Friday, September 11, 2009

ĐIỀU KIỆN TẠO TÍN NGHĨA


Ðiều kiện tạo tín nghĩa
Ngô Nhân Dụng
Thursday, September 10, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101084&z=7

Bài trước đã nhắc đến một
“phép lạ xã hội” ở mấy nước Á Ðông theo truyền thống Khổng Giáo, trong mắt nhìn của một ký giả Mỹ. Khi kinh tế suy yếu, không có cảnh tội phạm tăng và gia đình tan vỡ trong các xã hội đó, như thường xảy ra ở nhiều nước Phương Tây. Nhưng đối với người dân các nước Á Ðông này thì họ sống phép lạ đó hàng ngày. Họ sống thuận thảo với nhau vì chia sẻ những niềm tin vào các quy tắc đạo lý, như tin rằng ai cũng tôn trọng tín nghĩa, tất cả đã “ký một hợp đồng chung sống” như vậy.

Trong xã hội nào mọi người cũng sống với những hợp đồng ngầm hiểu. Những người lái xe trên xa lộ ở Mỹ bắt buộc phải tin rằng hơn 99% những người lái xe khác đều tôn trọng luật đi đường. Nếu không thì cả hệ thống xa lộ thành rừng rú! Sống trong xã hội Á Ðông với truyền tống Nho Giáo cũng có những hợp đồng hiểu ngầm dài hạn loại đó. Ra đường gặp ai là có thể tin đến 99% rằng người đó cũng được cha mẹ dạy các quy tắc Lễ Nghĩa Liêm Sỉ giống như mình. Căn bản của lối sống có Tín Nghĩa là lòng kính trọng người khác, quan tâm đến sự an vui của họ, lo giữ mối liên hệ với người khác được thuận thảo. Tại sao các nước Á Ðông giữ được những bản hợp đồng Tín Nghĩa suốt đời này sang đời khác? Nói theo lối kinh tế học thì lý do là không ai muốn phá vỡ bản hợp đồng tín nghĩa vì nếu nó bị phá bỏ đi chính mình sẽ bị thiệt thòi, đời sống mỗi người sẽ “tốn kém” hơn!

Sau khi nghe kể chuyện ở thành phố Tokyo, 26 triệu người và tại nhiều thị xã nhỏ ở Mỹ người ta có thể bỏ xe đạp ngoài đường mà không lo phải khoá, có độc giả đã viết thư nhắc nhở rằng hồi xưa ở nước ta cũng vậy. Một vị cho biết năm 1954 ở Sài Gòn ông đã sống như thế. Ðêm không khoá cửa, xe đạp dựng trước nhà cũng không khoá. Một vị độc giả khác kể chuyện năm 1959 ông dựng cái xe đạp ngoài bờ sông Sài Gòn đứng hóng mát; sau đó có một người rủ lên xe hơi đi uống bia. Ông đi tới 11 giờ khuya, trở lại Bến Bạch Ðằng thấy cái xe không khoá vẫn dựng đó không mất. Cái phép lạ xã hội mà nhà báo Mỹ thán phục, ngày xưa ở Việt Nam cũng xảy ra.Chắc lối sống của dân Sài Gòn hồi 1954-59 cũng không khác gì đời sống ở Tokyo ngày nay. Nếu như dân ta giữ được nếp sống đó cho tới bây giờ thì cuộc sống mọi người chắc vui vẻ hơn, nhàn nhã hơn, và nghĩ đến tương lai con cháu cũng sẽ yên tâm hơn nhiều.

Làm sao để xã hội giữ được những quy tắc sống có Tín Nghĩa? Làm cách nào mọi người nhìn thấy nhau là hãy tin cậy trước khi nghi ngờ, nghe ai nói gì thì trước hết hãy coi đó là lời nói thật? Chúng ta có thể thiết lập lại bản hợp đồng xã hội lấy Tín Nghĩa làm tiêu chuẩn sống?

Có lẽ chúng ta sẽ tránh không lên giọng hô hào phục hồi môn đạo đức trong trường học, dù đó là một việc bắt buộc phải làm. Vì dạy thêm một số quy tắc đạo đức cho trẻ em mà khi ra ngoài xã hội các em thấy mọi người (có khi cả cha mẹ các em) không sống theo các quy tắc đạo đức, thì cũng không ích lợi lắm. Hô hào trên báo, đài cả ngày cũng chưa chắc có hiệu quả.

Nên tìm ra những giải pháp thực tế. Mà khi nói đến chuyện thực tế thì có một cách là tính toán theo lối kinh tế học. Theo lối nhìn kinh tế học thì phương cách tốt nhất để một người khác có thể tin mình là làm sao người ta thấy nếu mình không làm đúng lời mình nói, đúng lời hứa hẹn, thì sẽ bị thiệt hại rất lớn. Tức là có hai con đường: Giữ lời hứa có thể bị thiệt, nhưng còn có thể không bị thiệt. Ngược lại, nếu không giữ lời thì sẽ bị thiệt hại rất nhiều, với xác suất 100%! Nếu mọi người trong một xã hội đều thấy như vậy thì hầu hết, nếu không nói là tất cả, sẽ cố giữ Tín Nghĩa, và xã hội sẽ thay đổi.

Quy tắc này đã được sử dụng trong đời sống: Khi chúng ta đi vay nợ, ngân hàng yêu cầu phải có vật cầm thế “làm tin”. Nếu mình không trả nợ, sẽ mất mát nhiều hơn! Vua nước Tần muốn nước Triệu tin lời giao ước của mình thì cho một hoàng tử sang ở nước Triệu làm “con tin”. Hành động đó cũng không khác gì mình cầm thế cái nhà cho ngân hàng khi vay nợ.

Vua nước Triệu có thể lầm, nếu vua Tần thực lòng không coi tính mạng đứa con mình ra gì cả; hoặc ông ta sẵn sàng hy sinh con để mưu đồ một sự nghiệp lớn hơn. Tại sao vua Triệu có thể bị lừa? Vì trong vụ giao dịch giữa Tần và Triệu, không có những tiêu chuẩn định giá khách quan để xem giá trị tính mạng ông hoàng tử đối với vua Tần cao hay thấp. Bây giờ khác. Các ngân hàng thường tìm được giá thị trường của một ngôi nhà, họ chỉ cho vay khi giá trị đó cao hơn món nợ rất nhiều; cho nên ít khi họ lầm. Thị trường là nơi cung cấp những tin tức khách quan, khác với tình cha con của vua Tần mà chỉ ông ấy biết. Trừ khi chính các ngân hàng cũng làm bậy vì họ bỏ qua những quy tắc tín dụng! Chuyện đó mới xẩy ra ở Mỹ, không phải lỗi ở thị trường mà lỗi của ngân hàng. Trong cả hai trường hợp, đưa hoàng tử đi làm con tin hoặc cầm thế nhà để vay nợ, người ta đều thấy nếu một người không giữ đúng lời hứa thì hắn ta sẽ chịu một sự thiệt hại lớn, còn nếu giữ lời hứa thì sẽ đỡ hơn. Ðó là một cách bảo đảm người hứa hẹn sẽ giữ lời. Có một cách bảo đảm cho người ta phải giữ lời hứa trong xã hội bây giờ là ai không giữ lời sẽ bị ra toà án. Toà án là một định chế để trừng phạt những người không làm đúng hợp đồng. Nhưng đó phải là những hợp đồng công khai và minh bạch.

Dmitry Karamazov, nhân vật của Dostoievsky kể chuyện một viên trung tá trong quân đội Nga hoàng, có trách nhiệm quản trị ngân quỹ cả đơn vị lục quân. Sau mỗi lần thanh tra tài chánh đến khám sổ sách, đếm tiền, viên trung tá này lại đem một món tiền lớn trao cho Trifonov, một thương gia. Sau khi dùng tiền vốn này buôn bán, Trifonov sẽ đem trả lại vốn và lãi, cộng thêm những món quà hậu hĩnh. Cả hai cùng có lợi, mà ngân quỹ vẫn không bị mất đồng nào. Cho tới bữa viên sĩ quan tài chánh bị đổi đi. Ông ta đến Trifonov đòi lại 4,500 rúp trả vào quỹ. Nhà buôn này chối biến: “Tôi vay nợ ông đồng nào đâu, mà ông đâu có tiền, làm sao tôi vay tiền của ông được nhỉ?”
Dmitry Karamazov nhận xét rằng viên trung tá đã quá tin tưởng vào Trifonov. Niềm tin này dựa trên giả thiết là Trifonov phải giữ lời hứa, phải tôn trọng bản hợp đồng ngầm hiểu giữa hai bên, bản hợp đồng đó tạo ra một người thì tin và người kia thì được tin tưởng. Nhưng họ có ký kết một bản hợp đồng nào hay không? Nghĩa là người này có thể kiện người kia ra toà nếu hắn không tôn trọng hợp công hay không? Trong trường hợp này rõ ràng là không. Không ai dám ký một bản hợp đồng viết rằng “Chúng tôi thoả thuận cùng nhau rút bớt tiền viện trợ của Nhật Bản để cùng nhau đi cá độ bóng đá!”

Khả năng có thể ký hợp đồng mà bản hợp đồng có hiệu lực thi hành, đó là một nền tảng tạo ra lòng tin tưởng lẫn nhau. Cuối thời Chiến Quốc và thời Tam Quốc, việc thi hành hợp đồng là do người ta tự làm lấy. Vũ lực là cách họ quen dùng để thi hành các bản hợp đồng. Giống như các đảng Mafia bây giờ vẫn áp dụng. Vì họ không thể ký những hợp đồng cùng đi ắn cướp hoặc giết người. Theo lối mafia, ai không làm đúng hợp đồng thì cho một lưỡi đao!

Còn trong xã hội văn minh thì niềm tin giữa mọi người dựa trên pháp luật. Muốn người ta tin thì phải làm sao người ta thấy họ có thể kiện mình ra toà, như Thomas Schelling từng diễn giải: Một người dễ được tin tưởng vì hắn có thể bị kiện! Ở các quốc gia Á Châu (ngoài Việt Nam và Trung Quốc), người dân bớt thói quen hối lộ quan chức chính vì người ta biết các quan chức cũng có thể bị kiện ra toà. Các quan chức cũng biết họ có thể kiện ông thủ tướng, ông tổng thống ra toà. Một người có thể bị kiện ra toà thì dễ được người khác tin tưởng hơn. Nếu tất cả đều phải sống theo quy tắc đó thì chúng ta có thể tạo nên niềm tin cho cả nước. Thí dụ, niềm tin vào guồng máy công chức trong sạch.

Một xã hội sống trong Tín Nghĩa thì chắc chắn phải coi chuyện tham nhũng là chuyện bất thường. Những người hối lộ và ăn hối lộ đều “xé bản hợp đồng” mà mọi người đã thoả thuận ngầm với nhau. Cũng giống như nếu có người lái xe ra đường mà bất chấp luật lệ. Nếu nhiều người cứ ngang nhiên lái như thế mãi thì coi như cả thành phố hay cả nước không có luật lái xe. Bản hợp đồng bị xé, mạnh ai nấy sống. Nạn tham nhũng là thứ làm tiêu hao đạo lý của một xã hội rất tai hại, chưa kể những thiệt hại vì kinh tế không tiến được đúng mức. Vì khi bản hợp đồng đạo lý của xã hội bị xé rồi, rất khó tái lập. Phá nó rất dễ, xây dựng thì rất khó.

Những người cầm quyền ở Nhật Bản, Nam Hàn hay Ðài Loan đều hứa hẹn với dân chúng là họ không chấp nhận cho quan lại tham nhũng. Các quan chức nước họ cũng đều hứa hẹn với cấp trên như thế. Bất cứ chính quyền nào cũng có thể đều hứa hẹn như vậy, nhưng làm sao cho dân tin?

Một yếu tố giúp cho nạn tham nhũng ở các nước này giảm bớt là vì người ta biết có những toà án xử tội người tham nhũng rất nặng. Trước khi xé bản hợp đồng với xã hội mà ăn hối lộ, nếu biết trước là mình có thể bị thiệt hại rất nặng nếu bị bắt, thì thế nào người ta cũng ngần ngại không đòi đút lót nữa. Xác suất bị bắt càng lớn thì càng bớt tham nhũng. Ở Mỹ khó lòng hối lộ một cảnh sát viên, vì lương một anh cảnh sát mới ở Los Angeles, chỉ cần tốt nghiệp trung học, cũng trên 50,000 đô la một năm, bảo hiểm y tế tốt, hưu bổng đầy đủ. Nếu bị ra toà rồi mất công việc đó thì sẽ thiệt hại vô cùng. Và nhờ báo chí được tự do, những việc tham nhũng, hối lộ rất dễ bị khui ra, xác suất bị truy tố rất cao. Nếu một hệ thống để cho xác suất bị bắt thấp, mà sự trừng phạt cũng nhẹ, thì chắc chắn sẽ sinh ra tham nhũng, hối lộ.

Làm sao để cho xác suất tội tham nhũng bị khui ra càng cao càng tốt, đó là một cách giảm bớt tham nhũng. Muốn vậy thì ngoài guồng máy tư pháp chính thức, cần phải có nhiều bộ máy tư nhân tham dự việc tố giác tội tham nhũng. Xã hội công dân càng phát triển thì càng nhiều người để làm công việc đó. Có nhiều người sẵn sàng làm công việc đó, vì có lợi cho họ. Ðó là các nhà báo. Ai điều tra ra những vụ tham nhũng và loan tin sẽ được nhiều người đọc, nhiều người kính trọng. Chính họ sẽ tự nguyện đi tìm ra những tin tức đó. Cho nên có hai điều kiện để xã hội sống có tín nghĩa hơn: Báo chí tự do và hệ thống tư pháp nghiêm minh. Ðó là những bảo đảm cho guồng máy hành chánh trong sạch hơn. Chính áp lực tinh thần của xã hội chung quanh là yếu tố tối cần thiết giúp nạn tham nhũng bớt đi. Khi mọi người cùng nghĩ rằng sống ngay thẳng, lương thiện là chuyện tự nhiên, ăn hối lộ, đút tiền là việc bất thường, thì phép lạ xã hội không còn là phép lạ nữa.



No comments: