Tuesday, September 8, 2009

LỊCH SỬ HÀNG HAI


Lịch sử hàng hai
Trần Quốc Việt
08/09/2009 7:10 sáng
http://www.talawas.org/?p=9957
Người chiến thắng viết lại lịch sử, người thua mất lịch sử. Nhưng lịch sử như thế nào nếu người thắng và kẻ bại chỉ là một? Nước Nga rơi vào trường hợp này, thắng Đức trong cuộc chiến tranh nóng thế giới lần thứ hai, thua nặng trong cuộc chiến tranh lạnh với thế giới tự do.

Thế là lịch sử chính thống đi hàng hai ở Nga, trông không giống ai hết, ngoại trừ ở mấy nước toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, và Bắc Hàn, nơi lịch sử đã không còn là lịch sử trung thực bắt đầu ngay từ thời điểm người chiến thắng nắm toàn quyền trong tay, còn toàn bộ lịch sử trước đó bị họ đem nhúng vào cái chảo thuốc nhuộm chính trị để cho ra đời một thứ lịch sử quốc doanh chính thống một màu duy nhất, nhằm ru ngủ thế hệ hiện tại và lừa bịp các thế hệ sinh sau.

Tuần báo Newsweek viết như sau về lịch sử đi hàng hai ở Nga:

“Ở Nga, lịch sử quan trọng đến nỗi không thể nào phó mặc nó cho các nhà viết sử, hay ít ra đó là những gì mà Điện Kremlin dường như tin tưởng. Vào tháng Năm, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đề nghị rằng ‘chất vấn chiến thắng Xô-viết trong Thế chiến thứ hai’ nên được xem là một tội hình sự, và đã lập ra một uỷ ban có nhiệm vụ ‘phản bác lại những mưu toan làm giả lịch sử mà có hại cho quyền lợi của Nga.’ Ông Medvedev đang làm theo lời dạy trong cuốn cẩm nang cũ thời Xô-viết, theo đó dùng những sự kiện chính, cụ thể là sự thua trận của Quốc xã, để hình thành một bản sắc quốc gia tập thể cho nước Nga đa dạng về sắc tộc và ảm đạm về kinh tế ngày hôm nay. ‘Một phần cơ bản trong cẩm nang này là: hãy quên các tội ác cộng sản.’ Vào tháng Chạp vừa qua, cảnh sát Nga tịch thu tài liệu lưu trữ của Tưởng Niệm, một tổ chức phi chính phủ Nga chuyên ghi lại thời kỳ đen tối của chủ nghĩa Stalin. Sử gia người Anh Orlando Figes tin rằng bản in tại Nga cho cuốn sách đoạt giải của ông, bị huỷ bỏ vào đầu năm nay, là một nạn nhân khác của sự đúng lập trường mới về chính trị. Nước Nga hiện đại có thể là không toàn trị, nhưng Điện Kremlin rất cố ý giám sát một quan điểm lịch sử chính thống, và, giống như chính quyền tiền nhiệm cộng sản trước đây, họ sẵn sàng hy sinh sự thật nhân danh sự thống nhất.”
[1]

Tôi có đọc ở đâu đó, người dân Bắc Hàn được dạy rằng quân đội Thiên hoàng Nhật đầu hàng là do cuộc kháng chiến anh hùng dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành. Họ không bao giờ biết đến hai quả bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống Nhật. Người dân Bắc Hàn hôm nay nhìn lên mặt trăng vẫn chưa biết con người đã lên trăng cách đây bốn mươi năm. Họ không được biết, bởi vì kẻ thù Mỹ đã thực hiện được điều kỳ diệu này. Lịch sử với ý nghĩa đích thực của nó đã chết từ lâu ở Bắc Hàn.

Lịch sử chính thống ở Việt Nam ngày nay đâu có nhắc đến những sự kiện đau lòng như thảm cảnh vượt biển của hàng trăm ngàn người, những cuộc di dân cưỡng bách kiểu đem con bỏ chợ kinh tế mới. Mậu Thân được xem là chiến thắng kỷ niệm ồn ào ở ngoài đường phố, nhưng là “những dải khăn sô cho Huế” chưa bao giờ được cởi ra trong lòng người. Cải cách Ruộng đất, trong suy nghĩ của thế hệ trẻ ngày nay ở trong nước, chắc có lẽ chỉ là mốc khởi đầu bình thường cho một chuỗi dài của những chuyện sai rồi sửa, sửa rồi sai mà họ thấy thường xuyên trong đời. Họ đâu có được dạy qua sách giáo khoa ở trường về nó như là một nhát dao chí mạng đâm vào lòng đạo đức truyền thống được gầy dựng và chắt lọc từ bao đời của dân Việt. Cuộc chiến biên giới phía bắc chống Trung Quốc 1979 có mặt trong sách sử chính thống ngày nay không? Đừng nói gì đến những ngư dân Thanh Hoá bị giết chết hay những ngư dân Quãng Ngãi bị giam cầm. Họ là nhũng hạt bụi trong vô vàn hạt bụi chưa bao giờ đươc cấp hộ chiếu để đi vào lịch sử quốc doanh của chế độ.

Lịch sử hàng hai của các chế độ toàn trị là giả lịch sử, nơi đến cuối cùng của nó không phải ở trong lòng người mà ở trong bãi rác của lịch sử đích thực.

© 2009 Trần Quốc Việt
© 2009 talawas blog

---------------------------------------

[1] Xem bài của Owen Matthews, Newsweek, ấn bản phát hành ở Mỹ, số ra ngày 27 tháng Bảy 2009, trang 11

Giải khăn sô cho Huế (Việt Báo)


No comments: