Tuesday, September 15, 2009

KHỎI CẦN PHẢN BIỆN


Khỏi cần phản biện
Nguyễn Giang
BBCVietnamese.com

Cập nhật: 03:03 GMT - thứ ba, 15 tháng 9, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/09/090915_giang_ids.shtml
Tin Viện Nghiên cứu Phát triển IDS tuyên bố tự giải thể hôm 14/09 là dấu chấm hết của xu hướng tự tìm tòi các giải pháp gợi mở cải tổ chính sách từ bên trong hệ thống chính trị-kinh tế ở Việt Nam.
Bên ngoài, quyết định của nhóm 16 trí thức, nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam là để đáp lại Quyết định 97 do Thủ tướng Chính phủ ký đã lâu nhưng chỉ có hiệu lực từ 15/đ9/2009, cấm "phản biện công khai".
Họ tuyên bố tự giải thể Viện vì "không thể làm tròn trách nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình".
Nhưng bên trong, có vẻ như nhóm trí thức cổ súy cho tư duy độc lập đã thấy con đường họ theo đuổi từ khoảng 2-3 năm qua đã không đi đến đâu.
Và trên thực tế, logic của hệ thống chính trị tại Việt Nam hiện nay chưa bao giờ chấp nhận hoạt động của một viện nghiên cứu tương đối độc lập như vậy.
Lý do là chỉ riêng sự hiện diện của một nhóm trí thức bàn thảo một tháng hai lần về các vấn đề công và đôi khi gửi kiến nghị lên cho các nhà hoạch định chính sách cũng là quá nhiều.
Bởi một viện như vậy, dù hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có thể trở thành tiền đề cho các viện khác ra đời để bàn về cả những vấn đề khác.
Trong một bộ máy chuyên chính, việc ngăn ngừa tính lan tỏa của các cơ quan công cộng thuộc xã hội dân sự là tất yếu.

Không gian công không thể nào chia sẻ với bất kỳ ai ngoài hệ thống mà người ta có thể chỉ đạo trực tiếp theo các mục tiêu lâu dài hoặc đoản kỳ.
Tranh cãi đúng sai xung quanh các văn bản pháp lý và cả văn kiện của đảng cầm quyền về hoạt động trí thức nói chung và Viện IDS nói riêng xem ra phí thời gian. Việt Nam không theo mô thức tam quyền phân lập nên các nhà làm luật cũng chính là bên diễn giải và thực hiện luôn pháp luật.

Mặt khác, ra đời vì được sự khuyến khích của ông Võ Văn Kiệt và phần nào phản ánh ý tưởng hệ thống có năng lực tự cải tổ mà ông tin vào, nay Viện IDS không còn ai bảo vệ nữa.
Theo các tài liệu do chính Viện công bố công khai trên mạng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đắn đo trong việc cho áp dụng Quyết định 97.

Bước tiếp theo?
Nhưng bản thân ông Dũng cũng không thể "mạnh hơn cả hệ thống", theo như một nhà quan sát từ Việt Nam nói với BBC.
Tuy vậy, nhìn một cách công bằng thì việc ông Dũng hay ai khác không bảo vệ đến cùng sự tồn tại của IDS lại là hay.
Thứ nhất, đã là một cơ quan nghiên cứu độc lập, viện IDS hay bất cứ cơ chế thảo luận, tư vấn chính sách nào sau này có ra đời ở Việt Nam cũng không nên là "sân sau" của một nhân vật nào đó, dù còn sống hay đã qua đời.
Người ta có thể lấy ý tưởng từ một nhân vật chính trị, trí thức, học giả như Viện Frederick Ebert ở Đức, Viện Adam Smith ở Anh và Đông Âu, hay đại học mang tên Rockefeller ở Mỹ, nhưng các viện phải tự sống được qua mọi thử thách của thời gian, và cả sức ép thị trường hay chính trị.
Thứ hai, vì không thể tồn tại trong cơ chế này, để viện giải tán cũng là tín hiệu cho thấy một cuộc chơi đã phải chấm dứt..

Câu hỏi là các trí thức Việt Nam từng tập hợp trong IDS và cả những người còn tin vào khả năng nhờ vào phản biện để cải tổ bộ máy cho hiện đại hơn, dân chủ hơn sẽ phải làm gì?
Có thể họ phải nghỉ ngơi đôi chút để xem đã có hay chưa một cuộc chơi mới và nếu có thì nó như thế nào.
Bỏ ngoài tai các suy ngẫm của họ, một phần giới doanh nghiệp và những tay làm ăn khai thác "con bò sữa" nhà nước đã có cuộc chơi đầy tiền của và quyền lực ngầm của mình.
Những người này, giống như các nhân vật chính trị khôn ngoan là đối tác của họ, biết rất rõ mình cần phải làm gì.
Vì thế, họ chẳng hề cần cái gọi là "phản biện xã hội".


------------------------------------------------------------

Quyết định 97 và ý đồ biến giới trí thức thành công cụ của người cầm quyền (viet-studies)
TS Nguyễn Quang A trả lời RFA về vụ Viện IDS tự giải thể (RFA)
Vì sao Viện Nghiên cứu Phát triển IDS phải đóng cửa? (RFA)
‘Quyết định khó khăn’ (BBC)
IDS tự giải thể để phản đối Quyết định 97 (BBC)
Viện Nghiên Cứu Chiến Lược IDS của Việt Nam tự giải thể để phản đối chính phủ hạn chế tiếng nói khác biệt (RFI)
Viện IDS tự giải thể để phản đối quyết định cấm phản biện (VOA)
Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Viện IDS)
Một số văn thư liên hệ (vietstudies)
Việc giải thể IDS là một bước lùi rất lớn cho Việt Nam (dan luan)
Không, quyết định của IDS không hẳn là một bước lùi! (dan luan)
Vietnam think tank disbands to decry restrictions (AP 15-9-09)
Vietnam's first private think tank folds (Reuters 15-9-09) –
New Vietnam law shuts down independent think tank (DPA 15-9-09)



No comments: