Video nhận tội:
Các nhà đấu tranh dân chủ nên biết


Ngày 19-8-2009, nhằm phục vụ mục đích chính trị. Giới cầm quyền Việt Nam đã ngang nhiên chà đạp tính nhân thân của công dân yêu nước, bằng cách phát tán video “nhận tội và xin khoan hồng” của 4 nhà đấu tranh dân chủ. Sự kiện bất thường này đã tạo nên 2 luồng tranh luận cao độ, có khi rất gay gắt và dễ tạo ra sự tiêu trầm về ý chí đấu tranh, cũng như chia rẽ tình đoàn kết.
Tuy nhiên, nhìn từ mọi góc độ của sự tranh luận trên mặt phẳng truyền thông, thì con số rất ít, gần như là không mấy ai là người đã từng trải qua hoàn cảnh hiện tại như 4 nhà đấu tranh dân chủ trong video, hay nói sát thực hơn là tất cả diễn biến đã thấy, đã nghe ở truyền hình đều thuộc về thế giới nhà tù, còn sự tranh luận từ hai luồng thông tin đều phát đi từ những người chưa ở bên trong hàng rào kẽm gai. Có lẽ, hơn bao giờ hết! Cái câu tục ngữ mà dân gian Việt Nam thường nói là :“Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận” đã thể hiện đúng nghĩa nhất cho sự kiện nói trên.

Thưa bạn đọc,

Là người đã từng bị hoàn cảnh như 4 nhà đấu tranh dân chủ trong đoạn video, cũng từng bị nhà nước Việt Nam bắt giữ vì Điều luật 88, từng bị kết án: 10 năm tù giam, và từng trải qua 8 Năm dài “trùm chăn và thấy rận” tại nhà tù “cải tạo”. Vì thế, những điểm quan trọng trong trình tự thủ tục pháp lý của cơ quan an ninh Việt nam đối với tù nhân. Thiết tưởng, rất cần thiết để biết. Vậy, xin được nêu ra dưới đây để cho bạn đọc cũng như các nhà đấu tranh dân chủ nói riêng, nên biết , nên có như một hành trang nhỏ trên con đường tranh đấu.

Một: TIẾN TRÌNH THỦ TỤC PHÁP LÝ CỦA CƠ QUAN AN NINH ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ BẮT CÓ TỘI DANH CHÍNH TRỊ PHẠM


Tất cả đều phải trải qua các bước trình tự dưới đây:

Hình thức bị bắt và giam giữ: Đã bị cơ quan an ninh Việt Nam liệt tên vào dạng: Chính trị phạm, thì người bị bắt có khi bị còng tay hoặc có khi không vì tùy theo hoàn cảnh của vụ án và hiện trường vây bắt. Tuy nhiên, việc giam giữ thường hay bị biệt lập, nhất là đối với đồng phạm đồng vụ, cắt đứt quan hệ với thân nhân, kể cả thư từ để tránh trường hợp thông cung, phần lớn các chính trị phạm phải bị nhốt ở xà lim (KASÔ) một mình trong suốt thời gian hỏi cung (tức thẩm vấn).

Lệnh tạm giam: Ngay từ ngày đầu tiên hoặc có thể 1-3 ngày, tại nhà giam người bị bắt sẽ được một nhân viên an ninh gọi là: Công an chấp pháp đọc cho nghe lệnh tạm giam với thời gian 4 tháng, nếu việc khai báo chưa xong thì đọc tiếp.. và .. tiếp.. lệnh giam. Người bị bắt lúc này trên giấy tờ gọi là bị can, và phải tự ký vào lệnh tạm giam đó.

Viết bản tường thuật (tự khai hay kiểm điểm): Cũng có thể ngay trong ngày đầu tiên hoặc vài ngày sau đó, nhưng bao giờ cũng vậy, người bị bắt phải viết bản tường thuật này trước thời gian hỏi cung, vì đây là một đòn “cân não” của cơ quan điều tra đối với người bị bắt, vì có những vụ án, công an đã không phá được án, chỉ “bắt đại bắt ẩu” theo sự nhận định, nhưng vì người bị bắt đã lầm tưởng rằng họ đầy đủ chứng cớ nên viết hết ..lên bản tự khai, từ đó công an xét hỏi dựa vào đó mà triển khai ra vấn đề của vụ án.

Điều tra xét hỏi: Người công an chấp pháp đọc lệnh tạm giam chính là người mà trong văn bản gọi là: Cán bộ điều tra xét hỏi, người này thuộc tổ điều tra xét hỏi chính trị bao giờ cũng là cấp tỉnh, nếu vụ án quan trong hơn thì phải liên quan đến bộ, hay cục phản gián, tình báo vv..v.v. Tờ giấy để ghi chép trong khi thẩm cung gọi là biên bản xét hỏi bị can, nghĩa là có 2 phần, phần hỏi thuộc về cán bộ điều tra, phần trả lời thuộc về bị can, dù khai láo hay thật thì sau mỗi biên bản đều được đọc lại và cùng ký tên. (Tức, sau này họ dùng từng biên bản để đối chiếu và nhằm biết sự thật của vụ án, và mức độ khai báo của người bị bắt).

Kết cung: Sau thời gian từng ngày, từng lần, từng biên bản điều tra xét hỏi, cơ quan điều tra xét thấy rằng vụ án có đầy đủ yếu tố để khởi tố . Dó đó, nhân viên xét hỏi đang thụ lý hồ sơ của bị can sẽ căn cứ vào thứ tự của từng biên bản, để viết thành một biên bản tổng hợp dựa trên trình tự thời gian và sự kiện phạm án của bị can, mà biên ban tổng kết này gọi là: Kết cung.

Xin bạn đọc nhớ cho biên bản này viết rất hay, rất thủ đoạn vì thủ thuật viết lách của người điều tra xét hỏi rất dày dạn kinh nghiệm, không chỉ trong lãnh vực điều tra mà có thể nói họ giỏi trong văn chương cú pháp mang tính pháp lý buộc tôi.. Tuy nhiên, điểm đáng nhớ là đoạn cuối của biên bản kết cung, trong phần kết luận vụ án thì nhân viên điều tra xét hỏi đều ghi rằng, bị can đã cúi đầu nhận tội và thành khẩn khai báo để xin hưởng lượng khoan hồng của đảng và nhà nước. Sau đó, toàn bộ biên bản này được đọc lại cho bị can nghe và ký tên, và chính bản kết cung này sẽ được chuyển lên Viện Kiểm Sát “nghiên cứu” và luận tội bằng một: cáo trạng.

Bản cáo trạng: Kết cung xong, nghĩa là thời gian này người tù có chút thoải mái vì không bị hạch hỏi nữa, tha hồ nằm dài rồi làm thơ như ông Hồ Chí Minh. Trong lúc đang “tuần trăng mật” ngon lành.. thì cáo trạng đến. Thôi thì bản văn mà người tù gọi là “Điếu sớ dâng tử thần” này.. hay lắm, vì dòng họ 3 đời từ “ Bố tiên sư đến đời nhà nó” của bị can không là ác ôn thì cũng là ác bá, và cuối cùng Viện kiểm sát luận tội chiếu theo bộ luật và đề nghị tòa án cách ly bị can ra khỏi xã hội, để “ cho y có thời gian an tâm học tập đường lối của đảng và nhà nước” (viết theo nguyên văn đề nghị của cáo trạng).

Phiên tòa xét xử: Đúng ngày như cáo trạng ấn định thì bị cáo ra tòa, tất cả như một kịch bản đã sắp xếp . Sau khi có án thì được gặp gia đình và có quyền làm đơn kháng án trong 2 tuần. Sau đó, theo “chuyến xe định mệnh” để “bay” ra trại “cải tạo”, và “cuộc đời vẫn đẹp sao” bắt đầu từ đây….. ..

Hai: VÌ SAO CÓ VIDEO NHẬN TỘI CỦA 4 NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ.

Chẳng có gì để bàn luận và tranh cãi để mất sự đoàn kết trong đấu tranh. Bởi lẽ, như bạn đã đọc theo trình tự pháp lý đã xảy ra sau cánh cửa nhà tù, thì thủ tục trong ngày kết cung rất quan trọng. Xin võ đoán về đoạn video xảy ra như thế này. Nghĩa là hôm đó, bị can được gọi lên kết cung nhưng trước khi vào làm việc, thì viên công an xét hỏi nói rằng:

- Từ ngày anh bị bắt đến nay, thái độ khai báo của anh rất thành khẩn và hợp tác với chúng tôi, cũng như nhà nước ta có chính sách rất rõ ràng. Tuy nhiên gia đình anh bên ngoài đã tỏ ra lo lắng vì có nhiều tin đồn nhảm nhí. Nay, vì muốn chứng minh sự thật để gia đình của anh được an tâm là nhà nước sẽ “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Vì thế, chúng tôi có mời đài truyền hình VTV1 đến đây giám sát cho buổi làm việc này.
Dù rằng thông thái về luật pháp như Ls. Lê Công Định thì cũng chẳng từ chối được, vì nghe công an nói rất có lý, bởi biết đâu thân hữu, gia đình bên ngoài thấy mình vẫn mạnh khỏe thì sẽ an tâm..Và cứ thế, viên công an “tự nhiên như người Hà Nội” nói thêm rằng:

- Thay vì, tôi sẽ đọc biên bản kết cung này, nhưng nay tôi công bằng để cho anh đọc to, còn tôi ngồi nghe, sau đó thấy điểm nào không vừa ý thì tôi sửa lạ
Nói xong, viên công an quăng gói thuốc thơm xuống bàn. Vậy là "dất lầu” rồi, không khí làm việc rất công bằng, rất thoải mái. Sau đó cùng ký tên vì đã “hợp tác hữu nghị”. Nhưng ai đâu ngờ “Em Lan nó chơi thằng Điệp”, toàn bộ phần đầu của đoạn phim, cơ quan an ninh cắt bỏ như “Em Lan cắt đứt dây chuông lạnh lùng khép cẳng”. Vậy thôi, chỉ cần đoạn “cúi đầu nhận tội và xin khoan hồng” để sử dụng cho mục đích chính trị, là được rồi! Còn việc không cầm giấy để đọc thì chẳng có gì thắc mắc, bởi lẽ người bị bắt chỉ nói lại quá trình hoạt động của mình, điều đó chẳng khác nào một người bình thường ngồi kể lại kỷ niệm đã qua.

Riêng trường hợp của Ls. Lê Công Định thì có thể rơi vào giai đoạn viết bản tường thuật, vì chỉ vài ngày sau khi bị bắt thì đã có video.
Lập luận trên chỉ là giả thiết. Nhưng với kinh nghiệm từng trải qua, có thể khẳng định sự việc đã xảy ra trong trình tự như thế!

CÓ NÊN ĐỌC LỜI NHẬN TÔI TRƯỚC ỐNG KÍNH QUAY PHIM KHÔNG?

Tốt nhất nên hiểu rằng, mỗi khi chính mình đã bị bắt dưới “tội danh chính trị” thì việc nói, hay viết về sự nhận tội hay không nhận tội, hoặc xin khoan hồng hay không xin, tất cả đều giống nhau, và xin nhấn mạnh là hoàn toàn giống nhau trước vành móng ngựa của tòa án CSVN. Bằng chứng, Linh mục Phan Văn Lợi chỉ viết một vở kịch để phục trong nhà thờ cũng bị gọi án 4 năm, nhưng hết án rồi, nhà nước lại chuyển qua tập trung cải tạo 3 năm nữa, nghĩa là không tội gì cả, thích thì giam chơi.

Riêng Linh mục Nguyễn Hữu Giải thì càng lạ hoắc hơn, vì không có tội tình gì, nếu đem ra xét theo bộ luật Việt Nam, cứ tạm gọi là tội: Đi tu. Tuy nhiên, “nhà nước ta” đã không thích ..thì Linh mục Giải phải ngồi tù với cái án cao su là 3 năm tập trung cải tạo, và hết 3 năm này đến 3 năm khác rồi 3 năm nữa (người viết cùng thời 1981- 1989 với hai vị này, nên biết rất rõ ràng). Hoặc nhà sư Thích Quảng Độ phát gạo cứu đói cho đồng bào bị bão lụt cũng tội hay sao mà phải ở tù? Gần đây có Ls Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Đài hay Linh mục Nguyễn Văn Lý có nhận tội đâu! Nhưng vẫn bị án phạt. Do đó, dù trong hoàn cảnh nào thì người bị bắt nên từ chối việc quay phim. Lấy đơn giản một ví dụ, là trước máy quay phim, người bị bắt cứ gục mặt xuống bàn và ôm bụng la to như “nằm vạ”- Tôi đau bụng quá, cán bộ ơi… là xong chuyện..

Đừng đặt quá nhiều giả thuyết là bị tra khảo, đánh đập...vv.. và cũng không nên dùng lập luận pháp lý dân chủ của các nước tây phương để suy luận về hình ảnh “nhận tội” của 4 nhà đấu tranh dân chủ. Bởi lẽ, sự dân chủ đó không thể áp dụng hay đúng nghĩa với Bộ Luật Rừng của Việt Nam. Xa hơn, mỗi khi hình ảnh nhận tội được ghi lại bằng video thì rất khó cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, hay đồng bào hải ngoại kêu gọi sự can thiệp giúp đở, vì phía nhà nước Việt Nam cứ khăng khăng bảo vệ lập luận của họ là không sai, vì ngay cả người bị bắt cũng đã cúi đầu nhận tội. Thật còn nhiều điểm để lý giải nếu không muốn nói là có nhiều bất lợi khi nhận tội trong hoàn cảnh này.

Tuy nhiên, qua video của 4 nhà đấu tranh dân chủ đã cho mọi người có nhiều bài học và kinh nghiệm hơn trên con đường đấu tranh. Thiết nghĩ, không gì quý báu và trân trọng hơn. Là mọi người nên thông cảm, thấu hiểu và ủng hộ cho các nhà đấu tranh dân chủ nói trên. Đường đấu tranh gian khó, hiểm nguy có khi phải đánh đổi cả tính mạng, nhất là phải đối diện với một tà quyền đầy manh nha và thủ đoạn như giới cầm quyền Hà Nội, thì việc hun đúc, tích lũy kinh nghiệm của người đi trước vẫn là một điều cần thiết. Bởi, có những chiến thắng trong đấu tranh cũng được bắt đầu từ một kinh nghiệm, mà kinh nghiệm đó phải đổi lấy một bản án tử hình hay chung thân tù ngục. Vì thế, hãy thương yêu và đoàn kết trong cuộc đấu tranh này.

Nhân ngày kỷ niệm 28 năm, ngày mà người viết đã “đội đá vá trời”, xin được gởi đến bạn đọc cùng quý nhà đấu tranh dân chủ một vài kinh nghiệm như những kỷ niệm đã qua, của một người được Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc xem như là nhỏ tuổi nhất, nhưng phải tù nhiều nhất trong công cuộc đấu tranh chống cộng sau năm 1975, và cũng là người tù có tên trong danh sách 188 tù nhân chính trị có bản án 10 năm trở lên trong giai đoạn 1975-1981 (phản động) của Miền Nam Việt Nam.

Xin kính chúc quý nhà đấu tranh dân chủ vững chí trên đường đấu tranh. Xin chia sẻ nỗi đau cùng quý anh chị em đang quằn quại trong lao tù.
Chính nghĩa sẽ thuộc về quý vị.

Nguyễn Duy Thành
(tức Thành phản động)



No comments: